Con người là sinh vật của những câu chuyện.
Chúng ta sinh ra từ những câu chuyện và được nuôi lớn bởi những câu chuyện. Chúng ta học về tất cả mọi thứ qua những câu chuyện. Chúng ta yêu ghét, giận hờn, nhớ nhung, nuối tiếc hay hài lòng qua những câu chuyện được kể (hoặc không được kể).
Thế nhưng, không có mấy ai tự đặt ra câu hỏi "Tại sao những câu chuyện này lại tồn tại?". Hầu hết xem đây là một điều hiển nhiên, đã luôn tồn tại và sẽ luôn tồn tại. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những con người coi việc đi tìm những câu chuyện mới, những ý tưởng mới hay tự mình sáng tác những tác phẩm để đời là mục đích sống của họ.
Mình thì chọn đi tìm ý nghĩa tồn tại của "những câu chuyện", và chia sẻ hành trình của mình qua series này.
I. Về "câu chuyện" và "câu truyện".
Đối với mình, "câu chuyện" và "câu truyện" là hai khái niệm khác nhau. Tuy có một số điểm chung lớn, nhưng hai từ đồng âm này có kha khá những khía cạnh khác nhau.
Ảnh bởi
Stewart Munro
trên
Unsplash
Một câu chuyện được kể, bởi người dẫn chuyện với một hoặc nhiều người khác đang lắng nghe. Hành động "kể" là hành động chủ động của người dẫn chuyện, và hành động "nghe" là hành động thụ động của các thính giả.
Một câu chuyện được diễn tả bằng lối văn nói hoặc hành động, có thể được biến tấu và biểu diễn bởi người dẫn chuyện hoặc diễn viên nhằm truyền đạt một những cảm xúc, kinh nghiệm, giá trị nghệ thuật như mong muốn,...
Nói đơn giản, khi người ta kể, người ta kể một câu chuyện.
Ảnh bởi
Anthony Tran
trên
Unsplash
Một câu truyện được đọc, bởi độc giả, từ một tài liệu hoặc một cuốn truyện tranh nào đó. Hành động "đọc" là tiếp nhận thông tin và nghệ thuật một cách chủ động của một hoặc nhiều độc giả.
Một câu truyện được diễn tả bằng lối văn viết, hoặc những bức tranh minh họa, hoặc những ký tự đặc biệt mà tác giả sử dụng để truyền đạt cảm xúc, kinh nghiệm hay dụng ý nghệ thuật như mong muốn.
Nói đơn giản, khi người ta đọc, người ta đọc một câu truyện.
Mặc dù có những điểm khác nhau gần như đối lập về cách truyền đạt và lượng thông tin tiếp nhận được, những "câu chuyện" và "câu truyện" đều mang trong mình những ý nghĩa, bài học, ý nghĩa nghệ thuật hay phục vụ mục đích dạy học, giải trí của người dẫn chuyện/truyện.
Trên hành trình này, mình sẽ dùng hai từ này tùy theo ngữ cảnh nên đừng vấp ở đâu nhé!
P/s: Không có gì là hoàn hảo.
Tuy hiện tại chúng ta có hai "khái niệm" có vẻ tách biệt và dễ dàng phân biệt với nhau, có một số hoàn cảnh, chúng ta không thể (và không nên) quyết định rằng nó là một "câu chuyện" hay "câu truyện". Nét đẹp của một tác phẩm không chỉ nằm ở cách nó được truyền đạt, mà còn ở trong chính sự tồn tại của bản thân nó.
Ảnh bởi
Reuben Juarez
trên
Unsplash
Tiếp theo, ở phần 2 của series, mình sẽ đi vào chủ đề "Những câu chuyện lâu đời đến mức nào?"