Sức Mạnh Của NGÔN NGỮ HÌNH ẢNH Trong Thực Hành Điện Ảnh
Trong bất kì của một bộ môn nghệ thuật nào, cũng hiện diện trong nó những nguyên tố nội tại riêng; với sân khấu, ta thấy trong nó tính...
Trong bất kì của một bộ môn nghệ thuật nào, cũng hiện diện trong nó những nguyên tố nội hàm riêng; với sân khấu, ta thấy trong nó tính kịch, sự cường điệu và sức nặng từ tác động của lời thoại; với hội họa, ta thấy được sự tương quan lẫn nhau về màu sắc, cách vẽ, các trường phái đến những mối quan hệ biện chứng chặt chẽ giữa suy tư của họa sĩ và khả năng cảm thụ của người xem; điện ảnh cũng là một phần tử trong hệ thống những ngôn ngữ nghệ thuật có liên hệ với nhau như thế, đồng thời tự thân nó cũng sở hữu những thứ ngôn ngữ đặc thù riêng – ngôn ngữ hình ảnh.
Trong quá trình truy cầu sự học của mình, người viết đã có dịp nghe giảng và chứng kiến những hình thái độc đáo, khác biệt nhau giữa điện ảnh và truyền hình; đối với truyền hình, nhà làm phim thường sử dụng thoại và lối diễn có sự ảnh hưởng nhất định từ sân khấu để làm kim chỉ nam cho công tác kể chuyện của phim, bởi mục đích của truyền hình, trước nhất chính là của đại chúng, do đại chúng và vì đại chúng, tất cả phục vụ cho nhu cầu đại chúng. Một ví dụ nho nhỏ về vấn đề này, bộ phim truyền hình được làm ra thế nào để một bà nội trợ đứng trong bếp đang nấu ăn, khi nghe thấy tiếng phát ra từ bộ phim vẫn có thể hiểu được tiến trình của bộ phim, nhưng với điện ảnh thì lại là một câu chuyện khác…
Điện ảnh, về mặt kỹ thuật chỉ là một thước phim dài từ 90 phút đổ lên, được chiếu trong phòng tối, nhưng đối tượng mà nó phục vụ lại có sự phân nhánh rõ rệt. Một số bộ phim được làm ra cho nhu cầu giải trí số đông, số khác lại phục vụ thị hiếu của giới chuyên môn, người có mong muốn tìm hiểu nghệ thuật hay tầng lớp hàn lâm; nói chung, tuy được làm ra cho đối tượng nào, thì khả năng tiếp cận của điện ảnh có phần phức tạp hơn truyền hình rất nhiều. Cũng vì thế mà đặc thù của điện ảnh đã sản sinh ra những chất liệu độc đáo nhất định, điều mà người viết muốn nhắc đến ở đây chính là “Ngôn Ngữ Hình Ảnh”.
Đạo diễn Emir Kusturica từng nói: “Theo tôi, sai lầm của một số đạo diễn mới vào nghề là tiếp cận điện ảnh như là một hình thức kịch thu hình, nghĩa là anh ta đã muốn kể câu chuyện của mình bằng phương thức điện ảnh, nhưng lại tự làm mất vai trò áp đặt quan điểm thị giác, ngôn ngữ chính yếu để làm ra nó. Điều càng trở thành sự chống lại một đạo diễn điện ảnh là khi anh ta để ưu tiên cho diễn viên sử dụng ngôn ngữ lời thoại và hành động diễn, ngôn ngữ đặc trưng của sân khấu mà quên mất việc sử dụng ngôn ngữ đặc thù của một tác phẩm điện ảnh, chính là: Ngôn ngữ hình ảnh".
Đối với một số nhà làm phim trẻ, khi mới tiếp cận đến công tác làm phim, họ thường chưa tìm thấy một khả năng cảm thụ mang tính tác giả, mà phần nhiều để cho những tác động từ quá khứ tác động vào quá trình làm phim. Những đạo diễn trẻ khi thực hiện một bộ phim, họ thường bỏ qua tầm quan trọng, sức nặng của hình ảnh trong khả năng kể và dẫn dắt câu chuyện mà chỉ tập trung vào lối diễn xuất và lời thoại; có lẽ cũng bởi một thời gian dài họ lớn lên trong sự phủ sóng ảnh hưởng toàn cầu của truyền hình, từ đó dần hình thành trong tâm thức rằng một bộ phim chính là phải diễn ra như thế, nhưng điều đó hoàn toàn chưa đủ…
Dùng một ví dụ nho nhỏ về trải nghiệm của chính người viết – cũng là một đạo diễn trẻ còn đang học tập trên ghế giảng đường. Trong một lần làm phim cuối năm nhất, với chủ đề tự do, người viết đã mạo hiểm chọn đề tài liên quan đến thời kỳ hậu chiến, đại diện là hình tượng người lính bước ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam, tồn đọng trong họ vẫn là những dư chấn, biến động đau thương từ thời cuộc. Thế rồi chuyện gì đến cũng đến, nhiều người đặt câu hỏi cho người viết làm thế nào tái hiện lại được bố cục của cuộc chiến trong khả năng chi phí sinh viên có hạn?
Trong quá trình nuôi ý tưởng và phát triển nó, đã vô số lần người viết trở nên bất lực trước bài toán kinh tế khi làm phim chiến tranh này, thế rồi nhờ những bài học về tính kể chuyện của ngôn ngữ hình ảnh trong lớp “Nghiệp Vụ Đạo Diễn”, người viết dần dần tìm ra cho mình được câu trả lời…
Để trọn vẹn hoàn thiện ý đồ từ kịch bản của mình, người viết đã sử dụng đến cách quay nhân vật qua một màn hình máy chiếu… Với lối quay này, người viết đã tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn mà không phải tốn công dựng lại bối cảnh thực tế, đồng thời hình ảnh chiến trận sẽ ám lên người của diễn viên, từ đó càng nhấn mạnh sức nặng từ tác động của cuộc chiến đến với tâm lý của người lính thời hậu chiến. Âu tất cả cũng là nhờ khả năng dẫn dắt câu chuyện đầy tính độc đáo của Ngôn Ngữ Hình Ảnh!
Nếu để hình ảnh chiến tranh xuất hiện sau lưng mà không ám lên cơ thể nhân vật, ý nghĩa phân cảnh sẽ hoàn toàn khác, mà để nhân vật đứng phía sau màn hình thì ý nghĩa câu chuyện lại càng khác so với ý đồ đạo diễn ban đầu, việc để hình ảnh ám lên người nhân vật chính là một ví dụ cho khả năng kể chuyện bằng hình của điện ảnh. Thế mới nói dân trong ngành thường kháo nhau câu nói: “Show, don’t tell” là vì vậy.
Khả năng kể chuyện của hình ảnh là vô hạn tiềm năng và hoàn toàn không có biên giới cố hữu nào, biên giới duy nhất có lẽ nằm ở cảm quan tinh thần của người đạo diễn, vì thế khi làm một bộ phim, điều quan trọng chính là đừng biến nó thành một phiên bản kịch thu hình trống rỗng về mặt quan điểm thị giác, mà hãy sử dụng hình ảnh để truyền tải trọn vẹn góc nhìn - cái tôi - chủ đích - ý đồ - như một thứ vũ khí độc đáo phục vụ cho mục đích kể chuyện!
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất