Sứ vụ Đời...
(Mình xin copy lại một Note bên Facebook mình viết cách đây mấy năm. Facebook bây giờ ẩn Notes đi, khó kiếm thật, và có lẽ không phù...
(Mình xin copy lại một Note bên Facebook mình viết cách đây mấy năm. Facebook bây giờ ẩn Notes đi, khó kiếm thật, và có lẽ không phù hợp để viết kiểu blog nữa rồi.)
Có một điều gì đó thôi thúc mình chia sẻ lại câu chuyện này nhân một ngày cuối tuần cuối năm…
Đó là một buổi sáng hơi mờ sương trên đường đi San Diego, khi thấy một bãi biển, “tourguide” của mình, Mạnh Hùng — người bạn cấp 3 (nay đã là thổ địa ở bển) cho xe tạm dừng để nghỉ ngơi, hít thở khí giời:).
Bỗng thấy 2 chiếc xe đậu như thế này, bọn mình đưa máy ảnh lên chụp.
Đây 2 xe nối đuôi nhau thế này đây.
Đang định đến gần để nhìn rõ các thông điệp trên xe, thì một bác gái vẻ mặt phúc hậu, mắt dịu, sâu và sáng nhẹ nhàng tiến tới, và ôn tồn nói hãy “donate” vào một hộp giấy nhỏ bà cầm trên tay. Bối rối, bọn mình bảo là không mang theo tiền, bác gái bảo thế về xe mà lấy cũng được, tôi chờ. Sau khi Hùng quay lại xe lấy tiền lẻ để ủng hộ, bác gái kể qua là hai vợ chồng già rong ruổi khắp nơi trên 2 chiếc xe này, mình ngỏ ý muốn lên xe thăm “nhà di động” ấy.
Bác giai rất xì-tin :)
Lúc lên xe thì mình thấy một bác giai ngồi ở góc, đặt cuốn sách đang đọc xuống, và cứ thế kể chuyện. Bác như một nhân vật trên phim cổ tích với bộ râu dài bạc phơ, hai mắt kính vui, sáng lấp lánh. Bác kể bác và bác gái có một quá khứ không tốt lành gì, và nhờ có Chúa họ gặp nhau và cuộc sống họ tốt hơn, họ enjoy rong ruổi qua khắp các nẻo đường. Mình thì không rõ lắm, có thể gọi là “sứ vụ” truyền các thông điệp của Chúa chăng? Thấy các bác ấy happy nhẹ nhàng như thế mình cũng thấy lây lây:) và cả một sự ngưỡng mộ, trân trọng con đường sứ vụ cuộc đời họ theo đuổi, ngay cả khi đã xế bóng. Mình nghĩ là nhiều người ngại nói về tôn giáo, như thể “thần thánh” quá, nhưng quả thực các giá trị tinh thần mà những ai đó theo đuổi thật là đáng quý, khiến họ đẹp hơn thì phải? Mình đã tình cờ gặp những nét đẹp ấy ở bạn Việt và các bạn theo thực dưỡng tuần trước ở FPT Poly, các bạn cùng ký túc ở Sydney 2 năm trước mà tối thứ 2 hàng tuần đều có sinh hoạt hát Thánh Ca và chia sẻ, ở bà Dadi Janki mấy năm trước nữa khi bà sang Việt Nam… Họ toát lên vẻ nhẹ nhàng trong mỗi nét ứng xử, và ánh mắt dịu, sáng, nhiều năng lượng…
Chú cún rất cute, mình đang chậc chậc gọi:)
Đây là chụp sát xe để bạn nhìn một số thông điệp nhé. Và Bác giai đang kể cho mình một bí mật. Ai muốn biết thì pm nhé:)??
Lan man đến đây, mình nghĩ tới thêm một chuyện mong muốn chia sẻ. Năm vừa rồi mấy anh chị em quen biết cùng rủ nhau sang Israel dự hội thảo và thăm quan (và sau đó có dịp sang Palestine thăm Bethlehem nơi Chúa sinh ra đời). Dân tộc Do Thái với những thành tựu hoành tráng thì ai cũng biết rồi, và nảy sinh một câu hỏi là điều đó từ đâu ra? Rất nhiều xuýt xoa có thể có như “gene” sẵn rồi, đẻ ra đã “thông minh” sẵn. Người Do Thái quả thực chỉ thừa nhận một đứa con là Do Thái khi mẹ nó là người Do Thái (có 2 cách lý giải mà mình biết: (1) vì chỉ bố là Do Thái thì… chưa chắc đó đã là người bố thật. (2) Người Mẹ mới là người mang nặng đẻ đau, và người con là một phần máu thịt, phần tâm hồn gần gũi nhất). Nhưng bạn Israeli nào chúng tôi gặp cũng khăng khăng không phải là di truyền sinh học mới tạo nên thành công, mà đó chính là văn hoá được lưu truyền. Tất nhiên đó là một văn hoá chịu khó, mạnh mẽ, chủ động, thực tiễn, minh mẫn.
Vẫn tự hào về các thành tựu, nhưng họ cũng nhấn mạnh đó không phải do gene sinh học, mà là văn hoá truyền thống đặc trưng…
Hôm qua, mình mới đọc tới truyện “Hai anh em” trong tập “Truyện kể Do Thái” (quảng cáo một chút, mình đọc trên ứng dụng Alezaa.com của anh Thành, một ‘crazy fan’ của văn hoá Do Thái). Mình thấy đây là một câu chuyện hơi buồn về việc từ bỏ truyền thống (mà ở đây là Do Thái giáo) của người em do bị dụ dỗ, rồi sau đó rất nhiều sự việc khác phải trả giá tiếp theo sau. Dưới một lớp vỏ một câu chuyện về tư duy logic và nhiều tình tiết ly kì khác, việc truyền thông điệp phải giữ cho được truyền thống văn hoá là rất rõ ràng. Cũng xin “mở ngoặc thêm” sau khi đọc comment phía dưới của anh Thành, không phải truyền thống văn hoá nào cũng thúc đẩy phát triển, một văn hoá mang tính chủ động, gợi mở, thiết thực thì áp dụng được cho nhiều thế hệ, một văn hoá đóng khung hoặc yếm thế hay mong đợi điều thần kì giúp đỡ mà ít tốn công thì thiết nghĩ cũng cần cải tiến.
Tuần trước, mình có tâm sự với một người đồng nghiệp cùng làm cách đây tầm 5–7 năm, nói là anh em mình hồi đó nghĩ đến tiền ít quá, lý tưởng quá, thành ra chẳng kiếm được mấy dù cũng có đóng góp này nọ. Và nhận được câu trả lời: “ Do level cả thôi, chưa đạt tầm đó thì ráng mà chịu, không thể đổ tội kiểu lý tưởng, hay là đổ lỗi cho cơ quan ấy công ty ấy “bạc bẽo” mình được”.
Cũng vẫn trở lại câu chuyện ngưỡng mộ “thần kỳ” Israel, hay Nhật, hay Sing, Hàn… hay những tấm gương thành công xung quanh… thì tự thấy là “tay làm hàm nhai” thôi, những “lấp lánh” ấy đằng sau là cả một sự nỗ lực liên tục không ngừng, chứ đâu có phải là “thần thông” gì đâu… Tất nhiên “level” của từng người dân nơi ấy, cái nền vững + với sự nỗ lực ấy, cũng đã được chuẩn bị tốt qua nhiều thế hệ, không thể nghĩ quá đơn giản về “thần kỳ” Nhật Bản, “thần kỳ” XYZ được…
Tự thấy mình với level thấp ấy, với độ lười, với độ lờ mờ về “sứ vụ” cuộc đời và cả độ còn xa lắm những “nét đẹp” tự nhiên trên kia, thì cũng tự thấy không có gì khúc mắc. Chẳng đổ tại ai, chả chê trách ai, chả tôn sùng ai quá được, do mình tại mình cả thôi… Chịu gõ, thì cửa mở, gõ ít lần chưa được thì gõ nhiều, gõ nhiều không được thì…niệm chú “Vừng ơi, mở ra đi mà” =))) (hhihi, không muốn cái kết là đạp đổ cổng trường Thực nghiệm đâu ạ ;)).
Chém vui góp nhặt tí, mong cũng được vài ba like động viên của bà con anh chị.
(P.S: Trong khi bài chém này ra đời và câu được vài like, thì những con người level cao vẫn đang miệt mài hành động (và đó chính là ngôn ngữ của họ). Họ tạo nên những sản phẩm, thành tựu thực bên ngoài facebook để chúng ta tán thưởng hoặc ném đá trên facebook. Hết P.S I love you.).
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất