Mình muốn chia sẻ một điều mình rút ra sau khi xem các bộ phim kinh dị, gần nhất là 2 bộ phim về Megalodon. Mình đoán là đã có người để ý, cũng có người không, cũng có thể bạn đã biết nguyên nhân, mình thì chưa. Thời gian xuất hiện của các tác nhân kinh dị này chiếm rất ít thời lượng phim. 
Mình thì không phải là coi quá nhiều phim để mà đi đến kết luận như thế. Nhưng các bạn có để ý rằng giả sử 90 phút phim đã chiếu thì những cảnh kinh dị, những nhân vật kinh dị xuất hiện chưa đến 5 phút? Hoặc có những lúc mà chúng xuất hiện một cách rất không rõ ràng và mơ hồ? Chúng làm bạn phải tốn hơn 90 phút mới biết được mọi chi tiết về chúng! 
Aaa, điều đó thật sự khó chịu đôi lúc, nhưng nó vẫn kinh dị hoặc ít nhất là mình vẫn phải giật thót mình với vài màn jump scare.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều mình muốn nói. Thứ mình muốn chia sẻ ở đây đó là Sự vô hình là thứ khiến con người sợ hãi. 
Kết quả hình ảnh cho meg

Cũng có thể không phải nguyên nhân chính khi mà sợ hãi là tập hợp của rất nhiều yếu tố. Nhưng việc lợi dụng hiệu ứng tâm lý này của con người mà rất nhiều bộ phim, mở rộng ra là rất nhiều tác phẩm thành công rực rỡ. 
Một hiệu ứng tâm lý khá là thú vị. Khi con người không biết rõ về một thứ gì đó, họ sợ nó. Tại sao con người sợ đại dương? Vì họ mới chỉ hiểu rõ nó 3%. Chỉ 3% thôi. 97% còn lại, hoặc là trống rỗng, hoặc là có những thứ chờ được khám phá. Và ai mà biết chúng có phải là những thuỷ quái trong truyện kể, hay tiếp tục chỉ là biển và biển? Không ai biết cả. 
Có một tình huống thú vị khi mình xem tv show hướng dẫn sinh tồn đảo hoang, mới hôm qua thôi. Nếu sống trên đảo hoang, thứ bạn cần ưu tiên đó là nước ngọt và lương thực, tránh những bệnh thông thường cũng cần thiết nữa. Hãy đặt mình vào tình huống này, nếu là bạn, bạn kiếm lương thực như thế nào? Mình cá phần đông mọi người sẽ đưa ra lời khuyên thực tế và cực kỳ hợp lý là Biển là nguồn tài nguyên vô tận. Set up đồ là lặn kiếm ăn thôi nào! Nhưng bạn có dám lặn không? Tất nhiên là nếu đã đói không còn cách gì khác thì bạn chỉ có nó là phao cứu sinh. Nhưng thật sự bạn sẽ lặn chứ? Chúng ta không biết có gì dưới đó cả... 
Quay lại chủ đề thì việc không hiểu rõ khiến bạn sợ, là tiền đề của sự hồi hộp và căng thẳng. Các bộ phim giấu đi con cá mập lớn trong hơn nửa bộ phim. Bạn biết nó thật ghê rợn, bạn cũng sợ, nhưng bạn chẳng biết nó thế nào =)) Vì thế bạn vẫn phải tiếp tục coi. Bởi bạn thích cảm giác này. Adrenaline, Oxytocin được tiết ra khi bạn trong tình trạng này. 
Vậy, vẫn đang có rất nhiều người áp dụng hiệu ứng tâm lý này vào đời sống thực tế. Điển hình thì như chúng ta phân tích nãy giờ, là các bộ phim. Nhưng việc hồi hộp này bạn còn áp dụng được vào những đâu nữa. Suy nghĩ một chút nhỉ. Mấu chốt ở đây chắc không phải là gieo rắc sự sợ hãi vào xã hội rồi, chắc chắn thế :D Chúng ta lợi dụng việc không hiểu rõ kích thích sự hồi hộp và đặc biệt là sự tò mò của người khác. 
Một diễn giả trình bày: Hôm nay tôi sẽ giải thích cho các bạn rằng chìa khoá để thành công chỉ đơn giản là: sự quyết tâm. So sánh với Trong vài phút tới, tôi sẽ chia sẻ điều mà tôi tin là chìa khoá để thành công trong vai trò doanh nhân, và cách mà bất kỳ ai trong các bạn có thể trau dồi kỹ năng này. Bạn sẽ thấy manh mối trong câu chuyện tôi sắp kể. 
Hai cách mở đầu khác nhau của một bài hùng biện về Sự quyết tâm. Nhưng nếu mình mà được nghe cái cách mở đầu thứ nhất, mình sẽ kiểu Nah! Quyết tâm sẽ làm được tất cả? Ý cô là vậy phải không? Tôi biết điều đó rõ như cô biết vậy. Và mình sẽ tắt tab Youtube đó mà chuyển sang một video mới. Nhưng nếu bắt đầu bằng cách thứ 2, ít nhất mình cũng sẽ phải lắng nghe diễn giả này trình bày thêm một vài phút trước khi nhận ra ý đồ của cô ta và rời bỏ. Nghe từ khoá "thành công", "doanh nhân" thôi là đã đủ kích thích rồi phải không? Nhưng cô ấy áp dụng rất thành công nguyên lý mà mình đã nói. Mình biết chìa khoá thành công, nhưng mình không biết rõ liệu có đúng cô ấy đang đọc suy nghĩ của mình không nhỉ? Đó... là một nước đi hay đấy :D Nhưng mà nếu đó là một cuốn sách thì mình sẽ skip anyway vì ít ra Youtube có nút x2 tốc độ. Tóm lại, đây là một cách mở đầu các bài thuyết trình, các bài viết rất hay nếu các bạn không biết mở đầu như thế nào. Rắc một chút sự kịch tính, một chút tò mò, nhưng hãy cắt bỏ sự thật ẩn giấu, bạn sẽ có một mở bài hoàn hảo để thu hút sự chú ý. Điều còn lại là thân bài thôi. 
Hôm nọ, mình nằm lướt facebook, mình khá là lười. Bên các tab video ấy, các bạn lướt xem bao nhiêu video cũng không hết. Mình dừng ở một cái video dài khoảng 10 phút có cái cap là quảng cáo. Người bình thường ai coi quảng cáo làm gì? Nhưng mà nó tận 10 phút đấy. Nhắc đến 10 phút thì chắc nhiều người biết ngay đó là quảng cáo của Thái Lan :)) Đến với quảng cáo Thái Lan, bạn sẽ không biết rằng đó là quảng cáo hay là phim cho đến khi nó bắt bạn đội mũ bảo hiểm và cua một khúc cua cực gắt, tổ lái bạn đến với mục đích thật sự. Thì thật sự, với cái cap Quảng cáo... thì mình có thể dễ dàng bỏ qua mà. Nhưng mà lỡ coi vì mình cũng tò mò. Mình biết nó là quảng cáo, nhưng mình không biết rõ nó là cái gì. Cho đến khi mình nhận ra mình bỏ gần 10 phút để coi một cái quảng cáo lăn khử mùi??? wtf :D 
(Minh hoạ thôi :D)
Nhưng nó cũng làm mình suy nghĩ (Tất nhiên là không phải cái lăn khử mùi làm mình phải suy nghĩ rồi). Hiệu ứng tâm lý này ứng dụng rất nhiều trong đời sống. Vấn đề là tìm và nhận ra nó thôi. Bên cạnh đó thì mình cũng nhận thấy là tại sao họ lại chọn việc kể một câu chuyện có phần nhảm nhí và quá đời thường như vậy? Liệu đó có phải là do họ quan tâm đến trải nghiệm cảm giác của người xem?
Nếu được hỏi rằng bạn muốn được biết câu chuyện hay muốn được trải nghiệm câu chuyện thì phần lớn mình nghĩ ai cũng sẽ trả lời là trải nghiệm thú vị hơn chứ.  Nó tương tự như việc bạn sẽ đấm vỡ mồm bất kỳ thằng nào spoil endgame vì bạn chưa được coi nó. yah, và đó là lý do câu chuyện là đời thường đến vậy. Một số quảng cáo trình chiếu một loạt review của người nổi tiếng, đó cũng là một cách. Nhưng mình cảm nhận nó không hiệu quả bằng việc những câu chuyện kể. Con người vốn luôn có khả năng kết nối. Điều này đã có từ thời tổ tiên xa xa nhất của chúng ta. Tổ tiên ta tụ lại với nhau bên đống lửa. Theo truyền thống thì người lớn tuổi hơn sẽ kể những câu chuyện đúc kết những kinh nghiệm quý báu còn những đứa trẻ sẽ nghe và tưởng tượng ra mình sẽ là nhân vật nào trong đó. Con người luôn có khả năng mô phỏng trải nghiệm. Bạn nghe một người bạn kể về việc nó đã trộn 10 loại mắm và nước chấm khác nhau và vị của nó như shit. Bạn không cần ăn cũng có thể hình dung nó tởm thế nào. Các câu chuyện càng gần gũi bao nhiêu, bạn càng dễ mô phỏng trải nghiệm bấy nhiêu. Đây là một ý tưởng quan trọng. Công ty Apple là một ví dụ. Thiết kế của các sản phẩm Apple đơn giản nhưng bằng nhiều cách khác nhau, trải nghiệm của nó thật tuyệt vời. Rất nhiều người sẽ chi tiền ra cho những sản phẩm của apple dù cho nó như thế nào đi nữa. Và càng ngày càng có nhiều công ty bắt đầu chú ý đến việc nâng cao trải nghiệm người dùng. Nhưng! Bạn sẽ phải rất cẩn trọng vì đôi lúc đó chỉ là cái slogan sáo rỗng mà nếu bạn tin theo, bạn đã bị lừa bởi các nhãn hàng. 
Khi viết tới đây thì bài viết đã lạc xa rất rất là xa cái chủ đề chính rồi ;D nhưng đó là những ý tưởng rất hay nên tóm tắt lại thì:
- Con người sợ hãi, hồi hộp, tò mò về những điều họ chưa biết rõ.

- Đổi thành ngôn ngữ áp dụng: Kích thích nhưng không tiết lộ.

- Áp dụng trong các bộ phim, bài viết, hùng biện, thuyết trình, quảng cáo, tiếp thị,... như thế nào là tuỳ vào suy nghĩ của mỗi người.

- Con người có khả năng kết nối trải nghiệm của nhau, càng gần gũi càng dễ dàng. Nâng cao trải nghiệm là một trong những vấn đề cần chú trọng khi đưa ra sản phẩm bất kỳ. Nhưng đối với người tiêu dùng thì đôi lúc đây là cái bẫy.

- Adrenaline và Oxytocin là chất gây nên sự hồi hộp, tò mò, hạnh phúc. Bằng cách tìm hiểu quá trình tiết ra các chất này và lợi dụng nó vào kinh doanh, quản cáo tiếp thị sẽ thu hút được sự chú ý.