Sự vô cảm - "căn bệnh" tâm lý đáng lưu tâm
Để bắt đầu 1 blog về trải nghiệm cuộc sống, thì bài đầu tiên tôi chia sẻ sẽ là về một trong những trải nghiệm đắt giá và đau đớn nhất...
Để bắt đầu 1 blog về trải nghiệm cuộc sống, thì bài đầu tiên tôi chia sẻ sẽ là về một trong những trải nghiệm đắt giá và đau đớn nhất đối với tôi, đó là về sự vô cảm. Hi vọng mọi người sau khi đọc xong sẽ có những sự chiêm nghiệm để tránh những sai lầm mà tôi đã từng mắc phải.
Điều gì khiến tôi trở nên vô cảm?
Vốn sinh ra trong một gia đình được cả bố và mẹ chiều chuộng, không phải lo nghĩ, từ những việc nhà nhỏ như rửa bát, nấu cơm, quét nhà, hay thậm chí là ăn sáng đều được chuẩn bị sẵn sàng sau khi ngủ dậy. Đã có lần tôi từng “dỗi” mẹ vì chuẩn bị đồ ăn sáng muộn khiến tôi không kịp ăn đã phải đi học. Đúng vậy, đọc tới đây là bạn đã có thể hình dung ra được một phần nào đó sự “sung sướng” của tôi. Nhưng từ từ đã, tôi cũng có “lí do” ngụy biện cho tính cách coi trời bằng vung này mà! Từ nhỏ tôi đã có những “thành công” kha khá: Được tuyển vào đội bóng quận Ba Đình từ năm lớp 3 – vô địch giải thành phố Hà Nội, tham gia tuyển trường của tất cả các trường từng theo học từ cấp 1 tới Đại Học, giải nhất cuộc thi lắp ghép Lego hồi lớp 1, được lôi vào lớp chọn Toán cấp 2, IQ test đạt 132 năm lớp 8 (thành viên thứ 604 của Vietnam High IQ society),… Viết tới đoạn này phải thú thực là dopamine của tôi được đẩy lên khá cao. Những thành quả trên kể ra mà nói cũng không có gì quá đặc biệt, ít nhất là tới khi tôi quyết định viết bài blog này, vì tôi nhận ra là với từng đó “thành công”, và tôi hiện giờ vẫn đang phải loay hoay trong guồng quay cuộc sống. Dù sao thì, khi bạn còn nhỏ và được gia đình yêu quý với những thành tựu trên, bạn sẽ trở nên độc đoán, khó chịu, nghĩ mình là nhất. Và tất nhiên, với “cặp kính” nhìn đời như vậy thì ý kiến của những người khác thường không được tôi để ý, và thường sẽ khá khó chịu nếu có người góp ý không tốt về mình (sau này tôi sẽ có một bài viết nói về cái tôi của mỗi người).
Nhận thức về sự vô cảm
Và mọi việc cứ diễn ra như vậy cho tới thời điểm này 2 năm trước (9/2016). Cụ thể nó là sự kiện gì thì chắc sẽ cần 1 bài blog khác vì nó khá dài. Nhưng dù sao thì, sau khi đón cú sốc đầu tiên của cuộc đời, tôi nhận ra rằng mọi thứ xung quanh đều sẽ không hoạt động theo cách mình mong muốn. Nghe có vẻ rõ ràng, nhưng tôi từng nghĩ khác. Những người thân bên mình, những người luôn âm thầm ủng hộ, sẵn sàng vỗ về bạn mỗi khi vấp ngã, đều sẽ không thể ở bên bạn mãi mãi được. Nhưng chúng ta thường không nhận ra giá trị của những người như vậy cho tới khi họ không còn ở bên (tới đây là nghĩ ngay tới bài Let her go – Passenger nhỉ). Đọc tới đây có thể nhiều người nghĩ rằng mình không như vậy, dù sao thì điểm yếu của tất cả mọi người đều là nhìn nhận sai lầm của bản thân mà, vì con người vốn loài vật có logic khá kém (đã bao nhiêu lần bạn nhận ra thói quen xấu của bản thân nhưng vẫn tiếp tục làm?). Khi mà bạn không nhận ra được giá trị của những người bạn tốt xung quanh, bạn coi chuyện đó là chuyện thường tình, thì có nghĩa là bạn đã “bị” vô cảm. Tôi từng vô cảm với những hành động chăm sóc từ bố mẹ, vô cảm với những lời xin giúp đỡ (“giúp mày rồi mày lại thế thôi, giúp cả trăm lần rồi còn gì”, “nhắc mãi chán rồi” ai từng nghĩ thế nhỉ?), coi những sự trợ giúp của người khác là đương nhiên, vì nghĩ rằng là mình thì mình cũng giúp. Nhưng thực sự có khó gì đâu lời nói “cảm ơn” chân tình mà sao chúng ta lại thường quên mất. Đâu có khó gì đâu một bữa cơm về ăn bên bố mẹ mà sao chúng ta lại thường lấy lí do là “bận” không về được. Tôi hi vọng mọi người dành thử 5 phút nhìn lại, xem mình đã từng nói những lời lẽ không đúng với những người yêu thương mình như thế nào, rồi cả những lần mình từng nói điều gì đó khiến người khác phật lòng (kể cả là góp ý tốt thì cũng cần xét đến cách đưa ra góp ý đó) để nhận ra mình đã từng “vô tâm”, và hãy nghĩ cho thật kỹ, vì bước đầu tiên để sửa sai là phải thấy mình sai đã mà. Từ khi nhận ra mình đã từng vô cảm như thế nào, tôi đã có thể trân trọng hơn những người xung quanh. Từ đó tôi nhìn nhận cuộc sống một cách tươi đẹp hơn khi xung quanh những người quan tâm tới tôi nhất vẫn luôn ở bên. Và điều đáng nói ở đây, đó chính là hiệu ứng 2 chiều của việc này: Khi bạn cảm thấy biết ơn từng con người, từng hành động, từng sự trợ giúp của họ, bạn sẽ thấy biết ơn họ hơn, và khi bạn đã biết ơn họ hơn, thì bạn lại càng trân trọng những điều tốt đẹp họ dành cho bạn.
Lời kết
Để kết thúc bài viết đầu tay thì tôi muốn gửi tới các bạn một khái niệm trong đạo Phật, đó là “vô ngã” và “vô thường”. Mọi sự vật, hiện tượng chúng ta gặp phải đều góp phần tạo nên con người ta ngày hôm nay, đó là vô ngã. Và mọi sự vật, hiện tượng chúng ta đang gặp phải hiện giờ (từ tình yêu thương, sự đau, giận, yêu, ghét) đều sẽ đến một lúc nào đó không còn nữa, đó là vô thường. Vậy hãy trân trọng từng giây từng phút, đừng quá buồn đau vì một chuyện, vì rồi thì nó cũng sẽ qua.
-HD-
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất