Với các nhà khoa học, thời gian là một khái niệm đơn giản, được đại diện bằng đồng hồ, chia làm 24 giờ trong một ngày. Nhưng với các nhà triết học và thậm chí là người bình thường, phạm trù thời gian vẫn là một khái niệm rộng lớn và đầy bí ẩn, và nó thường gắn liền với hai trạng thái đối lập, với sự mâu thuẫn vốn đã tồn tại từ lâu.
Khi nhắc đến thời gian, ta thường nhắc đến sự thay đổi nghiệt ngã mà nó đem lại, nhưng liệu rằng có phải chỉ có vậy? Liệu rằng sự vĩnh hằng có là một phần của thời gian? Câu trả lời là có, và sự vĩnh hằng gắn nhiều hơn với thời gian vật lí. Thời gian vật lí được đo bằng giây, phút, giờ, khi mọi vật dù có suy chuyển thế nào thì thời gian vẫn đi theo con đường của riêng nó. Kể cả ngày mai mọi sự sống trên Trái đất ngừng lại, đồng hồ vẫn cần mẫn chạy đều. Ta có thể lười biếng, không làm việc vào hôm nay, nhưng thời gian vẫn đi, vẫn theo cái nhịp chảy trôi đều đều, với một vận tốc không đổi, không chờ đợi cũng chẳng ngừng trôi. Một ngày vẫn có 24 giờ, một năm vẫn có 12 tháng, cứ đông qua rồi xuân lại tới, cứ hạ đi thì thu lại sang. Mọi chuyện có bắt đầu thì bắt buộc phải có kết thúc, nhà thờ kia có nguy nga đến đâu thì cũng có ngày sụp đổ, ông vua kia có trường thọ bao nhiêu thì cũng có ngày phải chết, và bông hoa kia có nở rồi sẽ có lúc tàn, con người cũng thế, ai rồi cũng phải trải qua vòng xoay Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Mọi vật đều thay đổi nhưng thời gian thì không bao giờ đổi thay, đó là quy luật, là cái vĩnh hằng, bất biến của thời gian.
Nhưng ta có nhận ra trong sự vĩnh cửu ấy vẫn tồn tại sự thay đổi như ta vẫn thường nói hay không? Ngày còn bé, ta mong mãi Tết mới về, nhưng lớn lên, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết cả một thập kỉ. Có những ngày nằm dài mong đến hết ngày, nhưng cũng có những ngày chẳng kịp làm gì đã đến đêm. Sự nhanh chậm trong cách cảm nhận về thời gian, người ta gọi là thời gian tâm lí, và càng lớn, ta càng nhận ra một điều: Càng trưởng thành thời gian trôi càng nhanh. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do, nếu giải thích dưới góc độ khoa học thì bắt nguồn từ hai lý do chính: chuyển động saccade của mắt và sự phát triển của não bộ. Khi ta tiếp nhận một hình ảnh nào đó, hình ảnh sẽ đi vào võng mạc và có một hố nhỏ sẽ thu nhận thông tin hình ảnh. Vì vậy, để có thể nhìn bao quát toàn bộ môi trường, mắt con người phải đảo liên tục vài lần trong một giây, và các thông tin sau mỗi lần đảo mắt ấy sẽ được não bộ xử lí và ghép lại thành bức tranh tổng thể. Sự đảo mắt ấy, gọi là chuyển động saccade của mắt. Và theo giáo sư Adrian Bejan (Đại học Duke, Mỹ), chu trình xử lí hình ảnh và cảm giác về độ nhanh chậm của thời gian tỉ lệ nghịch với nhau. Khi còn trẻ, chưa biết nhiều về thế giới xung quanh, ta cảm thấy mọi thứ đều mới lạ và những chuyển động saccade của mắt đều xử lí thông tin hoàn toàn mới nên bạn sẽ cảm thấy thời gian trôi chậm hơn. Còn khi trưởng thành, đã quen thuộc với những hình ảnh đó, bạn sẽ cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn. Thứ hai là vì sự phát triển của não bộ. Khi trưởng thành, não bộ phát triển hơn và con đường xử lí thông tin cũng vì thế mà trở nên phức tạp. Ta cần nhiều thời gian để xử lí thông tin khi về già nên cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn. Đây cũng là lý do những người già thường kém nhạy bén hơn so với lớp trẻ nhưng lại không cảm thấy thời gian trôi chậm. Ngược lại, khi ta còn nhỏ, não chưa phát triển phức tạp và chu trình xử lý thông tin cũng đơn giản, tốc độ xử lí thông tin nhanh, vậy nên ta cảm thấy thời gian trôi chậm. Nhưng nếu nhìn điều này dưới góc độ thông thường thì là do áp lực cuộc sống và sự bận rộn của người trưởng thành đã khiến chúng ta như chạy đua với thời gian. Ta cứ mải mê vùi đầu vào công việc, với các mối quan hệ xã hội, nhiều khi chẳng có thời gian dành cho bản thân chứ đừng nói là việc nhìn đồng hồ. Cái vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền nó cuốn chúng ta đi lúc nào chẳng biết, và khi ngoảnh lại thì không biết bao năm rồi ta chưa về nhà. Hơn nữa, khi trưởng thành, những trải nghiệm mới ngày càng ít đi. Ta không còn cảm thấy mới mẻ với mọi thứ xung quanh, và cũng chẳng kỉ niệm hay gắn một dấu mốc như ngày đầu tiên đi học, ngày mua nhà mới,… như ngày còn nhỏ. Và ta cứ sống đều đều như thế, cũng chẳng quan tâm đến những ngày đặc biệt, nên không còn chờ mong, mà không còn chờ mong thì cũng chẳng cảm thấy thời gian trôi chậm.
Sự luân chuyển của thời gian, còn gắn liền với sự nghiệt ngã của số phận. Ngày hôm nay nói lời yêu đấy, nhưng một thời gian sau đã đau khổ chia tay rồi. Thời gian trong tình yêu, có thể biến những cặp đôi yêu nhau thành những người xa lạ. Thời gian với thiên nhiên, có thể biến một vườn hoa đẹp thành một bãi đất hoang (Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng). Và thời gian với mọi thứ, có thể đảo chiều được vạn vật. Đôi khi ta chỉ biết trách móc và than phiền về sự khắc nghiệt ấy mà không biết rằng đó là một phần vốn có của cuộc sống. Những ai làm chủ được thời gian sẽ nhìn sự khắc nghiệt ấy với con mắt nhẹ nhàng hơn. Họ không hối tiếc về những gì đã qua, không dằn vặt bản thân quá nhiều, vì đơn giản, họ đã tận dụng tối đa thời gian mình đã có. Không lãng phí, không trì hoãn, sống chậm nhưng không lề mề, bắt kịp thời đại chứ không sống vội, những con người ấy không bị mắc kẹt bởi vòng xoáy của thời gian. Ngược lại, những ai không biết tận dụng hết giá trị của thời gian, sẽ luôn sống trong sự hối tiếc, dằn vặt bản thân, và với những con người ấy, thời gian là kẻ thù số một.
Thời gian đôi khi thật mâu thuẫn và khó hiểu. Thời gian gắn với sự vĩnh hằng nhưng trong sự vĩnh hằng lại có sự biến thiên. Và dù phức tạp, con người chỉ có một cách sống chung với nó, đó là sống có ý nghĩa hơn và tận hưởng những khoảng thời gian giá trị, vì thời gian qua đi không bao giờ trở lại và “bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không”.