Cách  đây độ 1 tháng, Neuralink – một startup của Elon Musk – giới thiệu một  con chip được cho là có khả năng stream âm nhạc trực tiếp đến não bộ của  con người. Con chip này có thể giúp đỡ những người bị Parkinson’s và  các rối loạn thần kinh khác, chữa khỏi căn bệnh trầm cảm, các chứng  nghiện, thậm chí, Musk muốn công nghệ này có thể phát triển để khiến con  người cạnh tranh được với AI. Vị tỷ phú này đã nhiều lần bày tỏ quan  điểm rằng sự phát triển vượt bậc của AI đặt ra mối đe dọa hiện sinh đối  với nhân loại: con người có nguy cơ bị AI đối xử như vật nuôi trong nhà,  trừ khi công nghệ được phát triển để có thể kết nối não bộ với máy  tính. Cùng với nhà phát minh, nhà tương lai học (Futurist) Ray Kurzweil,  hai người cam kết không để cho sự phát triển của AI vượt ngoài tầm kiểm  soát, với mục tiêu sử dụng AI để cải thiện chất lượng sống của con  người.
Nguồn ảnh: Neuralink

Con  chip của Neuralink là một ví dụ đại diện cho việc xã hội hiện đại biến  cuộc sống con người ngày càng gắn chặt với máy móc hơn. Những năng lực  giác quan vốn được sử dụng vì mục đích sinh tồn thì nay được chuyển đổi  mục đích sử dụng cho sự hưởng thụ, chẳng hạn như để nghe nhạc Bethoven  và Binz. Theo thời gian, chính các giác quan cũng sẽ được thay thế bởi  máy móc trong tương lai với sự lên ngôi của AI. Tự ngẫm lại cách mà một  người hiện đại tương tác, sử dụng, nhìn vào máy, ta có thể thấy rằng  thời gian con người dùng máy móc ngày càng tăng lên, thời gian giao tiếp  giữa người với người ngày càng giảm dần: khi con người trong trạng thái  phụ thuộc vào máy móc quá lớn, không sớm thì muộn sẽ trở thành người  lai máy, hay còn gọi là Cyborg. 

Như  một lẽ tất yếu, công nghệ sẽ thay thế một số ngành đang trong thời kỳ  đỉnh cao ở thời điểm hiện tại, một trong số đó chính là ngành công  nghiệp thẩm mỹ.

Điểm  báo trước dấu hiệu suy tàn của ngành thẩm mỹ nằm ở việc ngành công  nghiệp này đem lại siêu lợi nhuận. Sự siêu lợi nhuận này đã thúc đẩy đầu  tư phát triển khoa học – công nghệ để có thể khai thác, mở rộng thị  trường, tiếp cận đến nhiều người với giá thành ngày càng rẻ. Phải nói rõ  hơn, bản chất của ngành thẩm mỹ không chỉ là bán một cái mũi, một đôi  mắt hai mí hay chiếc cằm V-line. Ngành công nghiệp này thực ra đang kinh  doanh giấc mơ dựa trên sự phi lý trí mà những cô nàng hiện đại tin theo  và tự áp dụng với chính mình: xinh hơn sẽ hạnh phúc/thành công/…(thích  gì điền nấy) hơn. 

Khi  phẫu thuật thẩm mỹ mới xuất hiện, cả xã hội lên án, bỉ bôi những trường  hợp đầu tiên thực hiện việc này. Giờ đây, thẩm mỹ dần trở thành một  tiêu chuẩn làm đẹp mà người phụ nữ nào cũng có thể chạm tới nếu muốn,  với chi phí hoàn toàn có thể chi trả được. Trước đây, việc tiến hành  nâng ngực trông có tí thẩm mỹ có giá từ 5-10 nghìn $ chưa tính hậu phẫu,  thì với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc nâng ngực chỉ có giá  từ 40 triệu đồng ở thời điểm hiện tại. Mức chi phí ngày càng rẻ, trở  nên “đẹp hơn” bằng phương pháp thẩm mỹ là loại dịch vụ mà phụ nữ nào  cũng có thể tiếp cận được. Chẳng bao lâu nữa, ngành công nghiệp này sẽ  bão hòa và không còn tạo ra sự khác biệt, con người tương lai hoàn toàn  có thể nhìn việc nâng ngực bây giờ thô bạo, man rợ và dã man như thời kỳ  nguyên thủy dùng đá để nắn răng vậy. Việc tầng lớp đại chúng có thể dễ  dàng tiếp cận đến dịch vụ thẩm mỹ với mức giá hợp lý sẽ được thúc đẩy  bởi sự phát triển của khoa học – công nghệ, hệ quả tất yếu là gây ra sự  biến mất của ngành này. Thứ động cơ duy nhất còn đủ sức kéo một người đi  thẩm mỹ chính là những giấc mơ, nhưng ngay cả điều này, ngành thẩm mỹ  cũng sẽ buộc phải dâng 2 tay cho công nghệ.

Mới  nghe thì có vẻ khó tin, nhưng việc một ngành công nghiệp bị loại  bỏ/phát triển lên hình thái cao hơn đã từng xảy ra trong quá khứ dưới  cái tên Cách mạng công nghiệp. 

Thế giới viễn tưởng - hoài cổ (retro-futuristic) nơi động cơ hơi nước tiếp tục phát triển đến các thế kỷ sau

Ba  thập niên đầu tiên của thế kỷ 19 chứng kiến sự phát triển của động cơ  hơi nước: động cơ nhiệt thực hiện công việc cơ học sử dụng hơi nước vận  hành những cỗ máy cơ khí. Thời đó người ta cho rằng công nghệ này là  đỉnh cao nhân loại rồi: các nhà máy có thể xây dựng ở bất kỳ đâu, không  chỉ dọc theo các dòng sông chảy xiết, hàng hóa được vận chuyển trên đất  liền bằng phương tiện khác không phải là cơ bắp của con người hay động  vật. Người ta còn tạo ra thế giới khoa học viễn tưởng, viễn cảnh tương  lai hoài cổ (retro-futuristic), nơi động cơ hơi nước vẫn được sử dụng  vào những thế kỷ sau. Tất nhiên, điều này không xảy ra, và động cơ hơi  nước được thay thế bằng động cơ đốt trong, công nghệ kỹ thuật số, siêu  máy tính, rồi trí tuệ nhân tạo. Tác động của cách mạng công nghiệp lên  hình thái kinh tế - xã hội là điều không thể tránh khỏi.

Lịch sử phát triển cách mạng công nghiệp

Ở  một ví dụ khác, ngành công nghiệp ô tô đang tập trung phát triển xe tự  lái. Điều này đồng nghĩa với việc, khi xe tự lái được phát triển thành  công, thứ mà các nhà tư bản trong ngành công nghiệp này quan tâm không  còn là phát triển khách hàng nữa. Thứ họ cần là lịch trình, hình nude,  email, tài khoản ngân hàng... những thông tin cá nhân của bạn. Để hỗ trợ  cho việc này, những chiếc xe tự lái có khi còn được phát miễn phí để  bạn sử dụng.

Và  khi con người bán chính bản thân, thông tin cá nhân cho các tập đoàn,  chính phủ, được cấy máy móc, sống trong thế giới thực tế ảo để đổi lấy  tiện nghi công nghệ, cái ngày con người chết chìm trong ảo tưởng về sự  tự tin của mình đang đến rất gần. Suy cho cùng, thẩm mỹ vốn để tạo ra  một vẻ đẹp khác biệt, nhưng khác biệt làm gì khi các bạn nhìn vào gương  qua một cái kính đã nối internet, bao nhiêu cái mụn đều đã được xóa  sạch, khuôn oval hay V-line đều đã được chỉnh cho hợp thời, khuyến mãi  thêm cả một tâm hồn siêu đẹp không cần mất thời gian để massage cho mềm  mại? 

Với AI, cố định trong một sự khác biệt bởi thẩm mỹ sẽ được định nghĩa là lạc hậu. 

--

Bài  viết phân tích dựa trên logic của tư bản. Với những đất nước định hướng  xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, Trung Quốc và Nga, nơi đề cao và định  nghĩa rõ ràng thế nào là một con người, thế nào là tính người, mình tin  rằng thực tại này sẽ được chính phủ kiểm soát để không xảy ra. Vì như  triết gia Martin Heidegger đã tiên lượng từ trước, logic phát triển khoa  học – công nghệ theo định hướng tư bản sẽ biến mỗi cá nhân trở thành  thực thể máy móc mà thôi.