Công việc mơ ước của hôm qua chưa chắc là công việc mơ ước của hôm nay. Điều đó cũng tương tự với việc vùng trưởng thành mà bạn đã từng chinh phục vào thời điểm vài năm trước rồi cũng sẽ trở thành vùng thoải mái mà bạn đang loay hoay trong giây phút này.
“Can you share about your dream job?” 
“Actually I had already worked for my dream job the last 2 years”. 
[…]
Một chút xót xa xen lẫn giữa cảm giác bình thản, nhưng rồi mình nhận ra, vậy là cuối cùng mình đã có thể nói ra điều này với một tâm thế khác!
Vài hôm trước khi tạm biệt nơi chốn đã từng gắn bó gần 2 năm trời, mình đã được chị đồng nghiệp động viên rằng: “Hãy cứ tin tưởng vào quyết định của mình. Và một khi đã quyết định rồi, thì hãy cứ nhìn về phía trước và đừng ngoảnh đầu lại. Chị mong em dù làm bất kỳ công việc gì thì cũng có thể giữ niềm nhiệt huyết như ngày đầu chị em mình gặp nhau trong phòng họp, khi em trình bày ý tưởng về BRC.” 
Thật khó khăn khi bạn dồn hết mọi tâm tư, tình cảm, sức lực, thời gian cho một điều mà bạn đã từng nuôi dưỡng suốt gần mười năm. Nhưng sẽ càng khó khăn hơn nữa khi bạn đứng giữa quyết định tiếp tục hay từ bỏ thứ vốn dĩ đã từng là tất cả đối với bạn. Rồi khó khăn đó sẽ càng tăng thêm gấp bội khi bạn dứt áo ra đi và vùng vẫy giữa một mớ hỗn độn mà bạn không biết trước được sẽ có điều gì đang chờ bạn ở phía trước. 

Bạn là ai? 

Nhiều tháng về trước, câu cửa miệng của mình sẽ là: “Tôi là Trang, hiện đang là BTV tại…”. Hẳn là một phản xạ được não bộ điều khiển một cách tự động như tính năng tự lái của chiếc xe Tesla!
Nhưng chức danh đó chỉ tồn tại khi mình vẫn còn đang làm công việc này. 
Vậy thì, mình sẽ là ai khi không còn là một biên tập viên nữa? Liệu rằng có bất kỳ danh xưng nào khác mà mình có thể lấp đầy vào khoảng trống đó hay không? Giây phút bất chợt xuất hiện những dòng suy nghĩ ấy, mình vẫn rất say mê và yêu thích những gì mình đang làm. 
Hóa ra không chỉ riêng mình có câu hỏi ấy. Những ngày lúng túng với dòng suy nghĩ rối nùi như tơ vò – về tương lai, về con đường nghề nghiệp, và nhiều hơn thế nữa, mình đã tìm cách reconnect với một người anh mà mình tin có thể giúp mình tìm được những lời giải đáp trong giai đoạn ấy. 
Thế nhưng, anh cũng không khá hơn mình là bao khi chính anh cũng phải đang vật lộn với những nỗi lo âu của riêng anh (mà mình cho là tương tự với mình). 

Kim chỉ nam của bạn là gì? 

Mình rất thích một bài tập nhỏ trong đợt tập huấn “Mindfulness Based Compassion and Happiness” cách đây chừng 5 năm do Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ (Cựu Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia tại Bhutan) dẫn dắt:
“Hãy thử tưởng tượng bạn đang nằm trên giường bệnh và bác sĩ thông báo với bạn rằng bạn chỉ còn một tháng để sống. Vậy bạn sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó?”
Trước khi đi vào vấn đề này, mình sẽ nói sơ qua một xíu về khái niệm GDP.
Ngày nay, các quốc gia trên thế giới hầu như đều sử dụng chỉ số GDP (Gross Domestic Product) như một công cụ phát triển chính sách quốc gia, để đo lường sự tiến bộ của một xã hội. Song, GDP sinh ra có vai trò là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế trong phạm vi lãnh thổ nhất định.
GDP không quan tâm đến những vấn nạn tiêu cực (mại dâm, ma túy). GDP có thể đo được giao dịch và tài chính, nhưng không thể hiện những con số đó đem lại kết quả như thế nào. Khi chiến tranh xảy ra, các quốc gia phát triển lại càng có cơ hội tăng GDP nhờ vào việc buôn bán vũ khí. Phá rừng, chặt cây, nạo vét cửa sông cửa biển, GDP tăng.
Trong khuôn khổ gia đình, vợ chồng đi làm không có thời gian chăm sóc con cái, họ thuê người giúp việc, thuê người trông nom con, GDP tăng. Con cái đổ bệnh, họ đưa con đến bệnh viện, GDP cũng tăng, mà lẽ ra họ sẽ không phải tốn khoảng chi phí ấy nếu như con cái họ được bố mẹ chăm sóc chu đáo, kỹ lưỡng.
Khi GDP trở thành một chuẩn mực, các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ đặt ra câu hỏi rằng: “Hoạt động này có làm tăng GDP hay không?”. Khi GDP trở thành kim chỉ nam cho mọi thứ thì ngày càng có nhiều hiện tượng con người bị mất kết nối với chính bản thân họ, với những người xung quanh, và với thiên nhiên.
Muốn hạnh phúc, trước hết mỗi con người chúng ta phải biết kết nối với chính bản thân mình, cân bằng giữa thế giới nội tâm với môi trường bên ngoài. Điểm bắt đầu là chính chúng ta, sau đó hãy lan tỏa sang vợ chồng, anh chị, bạn bè, đồng nghiệp… Bên cạnh đó, kết nối với thiên nhiên cũng là một trong những yếu tố cốt lõi mà hẳn rất nhiều những con người thành thị, hiện đại đã vô tình lãng quên.
Và mình thì, mình luôn mưu cầu hạnh phúc. 

Khi thời gian là hữu hạn

Quay trở về với bài tập nhỏ trên, hẳn sẽ không một ai muốn phí phạm một giây, một phút nào bị lãng phí và vô nghĩa. Và hẳn sẽ không có ai chỉ muốn dành nốt khoảng thời gian giới hạn của mình để tìm kiếm tiền tài, địa vị và danh vọng.
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…”
Thời gian đã dạy cho mình rằng cuộc sống này luôn vận động và phát triển không ngừng. Hôm qua bạn thích màu xanh lá, nhưng hôm sau bạn đã lỡ yêu màu đỏ mất rồi. Hôm qua bạn mong muốn điều A, nhưng rồi hôm sau, bạn nhận ra mình chỉ có thể hạnh phúc hơn nếu bạn có được điều B. 
Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Song, có một điều mình chắc chắn rằng, công việc mơ ước của hôm qua chưa chắc là công việc mơ ước của hôm nay. Điều đó cũng tương tự với việc vùng trưởng thành mà bạn đã từng chinh phục vào thời điểm vài năm trước rồi cũng sẽ trở thành vùng thoải mái mà bạn đang loay hoay trong giây phút này.
Có chăng công việc mơ ước là công việc mà bạn tìm được cảm giác đủ đầy, hài lòng và hạnh phúc khi làm mỗi ngày, chứ không gói gọn ở thứ gọi là “chức danh nghề nghiệp”. Thời gian thì hữu hạn, mà chúng ta hẳn ai cũng có nhiều hơn một gạch đầu dòng trong bảng Bucket List…
Và sau cùng, mình là Trang, chỉ vậy thôi. Là Trang – một cá thể riêng biệt, độc đáo và duy nhất.