Chào các bạn, lại là mình, phóng viên thường trú dài hạn tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây :))) Sau màn come back  Phần 1, rất cảm ơn những tình cảm, đóng góp và nhận xét về bài viết của mình. Những upvote (khủng nhất từ trước tới giờ trên tổng số 19 bài), comment (khen chê, ủng hộ) của các bạn là động lực vô cùng to lớn để mình từng bước hoàn thành mục tiêu đăng bài đều đặn cũng như nối dài thêm 2 series Alibaba Bơi ra biển lớn trong năm 2019 <3
Như đã hứa ở bài trước, bài này mình sẽ trở lại với một chủ đề mới toanh: nông thôn Trung Quốc thời hiện đại. Phạm vi bài viết xoay quanh khu vực ba tỉnh miền Trung: Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây. Thực ra hàng xóm của nó còn An Huy nữa, nhưng An Huy là một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc, lối sống và văn hóa không giống với ba tỉnh vừa đề cập bên trên. Nói đến đây, không phải mình phân biệt đối xử giàu nghèo đâu nha :p, mà đã khoanh vùng khu vực, thì phải có những điểm tương đồng để dễ bao quát hơn. 
Sau khi gõ lên gõ xuống, gõ mãi mà cảm thấy bài vẫn chưa đâu vào đâu, nếu ôm cả vào cái bài này, thì mình chắc không ai thèm đọc bởi nó dài như sớ luôn :v Mình quyết định chia bài Nông thôn này thành 2 tập. Tập 1 - hành trình về nông thôn Trung Quốc, khí hậu, ẩm thực, ngôn ngữ, cảnh quan.
Tập 2- VĂN HÓA, CON NGƯỜI ~ coming soon <3
Nào, let's go! Cherish sẽ dẫn các bạn về với những nẻo đường "tuyết trắng" :v
ảnh nghệ thuật không? quá đẹp so với quy định :p
Ngắm tí tuyết Hồ Bắc cho nó lãng mạn phát đã ;)

Rồi, điểm qua tí địa lý kinh tế cho nó cụ tỉ, rõ ràng. 
Ở Trung Quốc đại lục (không kể Hongkong, Macao, Đài Loan), trừ Bắc Kinh, Thượng Hải - 2 siêu đô thị cấp thế giới, 8 đại diện còn lại trong danh sách top 10 đại gia, gọi tên 5 đại diện đến từ miền Nam Trung Quốc, trong đó Quảng Đông có 2 anh em nối khố - Thâm Quyến, Quảng Châu (lần lượt top 3 và 4). Hai diện khác đến từ miền Đông (Thiên Tân, Thành Đô).Trong top 10 thành phố giàu có nhất Trung Quốc, cách đây vài năm còn có Vũ Hán của Hồ Bắc, nhưng nay vị trí thứ 9 và 10 ấy đã thuộc về Nam Kinh và Tô Châu của tỉnh Giang Tô. Nói đến bảng xếp hạng này để chỉ ra rằng, miền Nam Trung Quốc có kinh tế vượt trội hơn so với các khu vực khác nói chung, và Quảng Đông là tỉnh giàu nhất nói riêng.
Thành phố mình đang sinh sống và làm việc - Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam của Trung Quốc. Miền Nam Trung Quốc có khí hậu khá giống miền Bắc Việt Nam, không quá lạnh, nhiệt độ trung bình mùa hè dao động từ 28-32 độ C, mùa đông khoảng 17- 25 độ. Ngược lại, 3 anh em cây khế Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây kia lại thuộc miền Trung, khí hậu khác rõ rệt. Chỉ có 2 mùa là Đông và Hè. Mùa Đông siêu lạnh, và mùa hè cũng siêu chảy mỡ :v 
Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây là ba tỉnh trung du miền núi và nằm trên lưu vực sông Trường Giang, hàng xóm láng giềng, có lịch sử, văn hóa tương đồng. Nhất là người dân ở ba tỉnh này tập trung rất nhiều để làm ăn, sinh sống tại Thâm Quyến.
Từ Thâm Quyến về 3 thành phố thủ phủ: Nam Xương - Giang Tây, Trường Sa - Hồ Nam và Vũ Hán - Hồ Bắc mất khoảng 16 tiếng đi tàu hỏa, 4 tiếng tàu siêu tốc trên không, 2 tiếng máy bay và 20 tiếng đi ô tô tự lái (bao gồm nghỉ ngơi 3-4 tiếng dọc đường). Vì cái khoảng cách xa lắc lơ như vậy nên người Trung chỉ về quê đông nhất vào 2 dịp: tết Trung Thu và tết Nguyên Đán bởi thời gian nghỉ dài (1 tuần cho tết Trung Thu và 2 tuần cho tết Nguyên Đán). 
Cuộc hành trình mệt mỏi về quê ăn Tết của người Hoa được gọi là Xuân Vận. Mình từng có bài viết về hành trình ăn Tết tại Hoàng Cương Hồ Bắc cũng khá chi tiết về quãng đường đi bằng xe khách. Quãng đường gần 4000km này được miêu tả cụ thể và ngắn gọn nhất trong 2 từ: MỆT VL :v Có đi cùng mới biết người Trung tìm việc và làm ở các thành phố lớn mệt mỏi như thế nào, di chuyển xa, muốn tự chủ về cung đường, nghỉ ngơi thì tự lái xe mệt phờ râu. Muốn đặt vé tàu hỏa, vé tàu siêu tốc trên không thì phải canh me đặt sớm, về quê sớm, khoảng 20 tháng Chạp đã phải về rồi. Còn sau mấy ngày ấy, thì có thể đặt vé máy bay hoặc đi ô tô tự lái. Mà vé máy bay thì siêu đắt, và cũng chỉ về được tới thành phố thủ phủ. Sau đó lại là công cuộc bắt taxi chung/ bus về nhà ở các thị trấn lẻ.
Sở dĩ như vậy bởi cung đường về quê của xe khách Trung Quốc hoàn toàn là cao tốc, không có chuyện xe được bắt khách dọc đường. Bạn phải ra bến xe, mua vé, đúng xe, đúng tuyến. Rồi bạn cũng chỉ đến được đến bến xe của thành phố thủ phủ, sau đó lại tự bắt bus về điểm gần nhà. Tóm lại, có ô tô về vẫn cứ là tiện hơn. Hoặc bạn biết lái ô tô mà chưa có ô tô thì cũng cứ mạnh dạn lên mạng tìm những nhóm đi chung, kiểu độc thân về quê, thay nhau lái, đến nơi share 300-400 tệ lộ phí. 
Quãng đường từ Thâm Quyến về đến miền Trung Trung Quốc khá thú vị, vì thời tiết thay đổi cực rõ rệt. Ở Thâm Quyến bạn có thể mặc quần áo mùa hè, nhưng đến trạm dừng chân ở Giang Tây, thì phải mặc thêm một mớ quần áo lông lá. Sau đó khí hậu cứ rét dần khi đi qua Hồ Nam và rét cực điểm tại Hồ Bắc. Hai bên trập trùng đồi núi, màu héo úa hết, nhìn phát chán cả ra luôn, hầy.
Cứ khoảng 500 km đường cao tốc, các bạn sẽ bắt gặp 1 "Service Area" - trạm nghỉ chân dành riêng cho ô tô tự lái (Xe khách đi cao tốc làn khác nhé). Mỗi Trạm nghỉ này được xây dựng vô cùng hiện đại với các nhà hàng, quầy hàng bán đồ ăn nhanh như trứng luộc, ngô luộc, màn thầu, bánh bao, cháo; đến các quán tạp hóa bán nước ngọt, đồ ăn khô, quà cáp. Nhưng giá cho các đồ ăn được bán ở đây thường đắt gấp 3 bình thường, nên nhiều gia đình chuẩn bị sẵn đồ ăn hoặc mì tôm cốc. Nước nóng được chuẩn bị sẵn ở các khu vực máy nước nóng. Phần đông nam giới trung niên lại hay có thói quen uống trà bằng bình giữ nhiệt. Mùa đông có nước nóng cứ gọi là the best!
Máy nước nóng, ở dưới la liệt mì tôm :3
Dọc hành lang là một vài cụm máy massage, máy tự phục vụ, mỗi một lần massage, quét mã 10 tệ, được massage và sạc được điện thoại cũng trong 15 phút. Không thì cứ nằm đó nghỉ cũng không vấn đề gì cả :))) Tuy nhiên thời tiết lạnh nên người ta thường nghỉ ở trong xe, có điều hòa ấm áp.
Một góc service area
Bàn ghế được bố trí tại khu ăn công cộng riêng, có người thường xuyên lau dọn, không sợ bẩn. Nhà vệ sinh được xây dựng khá sạch sẽ, rộng rãi, riêng biệt. Gần khu vực nhà vệ sinh có phòng nghỉ cho Mẹ và trẻ sơ sinh, để các mẹ cho con bú, hoặc thay tã .Tùy khu vực nghỉ chân ở các tỉnh, nhưng họ đều phân bố ít nhất 2 giường, phòng sạch sẽ, ấm áp. 
Phía ngoài sân là bãi đậu xe, trạm xăng và các bốt sạc điện. Đằng sau còn có khách sạn cho thuê nghỉ theo 2 giờ một.Bạn không thể book qua đêm được mỗi dịp tết, vì lượng người nghỉ đêm tại các trạm dừng rất đông. Không book được, thì nằm ngủ trong xe, vật vờ chút nhưng cũng ấm áp. Bạn có thể ngủ được tối đa 3 tiếng ban đêm vì bên ngoài rất ồn ào, xe ra vào liên tục, tiếng còi, tiếng người gọi nhau, ánh sáng từ các ô tô khác chiếu vào nữa. Sự chênh lệch nhiệt độ trong xe và bên ngoài khiến cả xe được bao bọc bởi một lớp sương mù. Và cũng càng phải cẩn thận với những cung đường ban đêm bởi sự nguy hiểm khi lái xe trong tình trạng mệt mỏi hoặc những khu vực có tầm nhìn bị hạn chế bởi sương mù dày đặc.
Đi đường ở Trung Quốc, mình có thú vui là hay ngắm các biển báo, để học thêm chút tiếng Trung tên các địa danh. Nhưng thứ hay đập vào mắt là các lỗi sai tiếng Anh được in to chình ình trên biển. Đang buồn ngủ cũng phải bật cười mà tỉnh vì những biển báo như " No not drive closely" :v hoặc hóng những biển số xe hịn như này :o
Chắc biển đắt hơn xe
Cuộc hành trình mệt mỏi cũng sắp kết thúc khi bạn đã về đến thị trấn. Từ đây, quang cảnh thoáng đãng hơn với trập trùng núi, những khu nhà nằm cạnh nhau trước mặt những quả đồi.
Nhiệt độ thông thường của mùa đông bên này khoảng 5-6 độ. Tuyết hay rơi về đêm, đến hôm sau thì tan hết. Còn hóng mãi mà không thấy tuyết rơi đẹp như ảnh con ngựa bên trên, thì lên núi ngắm nhé. Lên núi quang cảnh cũng cứ là mê li, có điều một đứa lười vận động như mình thấy mệt không thở nổi :((
Trên đỉnh núi Hồ Nam
Trên này lạnh quá, xuống núi xem cư dân sinh sống như nào nào :v Kiến trúc nhà của nông thôn Trung Quốc về cơ bản không có nhiều sự khác biệt. Họ thường xây theo kiểu nhà ống, bên trong rất rộng, và chủ yếu là 3 tầng. Tầng 1 để tiếp khách, phòng bếp, phòng ăn, tầng 2 là phòng sinh hoạt gia đình, tầng 3, nhiều nhà chả để làm gì :v Vì xây to là cứ đua đòi thôi, người ta xây cả 3 tầng, chẳng nhẽ mình xây 2? Nhiều nhà chỉ có 3-4 người cũng xây cái nhà to vật. Đa số họ là những gia đình có con theo chính sách 1 con của Trung Quốc những năm 1988- 1996. Một năm chỉ về 2-3 lần, xây to cho bằng họ bằng hàng, chứ ở cũng không là bao.
Nhà ở Giang Tây
Ẩm thực Trung Quốc là đề tài được rất nhiều người quan tâm. Nhưng với mình, ẩm thực Việt mới là số một - đa dạng phong phú, ít dầu mỡ, nhiều rau xanh, trình bày đẹp mắt. Hạ cố cho mấy điểm, thì bánh và canh soup khai vị của Trung Quốc khá ngon. Đấy là những điều bạn hay thấy ở các nhà hàng :v Còn ở nông thôn miền Trung Trung Quốc á? Lạnh còn chả buồn dậy nữa là ăn. Hoa quả là những thứ ít được ăn nhất khi mùa đông tới. Nước ngọt cũng phải được đun qua cho ấm mới dùng. 
Vì thời tiết siêu lạnh vào mùa đông, nên người dân miền Trung Trung Quốc ăn rất cay. Các món ăn đều được tẩm ướp ớt khô. Ớt tươi xanh được xào với đậu hũ khô và thịt, ăn ớt như mình ăn rau vậy. Vừa là vùng núi, lại thường xuyên có tuyết rơi nên rau cỏ ở đây không đa dạng và phong phú. Loại rau có thể sống được là các loại rau cải: cải bắp, cải ngọt, cải đắng, củ cải, cà rốt. Mấy món này được chế biến ngập dầu mỡ, hơi mặn so với khẩu vị của mình. Những bà nội trợ Trung Quốc có niềm tin mãnh liệt rằng ăn nhiều dầu mỡ auto ngon và dinh dưỡng :/. Họ cũng không nấu thức ăn với bột nêm, bột ngọt, hay đường. Tất cả họ cần chỉ là muối trắng và dầu ăn :3 Thịt được ưu tiên hơn cả trong các bữa ăn bình thường lẫn ngày Tết, cỗ chạp. Thịt dê, thịt bò, chân giò lợn thường được ướp muối phơi khô. Đến bữa cắt ra, rửa qua rồi xào nấu. Họ đặc biệt thích nấu lẩu với xương dê/ lợn và ngô ngọt. Dù có lượng thịt dồi dào nhưng người Trung cũng không có giò xào hay chả giò như của Việt Nam. Ngày Tết, họ ăn Cá chiên nguyên con như một phong tục, quan niệm ăn Cá những ngày đầu năm sẽ may mắn. Không có gà luộc, hay luộc bất cứ một món gì, còn rau ăn như kiểu rau thơm bên mình ấy. Nguyên nồi thịt to đùng, được khoảng 1 nắm rau con con.
Mâm cơm ngày Tết, ơ mà rau đâu rồi nhỉ? :o
Chuyên mục ẩm thực đến đây là kết thúc. Chuyên mục ngôn ngữ mới xin được phép bắt đầu nè :p
Chắc độc giả của Spiderum đến từ nhiều vùng khác nhau của Tổ Quốc, đều biết đến phương ngữ địa phương. Mỗi vùng có một ngôn ngữ đặc trưng, người miền Nam không giống miền Trung hay miền Bắc. Ngay cả những xã cạnh nhau, giọng nói của họ có MỘT VÀI từ phát âm khác một chút. Nhưng ở Trung Quốc, mỗi làng nói MỘT THỨ TIẾNG riêng. Bạn mà lấy chồng làng khác, thì phải học nói tiếng mới của làng ấy. Dĩ nhiên cũng có phần cơ bản giống, vấn đề là ngữ điệu và biến tấu của những từ khác nhau.
Người tỉnh này nghe người tỉnh khác nói chuyện cũng cứ như gặp người nước ngoài vậy, không hiểu gì hết :v Đến lúc này, người ta dùng tiếng phổ thông. Hồi mình mới sang thì thấy tiếng nào cũng ù ù như tiếng nào, mà giờ ở lâu, nghe phân biệt được giọng người đến từ 3 tỉnh này với giọng người Quảng Đông, ai nói tốt tiếng phổ thông và ai không nói tốt nữa. Một điều thú vị phải bật mí ngay, là họ cũng ngọng "l" - "n" và "r' -"d". Ví dụ từ 越看越好( càng nhìn càng đẹp), đọc bính âm là ( yue kan yue hao), thì nhiều người miền Trung Trung Quốc sẽ đọc là rue, k phải yue (à, khi nói tiếng phổ thông nha, còn tiếng địa phương đọc ra thành từ rọa :v).
Bộ mặt nông thôn Trung Quốc hiện đại của 3 tỉnh này có thể coi ở mức trung lưu, không giàu quá cũng không nghèo. Dân số có trình độ học vấn khá đồng đều. Người trẻ đi học, đi làm xa, người già ở quê trồng trọt và chăn nuôi lợn gà, trẻ nhỏ đi học mẫu giáo, tiểu học, trung học. Trường cấp 3 ở các vùng nông thôn thường xa nhà. Học sinh thường ở nhà người thân trên phố hoặc ở trường nội trú. Kể cả trường làng cấp 2 cũng có ký túc xá cho những học sinh nhà ở xa, trên núi cao hoặc không có người đưa đón. 
Ở nông thôn, chính phủ không cấm người dân đi xe máy. Nhưng xe máy cũng toàn đời cổ, nói nôm na là từ đời Thanh đời Tống, giá chỉ tầm 4-5 triệu/ cái cũng có, đi è è và khá là giật :v Yamaha thì toàn được biến thể thành Yema, rồi Honda cũng thành những cái chữ gì na ná vậy :v
Một tiệm xe máy ở Hồ Bắc
Nếu đồ nội địa Trung Quốc tại các thành phố lớn đều là hàng xịn xò, thì ở quê, ngập tràn hàng giả, hàng nhái. Hôm nọ mình thấy có bác ở trên trung tâm thị xã mang hộp bánh Danisa đi chúc tết, mình nghĩ bụng: "bên này cũng có Danisa à?" Đến khi nhìn gần hơn thì... lạy chúa trên cao, turn down for what???
Chắc Danisa phải khóc thét khi nhìn thấy ảnh này :v
Mua đồ ở vùng trung du bên này không tiện cho lắm. Vì từ gần các khu nhà ở không bán đồ tạp hóa, cần gì là cứ phải phóng xe máy lên chỗ trung tâm xã mà mua. Sắm Tết thì đánh xe lên thị trấn, rồi sắm cả 1 xe ba gác đồ, người về trước, xe về sau. Chẳng như ở quê mình, đi 2-3 bước là đến quán tạp hóa gần nhà mua những vật dụng hàng ngày rồi.
Tạm kết, so về quy mô đô thị, Trung Quốc đi trước chúng ta hàng nhiều năm kiến thiết, nhưng chất lượng cuộc sống nông thôn so với nông thôn Việt Nam lại kém phát triển hơn nhiều. Cũng chính vì sự chênh lệch quá lớn giữa tốc độ phát triển ở thành thị và nông thôn, nên rất nhiều người từ nông thôn ra các thành phố lớn làm việc mắc chứng tự ti, ngại giao tiếp. Họ ngại vì nói tiếng phổ thông chưa tốt, ngại vì sự choáng ngợp trước các đô thị văn minh. Điều này lại dẫn đến một hệ lụy khác trong xã hội - là sự phân biệt giàu nghèo, có học thức và không học thức. Ở nông thôn cũng có nhiều nhà giàu, những nhà giàu ấy lại là nhà quan chức địa phương. Lối sống của họ thế nào? Cuộc sống của những cậu ấm cô chiêu nông thôn ra sao? Tập 2 của phần Nông thôn ký sự này sẽ nói thật cụ thể về văn hóa và con người nhé! Keep following me! <3
Bonus cái fun video cảnh hậu trường MV đầu để câu upvote :p