Chào các bạn, lại là mình - điệp viên thường trú tại Trung Quốc đã trở lại rồi đây. Thật vui vì phần 9, đúng như sứ mệnh của series này, đưa ra những góc nhìn từ trong và chân thực nhất của Trung Quốc thời hiện đại. Bỏ qua những lùm xùm về bài viết gần nhất của mình về thuyết âm mưu trong và ngoài Trung Quốc, bỏ qua những lo lắng phập phồng truyền thông trong và ngoài nước ngày ngày đưa tin, cùng theo chân điệp viên 00 số tìm hiểu xem người dân ở Hoàng Cương, Hồ Bắc đang có cuộc sống như thế nào những ngày này nhé!
Trước hết phải nói qua về hoàn cảnh, công ty mình được nghỉ Tết từ ngày 18/1 đến 3/2 tức 24 tháng Chạp cho đến mùng 10 tháng Giêng. Với kỳ nghỉ lễ dài như vậy, nên ngay ngày 18/1 mình đã bay về Việt Nam và cùng nhóm bạn bay lại Trung Quốc ngày 23/1 về Hồ Bắc trượt tuyết. Nhóm bạn mình có cả người Trung và người Việt ở nước ngoài. Nhóm mình bay từ Hà Nội - Thâm Quyến, rồi cùng những người bạn bên này lái ô tô từ Thâm Quyến về Hoàng Cương, Hồ Bắc. Người bạn Việt Nam của mình đã bay về Thái ngay sau buổi trượt tuyết trước khi chính quyền bắt đầu phong tỏa Hồ Bắc. Ba bạn người Trung còn lại ở tỉnh Hồ Nam cũng kịp bắt chuyến xe cuối cùng về quê nhà. Vậy là hành trình bị kẹt lại ở tâm dịch của mình bắt đầu :(
Những ngày đầu, tâm trạng của mình vô cùng nặng nề vì không được về Việt Nam trong khi vé đã book sẵn từ trước kỳ nghỉ. Cảm giác những ngày cuối cùng của năm còn mắc một sai lầm nghiêm trọng, lạc lõng và trong đầu hiện lên hàng ngàn câu than trách "giá như" và "giá như". Trước Tết, thông tin về Vũ Hán chỉ rất phong thanh, và ai cũng nghĩ không đến Vũ Hán chơi thì không sao, nhất là mình lên tận núi cao trượt tuyết, xong cũng về Thâm Quyến rồi về lại Việt Nam lần nữa. Đại loại bọn mình không dính dáng gì đến Vũ Hán là sẽ không có vấn đề gì. Nhưng không, cuộc xuân vận dài nhất năm đã đem đến sự khủng hoảng và bùng phát không kiểm soát nổi của dịch bệnh. Hoàng Cương lại là thành phố cách Vũ Hán không bao xa, nên ngay từ mùng 1 Tết, tất cả người dân đều phải ở trong nhà, không được ra đường chúc Tết.
Suốt 26 năm cuộc đời, mình chưa bao giờ được chứng kiến qua một đêm giao thừa và những ngày đầu năm ảm đạm đến vậy. Những ngày đó mọi người xôn xao và hoang mang vô cùng vì họ không ngờ dịch bệnh đến nhanh và nguy hiểm đến vậy. Khẩu trang cũng có giá cao gấp nhiều lần, khan hiếm và quan trọng nhất là lúc đó bạn chưa biết ai đã nhiễm bệnh, ai chưa. Thứ cảm giác ra đường ai cũng như điệp viên, không biết là phe địch hay phe ta vừa thú vị vừa ghê ghê :3
Tuần đầu tiên của dịch bệnh, sau khi đã được phổ biến về việc rửa tay bằng xà phòng, hạn chế ra ngoài và ra ngoài nhất định phải đeo khẩu trang, người dân ở chỗ mình - huyện Kỳ Xuân vẫn có thể lái xe ra khỏi nhà để đến siêu thị mua các nhu yếu phẩm cho gia đình. Bọn mình vẫn có thể cùng đeo khẩu trang và lái xe ra ngoài hóng ngoài đường một tí dù đường lúc này cũng vắng lắm rồi. Đa số những người ra đường lúc này là các cặp vợ chồng ra ngoài sắm đồ, mấy cậu thanh niên đi mua snack. Người già và trẻ em lúc này không được ra ngoài dù chỉ một bước. Các cửa hàng có thể mở thời gian này chỉ có thể là hiệu thuốc, siêu thị, đồ dùng mẹ và bé.
Tuần thứ hai, phạm vi di chuyển của người dân được thu hẹp lại, các làng đều đổ đất chắn đường tại các khu vực ranh giới. Từ làng mình đi xa xa ra một chút có thể đến biên giới giữa hai tỉnh Hồ Bắc và An Huy. Khi đến nơi thấy đổ đất nên bọn mình đã ngay lập tức quay về. Nhưng suốt từ 2 ngày sau đó, đều đặn hàng tuần có cảnh sát bên An Huy gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe. Mình có thắc mắc là sao cảnh sát An Huy lại hỏi thăm, mình ở Hồ Bắc cơ mà? Thì bạn mình giải thích :" vì thuê bao di động của mình di chuyển đến phạm vi biên giới An Huy - mã điện thoại là Hoàng Cương, Hồ Bắc nên họ phải thường xuyên kiểm tra xem mình có nhiễm bệnh hay không" . Giờ thì mình đã hiểu thêm tại sao trong các phim hành động có gián điệp, hoặc các vụ đào tẩu, người ta phải thay sim điện thoại liên tục hoặc gọi từ bốt điện thoại công cộng rồi :D
À, lúc này người ta càng hạn chế ra đường hơn, mỗi nhà cử một người thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất, có khẩu trang 3M đầy đủ đi mua sắm đồ nhu yếu phẩm cho gia đình. Khi bước vào siêu thị, nhân viên sẽ dùng máy đo nhiệt độ check trước, thân nhiệt không quá 37 độ mới được vào, đồng thời ghi tên, số điện thoại, giới tính vào bản đăng ký sẵn trên bàn.
Tuần thứ ba, khoảng cách của bạn với nhân loại là 5km :D từ nhà mình đến khu siêu thị có 1 cây cầu. Ở vị trí này, người ta lấp đất và chỉ để cổng vừa cho 1 ô tô đi qua - nhưng là ô tô thông báo của chính quyền với loa được gắn trên nóc xe. Các ô tô còn lại dù bất kể lý do đi đâu, làm gì đều phải quay đầu xe về nhà hoặc đỗ tạm ở chân cầu, rồi đi bộ vào khu trung tâm để mua sắm. Tương tự như vậy với các xe máy và xe máy điện, đến điểm phong tỏa, mời dựng xe ở chân cầu, rồi đi bộ vào mua sắm.
Cũng trong tuần này mình thấy một gia đình đeo khẩu trang, dẫn theo 1 người cao lớn mặc đồ bảo hộ kín mít, khẩu trang 3M đến bệnh viện. Nếu ai hỏi mình cảm nhận lúc đó thì xin thưa gai ốc nổi khắp người, cứ như nhìn thấy thần Chết vậy, không ai bảo ai, chân rảo bước nhanh nhanh ra xe phóng về. Nghĩ đến cảnh một ngày mình cũng mặc cái bộ ấy rồi đợi cách ly như trên tivi thôi mà run lẩy bẩy.
Tuần thứ tư, đường về với nhân loại càng mịt mờ hơn bao giờ hết, từ khu bạn ở ra đến đường lớn được chặn bởi 1 chiếc xe tải đến nỗi một chiếc xe đạp cũng không thể đi qua. Buổi tối của 3 hôm trước, bạn của bạn mình là bác sĩ ở bệnh viện có lái xe qua chỗ mình để tặng 2 hộp khẩu trang. Vì bác sĩ phải làm việc cả ngày ở bệnh viện nên chỉ có thể lái xe đưa khẩu trang cho bạn mình vào buổi tối. Mà ở phố núi này, 7h tối trời đã tối đen như mực, điện đường không có. Bạn mình lúc đầu định tự đi bộ ra đầu ngõ lấy khẩu trang mà sợ quá nên rủ cả mình. Hai đứa lò dò ra đường trong tiết trời 2 độ, bật đèn flash điện thoại mò đường, vừa đi vừa lấm lét như hai kẻ ăn trộm. Ra đến chỗ xe tải chắn đường, bạn mình lách người chui ra đứng đợi ở đường lớn. Mình thì tắt đèn flash ngồi chờ trong khi anh bạn bác sĩ cũng phải xuống xe tắt máy. Cảnh tối thui, 2 người bạn tranh thủ nói chuyện với nhau trong thời gian 1 điếu thuốc, rồi vội vã trở về. Cái thứ bệnh dịch này khiến việc tặng nhau hộp khẩu trang cũng phải lén lút như đồng lõa làm điều gì mờ ám lúc tối trời :( Ở đây có bạn nào thắc mắc là sao phải tắt đèn flash và đi lại như thế thì xin trả lời là buổi tối lẻn ra ngoài làm gì, ban ngày sao không đi, hay định trốn từ làng này sang làng khác gieo bệnh thì chính quyền sẽ ngay lập tức cho bạn một vé uống nước chè và vào phòng cách ly. Thời điểm nhạy cảm nên mọi hành vi đều được suy diễn theo hướng nhạy cảm, chính quyền cẩn thận cũng không bao giờ là thừa.
Cũng từ tuần này, bạn không cần phải ra ngoài mua đồ nữa, muốn mua đồ gì, đăng ký vào nhóm Wechat của thôn, sẽ có người mua và mang ra sân kho cho bạn. Bạn chỉ được đi bộ hoặc lái xe máy ra sân kho lấy đồ và thanh toán tiền qua Wechat. Cũng kể từ lúc đó, mỗi 3 ngày lại có nhân viên của trạm Y tế đến từng nhà đo thân nhiệt. Ai có biểu hiện sốt là được đưa ngay vào bệnh viện theo dõi dù muốn hay không. 
Đến đây, chắc bạn đọc sẽ hỏi tâm lý của người dân như thế nào? Họ có thấy tù túng, lo sợ và bức xúc hay không? Thì có, bạn cứ thử ở nhà một tháng trong bán kính 5km xem cảm xúc nó như thế nào? Tuần đầu như tra tấn, tuần thứ hai thì kiểu sợ quá, thôi khỏi ra ngoài nữa, tuần thứ ba - mình đang sống cuộc đời của một con lợn sao, cứ ăn rồi ngủ, chơi hết ngày :3. Tuần thứ tư, chả còn cách nào, lạc quan hơn chút mà đón nhận, chứ đường về còn xa xôi lắm, ít nhất cả khu này còn an toàn, ít nhất còn đồ ăn thức uống, ít nhất chưa ai nhiễm bệnh ở làng mình...
Con người chúng ta có khả năng thích nghi với hoàn cảnh sống cao hơn chúng ta nghĩ. Mình còn nhớ những ngày đầu năm của Tết Nguyên Đán, sự lo âu hiện lên rõ mồn một trên khuôn mặt mỗi người, cảm giác mỗi sáng thức dậy thấy con số người nhiễm và người chết như bôi đen cả một ngày mới. Liệu mình đã nhiễm hay chưa, thôi thì đợi 14 ngày rồi mới biết. Mỗi ngày lại qua đi, có ngày mưa, có ngày nắng, có ngày tuyết rơi. Trẻ em vẫn tranh thủ nô đùa mỗi hôm có nắng, đàn gà, đàn vịt vẫn ngẩn ngơ sao năm nay người ta ở nhà lâu thế, họ không quay trở lại thành phố làm việc hay sao? 
Đến thời điểm hiện tại, cuộc sống khu mình ở đã náo nhiệt hơn một chút. Trẻ em vẫn nô đùa những ngày nắng, các ông bố trong gia đình lên núi lấy củi về chặt thành từng khúc xếp đều đặn, các bà nội trợ thay phiên nhau làm bánh trong các buổi chiều rồi đem đi chia cho hàng xóm. Hôm thì bánh màn thầu nhân thịt, hôm bánh bao chay, hôm thì bánh khoai rán, cả món bánh Gato bằng nồi cơm điện đang hot hòn họt trên Tiktok nữa. Mình thích cách những bà nội trợ chia nhau những mớ rau, những củ khoai lang to chà bá, thích cách trẻ con hò hét gọi nhau dưới nhà. Nếu không có dịch bệnh này, thì mọi người đâu có gần nhau hơn như thế. Đặc biệt với trẻ em nông thôn Trung Quốc, có lẽ đây là năm chúng có kỳ nghỉ dài và được ở bên bố mẹ nhiều nhất. Những khuôn mặt rạng rỡ, những tiếng gọi cha mẹ, ông bà phấn khởi và vui tươi. Corona ngoài kia ác lắm, nhưng mang đến cho các gia đình thời gian ấm cúng bên nhau hơn, được ngắm nhau lâu hơn, được quan tâm nhau hơn, điều mà những năm khác, Tết là để tranh thủ đi gặp họ hàng, bạn bè hay công cuộc điều tra độ giàu nghèo trá hình. Hóa ra, cuộc sống vẫn có những thi vị riêng, đơn giản do chúng ta chọn thái độ đối diện với nó.
Tất nhiên những nỗi lo về kinh tế, công việc lúc này là không thiếu, nhưng vạn bất đắc dĩ. Thời điểm này cũng là lúc những nhà âm mưu học dành thời gian nghiên cứu cho ra đời những giả thuyết nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục :D Biết đâu sau này, với sự gom góp thuyết âm mưu cả bên trong và ngoài Trung Quốc, mình lại giàu vì bán được kịch bản cho các nhà làm phim? :v 
Cái chết của bác sĩ Lý từng khiến công chúng rúng động một thời gian. Người ta không tung hô vì bác sĩ Lý chết do nhiễm bệnh trong lúc cứu người. Người ta tiếc vì giá mà thông tin đó không bị bưng bít, đã ít người nhiễm bệnh và chết vì dịch này như hiện nay. Gia đình bác sĩ Lý sau đó cũng được cộng đồng quyên góp số tiền rất lớn, khoảng 20 triệu nhân dân tệ. Đến thời điểm hiện tại, khi Corona Virus đang lan ra rất nhiều quốc gia cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Thế giới thì người Trung biết rằng chính phủ của họ cũng đang cố hết sức rồi. Thử tưởng tượng dịch bệnh này bùng phát ở một nước nhỏ hơn, không có điều kiện về y học và các trang thiết bị hiện đại, con số thương vong này còn lớn đến cỡ nào?
Tạm kết, mình từng đọc được comment của một bạn độc giả ở bài viết trước của mình rằng :"theo dòng chảy của lịch sử, đúng sai cũng không còn quá quan trọng nữa rồi". Đúng vậy, dù vô tình hay hữu ý, virus Corona cũng đã ra đời, bùng phát và lây lan. Mỗi năm thế giới cũng có vài dịch bệnh lớn, con số thương vong cũng rất nhiều. Có chăng vì Corona made in China nên truyền thông đang làm quá lên sức ảnh hưởng của nó? Là một người đang ở trong tâm dịch, mình cảm thấy mình vẫn còn may mắn vì ít nhất mình đang an toàn và dù dịch này có kéo dài hơn nữa, hãy làm theo khuyến cáo của WHO và Bộ y tế, chúng ta sẽ ổn thôi. Ít ra chúng ta còn may mắn hơn những người nhiễm bệnh ở Vũ Hán, vì khả năng tử vong của họ cao hơn khi cả thành phố là một bầu trời virus. Ấy vậy mà họ vẫn cùng nhau đeo khẩu trang và nhảy ở bệnh viện cho đỡ buồn, thế thì chúng ta cần gì phải quá quan ngại khi đã phòng tránh dịch bệnh khoa học và chính xác? Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng, chống, chữa bệnh dịch này và mình tự hào về điều đó. Qua bài viết này, mình mạnh dạn để hashtag #PrayforWuhan #PrayforChina #Prayforus vì mình yêu cuộc sống này, yêu thế giới này, và yêu cả những người đã dành thời gian theo dõi và đọc bài viết của mình trong suốt thời gian qua.
From Cherish with lots of love!
Đọc các bài viết khác cùng series của mình tại: