Chào các bạn, phóng viên thường trú tại Thâm Quyến đã trở lại và lợi hại gấp ba rồi đây :)))))))))))))) Vậy là mình đã kết thúc kỳ nghỉ Tết 15 ngày và trở lại với công việc sau chuỗi ngày phè phưỡn ăn chơi tại quê nhà. Năm 2018 rồi có quá nhiều thay đổi về công việc cũng như cuộc sống bận sml, nên mình không viết được nhiều bài. Rất may, nhiều độc giả chưa quên mình và liên tiếp giục ra bài mới. Cảm ơn tình cảm của các bạn nhiều ơi là nhiều, 2019 này mình sẽ trở lại với loạt series mới, đi từ thành phố tới nông thôn, rồi cả những khía cạnh rất đời thường của cuộc sống bên này nữa. Mong mọi người cùng hóng ủng hộ để Cherish được dịp múa bút thêm nhiều nhiều nữa <3 <3 <3
  Quay trở lại cái tít giật tung nóc trên, ừ, không đùa đâu, năm ngoái cố tình ẻm hàng để năm nay có thứ viết cho hoành tráng cả thể đấy. Bài Thâm Quyến tuổi 40 cũng tương đối hoành tráng rồi, nhưng chỉ là bề nổi thôi. Bài này mình sẽ đi sâu vào đời sống, rằng sau nửa năm, họ đã đi trước chúng ta bao xa rồi.
  Trở lại Thâm Quyến vào một ngày nóng như mùa hè, thành phố vẫn còn khá yên tĩnh vì mọi người về ăn Tết chưa lên, nhưng các con phố vẫn còn treo rất nhiều đèn lồng. Từ sân bay Bảo An về đến Quang Minh không xa cho lắm, mà tối với xe lướt nhanh nên chả kịp chụp cảnh hai bên đường, các tòa nhà được trang trí đèn LED theo viền lung linh thơ mộng. Đèn lồng đỏ được treo dọc các cung đường, gì chứ LED thì Thâm Quyến chưa biết ngán ai bao giờ :v

Còn đây là đèn lồng bay cao :v
Tự chụp nên có một sự mờ không hề nhẹ :3

Nghỉ ngơi xong buổi tối, sáng hôm sau mình ra ngó đường phố. Mới về quê có nửa tháng mà hàng chục công trình đã thay da đổi thịt rồi. Nhưng điều đặc biệt nhất là sự xuất hiện nhiều thêm của ô tô điện. Ô tô điện ở Trung Quốc có 2 loại, 1 loại là ô tô có 2 chỗ ngồi, thường dành cho các bạn nữ tay lái yếu, tốc độ tối đa là 80km/h. Loại thứ 2 là ô tô con 4 chỗ, về ngoại hình, nội thất, công năng y hệt ô tô chạy bằng xăng dầu. Mỗi lần sạc, ô tô đi được 450 km. Và điểm phân biệt ô tô điện và ô tô thông thường là biển số xe. Biển xe điện có màu xanh lá (đại ý thân thiện với môi trường), biển xe ô tô thông thường màu xanh nước biển. Còn xe của cảnh sát biển trắng. 
Từ 2018, Thâm Quyến đi sâu vào dự án thành phố xanh sạch đẹp, và cũng giảm thiểu lượng xe di chuyển từ các thành phố khác vào. Với các xe ô tô chạy bằng xăng dầu thông thường, không có biển xe Thâm Quyến (biển B), thì không được phép tham gia giao thông vào các giờ cao điểm. Cụ thể, sáng từ 7-10 AM, chiều từ 5 - 8 PM. Ngược lại, các xe ô tô biển xanh lá, tức ô tô điện, bất kể biển số từ đâu, đều được phép tham gia giao thông. Năm ngoái, lượng xe điện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng hiện nay, xe ô tô điện đã chiếm 1/3 số lượng ô tô tham gia giao thông. Các hãng sản xuất ô tô điện chủ yếu là ô tô nội địa, ô tô nhập khẩu đang có dòng Toyota ra đời vài series chạy bằng điện phục vụ xứ sở tỷ dân này. Trong khi Hà Nội định 2020 cấm xe máy, thì chắc 2020, quá nửa người dân Thâm Quyến đã đi ô tô điện rồi! 
Ô tô điện 2 chỗ
Ô tô điện 4 chỗ
Ô tô thông thường
À còn bạn nào thắc mắc sạc điện ô tô ở đâu, thì Thâm Quyến có các bốt sạc điện cho cả ô tô và xe máy, phân bố đều ở tất cả các ngả nhé. Vài km 1 bốt, nhìn qua khá giống trạm xăng, nhưng chỉ có 2-3 nhân viên phục vụ, hướng dẫn sử dụng máy, scan code để đăng nhập và thanh toán. Với xe máy, thì mỗi bot sạc được khoảng 5 xe, tùy thời gian sạc, mỗi giờ 2 tệ, thanh toán qua điện thoại di động, wechat, Alipay hoặc liên kết thẻ ngân hàng. Bốt sạc điện xe máy thường được phân bố dưới các tòa nhà cho thuê, công ty, hoặc xưởng, dễ sử dụng, và cũng yên tâm là không bao h bị mất :))), camera everywhere.
Tiện đây bonus vài thông tin về trạm xăng dầu, không chỉ ở Thâm Quyến, tất cả các trạm xăng hiện tại chỉ cần tối đa 5 nhân viên phục vụ. Có cả đổ xăng truyền thống lẫn tự đổ. Điểm đặc biệt là khi bạn yêu cầu đổ bao nhiêu xăng, khoảng 200 tệ chẳng hạn, máy sẽ đọc biển số xe, số tiền mua xăng, số lit xăng sẽ được đổ một cách rõ ràng. Sau đó bạn có thể trả tiền mặt, hoặc dùng thẻ đổ xăng dầu, hoặc cầm điện thoại, vào Wechat- Wallet- Money (Pay Vendor), nhân viên sẽ lấy máy scan, scan mã, tiền được tự động trừ vào tài khoản. Đổ từ 200 tệ trở lên, được tặng 1 hộp giấy ăn lấy thảo :v

Đổ xăng xong rồi, đi ngon lành rồi, mà xe bẩn thì sao? Thì vào garage rửa xe đúng không? Mà điều đó xưa như Trái Đất rồi, Thâm Quyến là thành phố self - service, nhiều xe quá, bạn đến garage nào cũng phải đợi dài mỏ. Chi bằng tự rửa cho xong :v Mà rửa phải có mặt bằng, nước non các kiểu, thôi nhọc lắm :v, vậy tha ra kiosk để máy rửa cho. Mỗi một lần rửa 10 tệ, cũng lại điệp khúc scan quét mã thanh toán, máy móc siêu xịn xò, xèo xèo 15 phút, xe bạn lại như mới. Một garage tự động có khoảng 5 slots cho các xe, k sợ phải đợi lâu nha :v

Thôi, sa đà xe cộ quá rồi, phần hay vẫn còn phía sau, mời các bạn hóng tiếp. Chắc nhiều bạn quá quen với các biển hiệu quảng cáo ở sân bay hay khách sạn rồi đúng không? Ở Việt Nam, vai trò của các biển quảng cáo này chỉ đơn thuần là một màn hình chạy các chương trình quảng cáo được cài đặt sẵn không hơn không kém. Nhưng ở Trung Quốc, món đồ này đã được nâng lên các tầm cao mới, thành các máy tự phục vụ, máy thanh toán tiền vé tàu, vé xe bus, tàu điện ngầm, máy chụp ảnh, máy mua mĩ phẩm, máy mua vé xem phim, thậm chí máy hát karaoke và cả máy cắt tóc :v 
Nào mình cùng vào đây hát :v
Vâng, bạn không đọc nhầm đâu. Cắt tóc hiện nay ở Thâm Quyến cũng bằng máy. Mỗi lần cắt 20 tệ. Việc của bạn là, đến cái máy đó, chọn kiểu tóc, thanh toán, sẽ có 1 thợ cắt tóc ở đó cắt cho bạn đúng kiểu bạn chọn. Ngon bổ, rẻ, tiện, nhanh! 
Đính cái ảnh ở đây không anh em bảo mình bốc phét quá đà :v

Nếu nói cái gì cũng biến thành máy để phục vụ được, thì mình chắc chắn Thâm Quyến không ngán bất cứ điều gì. Bạn nghĩ đi siêu thị đã là một loại hình tiện lợi tự phục vụ rồi á? Không đâu, ở cái xứ tỷ dân này, siêu thị những ngày cuối tuần cũng đứng hàng dài mà đợi đến lượt thanh toán như thường. Nên các nhà đầu tư màn hình quảng cáo lại nghĩ ra công cụ kiếm tiền, là các máy tự thanh toán. Giờ thì nhân viên giúp bạn quét mã tính tiền các đồ trong siêu thị chỉ còn 3-4 quầy thôi, quầy to đùng mới mở là quầy tự thanh toán. Bạn mua những đồ gì, đổ từ giỏ ra, tự quét từng món một, túi ở siêu thị ngày xưa free, giờ cũng 0.4 tệ/ cái, sắp xếp thế nào tùy, đừng để tốn tiền mua túi là được :v. Sau khi quét xong 1 lượt các món hàng, bạn kiểm tra lại xem có nhập thiếu hoặc trùng món nào không, tiếp tục click thanh toán. Máy hiện ra khoảng 10 phương thức thanh toán qua điện thoại, chọn 1 trong số đó, mã PIN code gửi về, done! Xách giỏ ra về :v 


Đến đây chắc có bạn thắc mắc là giả sử mình cố tình không quét vài món trong giỏ rồi đi ra có sao không? Thì câu trả lời là có, 2 máy an ninh ngoài cổng sẽ rú ầm ĩ gọi bạn lại, rồi cả siêu thị quay ra nhìn bạn với ánh mắt dè bỉu. Lúc này thì đừng ước có cái lỗ nào mà chui xuống nữa :v Bêu riếu thôi rồi...
À, muốn tặng nhau quà mà không biết tặng gì, thì mua cái thẻ siêu thị, đủ mệnh giá từ 200, 300 đến 500 tệ. Tặng vợ để nàng tự đi siêu thị sắm đồ, tặng bạn để mua gì bạn thích trong dịp sinh nhật. Những thẻ này được bán ngay cạnh các máy thanh toán tự động, quả là nghĩ ra được nhiều cách kiếm tiền :3

Từ những bước tiến dài của máy móc, của AI( trí tuệ nhân tạo), của quảng cáo, người Trung Quốc đang dần tạo ra một thế hệ số. Thế hệ mà chỉ những người trẻ, có tri thức mới vận hành được. Mình nhớ cách đây 3 năm, khi lần đầu đặt chân đến miền đất hứa này, mình còn gặp rất nhiều lao động phổ thông, nói tiếng phổ thông trọ trẹ (cỡ mình :v), là những cô chú lao công dọn đường phố hay phân loại rau củ ở các siêu thị. Nhưng đầu năm mới trở lại, số lượng người từ 60 trở lên đã thành hàng hiếm rồi. Bởi siêu thị giờ cũng tự thanh toán, lực lượng nhân viên chỉ có thể là những bạn trẻ, hoặc cùng lắm u40, biết sử dụng máy móc để hướng dẫn khách hàng tự thanh toán. Rạp chiếu phim hay các công viên cũng chỉ cần những người ở độ tuổi tương tự, hướng dẫn mua vé hoặc bán đồ ăn vặt. Thực sự, chỉ vài năm nữa thôi, những công việc chân tay không còn chỗ cho người ở ngưỡng tuổi 50. 
Hiện tại, các công việc chân tay ở Thâm Quyến mà những người trẻ, có học vấn không cao có thể làm là công nhân ở các xưởng lắp ráp điện tử, nhân viên gội đầu, cắt tóc, massage, nhân viên siêu thị. Còn tầng lớp sales công sở cũng ít nhất phải trình độ cao đẳng, nhân viên bán hàng tại các shop cũng đòi hỏi phải có chút ít kinh nghiệm, ngoại hình và chịu được áp lực cao. 
Nhìn về lớp trẻ hơn, các em học sinh cấp 2, 3, các em cũng chẳng còn xa lạ gì với máy tính, công nghệ, điện thoại, cả những máy thanh toán phức tạp cũng chẳng làm khó gì được các em. Rồi hình ảnh trên tàu điện ngầm, mỗi người cắm mặt vào một màn hình điện thoại, có người nói chuyện điện thoại, có người chơi game, người xem Tiktok. Một thế hệ mới, nhiều ưu thế hơn, nhưng lại ít giao lưu hơn. Con người ta nhìn nhau thực dụng hơn, từ chiếc xe bạn đi, quần áo bạn mặc, đôi giày bạn mang, kiểu tóc bạn để.
Khi trở về Việt Nam, mình rất thích ngắm lũ trẻ hàng xóm cùng nhau nô đùa. 7-8 đứa ở độ tuổi ngang ngang nhau, có đứa nhà giàu nhất xóm, có đứa nhà nghèo rớt mùng tơi, mà vẫn chơi với nhau chả màng khoảng cách xã hội. Hoặc chúng chưa biết, chưa để tâm đến điều đó, hoặc may mắn hơn, bố mẹ chúng không dạy chúng về điều đó. Mình chỉ mong chúng mãi vô tư như vậy, chơi với nhau vì tính cách, vì những kỷ niệm ấu thơ, đừng lớn nhanh để vòng quay cuộc sống khiến chúng mệt mỏi, tự ti vì chưa bằng bạn, bằng bè.
Kết, nếu nói Thâm Quyến là một thành phố đáng sống hay không? Mình khẳng định là có, đây là môi trường gần Việt Nam nhất mà bạn có thể thấy được sự văn minh, tiến bộ về khoa học công nghệ, học cách họ quảng cáo, sáng tạo sản phẩm. Ở xứ sở đông đúc này, mỗi một ý tưởng phải cạnh tranh với hàng triệu ý tưởng khác, điều gì khiến họ thành công, cũng là điều chúng ta phải học hỏi. Những năm tháng tuổi trẻ lang bạt ở Thâm Quyến, hiểu rõ áp lực của tuổi trẻ, của sự phân biệt sắc tộc, giàu nghèo, hơn bao giờ hết bạn tự hiểu mình là một con cá nhỏ đang vươn mình ra biển lớn. Và bản thân mình cũng tự hào vì đã thay đổi được tư duy của những người Trung về một Việt Nam nghèo nàn lạc hậu. Rằng, tôi là người Việt Nam đấy, Việt Nam không nghèo, mà đang trên đà phát triển rất nhanh. Riêng về khoản bóng đá, thì Wu Lei của Trung Quốc cũng cứ phải xách dép chạy theo các em Công Phượng, Quang Hải nhé. 

Đặc biệt sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng  khi các ông lớn Apple, Foxconn sẽ chuyển nhà máy về Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam. Một sự thực cũng được đề cập đến, là dòng khách du lịch Trung Quốc đang dịch chuyển về Việt Nam nhiều hơn, không chỉ là những đoàn khách ồn ào ngày trước, mà tầng lớp trí thức đang tiến đến khu vực phát triển như Đà Nẵng, Nha Trang nhiều hơn tìm cơ hội đầu tư phát triển.
Những vùng đất vàng, đất kim cương như Thượng Hải, Thâm Quyến không phải là đối tượng của giới khá giả nữa, mà chỉ những kẻ siêu giàu mới có thể có nhà có đất ở đây. Những kẻ khá giả sẽ đi tìm những mảnh đất mới, và về lâu về dài, đó mới là những kẻ thức thời, đơn giản khi mức sống ở các thành phố lớn quá đắt đỏ, chỉ dân bản địa ở đó và những người có chi phí cao mới chi trả được. Trong khi tại các vùng đất mới như Thái Lan, Việt Nam, họ có nhiều cơ hội kinh doanh và có cuộc sống thoải mái dễ chịu hơn.
Tóm lại, bề nổi của Thâm Quyến là không kể hết, không tin mời bạn đến thử một lần, không ố á, không ngưỡng mộ thì mình không bao giờ viết bài nữa :v
Và cũng để những series tiếp theo được phong phú mới mẻ hơn, mình sẽ biên bài về nông thôn Trung Quốc ngày nay. Rất rất nhiều điều thú vị sẽ được bật mí. Nhớ upvote và theo dõi để mình có động lực ra bài nhiều hơn nhaaaaa!
                                                                             From Cherish with lots of love <3