Maria Sharapova, 29 tuổi, ảnh chụp tại Los Angeles, tháng 3 năm 2017
Trong một buổi sáng trời California quang mây, những sân đấu ở Câu lạc bộ Manhattan Country, Los Angeles, đã được lấp đầy bởi những người phụ nữ đang chơi tennis ở nhiều cấp độ kỹ thuật khác nhau. Nhưng ở sân số 18 tại góc của khu phức hợp là một âm thanh khác biệt. Những giai điệu nhịp nhàng của quả bóng bay với vận tốc 70 dặm/h, lần này qua lần khác. Đó là một phong cách tennis cá biệt.
Một người bạn tập mới, anh chàng Mỹ Alex Kuznetsov, là người phải chịu áp lực khi Maria Sharapova làm nóng máy và tiến dần đến mức độ chuẩn bị cần thiết trước khi cô tái xuất WTA Tour 11 ngày tới sau khi trải qua 15 tháng bị cấm thi đấu vì thất bại trong cuộc kiểm tra doping. Giải Porsche Grand Prix ở Stutgart đã cho cô một tấm vé vớt (với việc cô đã mất toàn bộ điểm số trên BXH, đây là cách duy nhất để cô lọt vào vòng đấu chính) và mạng lưới truyền thông đang rất chờ đợi màn trở lại này. Thật vậy, cô ấy thậm chí còn không được đặt chân vào tổ hợp thi đấu trước ngày 26 tháng 4, hai ngày sau khi giải đấu bắt đầu, đơn giản vì đó là khi lệnh cấm của cô hết hạn. Tay vợt 29 tuổi cũng đã được trao vé vớt ở cả Mutua Madrid Open và Rome Masters. (Trong trường hợp cô không kiếm đủ điểm số để đảm bảo suất dự Wimbledon, cô sẽ phải chờ đến tháng 5 để xem BTC giải quyết định như thế nào về việc trao vé vớt).
Trong buổi họp báo công bố về việc dương tính với chất cấm, tháng 3 năm 2016
Nói một cách nhẹ nhàng, sự trở lại quần vợt chuyên nghiệp của cô sẽ phân luồng ý kiến theo những hướng khác nhau. Có người cho rằng tầm vóc của một tay vợt từng 5 lần vô địch Grand Slam như cô sẽ là một lời giải thích tốt đến từ những nhà tổ chức giải đấu đang khao khát sự quảng bá rộng rãi, đặc biệt khi mà Tòa án Trọng tài cho Thể thao đã quyết định rằng không được miêu tả cô như một “doper” – hành vi phạm tội của cô mang tính sai sót hơn là một cố gắng để đạt được lợi thế không công bằng.
Mặt khác, Andy Murray là một trong số những tay vợt đặt ra câu hỏi rằng một tay vợt bị cấm thi đấu vì sử dụng chất kích thích có nên được nhận sự trợ giúp như vậy hay không. “Tôi nghĩ bạn nên tìm cách quay trở lại bằng chính khả năng của mình”, anh nói với The Times vào tháng trước. Tuy nhiên, hầu hết những sự phản đối lại xuất phát từ phía phòng thay đồ của những tay vợt nữ, nơi mà Sharapova chưa từng là một hình mẫu được ưa thích. Cựu số 1 thế giới Caroline Wozniacki và tay vợt người Pháp Kristina Mladenovic là hai người có tiếng nói nhất trong việc cho rằng Masha không xứng đáng được đối xử đặc biệt như vậy. Wozniacki còn nói rằng tấm vé vớt của cô ở Stutgart là một sự “thiếu tôn trọng”. Nhưng Sharapova vẫn có cho mình những người ủng hộ: Venus Williams đã nói cô ấy nên được chào đón trở lại WTA.
Có thể hiểu được vì sao những tay vợt khác lại không ưa cô ấy. Khi đã nhập cuộc, nhìn chằm chằm vào những người khác từ “độ cao” 1m88, Sharapova thể hiện rằng mình là người không dễ tiếp cận. Cô ấy biết điều đó, và thẳng thắn mà nói, cô ấy thực sự không quan tâm.
Chúng tôi gặp nhau vào buổi tối trước khi buổi tập diễn ra ở nhà hàng trong câu lạc bộ. Cô ấy bận một chiếc quần thể thao rộng bằng vải flannel và một cái T-shirt màu hồng, trán vẫn còn đẫm mồ hôi sau một buổi tập với chiếc máy chạy bộ. “Ở đây, chỗ này có vẻ thích hợp,” cô ấy vừa nói vừa cười khi chúng tôi ngồi xuống một cái bàn nhìn ra sân đấu. Khi tôi đi trực tiếp vào chủ đề về mối quan hệ căng thẳng với những người đồng nghiệp của mình, cô trả lời: “Tôi xem giải đấu như là văn phòng của tôi. Đó là nơi tôi làm việc. Đó là nơi tôi tập trung toàn bộ sức lực của mình. Mục tiêu của tôi là lên chuyên nghiệp. Để vượt qua những buổi tập; để đúng giờ; để sẵn sàng chơi trên sân Trung tâm hoặc sân số 18; để thi đấu và vào phòng họp báo. Vậy thôi. Khi tôi đến phòng thay đồ, tôi không ngồi đó uống trà và ăn bánh hạnh nhân.”
Liệu những lời chỉ trích từ các phương tiện truyền thông và đồng nghiệp có làm phiền cô hay không? “Những gì người khác nghĩ nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi”, cô nói với một chút gì đó nhẫn nhục, “Tôi chỉ có thể làm được nhiều điều trên bảng tỉ số.”
Wimbledon 2004
Sau đó, huấn luyện viên người Hà Lan của cô, Sven Groeneveld, đã nhấn mạnh khả năng tập trung và sống trong “bong bóng” (live in the bubble): “Khi chúng tôi lên xe vào ngày diễn ra trận đấu, tính cách của cô ấy hoàn toàn chuyển biến. Những biểu hiện thay đổi. Điện thoại di động được tắt đi. Cô ấy có khả năng phân chia cuộc sống không giống với bất kì ai mà tôi từng biết.”
Groeneveld, một trong những vị huấn luyện viên có kinh nghiệm nhất thế giới, đã từng quan sát cận cảnh vô số những nhà vô địch từ trước đến nay. Ông đã huấn luyện cho Monica Seles, Ana Ivanovic và Mary Pierce, cũng như Maria Sharapova, đến với những chức vô địch Grand Slam.
Thậm chí cả những tiếng hét lên tới 101 decibel đi kèm những cú đánh cũng chỉ là một phần của cô, ông ấy nói. “Tôi bắt đầu sự nghiệp huấn luyện với Monica, một người cũng ồn ào không kém. Thành thật mà nói, tôi không quan tâm đến nó, nhưng tôi biết nó làm phiền rất nhiều người. Hơn nữa, giờ cũng đã là quá muộn để trông chờ một sự thay đổi.”
Tôi nhớ cuộc gặp với Sharapova khi cô 14 tuổi, được hộ tống vào phòng họp báo để nói câu xin chào ở Australian Open bởi người đại diện Max Eisenbud, người đã tiếp tục giúp đỡ cô gái với đôi mắt to này kiếm hơn 20 triệu bảng mỗi năm.
Nhưng đây là cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng tôi với tư cách là hai người trưởng thành, và sau khi đã chứng kiến hàng nghìn cuộc họp báo sau trận đấu của cô, tôi không quá ngạc nhiên khi ngồi đối diện một người phụ nữ năng động, cởi mở và sẵn sàng để xem những mặt thú vị của cuộc sống. Ngay cả khi cô ấy đã trải qua một cuộc họp báo kỳ lạ để thông báo về kết quả dương tính với chất kích thích vào tháng ba năm 2016 – một buổi họp báo mà rất nhiều người đã lầm tưởng là nơi cô đưa ra tuyên bố giải nghệ - cô vẫn cười. “Tôi biết nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ nghỉ hưu từ ngày hôm đấy, nhưng nếu tôi thực sự làm việc đó, nó sẽ không xảy ra tại một khách sạn ở trung tâm thành phố Los Angeles với tấm thảm xấu xí này.”
Nhưng một câu nói bông đùa không thể che giấu được những biến động mà sự tiết lộ này đã gây ra cho vận động viên xuất chúng này, người gây dựng tên tuổi trên thế giới sau khi vô địch Wimbledon ở tuổi 17. Chỉ trong vài năm, cô đã phát triển bản thân trở thành một trong những tay vợt thành công nhất của thế hệ với chức vô địch US Open 2006 và chiếc cup Australian Open hai năm sau.
Hầu hết những nhà phê bình cảm thấy rằng điều đó đã là giới hạn ở khả năng vô địch Grand Slam của cô vì chính Sharapova đã miêu tả rằng những nỗ lực để di chuyển của bản thân trên sân đất nện chẳng khác gì “bò trên băng” (cow on ice). Tuy nhiên, cô ây đã kiên trì, và với huấn luyện viên Thụy Điển Thomas Hogstedt, cô đã nỗ lực tập luyện để tăng sức mạnh cho đôi chân và cải thiện khả năng di chuyển. Kêt quả thu lại là chức vô địch đầy bất ngờ ở Italian Open tại Rome trên sân đất nện năm 2011. Một năm sau, cô lại nâng cup ở Rome và tiếp nối bằng việc lên ngôi ở đất Paris sau khi đánh bại Sara Errani trong trận chung kết French Open. Chiến thắng này đã giúp cô sánh vai cùng đại kình địch Serena Williams với tư cách là hai tay vợt giành đủ bộ 4 danh hiệu Grand Slam kể từ sau Steffi Graf – một cột mốc mà ngay cả Venus Williams, Monica Seles hay Justin Henin đều không thể làm được.
Khi thành công ở đất Paris được Masha tái hiện vào năm 2014, năng lực trên tất cả các mặt sân của cô, được xây dựng bởi sức mạnh và tinh thần thi đấu mãnh liệt, đã cho cô vinh dự được công nhận là một trong những tay vợt xuất sắc nhất của kỉ nguyên tennis hiện đại.
Tập luyện với HLV Sven Groeneveld năm 2015
Những chuyện ở trên sẽ không thể xảy ra nếu như cha cô, ông Yuri Sharapov, không đưa ra quyết định táo bạo về việc để lại người vợ ở Nga và đưa con gái 7 tuổi của mình đến Florida, Mỹ. Yuri làm việc ở các công trường để kiếm sống, trong khi đó cô bé Maria gây ấn tượng với những vị huấn luyện viên của Học viện Nick Bollettieri danh tiếng ở Bradenton, Florida - một điều đủ để công ty quản lý thể thao IMG và hãng đồ thể thao Nike đưa ra những khoản tiền đầu tiên mà sau đó đã phát triển lên thành những hợp đồng trị giá hàng triệu đô la Mỹ.
Vậy làm thế nào mà mọi sự lại đổ sụp xuống như vậy? Sharapova lần về quá khứ và nhớ lại một lần đi khám ngay sau khi mới vô địch Wimbledon 2014.
“Tôi liên tục bị kiệt sức,” cô nói.  “Tôi bắt đầu bị cảm lạnh và cúm và điều đó ảnh hưởng đến cơ thể tôi. Vì vậy, tôi đã được đưa đến chỗ một vị bác sĩ có quen biết với cha ở Moscow. Tim tôi có chút gì đó bất thường nên ông ấy đã kê cho tôi khoảng mười loại thuốc bổ sung, một trong số đó là Mildronate. Tôi được yêu cầu dùng chúng trước mỗi khi buổi tập nặng diên ra.”
Vào năm 2015, WADA (Cơ quan phòng chống Doping thế giới) đã quyết định kiếm tra một loại chất bổ sung mang tên meldonium – được bán dưới nhãn hiệu Mildronate – khi họ phát hiện ra rất nhiều vận động viên từ Nga và Đông Âu đã sử dụng nó.
Cuối năm đó, họ đã quyết định đưa meldonium vào danh sách cấm kể từ ngày 1/1/2016. WADA công khai sự kiện quan trọng này bằng một bức email dày đặc chữ mà Sharapova thừa nhận rằng cô đã không hề đọc. Thậm chí, cô còn không đảm bảo được rằng đội ngũ của cô đã nghiên cứu nó. Tuy nhiên, có tới ba thông báo khác từ ITF (Liên đoàn quần vợt quốc tế) và WTA (Hiệp hội quần vợt nữ) vào tháng 12 năm 2015 cảnh báo rằng meldonium sẽ bị cấm. Chắn hẳn cô ấy đã biết meldonium có chứa những thành phần giúp tăng cường hiệu suất thi đấu?
“Tôi thậm chí còn không biết meldonium là gì,” Sharapova nhấn mạnh. “Tôi đã phải lên google để tìm hiểu. Với tôi, nó là Mildronate.”
Về phần mình, cô ấy không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Không một người nào bị sa thải. Thậm chí, trong suốt cả quãng thời gian cấm thi đấu này, tất cả những thành viên chính trong đội ngũ của cô đều ở lại. Groeneveld, người có uy tín đủ lớn để đảm bảo một công việc ngay tức thì, nói rằng ông không hề nghĩ đến việc rời bỏ Maria.
“Khi cô ấy gọi cho tôi để kể về email của ITF thông báo về mẫu thử dương tính, cô ấy đã hoàn toàn bị sốc,” ông nói. “Tôi đã ở bên cô ấy được hai năm và đó là điều cuối cùng mà tôi có thể tưởng tượng rằng có thể xảy ra với Maria.”
Sharapova phê bình về cách ITF thực thi lệnh cấm meldonium. Cô nói rằng những nhà chức trách biết cô đã dùng nó khi thi đấu cùng đội Fed Cup Nga ở Prague vào tháng 11 năm 2015.
“Đó là một sự kiện của ITF, vậy tại sao không có ai đến gần tôi và có một cuộc trò chuyện riêng tư về nó, chỉ một quan chức và một vận động viên mà có thể giải quyết những vấn đề được nói tới sau này. Nhưng không ai nói bất kỳ điều gì cả.”
Sharapova cảm thấy rằng những cố vấn của cô đã có thể làm tốt hơn. “Nhưng sau cùng thì đó vẫn là lỗi của tôi. Tôi đã được hướng dẫn rõ ràng về mọi thứ mà tôi dùng trong vòng bảy năm và tôi đã trở nên tự mãn. Tôi đã quả thoải mái. Nhưng rồi ITF cũng vậy.”
Quyết định ban đầu là một lệnh cấm hai năm và cô ấy tin rằng ITF đang rất quyết tâm để kéo dài lệnh cấm lên đến thời hạn tối đa tối đa là bốn năm, một điều gần như chắc chắn sẽ chấm dứt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của một trong hai siêu sao thực sự đang mang về tiền bán vé cho WTA Tour (Serena Williams là người còn lại).
Ngoại trừ Tag Heuer, tất cả những nhà tài trợ chính của cô – bao gồm cả Nike, Evian và Porsche – đều gắn bó với cô sau khi tạm đình chỉ hợp đồng vì hay tin về lệnh cấm. Cô không hề “náu mình” trong quãng thời gian này. Tháng 5 năm ngoái, Sharapova tham dự Met Gala ở New York. Cũng trong tháng đó, cô tung ra một dòng sô cô la mới như một phần của thương hiệu bánh kẹo Sugarpova tại Sweets & Snacks Expo ở Chicago. Cô phát hành một quảng cáo cho chiếc túi đựng vợt hiệu Head trong thời gian US Open diễn ra vào tháng chín, sau đó cô tham gia vào Tuần lễ thời trang New York. Cô ra sân thi đấu trong sự kiện World Team Smash Hits ở Las Vegas vào tháng 10, nơi cô có chụp selfie chung với Sir Elton John. Tháng 1 năm nay, cô thông báo về sự tái xuất của mình ở Stutgart, và năm 2017 của cô cũng đã chứng kiến một shoot ảnh với Annie Leibovitz và sự có mặt tại Vanity Fair Oscar Party.
Có người đã khuyên cô nên tỏ ra ăn năn hối lỗi công khai hơn. Nhưng đó chỉ là lí do để cố tình bỏ qua sự thật rằng Sharapova là con gà đẻ trứng vàng của những nhà tài trợ. Cô là một trong những vận động viên vĩ đại nhất của làng thể thao thế kỷ 21. Tôi sẽ không bao giờ quên trận đấu mà tôi bình luận giữa Sharapova và Alexandra Panova hai năm trước tại Australian Open, một trận đấu giữa nhiệt độ lên tới 38 độ C và cô đã phải cứu hai match point trước người đồng hương của mình.
Tôi hỏi điều gì đã thúc đẩy cô làm điều này? Sức nóng ấy thật sự ghê người và cô chẳng khác gì đang cố tự sát ở Rod Laver Arena. Có ai kiếm được 20 triệu bảng mỗi năm lại thực sự cần những kiểu “tra tấn” như thế này không?
Sugarpova 2016

Ghi tên vào Trường Đại học Thương mại Harvard, tháng 6 năm 2016
Tham dự lễ trao giải Oscar, tháng 2 năm 2017
Cô cười. “Đúng là trời thật nóng. Nhưng tinh thần chiến đấu của tôi đến từ việc tôi nhận ra những cơ hội tuyệt vời mà mình được trao khi còn trẻ và tôi đã may mắn ra sao khi được làm những gì tôi đang làm; được một công ty lớn như Nike hỗ trợ di chuyển đến các giải đấu trong khi có nhiều đứa trẻ khác trên thế giới lại không có được sự ưu ái như vậy. Vì thế, tôi chỉ có thể nỗ lực hết sức mình.”
“Tôi biết mẹ tôi đã gặp khó như thế nào khi cố gắng xin visa sang thăm chúng tôi. Tôi biết bố tôi đã gặp khó như thế nào khi cố gắng xin việc. Tôi biết mọi người phải làm việc chăm chỉ dù đó là vì 1$ hay 1 triệu $. Vì vậy tính cạnh tranh của tôi đến từ việc phát triển một tinh thần làm việc tốt."
Sharapova đã phải phẫu thuật cơ xoay vai (rotator cuff) vào năm 2008, một cuộc phẫu thuật mà như cô nói là đã giúp cô nhận ra nhiều điều. “Nó đã dạy tôi rằng tôi không biết bất cứ điều gì cả. Tôi không biết liệu tôi có thể chơi tennis nữa hay không, vì vậy tôi đã tìm kiếm một thứ có thể thách thức bản thân và giữ cho tâm trí luôn luôn bận rộn.”
Kết quả của nó là thương hiệu bánh kẹo Sugarpova mà cô đứng ra làm chủ. “Tôi có ý tưởng này từ lần đầu tiên đi xem phim ở Mỹ khi còn nhỏ và nhìn thấy những thùng kẹo gummy. Tôi chưa từng thấy thứ gì như thế trước đây. Tôi muốn gói chúng lại làm quà lưu niệm và với sự giúp đỡ của Jeff Rubin – một chuyên gia trong ngành – chúng tôi đã mở rộng sang cả mảng sô cô la. Tôi vẫn đang cố gắng học tập, nhưng tôi thích được tự phụ trách và kiểm soát hơn là chỉ làm một công cụ của cho một công ty lớn.”
Một phần số tiền thu được từ Sugarpova được dành cho Quỹ từ thiện Maria Sharapova vốn hỗ trợ những nạn nhân từ thảm họa Chernobyl. Mẹ của Sharapova, bà Yelena, đang mang thai cô bé Maria khi tai nạn diễn ra và gia đình cô đã chuyển đến Siberia để tránh những điều xấu có thể xảy ra cho đứa trẻ sinh ra trong khu vực ô nhiễm. Bà của cô thì vẫn đang sống ở Gomel, một nơi cách Chernobyl 70 dặm về phía bắc, và những khoản từ thiện của cô đã trao học bổng cho một tá những học sinh địa phương mỗi năm.
Sharapova 2007 và những đứa trẻ Chernobyl được hỗ trợ bởi công tác từ thiện của cô
Đấy là một Sharapova nghiêm túc. Tuy nhiên, một Sharapova vui vẻ thì không hiện lên quá rõ ràng đối với những người nằm ngoài vòng tròn xã hội của cô. Nhưng cô ấy thực sự biết cách để tận hưởng bản thân. Phần lớn thời gian được cô dành cho đội ngũ của mình tại ngôi nhà cách bãi biển Manhattan không xa, nấu súp củ cải và bắp cải nhồi với mẹ hoặc thưởng thức tài nghệ của huấn luyện viên thể dục người Pháp Jerome Bianchi – người làm ra món bánh táo mà cô ưa thích.
“Nhưng tôi đã hẹn hò rất nhiều,” cô nói với một tiếng cười. “Tôi đã có một cuộc sống hẹn hò thú vị trong 12 tháng vừa qua. Không, tôi không có bạn trai, nếu đó là điều mà anh muốn hỏi, nhưng tôi thực sự thích đi chơi cùng những người khác nhau với quốc tịch khác nhau và nghề nghiệp khác nhau. Và họ không phải người Mỹ. Có thể nói rằng tôi đã ở khắp nơi trên bản đồ thế giới.”
Tôi đã từng thấy cô ấy trong đôi giày cao gót, đứng cao đến 1m96, đi ra ngoài để tham dự một sự kiện thảm đỏ nào đấy, và tự hỏi liệu chàng trai nào sẽ đủ khả năng để mang đồ cho cô. Tôi đề nghị rằng cô ấy nên gặp ít nhất ba kiểu đàn ông: kiểu người sợ hãi, nhút nhát không dám tiến về phía trước; kiểu người khoa trương và cơ hội, giấu giếm sự táo gan đằng sau những trò đùa ngớ ngẩn; cuối cùng là kiểu đàn ông hoàn toàn thoải mái với bản thân và có thể đối xử với cô như một người bình thường.
“Thật không? Anh đã tìm thấy chàng trai đó?” Cô ấy cười. “Cho tôi biết đi! Tôi vẫn đang tìm kiếm đấy.”
Những người như vậy thực sự rất hiếm, nhưng Sharapova biết mình đang tìm kiếm điều gì. “Một người có tính cách riêng, ý kiến riêng và một cuộc sống thoải mái. Điều đó rất hấp dẫn. Một người tự tin trong thâm tâm.”
“Tôi thu hút những người thật thà,” cô tiếp tục. “Những người nhận thức được điều tốt trong bạn nhưng có thể cho bạn biết cái gì là không phải. Tôi không muốn nghe những lời đường mật. Tôi muốn những lời chỉ trích có tính xây dựng hơn. Tôi nghĩ đấy là một điều cực kỳ quan trọng khi nói về bạn bè.”
Mối quan hệ nghiêm túc gần đây nhất của cô là với tay vợt đồng nghiệp Grigor Dimitrov - anh chàng đẹp trai Bulgaria hạng là số 12 thế giới – người chỉ mới chập chững bước vào ATP Tour khi họ lần đầu gặp mặt. Họ chia tay vài năm trước đây nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau. “Chúng tôi có một mối quan hệ khăng khít. Chúng tôi đã và vẫn đang quan tâm rất nhiều đến người còn lại.”
Tôi hỏi cô ấy về hình ảnh bản thân. Sau một hồi, cô trả lời, “Tôi không bao giờ cho rằng mình đẹp. Đó không phải là điều hay. Tôi không tự nhìn mình trong gương và nói,’Đó là một cô gái đẹp.’
“Mẹ tôi dạy rằng có rất nhiều khía cạnh của một con người tuyệt vời hơn là vẻ đẹp hình thức.”
Cô ấy tự gọi bản thân là “một cô gái rất đơn giản”, một điều mà dĩ nhiên cô ấy không thể hiện ra trên sân đấu hay trong những bữa tiệc của Vanity Fair. Nhưng một lần nữa, cô ấy bộc bạch.
“Tôi luôn cố gắng tỏ ra trung thực. Tôi không bao giờ cố trở thành một ai đó khác. Tôi không bao giờ cố ăn mặc như một ai đó khác. Nếu tôi không phải trang điểm trong phần còn lại của cuộc đời, điều đó cũng ổn thôi.”
“Tôi ở trong chiếc một phi cơ riêng cũng cảm thấy thoải mái chẳng khác gì ngồi hàng ghế sau của máy bay thương mại với bạn gái tôi vì cô ấy không đủ khả năng mua vé của hàng ghế đầu. Khi bạn ngồi ở hàng ghế sau của Aeroflot cạnh nhà vệ sinh, bạn biết bạn đến từ đâu. Tôi không bao giờ quên điều đó.”
*Chuyển ngữ từ bài viết gốc của Richard Evans trên The Times