Sự thật cuối cùng
Chúng ta sống để làm gì có lẽ là câu hỏi xuất hiện khá nhiều lần ở mỗi thời điểm trong cuộc đời....
Chúng ta sống để làm gì có lẽ là câu hỏi xuất hiện khá nhiều lần ở mỗi thời điểm trong cuộc đời.
Có lúc chúng ta trả lời được, có lúc không có câu trả lời nào đủ thuyết phục để rồi chúng ta cũng quên đi lý do tại sao lại đặt câu hỏi đó từ ban đầu.
Mình mới đọc được 1 câu chuyện khá thú vị như thế này.
Có một người thầy đưa ra một câu để các học viên của mình điền vào chỗ trống: “Cuộc đời là …”
Lần lượt mỗi người đều có câu trả lời riêng: Cuộc đời là những kỷ niệm, là sự học, là tình yêu, là sự cho đi, là những sự lựa chọn, là trải nghiệm,...
Đặc biệt là ai cũng có những luận điểm nghe khá xuôi tai về những định nghĩa họ đưa ra về cuộc đời.
Người thầy quay lại và lắng nghe hết các câu trả lời cũng như sự phản biện. Rồi các học viên hỏi là câu trả lời của thầy là gì.
Người thầy bảo rằng câu mà thầy đưa ra ban đầu đó đã là câu trả lời rồi.
Có nghĩa rằng cuộc đời ban đầu nó không có ý nghĩa gì mà tùy theo góc nhìn mỗi người nó sẽ có ý nghĩa thôi.
Ok. Tới đây chắc có thể bạn sẽ nghĩ rằng phần kết luận này đã từng nghe ở đâu đó rồi.
Nhưng điều quan trọng ở đây là kết luận trên nó giúp ích được gì cho thực tế đang diễn ra.
Niềm tin tạo nên cảm xúc và cảm xúc định hình nên hành động của chúng ta với thế giới này.
Niềm tin được hình thành bởi những gì chúng ta đã trải qua, tiếp xúc từ lúc bé tới bây giờ. Nên chúng ta nghĩ rằng sự thật niềm tin khó thay đổi và chính vì thế chúng ta cũng ít khi để ý tới nó.
Khi chúng ta ít để ý tới niềm tin thì đã không biết rằng niềm tin đó đang dần thay đổi và bị chi phối bởi thông tin trên mạng xã hội, ý kiến của người khác, sự thao túng tâm lý, ảnh hưởng từ tâm lý số đông,...
Và nó ảnh hưởng trực tiếp tới cảm xúc và định hình nên phản ứng (hành động) của chúng ta.
Để rồi dẫn tới những tư duy mặc định kiểu như chúng ta không làm được, không còn trẻ để xông pha nữa, chỉ còn lựa chọn này thôi, sức mình cũng chỉ tới vậy,...
Sau đó nó lại đi tới câu hỏi chúng ta sống để làm gì. Giống như 1 vòng lặp ở các độ tuổi 20, 30, 40,...
Điều gì mới là sự thật? Có phải là khoa học không?
Trong 1 cuốn sách mình mới đọc gần đây có một định nghĩa thú vị của 1 người đang làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Thì họ bảo rằng khoa học chỉ đơn giản là sự làm mới những định nghĩa hiện có.
Tức khoa học không phải là sự thật. Chỉ đơn giản là quá trình của sự tìm tòi, khám phá ra sự thật. Còn tới sự thật tới đâu thì không biết được.
Giống như ngày xưa Galileo tin rằng các hành tinh quay xung quanh mặt trời thì lúc đó không ai tin ông ấy cả.
Sự thật thì không có ý nghĩa. Nó chỉ đơn giản là sự thật, không có góc nhìn thứ 2, không có sự tranh cãi đúng sai.
Như vậy mới thấy là cuộc đời này có ý nghĩa gì hay chúng ta sống để làm gì thì thực ra câu hỏi này không có câu trả lời cuối cùng.
Cụ thể hơn bạn có thể để ý thấy có nhưng quan điểm có rất nhiều góc nhìn khác nhau như sự hạnh phúc, thành công, lập gia đình, sinh con, báo hiếu, kiên trì, cố gắng, kỷ luật,...
Khi đã có trên một góc nhìn về sự vật/ sự việc thì nó không còn là sự thật. Nghe hơi trần trụi và đau đớn ha.
Kể cả những gì chúng ta đang nghĩ, những cảm xúc, những góc nhìn, những sự lựa chọn,... đều không phải là sự thật. Chỉ đơn thuần chúng ta đang gán ý nghĩa lên chúng.
Điều này có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi niềm tin để từ đó nó sẽ thay đổi cảm xúc và hành động theo điều chúng ta muốn.
Có 3 bước mà bạn có thể làm là:
1. Tách bản thân ra khỏi vòng quay xã hội (tốt nhất là đi ra chỗ nào có thiên nhiên)
2. Viết ra những điều bạn thực sự muốn, những giá trị mà bạn theo đuổi
3. Tiến tới những điều đó bằng tất cả mọi cách bạn có thể thử
Có 3 trụ cột mà mình luôn cân nhắc để lựa chọn niềm tin hay giá trị mình theo đuổi đó là Tâm - Thân - Trí.
Tức là mình cảm thấy bản thân có tinh thần bình an, sức khỏe ổn định và học hỏi được nhiều thứ hơn vậy là được rồi. Đó chỉ đơn giản là niềm tin của mình, nó có thể không đúng với nhiều người, có thể bạn có điều khác để dựa vào.
Cuộc đời này không có ý nghĩa, nó có ý nghĩa bởi vì chúng ta sống theo những gì chúng ta muốn (không làm hại người khác).
Dù bạn muốn lên núi chữa lành hay về quê nuôi gà chăn vịt hay theo đuổi công việc chục nghìn đô ở tập đoàn lớn hay theo đuổi đam mê nào đó thì đều có ý nghĩa.
Miễn là ý nghĩa đó do niềm tin từ sâu trong chính bạn muốn ở hiện tại.
Nó chả quan trọng rằng ngày mai bạn gán cho nó ý nghĩa mới đâu, vì ban đầu nó đâu có yêu cầu bạn phải đi theo con đường nào đó cố định trước.
Còn việc mình bảo là thử mọi cách thì đúng như nghĩa đen luôn. Chúng ta chưa thử một cách nào đó chỉ đơn giản đang là gán cho nó một ý nghĩa (có thể do vừa mới đọc bài báo nói lên tác hại nào đó).
Thử rồi mới biết được vì có thể chúng ta may mắn thì sao, ai biết được. Vì thực tế con người rất tệ khi dự đoán tương lai mà :)) Do chúng ta tin nên đang cố gắng tìm cách hợp lý hóa quyết định của mình thôi, chứ thực tế nó chả diễn ra như chúng ta nghĩ.
Những người đánh giá hay phán xét cuộc đời người khác thực ra họ đang không chắc chắn về lựa chọn cuộc đời của họ. Họ đang muốn có nhiều người đi theo để an tâm hơn mà thôi.
Họ muốn người khác phải cố gắng sự nghiệp, phải chăm lo cho bố mẹ, phải thân thiện với người khác,... Tất cả đó không phải sự thật.
Pale Blue Dot (đốm xanh mờ) là bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách xa nhất.
Khi bạn nhìn vào tấm ảnh này bạn mới thấy rằng Trái Đất nó cũng chỉ là một hạt cát nhỏ so với vũ trụ ngoài kia. Vậy thì những gì đang xảy ra quanh chúng ta đây cũng không có ý nghĩa gì to lớn như những gì ta nghĩ cả.
Khó khăn, đau đớn, khổ đau, thành công, hạnh phúc, niềm vui là những gì chúng ta đang được trải nghiệm. Qua mỗi lần chúng ta học được một chút để hiểu mình, hiểu người, hiểu đời rồi trưởng thành hơn.
Không có gì là mãi mãi và cũng không có gì là cuối cùng.
Và cũng có thể bài viết này cũng không phải sự thật.
Hy vọng bạn đã thắt dây an toàn khi đọc bài này để khỏi bay xa với mình :))
Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn đọc bài viết của mình tại đây nha:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất