Sự tàn phá của chiến tranh trong tâm hồn con người (Review truyện ngắn "Con quỷ già")
Bài viết này chỉ là bài cảm nhận của mình sau khi về truyện ngắn "Con quỷ già" trong cuốn "Truyện ngắn đặc sắc của tác giả đạt giải...
Bài viết này chỉ là bài cảm nhận của mình sau khi về truyện ngắn "Con quỷ già" trong cuốn "Truyện ngắn đặc sắc của tác giả đạt giải thưởng Nobel" mà mình đọc trên Sachvui.com
Bà Vương là một người già cả, thế nên đầu óc của bà chắc chắn là lạc hậu hơn những người trẻ. Bà không quan tâm bọn Nhật là ai và cũng cảm thấy thật khó hiểu khi ai cũng sợ chúng. Đối với bà, dòng sông cạnh làng còn đáng sợ hơn nhiều.
Và khi được chứng kiến bọn Nhật đến rồi. Bà không có chút gì là khiếp hãi. Bà nghĩ chúng chỉ là bọn du côn có thể thuần hóa bằng những bài học đạo đức. Đến khi mọi chuyện gấp gáp lắm rồi, không thể thực hiện cái ý định dạy dỗ của mình thì bà vẫn bình chân như vại mặc cho mọi dân làng đang cuống cuồng chạy giặc. Rồi chúng ném bom, cả làng bị thiêu rụi chỉ trong vài phút, quả là chúng có sức tàn phá ghê gớm hơn cả bọn đạo tặc trước kia từng qua đây. Tuy vậy bà vẫn điềm nhiêm như không có gì. Nhờ ở lại, bà mới được chứng kiến cảnh tượng phi thường khi mà quân ta (Trung Quốc) đánh giáp lá cà với bọn Nhật trên không một cách oanh liệt.
Một chiếc máy bay rơi xuống và trong đó có một người lính trẻ đang bị thương rất nặng. Bà đã cố gắng chăm sóc anh ta như một người khách vãng lai gặp chuyện bất trắc. Thế nên bà rất bất ngờ khi được chỉ điểm anh ta là một tên lính Nhật. Bây giờ bà mới biết rằng giống Nhật cũng chẳng khác mấy dân ta: cũng mắt đen, da ngăm. Thật là nguy hiểm khi mà kẻ thù không khác với chúng ta là bao.
Bà phải công nhận rằng nỗi lo sợ của người trẻ về bọn Nhật không phải là điều vớ vẩn. Qua những người lính Trung Quốc bà mới biết chúng đã oanh tạc ngôi làng nới mà ông anh trai bà đang sống, và có lẽ ông đã chết rồi. Nỗi đau khổ mất đi người thân giờ lại giống hệt như cách đây nhiều năm trước, khi mà người chồng của bà bị mất do nước lũ cuốn trôi. Niềm uất hận của bà dâng trào lên khi thấy một đội quân Nhật Bản đang tiến đến từ đằng xa, chúng lại tiếp tục đi tàn phá đây. Sức bà tuy không thể nào chống lại chúng nhưng sức nước thì dư sức làm điều đó. Tuy vậy nếu mở cửa cống chính thì đồng nghĩa với việc bà phải chết vì dòng sông sẽ không nương tay với bà như cách nó đã làm với chồng bà trước đây.
Và bà đã làm điều đó và cảm thấy tự hào khi bản thân đã bảo vệ được dân làng cũng như mong rằng việc làm to lớn này đủ để cứu chồng bà ra khỏi địa ngục.
Bà căm hận những tên lính Nhật nhưng không phải là tất cả. Người lính trẻ mà bà đã cứu ra khỏi máy bay chính là người đó. Ngay cả khi biết rõ lai lịch của cậu thì bà vẫn không tin và phải tự hỏi chính mình. Tình cảm bà dành cho cậu đã chống lại mọi thù hằn của bà lên con người này. Bà đã ngăn người lính Trung Quốc không chém chết cậu (nhưng tiếc là cậu đã chết trước rồi). Ngay cả khi thực hiện ý định trả thù thì bà vẫn kéo xác cậu lên con đê nhằm tránh nước lũ cuốn trôi. Bà không nỡ độc ác với người đó, nhất là khi bà đã tận tình chăm sóc con người này.
Nếu chiến tranh không xảy ra thì bà chắc chắn sẽ không hành động như vậy với những tên lính Nhật. Bà cũng sẽ coi họ như là những con người đến từ phương xa mà bà chưa bao giờ gặp mặt giống như cách mà bà đã làm với người lính trẻ. Nhưng chiến tranh đã khiến những con người trước đây không quen biết bây giờ phải thù hằn lẫn nhau. Chiến tranh đã khiến cho người ta phải nhẫn tâm với chính đồng loại của mình vì phải đấu tranh để giành được lợi ích và quyền được sống cho riêng mình. Không ai coi mình là kẻ sai vì thế sự thù hằn còn kéo dài dai dẳng không có hồi kết ngay cả khi kết thúc chiến tranh. Đó là tổn thất nghiêm trọng phải đối diện với mỗi cuộc chiến. Bà Vương đã đánh bại được kẻ thù của mình nhưng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Kết cục của chiến tranh sẽ không bao giờ tốt đẹp cả. Bên nào bên đấy cũng đều tàn tạ như nhau.
Có lẽ xuyên suốt cả câu chuyện là những suy nghĩ của tác giả về chiến tranh, về cách con người nhìn nhận lẫn nhau trong cuộc chiến. Câu chuyện đã làm nổi lên về sự tàn bạo của chiến tranh, không chỉ về vật chất mà còn cả làm tinh thần và hơn hết là niềm mong mỏi của tác giả về hòa bình trên thế giới.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất