Liệu sự sống có đơn giản chỉ là trạng thái khác biệt cơ bản giữa những thể hữu sinh với những thể vô sinh? Nhà vật lý Erwin Schrodinger định nghĩa sự sống như sau: Những thể hữu sinh luôn tránh né sự phân rã về với hỗn loạn và cân bằng. Nhưng mà, như bao thứ khác ông này hay nói, ta vẫn tự hỏi, như vậy nghĩa là sao?
Giả sử vũ trụ là thư mục mặc định trong máy tính chứa các tệp mà bạn tải xuống. Khi có ít tệp, thư mục này có vẻ rất ngăn nắp và trật tự, nhưng khi bạn tải nhiều hơn, nhất là khi bạn cứ để nó tùy ý nhảy lung tung, các tệp sẽ vô cùng hỗn loạn. Bằng cách đầu tư công sức, bạn có thể sắp xếp và dọn dẹp nó, biến đống hỗn tạp ban đầu thành một thứ dễ nhìn và dễ tìm kiếm. Đây cũng chính là việc mà các sinh vật làm để tồn tại. Nhưng, chúng ta vẫn chưa biết sự sống là gì.
Sinh vật?
Mọi sinh vật đã, đang và sẽ tồn tại trên Trái đất được tạo thành bởi các tế bào. Về cơ bản, tế bào là những cái máy làm bằng protein, quá nhỏ để có thể cảm nhận hay trải nghiệm bất kỳ điều gì, nhưng chúng mang những đặc tính mà ta gán cho sự sống: chúng có vách ngăn với môi trường xung quang, chúng gây dựng trật tự bên trong bản thân, chúng tự điều chỉnh và duy trì trạng thái ổn định, chúng tiêu thụ vật chất để có thể sống, chúng lớn lên và phát triển, chúng tương tác và phản ứng với môi trường, chúng tiến hóa và cố gắng duy trì sự tồn tại thông qua việc tạo ra thêm nhiều cá thể giống mình.
Quá trình?
Thế nhưng, trong những thành phần tạo nên tế bào, không có cái nào là sống cả. Chúng tương tác hóa học với nhau, hình thành các phản ứng, phản ứng này khơi mào phản ứng khác, phản ứng khác lại khơi mào phản ứng khác nữa, cứ thế tiếp diễn. Trong một tế bào, mỗi giây có đến vài triệu phản ứng diễn ra, tạo thành một bản hòa nhạc cực kỳ phức tạp. Một tế bào có thể tạo ra hàng ngàn loại protein khác nhau, từ đơn giản chỉ là một phân tử hữu cơ hơi dài, đến to bự và phức tạp như một cái máy nhỏ xinh. Nó giống như việc lái một chiếc xe với tốc độ bàn thờ, trong khi đó còn phải sửa chữa thay mới hàng đống phụ tùng bằng những gì ta lượm được trên đường. Nhưng, một lần nữa, không có phần nào của một tế bào là sống cả, chúng chỉ là những phân tử, tồn tại và tương tác với nhau thông qua các quy luật của vũ trụ.
DNA?
Vậy, liệu sự sống có phải là tổng hòa của tất cả những quá trình diễn ra trong tế bào? Cuối cùng thì, mọi sinh vật từng sống rồi sẽ chết. Mục đích của toàn bộ quá trình sống là duy trì sự sống thông qua việc tạo ra nhiều cá thể mới, tức truyền lại vật chất di truyền cho thế hệ sau, DNA, hoặc RNA trong một số trường hợp. Ta có thể hiểu sự sống như những khối vật chất mang trong mình thông tin di truyền. Mọi thể sống đều trải qua sự tiến hóa, để rồi những DNA xây dựng cho mình thể sống tốt nhất sẽ được ở lại với cuộc chơi. Vậy chắc DNA là sự sống chứ hả? Nếu ta cho dãn xoắn một DNA, ta sẽ thấy nó là một đại phân tử với cấu trúc phức tạp, nhưng nó không thể tự thân làm gì cả.
Và, virus tồn tại như một kẻ phá rối mọi lập luận của chúng ta. Về cơ bản, chúng là những chuỗi DNA hoặc RNA nằm trong một vỏ bọc nhỏ xíu, và cần có những tế bào khác để phát triển và sinh sản. Chúng ta không thể chắc được mình nên gọi cái gói vật chất di truyền cầm tay này là sống hay chết, nhưng một điều chắc chắn là, chúng tồn tại ở khắp mọi nơi trên địa cầu, ngạo nghễ sánh ngang với thành tích chinh phục của con người. (À, lũ này nó thường đi ké chúng ta mà, bất công thật sự ạ.) Có những virus thậm chí xâm nhập vào những tế bào đã chết, tái hoạt hóa và biến chúng thành những con zombie nhỏ nhất hành tinh. Chúng ta cũng không biết zombie sống chết ra sao luôn.
Hay thông tin?
Rồi thì tới công chuyện với ti thể, “nhà máy năng lượng của hầu hết tế bào phức tạp”, vốn có nguồn gốc là một con vi khuẩn nhỏ hơn chui vào và sống cộng sinh trong một con vi khuẩn lớn hơn. Chúng sở hữu DNA của riêng mình, và có thể tự sinh sản, nhưng một khi trở thành một phần của tế bào khác, chúng đã không còn sống. Nói một cách cao thượng, chúng chấp nhận đánh đổi sự sống tự do để vật chất di truyền của mình có thể tiếp tục tồn tại. Điều này có nghĩa là, nếu cái chết có thể mang lại sự trường tồn cho thông tin di truyền, việc tiến hóa vào lòng đất là một lựa chọn khả dĩ.
Vậy thì, liệu ta có thể nói, sự sống là dạng thông tin có thể tự đảm bảo sự tồn tại của bản thân? Vậy trí tuệ nhân tạo (AI) thì sao? Với định nghĩa về sự sống như trên, chúng ta đã tiến rất gần đến việc tạo ra được sự sống nhân tạo trên máy tính. Vấn đề chỉ còn là thời gian cho tới khi công nghệ tiến tới con đường, nơi chúng ta trở thành Đấng Tạo hóa trong không gian nhị phân. Nếu tính đến việc video này được công bố vào năm 2014, có lẽ ngay bây giờ con người đã đạt đến đẳng cấp này, hoặc không. Lúc này, câu hỏi về sự sống có thể được chuyển hướng sang virus máy tính, huh?
Kết luận?
Rồi, vậy cuối cùng thì sự sống là gì? Sinh vật, quá trình, DNA, hay thông tin? Càng đào sâu tìm hiểu, câu trả lời càng mơ hồ. Ta chỉ có thể nói rằng, khái niệm rằng sự sống là trạng thái khác biệt cơ bản giữa vật sống và vật chết, vì chúng mang trong mình một vài thành tố phi vật lý, hay được điểu khiển bởi những quá trình khác với các thể vô sinh, là sai. Trước khi những công trình của Charles Darwin được công bố, chúng ta vẫn cho rằng bản thân là một dạng tồn tại tách biệt với thế giới tự nhiên, coi con người là một tạo vật kỳ diệu, hoàn toàn không có liên hệ gì với động vật. Khi chúng ta chấp nhận mình như một sinh vật với mọi sinh vật khác, là sản phẩm của tiến hóa, chúng ta lại tìm cách phân định sự sống với sự chết. Để rồi khi chúng ta hiểu biết hơn về cách mà sự sống và máy tính hoạt động, khi chúng ta tiến gần hơn đến việc tạo ra sự sống đúng theo định nghĩa của mình, ta càng thấy cách nhìn nhận của chúng ta về bản thân trở nên mơ hồ và bấp bênh. Không sớm thì muộn, chúng ta sẽ phải tái định nghĩa sự tồn tại của chính mình.
Và đây là một câu hỏi cho bạn: nếu mọi thứ trong vũ trụ đều được tạo thành từ những thành phần như nhau, vậy phải chăng toàn bộ vũ trụ là sống, hay chết? Hay hai thứ này hòa trộn với nhau, tồn tại song song trong mọi vật thể? Vậy là chúng ta sẽ không bao giờ chết, bởi chúng ta đâu có sống bao giờ? Hay hai thứ này có một liên hệ nào đó, không phải một lằn ranh rõ rệt, mà ta chưa hề hay biết? Liệu quan hệ giữa chúng ta với thế giới xung quanh có đơn giản như ta hằng tưởng? Ờ... cục-sạc nói họ không có câu trả lời đâu, và tôi cũng không, chỉ có những câu hỏi để bạn tiếp tục suy nghĩ. Chính những câu hỏi như vậy giúp chúng ta cảm nhận nhiều hơn về sự sống, và đỡ phải trăn trở bởi những “khủng hoảng tồn tại”.
Còn tôi thì ngồi ngẫm xong thì gần như chết đuối luôn rồi...
"Bài viết" gốc: What is life? Is death real? - Kurzgesagt - In A Nutshell, 11-12-2014
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất