Xin chào mọi người, đây là bài viết đầu tiên của mình và bởi vì tuổi đời của mình còn rất trẻ nên mình rất biết ơn nếu các bạn đóng góp ý kiến và giúp mình hoàn thiện nó.
Như bạn đã thấy, trong cuộc sống muôn hình vạn trạng của chúng ta luôn ẩn chứa những điểm sáng, những mảng màu tươi đẹp. Nó là biểu tượng cho niềm vui, sự bình yên, sự đẹp đẽ của cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống luôn tồn tại 2 thái cực và thái cực còn lại luôn là điều mà ta không mong muốn. Đó là những điểm chấm đen, là những mảng màu u tối mà xám xịt, chúng là những tai ương, những hiểm họa, là sự chết chóc và hủy diệt, là bất trắc luôn ập đến một cách đầy bất ngờ và rủi ro, ở những thời điểm con người không lường đoán được.

Trước tiên, ta hãy đến với một số khái niệm quan trọng: bình yên là sự thảnh thơi trong tâm hồn, là trạng thái thả lỏng và thoải mái của tinh thần - bão tố là đại diện cho những hiểm nguy ập đến vào thời điểm khó ngờ với trạng thái dữ dội; cái đẹp là vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, được phản ánh qua sự cảm nhận từ đôi mắt và tâm hồn ta - tai họa là tai ương, nghịch cảnh, làm nhấn chìm điều tốt lành từ cuộc sống; sự sống là sinh sôi nảy nở, là sinh mệnh của sự vật quanh ta - sự hủy diệt là sự phá hủy làm phai mờ, tàn lụi, làm chết chóc sự sống.

Vậy mối liên hệ giữa bình yên và bão tố là gì? Trong cuộc đời, không thiếu những lúc ta thảnh thời sống chậm với cuộc sống bon chen tấp nập ngoài kia để cảm nhận sự yên bình, lắng đọng những suy nghĩ trong tâm hồn. Đôi lúc ta cũng buông lỏng tinh thần, cho phép bản thân được ngơi nghỉ trước hành trình dài mệt nhoài của cuộc sống mà kề vai bên gia đình, bạn bè để nhận lấy sự tự tại an nhiên trong tâm hồn. Tuy nhiên, như mình đã nói trên, cuộc sống là 2 trạng thái cân bằng, là 1 chiếc cân không nghiêng về bên nào cả nên không thể có 1 cuộc đời nào mà bình yên phẳng lặng, trôi nhẹ trên dòng nước. Rồi dù sớm hay muộn thì chiếc thuyền bạn đang ngồi sẽ gặp 1 cơn giông bão đi qua, đến một lúc nào đó cuộc đời bạn sẽ va chạm với những chấn động, bi kịch mãnh liệt giống như trạng thái dữ dội của thiên nhiên. Ngay cả khi ta ở trong 1 cái vỏ bọc quá an toàn và không dám bước đi trên con đường đời mà chỉ dám đứng yên thì mưa giông bão tố sẽ tự tìm đến ta. Sự bình yên và giông bão có mối liên kết chặt chẽ không thể tách rời: nếu như khi bạn vừa chập chững bước đi trên con đường đời và mang trong mình những khát khao hy vọng, mơ về 1 cuộc sống tốt đẹp thì có lẽ ở khoảng thời gian đầu là 1 sự khởi đầu mởi mẻ, tốt đẹp. Tuy nhiên, chỉ khi bạn khám phá sâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn thì mới nhận ra những gì mình đi qua chỉ là lớp vỏ của cuộc sống, còn lớp nhân lại được cấu tạo nên bởi vô vàn thử thách và hiểm nguy đang đón chờ mà 1 tâm hồn ngây thơ trong sáng mới chập chững trên con đường trưởng thành và khẳng định bản thân của hầu hết lứa thanh thiếu niên hẳn sẽ bị choáng ngợp và thậm chí là suy sụp, tuyệt vọng. Tóm lại, sự bình yên và bão tố chính là 2 yếu tố đối lập nhưng song hành cùng với nhau trên hành trình không điểm dừng của cuộc đời mỗi con người. Trong mỗi chúng ta sẽ có những khoảng lặng bình yên và cũng có những lúc tâm biến động bởi sự phá vỡ bình yên vốn có của những cơn giông bão không mời mà đến.                                                                                                                                                                                              Vậy còn cái đẹp và tai họa? Nói về vẻ đẹp thì mình chỉ bó hẹp trong phạm vi là vẻ đẹp của những điều đẹp đẽ, may mắn từ cuộc sống mà đem lại cho con người hạnh phúc, niềm hy vọng và sự lạc quan. Tuy nhiên, có 1 quy luật trong cuộc sống là không có bất kỳ thứ gì trường tồn theo thời gian mà luôn có sự biến động và thay đổi bởi cuộc sống luôn vận hành theo quy luật thay đổi, làm mới, nghĩa là mọi thứ trong cuộc sống đến một lúc nào đó sẽ có sự thay đổi có thể là về bản chất, về bề ngoài, về đặc điểm mà không có khả năng nguyên vẹn như lúc ban đầu. Đó là lý do mà theo năm tháng, hoa cũng phải lụy tàn, nước chảy đá cũng mòn, con người cũng già đi. Và cái đẹp cũng thế, sự đẹp đẽ nhiệm màu của 1 khía cạnh trong cuộc sống của bạn chỉ tồn tại trong 1 thời điểm nhất định và khi nó đi qua thì nó sẽ được chiễm chỗ bởi tai họa. Tại sao vậy? Vì tai họa chính là nguyên nhân, là tác nhân làm hủy hoại cái đẹp đẽ của hạnh phúc, của niềm lạc quan. Tai họa cũng chính là điểm đối đỉnh với cái đẹp, nó không chỉ đối lập với cái đẹp mà còn gieo rắc cho con người những khổ đau, bất hạnh và sự tuyệt vọng. Nếu sự đẹp đẽ của vạn vật là món quà mà thượng đế ban tặng cho ta, là suối nguồn thượng cổ mang đến cho ta niềm khoái cảm và vui vẻ thì tai họa giống như đòn đánh giáng từ trên trời của thượng đế mà nó chính là trải nghiệm kinh hoàng đối với mỗi con người. Có thể nói, cái đẹp và tai họa có 1 sự giao thoa bện chặt trong cuộc đời, vì tai họa là sự thay thế cho sự đẹp đẽ, thuận lợi, may mắn của cuộc sống mà mỗi người chúng ta đều phải trải qua.                                                                                                                                                                                                                                                       Và cuối cùng chính là sự sống và sự hủy diệt.  Dựa vào quy luật vô thường (sinh-lão-bệnh-tử) là quy luật tất yếu của nhân sinh, có sinh ắt có tử, có lão ắt có bệnh. Do đó, đối với sự sống, sự sinh sôi nảy nở, đâm chồi của muôn loài, sinh mệnh được coi là thiêng liêng, quý giá. Do đó, ai cũng trân trọng sự sống và mong nó trường tồn mãi. Tuy nhiên, không có "trường sinh bất tử" nên đến 1 thời điểm chính muồi, con người và sự vật cũng phải tạm biệt nhân gian để trở về cõi trời sau khi hoàn thành sứ mệnh. Điều gây nên sự hủy diệt sinh mệnh có thể là do tai họa, do bệnh tật, do tai nạn,.....Và chúng đều là vô thường của cuộc sống, là quy luật tất yếu mà ai cũng phải trải qua. Do đó, giữa sự sống và sự hủy diệt là 1 sợ dây liên kết không thể tách rời, là 2 thái cực dương và âm cùng tồn tại.      


Dựa vào sự kì diệu của cuộc sống với sự song hành, hòa nhập, vận động diễn biến khó lường của  bình yên và bão tố, cái đẹp và tai họa, sự sống và sự hủy diệt, mình không chỉ muốn các bạn thấu hiểu mà còn là sự nhìn nhận, suy ngẫm. Bài học được đưa ra đó là phải biết chấp nhận và đối mặt với thực tế, không chỉ với những điều bình yên tốt lành mà còn cả những tai ương nghịch cảnh hay sự chết chóc hủy diệt. Đó còn là về mối quan hệ vừa tương đồng, vừa tương phản, vừa loại trừ, vừa hàm chứa nhau của.....Những mối quan hệ ấy thể hiện diễn biến khôn lường của cuộc sống, những sức mạnh, sự phát sinh, hồi sinh kì diệu, chúng ta cần thấu hiểu những bí ẩn, những biến diễn khôn lường ấy để có được tâm thế an nhiên, bình thản, có sự tỉnh táo sáng suốt, có niềm tin vào cuộc đời...Và hơn thế nữa, mình muốn các bạn luôn hướng về ánh sáng, luôn có 1 tia hy vọng và luôn lạc quan, kiên cường khi đối mặt với giông bão, tai ương và cả sự hủy diệt bởi chúng là quy luật nhân sinh tất yếu của cuộc sống mà ta không thể tránh khỏi. Vậy ta mới thấy trên hành trình cuộc đời dù nhiều biến cố nhưng không thiếu những điều đẹp đẽ muôn vẻ từ cuộc sống cho ta thưởng thức, chiêm nghiệm. Chúng ta chấp nhận lẽ vô thường của cuộc đời nhưng đừng sống quá thực tế, quá trần trụi dẫn đến bi quan mà cần có cả cái nhìn thiện cảm, sáng suốt, đa khía cạnh và tích cực đối với cuộc sống.                                                                                                                                                                                                                            Kết bài hôm nay mình sẽ dành tặng các bạn câu nói của Nguyễn Khải trong truyện ngắn "Mùa lạc": "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yêu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".