Tiền – đó có lẽ là thứ bây giờ ai cũng biết đến nó, sử dụng nó và tiêu thụ nó mỗi ngày, tiền có mặt ở khắp mọi nơi trong đời sống của chúng ta, nó giúp chúng ta có được đồ ăn, nước uống, nhà ở và nhiều thứ khác. Tuy nhiên để biết tiền có từ khi nào, hiểu được bản chất của tiền hay cách tiền trở nên có giá trị. Vậy nên bài viết này ở đây nhằm chia sẻ những thông tin ấy đến với mọi người dưới góc nhìn của một hệ thống xã hội, kinh tế toàn cảnh, hy vọng có thể mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho bạn đọc xoay quanh thứ chúng ta đang tiêu hàng ngày.

I. Trao đổi – cội nguồn của các hoạt động kinh tế

Từ những ngày đầu tiên của tổ tiên loài người, chưa hề có bất kỳ khái niệm kinh tế nào, tiền tệ, lạm phát hay lãi suất. Tuy nhiên, giả sử trong một xã hội sơ khai, bạn có một đống táo, nhưng vì đã nhiều ngày không được ăn thịt nên bạn rất cần đến nó, và rồi bạn nảy ra ý tưởng đem 1 trong nhiều rổ táo của bạn đến nhà một người vừa mới săn được một con thú, bạn đưa đến cho ông ta tình cờ thay ông ấy đang cần táo để ăn do nhiều ngày đã không được ăn hoa quả. Thế là cuộc giao dịch diễn ra hoàn tất, ông hàng xóm nhận táo của bạn đổi lại thì ông ta cho bạn một lượng thịt mà bạn và ông ấy nghĩ là hợp lý.
Chính những hoạt động đơn giản này đã là tiền đề cho nhận thức của con người về tính xã hội và liên kết giữa các cá thể với nhau, chúng ta không thể một tay tạo ra tất cả nhưng trao đổi thứ mình đang có (hoặc có thừa) để đổi lấy thứ mình đang thiếu hoặc đang cần từ đó thỏa mãn nhu cầu của cả hai bên. Tóm lại, trao đổi chính là tiền đề để con người có nhận thức về giá trị (Nhận thức về giá trị ở đây nghĩa là bạn sẽ không ngốc khi nghĩ rằng trong một điều kiện bình thường, một quả táo sẽ bằng một con bò (có thể là vì công sức để kiếm một quả táo so với công sức nuôi một con bò hay là ta có thể ăn một con bò được nhiều bữa nhưng táo thì vài gặm là hết) thế nên bạn sẽ biết bao nhiêu là phù hợp với món hàng mình đang trao đổi với người bên kia).
Đây được coi là hình thức trao đổi sơ khai nhất trong lịch sử hay còn gọi là trao đổi trực tiếp giữa hàng với hàng (H-H). Tuy nhiên hình thức này dễ gặp phải nhiều rắc rối khiến cho hình thức này không còn hiệu quả khi ở một quy mô lớn hơn. Giả sử bạn chỉ có táo nhưng ông bán bò cần lúa, và khá may mắn là có một ông bán lúa lại cần táo, bạn nghĩ chỉ cần mình bán táo cho ông có lúa xong rồi nhận về lúa đưa cho ông có bò thì cũng được thôi nhưng điều ấy sẽ phải tốn khá nhiều công sức bởi nếu ông có lúa không muốn táo thì bạn sẽ khó mà mua được bò, đặt câu chuyện này vào trong một xã hội sơ khai, từ săn bắt hái lượm phát triển lên một xã hội biết lao động sản xuất, thì khi này lượng hàng trở nên quá nhiều, đa dạng và không phải lúc nào cũng ở trong một tình thế dễ dàng như đã nêu trên kia. Vậy nên sáng kiến của một vật phẩm trung gian mà ai cũng cần, ai cũng sử dụng và sử dụng thường xuyên để làm đồ trao đổi là một ý tưởng nền tảng cho khái niệm “Tiền tệ”

II. Sự phát triển của tiền tệ

a.     Hóa tệ

Hóa tệ chính là loại “tiền” trao đổi đầu tiên trong xã hội loài người là những loại hàng hóa mà hầu hết mọi người trong xã hội hoặc cộng đồng đó thường xuyên sử dụng và cần đến nó. Khi này ai cũng có nhu cầu sử dụng loại hàng hóa phổ biền đó nên có thể sử dụng để làm phương tiện trao đổi lấy những thứ khác. Giả sử trong một xã hội ai cũng cần gạo để ăn, bạn có thể dùng lúa của nhà mình để có thể trao đổi bất kỳ thứ gì trong xã hội đó như bò, gà, táo hay nhiều thứ khác mà không sợ rằng không một ai cần thứ lúa của bạn.
Để một loại hàng có thể trở thành hóa tệ, nó cần phải hữu dụng với đa số mọi người trong xã hội, nó có đủ sự khan hiếm để có thể tạo ra nhu cầu muốn trao đổi lấy nó. Ví dụ như đa số các quốc gia sẽ chọn muối để làm hóa tệ, ở Trung Quốc sử dụng vải lụa còn ở Na Uy sử dụng bơ để trao đổi.
Trong những loại hàng hóa đa dạng có thể làm hóa tệ như vậy, nổi lên một loại hóa tệ có vài tính chất ưu việt và khác biệt so với những loại hàng hóa khác chính là kim loại. Đồng cũng từng là một phần của hóa tệ khi nó được trao đổi với hình thức tương tự như đã mô ta ở Ai Cập và Việt Nam.

b.    Kim tệ

Trong tất cả các loại hàng hóa đã từng được sử dụng trong thời kỳ của hóa tệ như đã nói ở trên, kim loại dưới dạng thỏi nổi lên như một lựa chọn tối ưu so với những loại hàng hóa thông dụng khác bởi vì kim loại có tính đồng nhất, bền, đẹp và giá trị cao. Trong số những loại kim loại khác nhau, bạc và vàng được chọn làm loại kim tệ tối ưu nhất vì chúng dễ chuyên chở, cất trữ cũng như dễ chia nhỏ và hợp nhất hơn.
Vàng vốn đã là loại tiền tệ tồn tại rất lâu trong lịch sử của con ngoài cho thấy dược hiệu quả to lớn mà nó mang lại trong cách lưu thông tiền tệ. Cho đến khi hệ thống tiền tệ lấy vàng làm tiêu chuẩn (hay bản vị vàng) sụp đổ vào năm 1971 (sẽ được đề cập trong những nội dung tương lai) con người mới dần sử dụng nhiều hơn đối với một loại tiền khác đó là tiền giấy.   

c.     Tiền giấy

Đến với những thứ quen thuộc hơn với chúng ta trong thời điểm hiện tại, tiền giấy được bắt nguồn từ thế kỷ 16, 17 khi các ngân hàng phát hành các chứng chỉ tiền gửi bằng giấy và chúng được đảm bảo bằng lượng vàng bạc được lưu trữ trong ngân hàng đó (Tức là thời đó bạn có thể dùng tiền giấy để đổi ra vàng và bạc bất cứ lúc nào). Như vậy, vàng và bạc không biến mất trong thời điểm này của lịch sử tiền tệ của con người mà khi đó chúng trở thành một thứ đảm bảo và chủ yếu được cất vào trong kho để cho con người có thể giao dịch dễ hơn bằng như tờ giấy. Về sau vào năm 1933 tại Úc, tiền polymer được phát triển và thay thế tiền giấy và đến được sử dụng đến thời điểm hiện tại do tính chất dẻo dai và chống hư hại tốt hơn tiền giấy.
Dẫu cho tiền được đảm bảo giá trị bằng cách đổi được thành vàng trong quá khứ, đến thế kỷ 20, do tác động của chiến tranh làm dự trữ vàng của một số ngân hàng và quốc gia cạn kiệt, khiến cho lượng vàng không còn đủ để có thể đổi cho người dân nữa, thách thức chính phủ các nước phải có sự thay đổi chuyển sang loại tiền tệ không có khả năng chuyển đổi thành vàng nữa (hay còn gọi là tiền giấy bất khả hoán) thay vào đó chính phủ sẽ đứng ra đảm bảo cho giá trị của đồng tiền theo pháp luật của từng quốc gia cho từng loại tiền tệ của họ (hay thuật ngữ chính là tiền Fiat).
Và đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn sử dụng loại tiền Fiat này mỗi ngày cho các giao dịch của mình với những cơ chế tương tự như trên để giải thích vì sao chúng ta có thể dùng những tờ giấy nhìn rất là đơn giản nhưng lại có thể mua được rất nhiều thứ ngoài thị trường. Đó là cả một sự đảm bảo phía sau của luật pháp, chính phủ mỗi nước và cả sự đồng thuận về khả năng trao đổi cũng như giá trị đồng tiền đến từ người dân trong nước để có thể tạo ra một giá trị mà mọi người vẫn đang ngày ngày trao đổi bình thường. Bởi vì tiền giấy rất dễ in, chính phủ là những người đứng ra sử dụng uy tín và luật pháp của mình để đảm bảo cho giá trị và sự tồn tại của những tờ tiền đó, các biện pháp chống làm giả và xử lý những hành vi làm giả tiền của chính phủ cũng phải hết sức nghiêm ngặt và sát sao, nếu không thì hệ thống tài chính quốc gia sẽ bị rối loạn và sụp đổ.

III. Tổng kết

Chúng ta có thể thấy, theo chiều hướng phát triển của xã hội, tiền tệ ngày càng nhỏ gọn và tiện dụng trong việc trao đổi và thương lượng với nhau, ngoài ra chúng ta cũng có thể thấy sự can thiệp của chính phủ ngày càng sâu hơn qua từng thời kỳ phát triển của tiền tệ, điều này đã góp phần giúp cho chi phí sản xuất tiền tệ ngày càng ít đi và từ đó có thể dành tài nguyên cho những sản phẩm đầu ra có ích hơn. Ngoài ra sự đòi hỏi của một niềm tin và chấp nhận chung của tất cả mọi người dân tồn tại trên một đất nước cũng là yếu tố tiên quyết để có thể duy trì giá trị đồng tiền của quốc gia đó, nếu không thì tiền cũng chỉ là những tờ giấy và tờ polyme vô giá trị
Và đó là tất cả những gì trong bài viết này, cảm ơn mọi người đã lắng nghe bài viết đầu tiên về tài chính của mình, mong rằng sẽ được mọi người ủng hộ và góp ý nhiều hơn trong tương lai.