“Xin chào tất cả các cháu”, “Các cháu ơi, cuộc đời bà gần 60 nồi bánh chưng rồi nhưng chưa bao giờ bà làm món siêu to khổng lồ như thế này”, “Các cháu có thấy bà ngầu không?” Chắc hẳn mọi người đã biết nhân vật mà tôi muốn nhắc tới là ai rồi. Không khó để nhận ra những câu nói nổi tiếng trên đến từ Bà Tân Vlog, một hiện tượng Youtube nói riêng cũng như mạng xã hội nói chung ở Việt Nam trong suốt 6 tháng vừa qua.
  •        Theo Tinmoi.vn(1), bắt đầu đăng video đầu tiên vào ngày 4/5/2019, sau khoảng 1 tuần, kênh Youtube của Bà Tân đã có hơn 200 nghìn lượt đăng kí, và tính đến thời điểm ngày 4/12/2019, Youtuber này có hơn 3,35 triệu lượt theo dõi và hơn 400 triệu lượt xem. Những con số siêu to khổng lồ trên chính là ước mơ của những người làm Youtube lâu năm, vậy vì đâu mà trong một khoảng thời gian khá ngắn mà Bà Tân đã đạt được số lượt xem khủng đến vậy như vậy. Trong bài viết này, tôi muốn đưa ra một vài nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Bà Tân Vlog.
  •      Lý do đầu tiên cho sự phổ biến của Bà Tân có thể nhắc đến là sự ủng hộ của con trai Hưng Vlog. Hưng Vlog là một kênh Youtube 2 năm tuổi với khoảng hơn 2 triệu lượt đăng kí, một con số đáng mong ước với người làm Youtube ở Việt Nam. Hưng Vlog từng mời Bà Tân là mẹ của anh tham gia một số clip, ngoài ra, anh cũng chia sẻ và giới thiệu rất nhiều cho khán giả về kênh Youtube mới của Bà Tân. Chính bởi lý do đó mà rất nhiều khán giả trung thành của kênh Hưng Vlog đã theo dõi thêm kênh của Bà Tân.
  •        Lý do thứ hai mà tôi phải kể đến chính là nội dung độc đáo mà Bà Tân mang đến cho khán giả. Dù cho khán giả có thể tạm thời bị lôi cuốn bởi chiêu trò hay yếu tố gây sốc nào đi chăng nữa, thì nội dung mới là thứ có thể thu hút người xem trong một thời gian dài. Những món ăn mà Bà Tân nấu đa phần đều mang yếu tố “khổng lồ”, đó là nội dung mà kênh Youtube này hướng đến. Trên thế giới cũng có một số kênh Youtube làm về đồ ăn “khổng lồ” (2) như Veg Village Food (2, 05 triệu subscribers) hay Granpa Kitchen (6, 58 triệu subscribers). Những kênh này nhận được rất nhiều lượt xem và theo dõi của khán giả, với video “French Fries Recipe”, Granpa Kitchen có đến 39 triệu lượt xem sau 2 năm, và Veg Village Food nhận được 15 triệu view sau 11 tháng với clip “Tomato Recipe”. Như vậy, có thể thấy đồ ăn khổng lồ là một địa hạt khá mới mẻ trên Youtube và rất có tiềm năng phát triển. Ở Việt Nam, Bà Tân có thể coi là người tiên phong. Sau sự nổi tiếng của Bà Tân, rất nhiều kênh Vlog “khổng lồ”  như bà Hoa, bà Vân, bà Tám đã ra đời. Vậy nên có thể thấy, Bà Tân đã tạo ra một trào lưu mới ở Việt Nam. Những video của Bà Tân trung bình sẽ có khoảng từ 1-2 triệu lượt xem, tuy nhiên rất nhiều video đạt 5 đến 7 triệu view. Một trong những video được nhiều lượt xem nhất của bà là “thạch hoa quả 7 màu siêu to khổng lồ”, chỉ mất 4 tháng để đạt 10 triệu view. Ngoài yếu tố “khổng lồ”, các món ăn của Bà Tân cũng thường xuyên “siêu cay” với rất nhiều loại ớt tươi, ớt bột hay tương ớt. Các món ăn “siêu cay khổng lồ” có thể kể đến là đùi gà nướng, cánh gà nướng, chân gà, xúc xích, tôm,…Sau những món ăn siêu cay, Bà Tân cũng làm thêm những món tráng miệng khổng lồ như kem xoài, kem thanh long, hoa quả dầm, trà sữa hay nước mía. Nhìn chung, những món ăn của bà Tân luôn giữ vững tinh thần “siêu to khổng lồ”- thương hiệu khiến khán giả nhớ đến bà. Bà Tân đã từng giải thích lý do bà thích những món ăn “siêu to” là vì bà khá nhỏ bé (110 cm, 32kg) nên bà thích nấu những món to. Ngoài ra, những món ăn siêu to đó cũng là những món ăn mới lạ bà chưa được ăn nên bà làm để có cơ hội ăn thử.
  •       Lý do thứ 3 khiến Bà Tân Vlog thu hút khán chính là sự hài hước và chân chất của Bà. Như đã nhắc đến ở đầu bài viết, Bà Tân có rất nhiều câu nói nổi tiếng và được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Những câu nói ấy thường xuyên được bà lặp lại trong các clip của mình, vì vậy khán giả đã rất quen thuộc với nó. Ngoài ra, cộng đồng mạng cũng thường xuyên sử dụng những câu nói của bà như từ long trong nhiều hoàn cảnh để thể hiện sự hài hước hoặc trêu đùa. Tuy nhiên, dù được sử dụng với mục đích nào đi chăng nữa, sự phổ biến của những câu nói đời thường đã khiến hình ảnh Bà Tân được biết đến rộng rãi không chỉ trong cộng đồng mạng mà còn trong đời sống hàng ngày. Sau một số clip triệu view, rất nhiều gameshow truyền hình và báo chí đã phỏng vấn và mời Bà Tân tham gia chương trình truyền hình. Vì vậy, Bà Tân xuất hiện trên ti vi và được biết đến bởi cả những người không sử dụng mạng xã hội. Bà Tân thường xuất hiện trên video với một bộ quần áo màu xanh nước biển đậm chấm bi trắng. Ngay cả khi bà được phỏng vấn hay tham gia truyền hình, bà vẫn luôn trung thành với bộ quần áo giản dị đó. Giải thích về bộ quần áo này, Bà Tân nói rằng: “Tôi xấu lắm, tôi có trang điểm nhiều nữa thì cũng không đẹp được. Tôi may đến ba chiếc áo chấm bi cùng lúc nên nhiều người tưởng tôi mặc mãi một áo. Chân tôi không đi được giày nên đành chịu vậy”(3). Có thể thấy rằng, mặc dù nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền thì Bà Tân cũng không quá màu mè hay khoa trương mà vẫn chất phác theo cách mà Bà vẫn sống.
  •       Lý do thứ 4 cho sự nổi tiếng của Bà Tân là Bà rất “chiều fan”. Trong những video hay bài đăng Facebook của mình, Bà Tân thường xuyên hỏi khán giả cảm nhận về những món ăn của mình cũng như đề xuất để bà nấu những món mới. Bên cạnh đó, Bà Tân không bao giờ ăn một mình mà luôn luôn có “các cháu” ăn cùng, đó cũng chính là một điều khác biệt nữa của Bà Tân. “Các cháu” ở đây đôi khi là họ hàng, hàng xóm, hay chính là những khán giả đến thăm Bà. Khán giả của bà không chỉ có thanh niên mà còn có các em nhỏ học sinh hay các bác trung niên, không chỉ có người Việt Nam, mà còn có người Mỹ hay Hàn Quốc. Khi có khán giả Hàn Quốc đến thăm, Bà Tân đã nấu món “Tokbokki siêu to khổng lồ” hay “nồi mì tôm Hàn Quốc siêu to”. Mặc dù có những món ăn bà chưa nghe tên bao giờ và đôi khi công thức có vẻ “sai sai”, nhưng nỗ lực để phục vụ và thỏa mãn khán giả của Bà Tân là không thể chối cãi.
  •       Lý do cuối cùng cho sự nổi tiếng của Bà Tân chính là sự chỉ trích của khán giả. Có vẻ như những lý do tôi đã nhắc đến ở trên đều là những điểm tích cực, tuy nhiên hiện tượng Bà Tân Vlog cũng đã gây ra một làn sóng chỉ trích dữ dội trong cộng đồng mạng. Lướt qua một số bình luận phía dưới video của bà, không ít những khán giả ủng hộ: “Cháu thích bà làm món này”, “Cho bà tân 1 like”, “Ai muốn ăn giơ tay”,…Tuy nhiên, Bà Tân nhận không ít bình luậ tiêu cực như: “Ăn uống mất vệ sinh quá, toàn bốc k, gớm vãi, ai mà ăn nổi.” hay “Bà ăn cắp ý tưởng của kênh Thiệu Nhất Nguyên, giống y đúc, bó tay”. Đỉnh điểm của làn sóng chỉ trích xảy ra khi Bà Tân cho ra một video về “nồi cháo yến siêu to khổng lồ”, món ăn nghe có vẻ bình thường này lại là một nồi cháo ăn liền quảng cáo cho một thương hiệu cháo. Video món ăn của bà nhìn rất mất vệ sinh và không ngon miệng nên nhận được những bình luận như: “Bà Tân lừa dối khán giả, làm video không chân thực và một lũ ăn hại”, “Tẩy chay Bà tân đi mọi người ơi mình thấy clip chỉ mang tính chất quảng cáo ko còn như trước haizz buồn”, “ăn chán chê còn  bảo bà biếu hai cái cụ già, mất dạy, giả tạo, vô văn hóa đến thế là cùng”. Những bình luận gay gắt này không hề hiếm trong những video của Bà Tân, tôi thậm chí quan sát được một số tài khoản Youtube video nào của bà cũng vào bình luận khiếm nhã và nói là không muốn xem. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, những người ghét Bà Tân chính là những người tăng lượt view và tương tác cho bà. Họ có thể chỉ trích Bà Tân, nhưng trước khi chỉ trích, họ đã xem một, thậm chí là nhiều lần clip để bới móc, để tìm ra điểm bất hợp lý. Như vậy, dù vô tình hay cố tình, một lần nữa Bà Tân lại trở nên nổi tiếng hơn. Qua những bình luận yêu thương có, ném đá có, những người không biết đến Bà Tân bắt đầu thấy tò mò, không hiểu người đó là ai mà lại gây tranh cãi đến vậy, và họ lại bắt đầu theo dõi những video của bà Tân. Trong lý thuyết “Hypodermic Needle Theory” hay còn gọi là “Magic Bullet”(4), Harold Lasswell đã nhấn mạnh rằng “phương tiện truyền thông đại chúng có tác động trực tiếp, ngay lập tức và mạnh mẽ đến khán giả của nó”. Cũng theo lý thuyết này, truyền thông được coi như là một “chiếc nút thần kì” mà chỉ cần một lần bấm vào là có sức ảnh hưởng và lan tỏa rất lớn đến mọi người. Quay trở lại với sự nổi tiếng của Bà Tân, truyền thông đã có sức mạnh rất lớn khi lan tỏa và đưa hình ảnh của bà đến gần với khán giả. Và sự nổi tiếng ấy quả thực là “trực tiếp”, “ngay lập tức” và “mạnh mẽ”. Từ một nghìn, hai nghìn lượt xem đến hàng triệu lượt xem video hàng ngày, từ mạng xã hội đến truyền hình vô tuyến, và từ một Bà Tân vô danh đến một Bà Tân nổi tiếng rất nhiều người Việt Nam, thậm chí thế giới biết đến ( top 3 người đạt Nút Vàng Youtube nhanh nhất thế giới). Chúng ta có thể nhận ra sức mạnh truyền thông ở đây là báo chí, truyền hình, quảng cáo,…nhưng có lẽ đối với một người làm Youtuber thì truyền thông là chính khán giả của họ. Youtuber kiếm tiền bằng số lượng lượt xem video, vậy nên bất kì một sự quảng cáo hay thậm chí chỉ trích của khán giả (như đã phân tích ở trên) mà khiến lượt xem video tăng lên thì đó cũng là một sự thành công đối với Youtuber. 
  •        Phải chăng Bà Tân Vlog là một hiện tượng cá biệt của mạng xã hội nói chung cũng như của Youtube nói riêng?
  •        Câu trả lời chắc chắn là không. Trong thời đại công nghệ số 4.0, truyền thông đại chúng đã trở thành một phần không thể thiếu đối với cuộc sống của con người. Theo Brands Vietnam (5), ở Việt Nam, cứ 100 người thì có tới 99 người đăng kí tài khoản Facebook (100%) và có tới 94,3% số người dân sử dụng Youtube. Loại trừ số người không thường xuyên sử dụng những phương tiện trên thì con số như vậy cũng quá lớn. Còn theo Báo Dân trí (6) “thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới”.  Trong lý thuyết “Cultivation Theory” (7), George Gerbner đã chỉ ra: “những người thường xuyên xem ti vi rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thông điệp mà thế giới truyền thông đem lại”. Tương tự như ti vi, số lượng người dùng mạng xã hội trong vài năm trở lại đây đã tăng gấp nhiều lần so với thập kỉ trước, và vì vậy nó có những ảnh hưởng nhất định đến xã hội. Từ những số liệu trên ta có thể thấy, những thông tin, hình ảnh và nhân vật xuất hiện trên mạng xã hội có khả năng tiếp cận đến số đông khán giả một cách rất nhanh chóng, vậy nên streamer hay Youtuber đã trở thành những công việc đáng mơ ước của nhiều người. Đặc biệt, những công việc đó cho phép người thực hiện và khán giả tương tác trực tiếp với nhau, vậy nên nó càng hấp dẫn đông đảo người xem. Bà Tân cũng là một Youtuber biết tận dụng sự hài hước, món ăn độc đáo của mình và những thuận lợi của mạng xã hội và Internet để đưa hình ảnh của mình lan tỏa hơn. Trên thế giới có không ít Youtuber triệu subscribers đã nổi tiếng với những clip hài hước, độc lạ và có phần “dị”. Theo Kênh14 (8), Whinderssonnunes là một Youtuber có 17,7 người theo dõi và anh thường không mặc áo trong các clip của mình, Fernanfloo (20 triệu subscribers) lại nổi tiếng với những trò chơi khăm hay “troll” bạn bè, PewDiePie (54,1 triệu subscribers) được biết đến với những video bình luận game thể loại kinh dị. Ở Việt Nam, Lâm Vlog (2,9 triệu subscribers) cũng thường xuyên làm những video “dị” như “trộn tất cả các loại trà sữa của Gongcha vào và uống”, “trộn 7 loại nước ngọt với nhau và uống” hay “7 ngày chỉ ăn gà KFC”. Tóm lại, hiểu được tâm lý khán giả là luôn tìm kiếm những điều mới lạ và độc đáo, những Youtuber triệu view đã cho ra mắt những video đáp ứng những yêu cầu đó. Bà Tân có rất nhiều yếu tố để “hút fan” như tôi đã phân tích, đó là sự hài hước, món ăn “khổng lồ” đáp ứng tiêu chí độc đáo và không thể thiếu sự ảnh hưởng của truyền thông.
  •      Trên đây là một số nguyên nhân mà tôi cho rằng có tác động đến sự nổi tiếng “thần tốc” của Bà Tân Vlog, và nguyên nhân chủ yếu có lẽ đến từ sự bùng nổ của mạng xã hội những năm gần đây. Có rất nhiều người cho rằng sự nổi tiếng của Bà Tân thật phi lý, tuy nhiên vấn đề nào cũng sẽ có những lý do của nó và thay vì chỉ trích thì chúng ta có thể đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi mình đang băn khoăn. Tôi cũng đã từng là một trong những người đầu tiên đăng kí theo dõi Bà Tân sau khi thấy clip của bà trên Youtube. Tôi không hoàn toàn thích tất cả những video của bà nhưng tôi không tán thành việc lợi dụng truyền thông nhằm tẩy chay hay hay chỉ trích đối tượng nào đó một cách thái quá. Trên Youtube hiện nay xuất hiện rất nhiều các kênh ẩm thực với nội dung thuần túy nấu ăn như Ông Thọ Vlog. Khi vào xem kênh này, tôi đọc được rất nhiều bình luận khen ông nấu ăn ngon và sạch sẽ. Tuy nhiên, rất nhiều bình luận lại so sánh Bà Tân với Ông Thọ “Sao ông nấu ngon mà ít view hơn bà Tân nấu bẩn”, “Bà Tân nấu cho lợn ăn”, “Ông nấu sạch quá ko như bà…”. Mọi sự so sánh đều chỉ mang tính chất tương đối, đặc biệt lại so sánh một người này trên kênh Youtube của người khác. Nhiều khán giả nghĩ rằng Bà Tân đã hết hot, hết thời, “nhàm”,…nhưng một khi mà bà vẫn còn được khán giả nhắc đến trên comment facebook hay nhắc đến trên kênh của 1 Youtuber khác nghĩa là bà vẫn còn được cộng đồng mạng quan tâm. Và tôi cho rằng sức ảnh hưởng của mạng xã hội đối với Bà Tân vẫn còn đó chứ chưa hề bị mất đi.
  • Tham khảo
  •  
  • Trang Vũ(tổng hợp)(2019), Bà Tân Vlog là ai mà gây bão mạng với những video hàng triệu view?
  • https://www.tinmoi.vn/ba-tan-vlog-la-ai-ma-gay-bao-mang-voi-nhung-video-hang-trieu-view-011520017.html, xem 4/12/2019
  • Tổng hợp(2019), Phát hiện nguyên mẫu của Bà Tân Vlog ít nói và món còn khổng lồ gấp bội.
  • https://vietgiaitri.com/phat-hien-nguyen-mau-cua-ba-tan-vlog-it-noi-va-mon-con-khong-lo-gap-boi-20190613i4026858/, xem 04/12/2019
  • Duy Huỳnh(2019), Không phải tình cờ, chiếc áo chấm bi Bà Tân mặc đều đặn trong vlog có ý nghĩa siêu đặc biệt.
  • https://saostar.vn/cong-nghe/internet/chiec-ao-cham-bi-ba-tan-mac-deu-dan-trong-vlog-co-y-nghia-rat-dac-biet-6536005.html, xem 04/12/2019
  • Shraddha Bajracharya(2018), Hypodermic Needle Theory ò Communication.
  • https://www.businesstopia.net/mass-communication/hypodermic-needle-theory-communication, xem 04/12/2019
  • Công ty nghiên cứu thị trường W&S(2018). Thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam 2018
  • https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/10074-Thoi-Quen-Su-Dung-Mang-Xa-Hoi-Cua-Nguoi-Viet-Nam-2018, xem 04/12/2019
  • Thế Kha (2019), Giới trẻ Việt Nam sử dụng mạng xã hội 7 giờ mỗi ngày
  • Cultivation Theory
               xem      04/12/2019