Ở xã hội còn khá nặng nhiều tư tưởng truyền thống như ở Việt Nam, con cái sinh ra đã mang trên một cái sứ mệnh “trở thành con người hoàn hảo”. Hầu như cha mẹ nào cũng đòi hỏi ở con cái giỏi nhất, họ mong muốn con cái phải đứng đầu lớp, phải chơi đàn giỏi, phải học Toán giỏi, phải nói tiếng Anh giỏi, nói chung là trở thành một con người kiệt xuất. Nếu như những cha mẹ được sinh ra vào thời kì còn khó khăn, họ không có điều kiện để học hành tử tế, thì con cái sinh ra đích thị là để bù đắp lại những gì họ không được trải nghiệm trước đây khi cho rằng bố mẹ không được học hành tử tế nên con phải trở thành người cực kì tài giỏi. Nếu như những cha mẹ có điều kiện học hành tử tế, thì nhiệm vụ của con cái sinh ra là bắt buộc phải tiếp nối truyền thống đó để làm rạng danh dòng họ, gia đình, không thì “nhục” lắm! Suy cho cùng, con cái là một món đầu tư, và khi cha mẹ đầu tư thì phải có lời. Và muốn có lời thì họ cho rằng phải nghiêm khắc với con cái, giống như muốn thành công thì phải khổ luyện. Và cái tư tưởng “Yêu cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi” cũng ra đời từ đó. Sự nghiêm khắc của cha mẹ, nếu dừng lại ở mức độ vừa phải, thì nó cũng đem lại hiệu quả, không những khiến con tốt lên mà còn giúp con học cách chịu đựng được một phần áp lực và sự gắt gỏng của cuộc sống.
Nhưng giống như ngọn lửa, cháy vừa vừa thì giúp sưởi ấm, nhưng cháy to thì lại thiêu rụi cả một khu rừng, sự nghiêm khắc đến mức cực đoan của cha mẹ sẽ tạo ra những đứa trẻ vô cùng mâu thuẫn. Một mặt, sự nghiêm khắc ấy lâu dần xây trong tâm hồn trẻ một bức tường cảm xúc, tạo ra sự chai lì trong cảm xúc. Khi chúng còn nhỏ, khi bị đánh, chúng có thể khóc thật to, hét như chưa bao giờ được hét, nhưng khi lớn lên một chút, bước vào tuổi dậy thì, sự đánh và nghiêm khắc của cha mẹ sẽ chẳng còn đổi lại được bằng tiếng khóc và sự sợ sệt của trẻ này, mà sẽ đổi lại bằng sự lì lợm và chai sạn trong cảm xúc. Chúng sẵn sàng chẳng có phản ứng gì, thậm chí với một số đứa trẻ, khi bị bố mẹ đánh, chúng chẳng rơi lấy một giọt nước mắt, và cũng chẳng hề sợ sệt, cũng không nhận thức được việc làm của mình sai ở đâu. Sự chai lì ấy, suy cho cùng, bắt nguồn từ những tổn thương chúng phải chịu từ thời thơ ấu. Chúng đã quá quen với việc bị đánh, bị mắng, bị nghiêm khắc đến cực đoan. Chúng coi việc đó là chuyện bình thường, và chịu đựng những trận đòn roi đã trở thành một bản năng. Chúng đã phải chịu những tổn thương ấy quá lâu, đến mức cảm xúc bị bào mòn, không còn là những đứa trẻ hồn nhiên mà trở nên thờ ơ, hờ hững với những gì xung quanh, không còn là giọt nước mắt lã chã mà là sự tỉnh bơ đến mức đáng sợ. Và thực sự, giống như người ta vẫn thường hay nói về việc khi ta phạm lỗi, sự im lặng của cha mẹ là điều đáng sợ nhất, thì trong trường hợp này, sự không cảm xúc của những đứa trẻ cũng đáng sợ không kém, khi ta sẽ chẳng biết trong đầu nó đang nghĩ gì và sẽ làm gì tiếp theo. Những gương mặt vô cảm, những ánh mắt vô hồn, và sự vô hình trong sự biểu lộ cảm xúc chưa phải là tất cả mà những cha mẹ nhận được khi nghiêm khắc đến mức cực đoan với con cái, mà sẽ hằn vào đầu đứa trẻ một cách duy nhất để giải quyết vấn đề đó là bạo lực.
Nhưng ngược lại, như tiêu đề của bài viết: “Sự nghiêm khắc của cha mẹ tạo ra những đứa trẻ mâu thuẫn”, sau cái vô cảm trên lại là cái nhạy cảm vô cùng cực của đứa trẻ phải chịu sự cực đoan ấy. Hay nói cái khác, cái vô cảm mà ta nhìn thấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, chỉ là những gì ta nhìn thấy trên gương mặt của chúng, nhưng thực ra, sâu xa hơn là sự nhạy cảm trong tận đáy lòng của chúng. Sự kiêu hãnh của đứa trẻ mới lớn và sự chai lì trong cảm xúc không cho phép chúng rơi nước mắt trước mặt cha mẹ, nhưng ngay sau khi bị đánh, chúng có thể chạy vào nhà tắm, hoặc kiếm chỗ nào đó kín đáo, một mình và bưng mặt khóc một cách ngon lành. Dường như chúng chỉ đợi đến khi đó để có thể giải toả được hết cảm xúc đã bị dồn nén trong lòng. Những tiếng nấc lên, nghiến răng, khiến ta có cảm giác, chúng đang cố gắng nấc thật to, khóc thật lớn, để thoả mãn được sự ấm ức, tổn thương mà chúng phải chịu, để rồi đứng trước mặt cha mẹ, chúng lại tiếp tục với gương mặt không cảm xúc. Có khi ở một mình, khi nằm ngủ, bất giác chúng cũng có thể khóc thầm một mình, chẳng vì sao đâu, mà tự nhiên nước mắt cứ chảy ra ướt đầm gối lúc nào chẳng biết. Sự tổn thương chúng phải chịu khiến chúng nhạy cảm hơn bao giờ hết, luôn nhìn mọi thứ với trái tim mong manh, dễ vỡ, và khiến chúng dễ đồng cảm với những ai cũng phải chịu những tổn thương như chúng. Và sự nhạy cảm ấy, nhiều khi cũng gây ra những hậu quả đau lòng, vì những đứa trẻ phải chịu sự nghiêm khắc cực đoan như thế luôn có nguy cơ tự tử cao hơn gấp 10 lần trong tương lai. Những đứa trẻ ấy, luôn già hơn so với tuổi, luôn nhìn đời với một ánh mắt đỏ hoe, luôn có thể khóc bất cứ lúc nào, với một tâm hồn chỉ chờ cơ hội để bùng nổ cảm xúc. Tổn thương thời thơ ấu ban cho chúng sự nhạy bén nhanh hơn người bình thường, không còn vô tư mà trở nên ưu tư nhiều hơn, không nóng vội mà trở thành những con người dịu dàng, sống nội tâm hơn rất nhiều.
Hai thái cực cảm xúc vô cùng đối lập, một là sự vô cảm, hai là sự nhạy cảm, cùng được hình thành từ sự nghiêm khắc đến mức cực đoan của cha mẹ, từ những tổn thương thời thơ ấu mà những đứa trẻ phải chịu. Sự vô cảm chỉ là phần ngoài chúng thể hiện ra bên ngoài, nhưng sự nhạy cảm lại nằm tận sâu trong đáy lòng mà bố mẹ hay người khác sẽ chẳng bao giờ chạm tới, vì nó nằm ở phần thầm kín nhất của đứa trẻ mà chúng sẽ chẳng bao giờ chia sẻ với ai, trừ khi tìm được một người đồng cảm. Hai thái cực này luôn tồn tại song song trong con người trẻ, luôn đấu chọi và luôn rạch ròi với nhau, nhưng đáng sợ nhất là khi không rạch ròi được nữa thì chúng sẽ bùng nổ, và cái bùng nổ ở đây sẽ là sự nhạy cảm, phần ở bên trong, và đến lúc đó, thứ cha mẹ nhận được không là một đứa con hoàn hảo như họ vẫn thầm mong, mà sẽ là những hậu quả chẳng thể nào lường trước. Hỡi những bậc cha mẹ, tấm lòng và cảm xúc của con, các vị có hiểu?