Sứ mệnh bị áp đặt
Lao động và chăm sóc gia đình là hạnh phúc của người phụ nữ?
Từ một bài viết trên báo Tuổi Trẻ:
và một bình luận phía dưới:
Tôi không dám chắc người bình luận tên Nam này có phải là nam hay không. Nếu phải, đó là sự áp đặt tư tưởng độc hại. Nếu không, nó là sự quy chụp suy nghĩ cá nhân lên toàn thể. Đằng nào cách quy kết này cũng có vấn đề, bởi tôi đã gặp rất nhiều trường hợp không xem lao động và chăm sóc gia đình là hạnh phúc. Mặc khác, họ hướng đến việc làm đẹp và tận hưởng cuộc sống (bằng cách du lịch, ăn uống và khám phá chẳng hạn).
"Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" và "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" đã trở thành những chiếc cùm vàng đặt lên phụ nữ. Quy chuẩn này xuất phát từ thời chiến, cái thời mà sự sống còn phải đặt lên hàng đầu, bỏ qua tất cả mọi nhu cầu "người" khác, và ở đó người ta không hề có lựa chọn. Do vậy, phụ nữ bên cạnh công việc quen thuộc của mình nay còn phải gánh vác thêm phần việc của nam giới, để nam giới yên tâm mà đảm đương công việc của... nam giới. Ở thời chiến ấy, giới cầm bút hay ca ngợi những người phụ nữ với thể trạng vốn thua kém lại có thể làm những việc nặng nhọc và nguy hiểm không kém gì đàn ông. Mô tả này gợi lên sự ngưỡng mộ, và cũng nói lên tính khắc nghiệt của hoàn cảnh khiến con người phải gồng lên cho vừa với cái vai vốn không dành cho sức vóc của mình. Tuy nhiên, vô hình trung nó lại trở thành khuôn mẫu gò ép phụ nữ vào trong đó.
Tôi không phản đối hai câu nói quen thuộc ở trên. Với tôi, đó là lời khen ngợi cộng với sự cảm phục. Mà khen ngợi và cảm phục có nghĩa là tính cách ấy là một hiện tượng vượt trên mức trung bình. Cũng có nghĩa là, đó không dành cho toàn bộ phụ nữ.
Rõ ràng việc phụ nữ đảm đương cả công việc khéo léo của mình lẫn công việc nặng nhọc của nam giới trong thời chiến đã có tác dụng rất lớn giúp nam giới toàn tâm làm những việc nặng nhọc và nguy hiểm hơn gấp bội. Tuy nhiên nếu xem điều này là hiển nhiên và phổ quát, tức thích hợp cho mọi cá nhân và mọi thời đại, thì đó là điều độc hại bởi nó như vắt kiệt sức lực người phụ nữ. Hạnh phúc của phụ nữ bị gán vào những đối tượng xung quanh: tòng phụ, tòng phu, tòng tử, và giờ thêm tòng xã hội, thay vì hướng vào chính bản thân mình.
Thế nhưng, tôi cũng không có ý định phủ nhận việc gia đình và lao động mang lại hạnh phúc cho phụ nữ. Gia đình đúng là một thiên chức, và thường niềm hạnh phúc này chỉ có thể cảm nhận được nếu ta thực sự trải qua nó. Công việc ngoài xã hội cũng thế. Lý tưởng bên ngoài xã hội cũng là điều mà phụ nữ có quyền theo đuổi. Tuy nhiên, do thời gian và sức lực là một bài toán tổng số bằng không, nên một người quá đầu tư vào mục tiêu cao cả bên ngoài thường không giỏi các công việc chăm sóc gia đình, hay thậm chí là chăm sóc bản thân, như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp. Cân bằng được những giá trị gia đình, xã hội và bản thân hẳn nhiên là một điều tốt đẹp, nhưng thiên lệch về một phía cũng chẳng có gì sai.
Vậy thì, lao động và gia đình, khi nào là hạnh phúc, khi nào trở thành gánh nặng? Điều khác biệt nằm ở mức độ tự do lựa chọn của bản thân người phụ nữ. Một người ra ngoài làm việc vì thích cảm giác tạo ra giá trị cho xã hội, thích được gặp gỡ nhiều người sẽ rất khác so với một người đi làm vì "tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ". Một người từ bỏ công việc vì tìm thấy niềm vui khi nấu nướng, chăm sóc chồng con cũng rất khác so với một người làm việc nhà vì "mình không làm thì lấy ai làm". Thái độ của người phụ nữ đối với những công việc thường nhật quyết định đó là hạnh phúc hay gánh nặng.
Vậy thì người ta có thể thay đổi thái độ để đạt hạnh phúc khi đang nằm trong một khuôn mẫu mà người khác đặt lên hay không? Hay nói cách khác, phải chăng phụ nữ vẫn có thể hạnh phúc trong những công việc không vừa vặn bằng cách xem đó là "sứ mệnh"? Tôi nghĩ rằng có thể, nhưng với tôi đó không phải là một hướng đi "dễ chịu". Bởi lẽ với những người có tính cách và thế mạnh thiên lệch, sự hòa hợp giữa hoàn cảnh và bản sắc cá nhân sẽ giúp người đó phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, bước vào một vai trò không phù hợp sẽ kiềm hãm khả năng, hoặc xa hơn là tạo ra những ức chế âm thầm trong tâm lý.
Một điều cần tránh khác chính là những thái cực nhị nguyên. Chẳng hạn, nhân loại đã đấu tranh để phụ nữ thoát khỏi sự trói buộc vào nhà bếp, nhưng không có nghĩa yêu thích công việc bếp núc là một điều đáng thương hại. Hoặc, chiếc váy là niềm yêu thích và tự hào của nhiều phụ nữ, nhưng không mặc váy cũng không phải là biểu hiện của sự thiếu tự tin đến mức đáng thương.
Tôi không hẳn là người ủng hộ cho phong trào bình đẳng giới. Khi vấn đề giới trở thành một phong trào đi quá xa, những người đứng ngoài dễ cho rằng mục đích đấu tranh về giới chính là cho phụ nữ được làm công việc của đàn ông hoặc được cư xử như đàn ông. Cách nghĩ này vô tình đưa hình tượng người đàn ông thành một khuôn thước mẫu mực để hướng đến, đưa người phụ nữ thoát khỏi cái khung này để rồi lại lèn vào một cái khung khác. Thế nhưng bình đẳng giới không đơn giản như vậy. Với tôi, đây là một sự chuyển dịch từ phạm trù "nghĩa vụ" sang "quyền". Tức là, điều cần thiết không phải là trao công việc cho người phụ nữ, mà là trao cho phụ nữ sự tự do lựa chọn đâu là cái thích hợp với mình. Đó không phải là sự giải phóng phụ nữ khỏi những công việc bó buộc, mà là sự giải phóng khỏi những áp đặt của người khác. Đó không chỉ là tăng quyền tự quyết cho phụ nữ, mà đó còn là giới hạn quyền định nghĩa, gán ghép giá trị của xã hội lên bản thân những người phụ nữ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất