Từ nhỏ chúng ta đều được dạy bảo là phải biết lễ phép, biết kính trọng người trên mình. Tại sao lại như vậy?
Từ thời hồng hoang, loài người sống hoà chung với thiên nhiên hoang dã. Nhờ có hai cái "lễ" và "nhạc", loài người mới tách ra khỏi sự hoang dã đó được. "Nhạc" là sự hoà hợp, đồng điệu của cuộc sống loài người với nhau và với tự nhiên, thể hiện qua âm thanh, điệu múa. "Lễ" chính là tôn ti trật tự trên dưới, trước sau, thích hợp với mọi việc trong cuộc sống. Ở các loài thú khác, mối quan hệ giữa những cá thể hết sực lộn xộn và phức tạp, không hề có trật tự nào. Chính cái "lễ" làm con người tách ra khỏi loài thú. "Lễ" và "nhạc" là hạt nhân của văn hoá truyền thống Trung Hoa, ngày xưa Khổng Tử dùng "lễ" và "nhạc" để trị nước. Thế mới biết được "lễ" và "nhạc" quan trọng như thế nào với đời sống con người.
Vì lẽ đó, "lễ" chính là khuynh hướng tự nhiên của sự phát triển của con người. Khi thấy một người nhỏ hơn thiếu lễ độ với người lớn hơn, tự nhiên ta có cảm giác khó chịu, vì thấy một điều gì đó sai, có vẻ trái khoáy; là bởi vì hành động thiếu lễ độ đó trái với lẽ thường, đi ngược lại với sự phát triển của loài người từ xưa, nên bản năng đó làm cho ta cảm thấy như vậy.
Khi gặp người lớn tuổi hơn, ta chào. Có người phản biện lại, rằng tại sao phải chào người lớn? Nếu để thể hiện sự cung kính thì để trong lòng không phải là được rồi sao? Điều đó là bởi vì, trong cuộc sống, nội dung phải đi đôi với hình thức. Nếu tôi gặp thầy tôi, thay vì khoanh tay cúi đầu chào, tôi quàng vai bá cổ chào thầy chẳng hạn, thì đó là biểu hiện của sự vô lễ. Nếu lúc đó, tôi vẫn nói là tôi vẫn kính trọng thầy trong lòng, thì đó là một sự giả dối. Không thể có sự kính trọng nào mà biểu hiện bên ngoài như vậy. Hành động đó chỉ ra rằng, trong lòng tôi đang thiếu sự kính trọng với thầy mình thì mới làm như vậy. Thế mới nói, nội dung và hình thức phải đi đôi với nhau.
Cuối cùng, sự lễ phép là một phần trong mối quan hệ giữa người trên và người dưới, chính là cái đáp lại của sự yêu thương, bảo bọc và nâng đỡ mà thế hệ đi trước dành cho thế hệ đi sau. Sự lễ phép thường được nhắn nhủ và răn dạy cho người nhỏ, nhưng phải ngầm hiểu rằng, người lớn hơn cũng phải có trách nhiệm với người nhỏ hơn mình. Thế hệ đi sau lễ phép, kính trọng thế hệ đi trước, thì thế hệ đi trước phải yêu thương, dìu dắt, bảo bọc cho thế hệ mai sau, đó chính là mối quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp của con người. Mối quan hệ này phải hai chiều, hỗ tương qua lại thì mới có thể duy trì lâu dài được. Sẽ không bao giờ có chuyện một chiều, thế hệ đi trước chỉ biết hưởng thụ sự cung kính mà không phải có trách nhiệm gì, hay thế hệ đi sau chỉ biết nhận sự yêu thương, bảo bọc mà không biết kính trọng, lễ phép với người lớn hơn. Điều đó chắc chắn sẽ tạo ra sự gãy đổ trong mối quan hệ của con người. Chúng ta thường nghe nói về sự lễ phép mà người dưới phải có chứ ít nghe nói đến trách nhiệm ngược lại của người trên, là bởi vì thế hệ sau là trẻ, là nhỏ nên cần được dạy bảo. Nói đến đây, phải nói đến trách nhiệm của người lớn là vô cùng nặng nề. Người trên, lớn hơn phải sống sao cho tương xứng với sự cung kính mà người đó nhận được. Trong xã hội, có nhiều trường hợp những người lớn sống thiếu chuẩn mực, thay vì biết yêu thương, dìu dắt cho thế hệ mai sau, lại có những việc làm mà làm cho thế hệ sau thiếu kính trọng (như trường hợp đổi thể xác để lấy vai diễn trong showbiz chẳng hạn). Với những trường hợp như vậy, người ta có thể làm việc chung với một người, nhưng sự tôn kính dành cho người đó là không có, "kính không nổi"! Không kính trọng trong trường hợp này không phải là thiếu đạo đức, thiếu lễ phép, mà là bởi vì người đó không đáng để kính trọng. Thế nên nói đến sự lễ phép, không thể không nói đến trách nhiệm của người lớn hơn để xứng đáng nhận được điều đó là vô cùng quan trọng.
Sự lễ phép là một đức tính tốt đẹp. Một người có đức tính lễ phép thì mới được người khác tôn trọng. Chính sự lễ phép làm cho mối quan hệ của người với người trở nên bền chặt và duy trì lâu dài trong tiến trình phát triển của con người.