Đã hai tuần từ khi tôi viết bài viết đầu tiên, tôi đã có kế hoạch viết mỗi ngày nhưng có vẻ việc đó đã thất bại rồi. Thực ra tôi đã có viết một chút, nhưng mà chúng chỉ dừng lại ở bản nháp và tôi cũng không biết phải hoàn thiện như thế nào. Bỗng hôm nay một ngày trời đẹp và một sự thôi thúc khiến tôi muốn ghi lại vài dòng, cũng để ngẫm lại một chút về một vài ngày vừa qua.
-----------------------------------------------------------

P1. Sự tích lũy trong học tập và phát triển bản thân

Trong vài tuần qua, trong quá trình tìm hiểu để tìm một vị trí thực tập, tôi bất chợt nhận ra một điều rằng: Hóa ra rất nhiều những kĩ năng mà các vị trí thực tập yêu cầu tôi đã đều tiếp xúc qua, và đã tìm hiểu một chút, hoặc có ý định học về nó. Nhưng sự thực là tôi có thể thỏa mãn rất ít trong số các kỹ năng được yêu cầu đó, hoặc tôi có biết nhưng không tự tin vào năng lực của bản thân. Thực ra đó không hề là điều gì đó kỳ lạ, mà rất bình thường đối với một sinh viên mới ra trường và tìm việc. Điều khuyết thiếu lớn nhất chính là kinh nghiệm và sự thực hành, điều mà các đại học ở Việt Nam còn rất yếu. Các đại học ở Việt Nam dạy nhiều lý thuyết và ít thực tiễn, hay ít nhất là ở ngôi trường tôi theo học.
Đây là một vấn đề mà rất nhiều người vẫn luôn biết và nhận ra, và cách để xử lý nó là gì? Có hai phương pháp ở đây, một là nhà trường và định hướng giáo dục cần được thay đổi, mang tính thực tiễn nhiều hơn. Đây là điều mà các học sinh, sinh viên như tôi không thay đổi được, dĩ nhiên rồi, nhưng phương pháp thứ hai thì ai cũng có thể làm được, đó là phải tự học và rèn luyện các kỹ năng đó. Tự học bằng cách nào thì mỗi người sẽ có một cách thức khác nhau, nhưng chắc chắn hiện tại rất nhiều bạn trẻ đã nhận ra và ngày càng tập trung cho phát triển bản thân.
Và trên hành trình tự học đó thì tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, với nguyên nhân lớn nhất chính là không kiên trì được quá lâu. Một ví dụ điển hình là việc luyện viết mà tôi đã đề ra này, mặc dù tôi đã cố gắng để duy trì hàng ngày nhưng bằng một lý do này hay lý do khác tôi vẫn lảng tránh nó mỗi khi muốn ngồi vào bàn để viết. Tôi nghĩ cũng có nhiều người gặp phải vấn đề giống như mình trên con đường này, hoặc ít nhất cũng có một vài người trong số bảy tỉ người trên hành tinh này chứ, mà có lẽ sẽ nhiều hơn. Nguyên nhân cho việc này, theo sự chiêm nghiệm của tôi, có lẽ nằm ở khả năng tập trung và kiên trì cũng như cách suy nghĩ của mỗi người là khác nhau, bởi hoàn cảnh sinh ra và lớn lên, năng lực của bản thân mỗi người chắc chắn sẽ khác nhau.
Bản thân tôi, theo cách nhìn chủ quan, là một người học và nắm bắt được vấn đề tương đối nhanh. Dù chưa đến mức học một hiểu mười nhưng khi tôi học một, tôi thường sẽ nắm được đầy đủ số một ấy. Điều này giúp tôi trong việc học ở trường lớp, học đại học hay học các vấn đề mới một cách nhanh chóng, nhưng cũng làm giảm khả năng kiên trì của tôi đi, bởi nếu nói đi nói lại một vấn đề mình đã hiểu nhiều lần, chắc chắn là rất chán phải không? Và không, tôi không biện minh cho việc tôi thiếu kiên trì. Tôi chỉ muốn tìm ra một nguyên nhân logic cho phần tính cách đó của bản thân, để có thể nhìn nhận lại và tìm ra một phương pháp khắc phục hiệu quả.
Một người thầy của tôi, đã miêu tả một người học sinh cũ của thầy là một anh chàng rất thú vị. Thầy kể rằng, vào những năm cấp 2, anh chàng đó bất chợt nhận ra mình thật ngu ngốc, khả năng của anh ấy yếu kém hơn nhiều người đồng trang lứa, một vấn đề mà mọi người dễ dàng hiểu có thể tốn của anh ấy gấp đôi thời gian. Sau đó anh ấy đi đến một kết luận là để bù đắp được sự yếu kém của bản thân đó, anh ấy chỉ cần chăm chỉ gấp đôi người bình thường, và kiên trì với quan điểm đó. Hiện giờ, anh là người đã đi xa nhất và vượt lên tất cả mọi người có xuất phát điểm tốt hơn anh, điều khiến chính người thầy của tôi cũng phải ngạc nhiên. Sau khi nghe xong câu chuyện trên, tôi bất chợt nhận ra, tôi có một phần nào đó gần như ngược lại so với anh ấy. Tôi biết khả năng của tôi trong việc nắm bắt vấn đề và học tập tương đối tốt, điều khiến tôi đạt một kết quả ở mức chấp nhận được và điều tệ nhất là tôi chấp nhận kết quả "ở mức chấp nhận được" đó. Hệ quả là tôi luôn ở mức trung bình khá, bị mọi người vượt mặt, dù bản thân mình có khả năng. Tôi luôn nghĩ mình hoàn toàn có thể học cái đó rất nhanh, một lý thuyết hay một ngôn ngữ lập trình. Nhưng tôi bỏ qua một điều: sự tích lũy của thời gian.
Quy tắc mười nghìn giờ để trở thành bậc thầy ở một lĩnh vực, tôi nghe được điều đó khi học năm nhất đại học, ở môn Đại số, nhưng đến giờ nó lại khắc sâu hơn vào tâm khảm của mình, và hiểu rằng nó chắc chắn không phải một thứ gì đó vu vơ. Nhưng trước hết tôi không đề cập tới nhưng quá trình rèn luyện không hồi kết của những chuyên gia hay những vận động viên, mà tôi muốn nói đến việc hoàn thiện và nắm bắt một kỹ năng từ con số "0" tròn trĩnh. Như việc học một kỹ năng chuyên môn hay một ngôn ngữ, tôi thường tìm tới các khóa học, chuẩn bị thật kỹ ở điểm khởi đầu. Tôi đọc hằng hà sa số các bài giới thiệu, các lý thuyết nền tảng, các lưu ý khi bắt đầu, các Q&A bên lề, tham khảo các khóa học khác nhau ,... trước khi thực sự bắt đầu học về vấn đề đó. Mọi sự chuẩn bị đều không thừa thãi, nếu ta có thể hoàn thành được khóa học đó, nhưng nếu không, mọi thứ sẽ chỉ là bỏ đi. Tôi có một thói quen xấu là quan tâm và tìm hiểu nhiều khóa học, chọn khóa có review tốt nhất hoặc được giới thiệu, nhưng lại chẳng hoàn thành được quá nửa khóa học và dừng lại giữa chừng. Ở những buổi đầu, tôi cố gắng ghi chép thật đầy đủ, hiểu được từng chữ, làm từng ví dụ. Rất nhanh sau đó, tôi cảm thấy có đôi chút chán nản, mệt mỏi, khóa học vẫn ở đó, còn tôi thì không quay lại.
Đó là khi tôi nhận ra rằng, tầm quan trọng của việc mình có thể thực sự "hoàn thành" khóa học đó, quan trọng hơn việc mình hiểu từng chữ ở những bài đầu tiên, hay việc ghi chép tỉ mỉ cẩn thận cho một vài trang giấy đầu quyển vở. Tôi có thể bật tốc độ bài giảng 1.75 và chỉ lắng nghe những gì giảng viên nói, đồng thời note lại xấu như một quyển nháp, nhưng việc tôi hoàn thành được khóa học 15 buổi chắc chắn đáng giá hơn việc học 3 buổi đầu rồi để đó. Điều đó cũng đúng với tất cả mọi thứ tôi bắt đầu, như việc tôi luyện viết, tôi không cần ép bản thân phải viết mỗi bài một ngày, nhưng tôi khi nào tôi viết, nội dung đó cần thực sự có ý nghĩa, điều đó mới khiến việc luyện viết có hiệu quả. Trước đây tôi cũng quan tâm tới việc luyện chữ viết tay, vì chữ tôi khi viết nhanh có chút xấu và tôi muốn thay đổi điều đó. Tôi tìm hiểu khắp nơi, xem các video hướng dẫn, mua các loại bút và giấy có in mẫu, đọc các cuốn tài liệu từ thế kỉ 19, 20 về các phong cách viết tay ở Mỹ, nhưng với sự chuẩn bị quá kĩ lương đó lại khiến tôi nhanh chóng cảm thấy nản và khó khăn khi bắt đầu và nhanh chóng dừng lại. Tôi sẽ chia sẻ kĩ hơn về chủ đề chữ viết tay sau khi tôi khởi động lại nó trong thời gian tới.
Túm lại rằng, một sự khởi đầu mà tôi cho là hoàn hảo không đi kèm với một quá trình mà sự hứng thú và kiên trì kéo dài được lâu, và từ bây giờ tôi nên ưu tiên cho việc hoàn thành chính nhiệm vụ đó, thay vì tập trung vào lời nói đầu của quyển sách và dừng lại sau khi đọc được một chương. Tôi sẽ kết thúc phần một của bài viết này ở đây với chủ đề là sự tích lũy trong học tập và phát triển bản thân. Phần hai về chủ đề tài chính sẽ được lên sóng sau khi tôi đọc lại cuốn "Tâm lý học tiền tệ" lần thứ hai. Cảm ơn các bạn vì đã đọc đến đây. Thân ái chào tạm biệt và hẹn gặp lại. Tschüss!
08:25 PM, 04.03.2022
P.S. Tôi biết rằng mình nên đọc lại và kiểm tra bài viết trước khi đăng tải, về những lỗi chính tả hay lỗi hành văn, nhưng tôi vui vì mình đã hoàn thành bài viết này nên tôi sẽ đăng nó lên ngay sau khi hoàn thành. Nếu có lỗi chính tả hay lỗi diễn đạt thì mong mọi người thông cảm và tôi sẽ dần dần khắc phục nó. Cảm ơn mọi người vì đã đọc đến đây! Nếu các bạn có trải nghiệm giống như tôi ở chủ đề này và có những biện pháp hay ý tưởng để khắc phục thì hãy comment xuống bên dưới, tôi sẽ sẽ vui khi được trao đổi cùng mọi người. ^^