Thời gian gần đây, sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đã gây ra một cơn khủng hoảng trên phạm vi toàn thế giới. Với sự lây lan gia tăng chóng mặt do toàn cầu hóa và du lịch quốc tế, vào ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố Covid-19 trở thành đại dịch thứ 2 trong thế kỷ 21 sau đại dịch cúm A H1N1 (Cheng et al., 2020). Đây quả thực là một dịch bệnh hết sức nguy hiểm, cụ thể, tính đến ngày 20 tháng 5 năm 2019 đã có khoảng 5 triệu ca nhiễm được ghi nhận, trong đó có đến hơn 300 nghìn ca tử vong. Ý thức được sự cần thiết của các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các quốc gia mà phần lớn là các nước Châu Á đã nhanh chóng ra lệnh cách ly và bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng. Tuy nhiên việc đeo khẩu trang để phòng dịch đối với các nước phương Tây lại bị coi nhẹ, thậm chí còn có những trường hợp kỳ thị người Châu Á chỉ vì họ đeo khẩu trang. Vậy những nguyên nhân gì đã dẫn tới sự khác biệt quan điểm rõ rệt giữa người Châu Á và người Châu Âu về vấn đề đeo khẩu trang nói chung và đeo khẩu trang trong mùa dịch nói riêng?

Nguoi goc A bi xuc pham vi deo khau trang, bang California len an hinh anh 1 2020_01_30T160418Z_5_LYNXMPEG0T129_RTROPTP_4_CHINA_HEALTH_1_1_.jpg
Source: Internet
Nói tới sự việc kỳ thị khẩu trang, hàng loạt các vụ du học sinh hay người Châu Á bị chế giễu, lăng mạ và xa lánh vì đeo khẩu trang liên tiếp xảy ra. Có lẽ do tâm lý hoang mang vì dịch bệnh mà không ít người mặc định cho rằng cứ là người Châu Á thì sẽ mang mầm bệnh trong người, nên họ có phần quá gay gắt, nhạy cảm với người Châu Á. Mặc dù khẩu trang gần như đã trở thành một biểu thị dành riêng cho người Châu Á từ lâu (Khác biệt văn hóa Âu - Á trong việc đeo khẩu trang, 2020), nhưng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 giống như một mồi lửa làm bùng lên một cuộc va chạm văn hóa giữa phương Đông và phương Tây về thói quen đeo khẩu trang.
Ở các nước Châu Á, khẩu trang đã là một vật rất đỗi quen thuộc đối với nhiều người. Công dụng đầu tiên phải kể đến của khẩu trang là loại bỏ bụi bẩn và khí thải độc hại do ô nhiễm. Hầu hết các quốc gia Châu á đều là các nước đang phát triển và đông dân, do vậy mà ở các thành phố lớn tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Đây chính là lý do khiến khẩu trang trở thành một vật bất ly thân với hầu hết người dân. Ngược lại thì ở các nước Châu âu đa phần là các nước phát triển, môi trường sạch sẽ, dân cư không quá đông đúc, sử dụng nguồn năng lượng sạch, nên lượng khí thải, khói bụi không đáng kể , bởi vậy mà người dân ở đây cảm thấy khẩu trang không cần thiết. 
Bụi siêu mịn: sát thủ lạnh lùng trong không khí - BBC News Tiếng Việt
Source: BBC News
Trên phương diện về văn hóa, người phương Đông thường coi trọng vẻ đẹp của làn da trắng mỏng manh, nên những người con gái và phụ nữ Á Đông thường làm mọi cách để giữ cho mình một nước da trắng trẻo. Đôi với những nước có khí hậu ôn đới hay hàn đới thì chống nắng k phải là vấn đề quá to tát, nhưng với những nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt như Việt Nam, Thái Lan, vv thì sử dụng khẩu trang để chống nắng tránh bị đen da chính là một biện pháp hữu hiệu. Trái lại, Châu Âu lại chuộng làn da nâu bánh mật bóng khỏe. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người nước ngoài nằm phơi nắng trên bãi biển, sân vườn hay bất cứ đâu họ thấy phù hợp. Vì nguyên nhân này nên tất  nhiên người Châu Âu không bao giờ có thói quen đeo khẩu trang thường xuyên.
Từ bỏ làn da trắng, Quỳnh Anh Shyn đã trở thành cô nàng
Source: Internet
Một đặc trưng văn hóa khác cũng rất quan trọng đó chính là quan điểm về biểu hiện nét mặt trong giao tiếp. Người Châu Á khi giao tiếp thường ít sử dụng cử chỉ trên khuôn mặt và chỉ tập trung vào các vùng xung quanh đôi mắt hay nửa trên thay vì nửa dưới khuôn mặt của người đối diện (Ý nghĩa cảm xúc của nét mặt cũng mang đặc trưng văn hóa, 2009). Điều này lý giải cho việc người Châu Á không cảm thấy bất tiện khi sử dụng khẩu trang khi giao tiếp và cho rằng việc này hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, Người Châu Âu có xu hướng sử dụng nét mặt rất nhiều và rất thường xuyên khi giao tiếp. Mặt khác, khi nói chuyện với một người, họ sẽ chú ý vào toàn bộ khuôn mặt của người đó để phán đoán trạng thái cảm xúc của người đó  (Ý nghĩa cảm xúc của nét mặt cũng mang đặc trưng văn hóa, 2009). Vậy, nếu đeo khẩu trang khi giao tiếp, người phương Tây có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và bất tiện hơn không sử dụng khẩu trang.
If You're Bad at Reading Faces, Perhaps This Is Why -- Science of Us
Source: Internet
Tính cách cũng là một yếu tố quyết định sự hình thành văn hóa.  Tính cách con người Châu Á thường nhút nhát, hướng nội  và hay tự ti về ngoại hình. Họ thường không muốn bị người khác nhìn thấy những điểm mà họ nghĩ là không đẹp và cảm thấy không hài lòng trên gương mặt của mình, nên họ có xu hướng đeo khẩu trang để che đi những khuyết điểm ấy, từ đó tạo cảm giác thoải mái hơn cho chính bản thân họ (Khác biệt văn hóa Âu - Á trong việc đeo khẩu trang, 2020). Người Phương tây lại khác, với tính cách hướng ngoại, luôn luôn tự tin, lạc quan, nên hầu hết đều cho rằng đeo khẩu trang làm hạn chế sự giao tiếp của họ, hay gây ra sự vướng víu, phiền toái trong mọi hoạt động thường ngày.
Cách đeo khẩu trang y tế đúng chuẩn không phải ai cũng biết
Source: Internet
Khi được đặt trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 hiện nay, việc sử dụng khẩu trang một lần nữa dấy lên những tranh cãi trong cộng đồng. Những người Châu Á ngay từ trước khi có dịch bệnh đã sử dụng khẩu trang như một thói quen trong cuộc sống hằng ngày. Điều này vô hình chung giống như một biện pháp tự cách ly nhẹ nhàng khi dịch bệnh xuất hiện, và khi dịch bệnh xảy ra họ lại càng trở nên ý thức hơn về việc này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặt nạ N95 chặn 99,98% virut, mặt nạ y tế đã chặn 97,14% virut và mặt nạ tự chế đã chặn 95,15% virut (Ma et al., 2020). Có thể thấy rằng, việc đeo khẩu trang giúp hạn chế, ngăn chặn việc tiếp xúc và lan truyền mầm bệnh. Do vậy, mặc dù Châu Á ban đầu là tâm dịch nhưng lại kiểm soát dịch tương đối nhanh và hiệu quả. Ở một thái cực hoàn toàn khác khác, Khi dịch bệnh phát triển theo hướng phức tạp ở Châu Á và bắt đầu lan sang Châu Âu,  người dân lúc ấy vẫn không thấy hoang mang lo sợ, không sử dụng khẩu trang khi tới nơi công cộng ngay cả khi khám chữa bệnh.Với việc quá tự tin vào bản thân cũng như khả năng giải quyết dịch bệnh của chính phủ, Người Châu Âu lơ là với đại dịch và cho rằng người khỏe mạnh không cần thiết phải đeo khẩu trang, khẩu trang chỉ dành cho những ai nhiễm bệnh hay đó chỉ là vật dùng dành riêng cho ngành y. Một số nơi thậm chí đã cấm đeo khẩu trang. Ví dụ như ở Pháp cấm nhân viên bán hàng đeo khẩu trang vì sẽ gây tâm lý lo sợ cho khách hàng khiến họ bỏ đi (Đeo khẩu trang: Va chạm văn hóa Đông Tây - Đông thắng Tây thua?, 2020).
Nhiều người dân New York đã đeo khẩu trang để chống dịch bệnh Covid-19
Source: Internet
Nói tóm lại, những khác biệt về văn hóa giữa các nước Á-Âu dẫn tới những quan điểm khác biệt về vấn đề sử dụng khẩu trang nói chung và trong mùa dịch nói riêng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận vai trò của việc đeo khẩu trang trong phòng tránh các dịch bệnh về đường hô hấp. Mặc dù nhiều nước Châu Âu trước đây không khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang, nhưng hiện nay tất cả các quốc gia đều đã thực hiện lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Dịch bệnh cũng đang dần được kiểm soát và người dân đang dần quay trở lại với nhịp sống thường ngày, đây quả là một tín hiệu đáng mừng. Dịch bệnh Covid-19 thực sự đã là một bài học cho sự lơ là của một số nước phương Tây, có lẽ sau đại dịch này, họ sẽ phải rút kinh nghiệm và học hỏi một trong những cách phòng dịch hiệu quả từ các nước Châu Á đó chính là thói quen đeo khẩu trang.

N.T.K.T