Sự kết thúc của toàn cầu hóa
Nhìn từ góc độ kinh tế chính trị, chiến lược phản toàn cầu hóa của ông Trump là sự tính toán kỹ lưỡng.
Ngày 2/4/2025 Tổng thống Trump đã công bố sắc lệnh áp dụng thuế đối ứng với 180 nền kinh tế trên thế giới. Sự hoảng loạn và tác động tiêu cực của nó là điều mà ai cũng có thể nhận thấy.
Do cầu không co giãn (inelastic demand), 30% chi phí của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu sẽ do các doanh nghiệp nước ngoài gánh chịu, còn 70% sẽ do người tiêu dùng Mỹ chịu, thực chất đây là một hình thức đánh thuế tiêu dùng gián tiếp, điều này có vẻ như đi ngược lại với các quy luật kinh tế học.
Nhiều người nghi ngờ tính hợp lý của việc ông Trump áp thuế quy mô lớn, vì điều này đi ngược với lý thuyết lợi thế so sánh trong kinh tế học phương Tây, và có thể làm lung lay nền tảng của hệ thống đồng USD. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ kinh tế chính trị, chiến lược phản toàn cầu hóa của ông Trump là sự tính toán kỹ lưỡng. Dù sao thì ông cũng là người được bầu chọn bằng lá phiếu của người dân Mỹ, đại diện cho một nửa dân ý nước Mỹ. Trong mắt những người ủng hộ khẩu hiệu “Make America Great Again” (MAGA), toàn cầu hóa là con dao hai lưỡi, và đã đến lúc chấm dứt cuộc chơi đốt tiền này.

Nhân loại đã trải qua ba lần toàn cầu hóa
Trong suốt lịch sử, nhân loại đã trải qua ba lần toàn cầu hóa và từng xuất hiện ba “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”.
Làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất
Quá trình toàn cầu hóa đầu tiên bắt đầu bằng những chuyến hải trình vĩ đại vào thế kỷ 16. Sau khi Columbus khám phá ra châu Mỹ, người Tây Ban Nha đã biến nơi đây thành thuộc địa của họ. Để cướp bóc của cải, họ đã phá hủy nền văn minh Aztec và tiến hành diệt chủng ở châu Mỹ. Năm 1545, Tây Ban Nha phát hiện ra mỏ bạc lớn nhất thế giới ở Peru, sự kiện này đã làm thay đổi sâu sắc tiến trình lịch sử loài người.

Đô la bạc Tây Ban Nha
Bạc được sản xuất ở Peru không chỉ có số lượng lớn mà còn có chất lượng rất cao. Nhờ vào nguồn bạc liên tục được khai thác từ Peru, Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia giàu có nhất châu Âu. Tuy nhiên, số của cải này không liên quan gì đến tầng lớp người nghèo mà chủ yếu rơi vào tay hoàng gia và giới quý tộc. Để duy trì cuộc sống xa hoa, họ nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa từ nước ngoài, chẳng hạn như len của Anh, rượu vang của Pháp, hàng dệt may của Hà Lan, trà và đồ sứ của Trung Quốc.
Dần dần Tây Ban Nha cũng thay đổi từ một quốc gia có thặng dư thương mại nước ngoài thành một quốc gia thâm hụt thương mại, dựa vào việc xuất khẩu bạc để cung cấp sức mua cho thương mại quốc tế.
Dưới sự thúc đẩy của đồng đô la bạc Tây Ban Nha, nhân loại đã mở ra làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên. Những đơn đặt hàng lớn đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của ngành thủ công mỹ nghệ ở Anh và Hà Lan, biến chúng thành trung tâm sản xuất của châu Âu. Tây Ban Nha, với các mỏ bạc, đã trở thành đế chế đầu tiên trong lịch sử loài người mà "mặt trời không bao giờ lặn". Họ đã xây dựng một hạm đội hùng mạnh để duy trì thương mại hàng hải, đồng thời truyền bá tư tưởng Công giáo trên toàn cầu.

Bản đồ đế quốc Tây Ban Nha
Tuy nhiên, các mỏ bạc ở châu Mỹ không chỉ mang lại sự giàu có mà còn mang lại tai họa cho Tây Ban Nha. Giới quý tộc Tây Ban Nha, vốn không còn lo chuyện cơm áo gạo tiền, dần đánh mất tinh thần phiêu lưu mạo hiểm. Họ từ chối tham gia vào sản xuất, tiêu xài hoang phí, không chỉ khiến ngành sản xuất rơi vào tay nước ngoài mà còn làm giá cả trong nước tăng vọt.
Mặt khác, để duy trì quyền lực thực dân, Tây Ban Nha nhiều lần sa vào các cuộc chiến tranh, nợ nần chồng chất và tài chính liên tục phá sản. Vào nửa sau thế kỷ 16 , "Chiến tranh Anh-Tây Ban Nha" nổ ra giữa Tây Ban Nha và Anh, và "Hạm đội bất khả chiến bại" đáng tự hào của Tây Ban Nha đã bị tiêu diệt. Vào nửa đầu thế kỷ 17, Chiến tranh Ba mươi năm đã nổ ra ở Châu Âu. Triều đại Habsburg, bao gồm cả Tây Ban Nha, đã bị đánh bại và Hà Lan giành được độc lập. Từ đó trở đi, Tây Ban Nha không bao giờ phục hồi được nữa và đế chế đầu tiên mà mặt trời không bao giờ lặn đã kết thúc.
Làn sóng toàn cầu hóa thứ hai
Sau khi Tây Ban Nha sụp đổ, Anh và Hà Lan bắt đầu một cuộc cạnh tranh khốc liệt, và Anh đã trở thành người chiến thắng cuối cùng nhờ lợi thế về mặt địa lý.
Vào giữa thế kỷ 19, Anh đã vươn lên và trở thành "công xưởng của thế giới" nhờ cuộc Cách mạng Công nghiệp và sản lượng công nghiệp của nước này chiếm 40% tổng sản lượng công nghiệp của thế giới. Để thu gom được nhiều tài sản toàn cầu, Anh đã thúc đẩy mạnh mẽ chế độ thương mại tự do trên toàn thế giới và thiết lập hệ thống bản vị vàng quốc tế, mở ra làn sóng toàn cầu hóa thứ hai của nhân loại.
Trước đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng tiêu chuẩn bạc. Ví dụ, bạc được sử dụng rộng rãi ở các nước Đông Á.
Nhưng tại sao Anh lại thúc đẩy chế độ bản vị vàng?
Bởi vì họ kiểm soát được các mỏ vàng ở Nam Phi - nơi chiếm một nửa trữ lượng của thế giới. Dưới chế độ bản vị vàng, Anh có quyền đúc tiền xu và có thể thao túng thương mại thế giới bằng cách điều tiết sản lượng vàng. Đồng bảng Anh được neo theo vàng và trở thành tiền tệ của thế giới.
Để củng cố quyền lực tiền tệ này, Anh không tiếc tổn thất quốc lực để phát động các cuộc Chiến tranh Boer, ngăn cấm các nước khác tiếp cận mỏ vàng Nam Phi.
Tuy nhiên, chế độ bản vị vàng không chỉ mang lại lợi ích cho nước Anh. Khi sở hữu sức mua khổng lồ, tầng lớp thượng lưu Anh bắt đầu theo đuổi cuộc sống an nhàn, nhiều sinh viên bỏ học kỹ thuật và chuyển sang học văn chương, khiến Anh dần dần chuyển từ một quốc gia sản xuất sang quốc gia tiêu dùng, cung cấp thanh khoản cho thương mại quốc tế thông qua việc nhập khẩu hàng hóa.
Trong quá trình này, ngành sản xuất của Anh suy yếu khi các đơn đặt hàng dịch chuyển sang Mỹ và Đức. Vào đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ và Đức lần lượt vượt qua Anh về sản lượng công nghiệp và trở thành những "công xưởng mới của thế giới".
Với sự suy thoái của ngành sản xuất, Anh khó có thể duy trì được lợi thế quân sự tuyệt đối như trước. Đối mặt với cuộc chạy đua vũ trang từ Đức, Anh cảm thấy ngày càng kiệt sức và buộc phải từ bỏ chính sách "sự cô lập huy hoàng",chuyển sang liên minh với kẻ thù truyền thống là Pháp.
Chiến tranh thế giới I và II đánh dấu sự suy tàn của Đế quốc Anh, cuối cùng cả Anh và Đức đều chịu tổn thất nặng nề, trong khi Mỹ trở thành kẻ chiến thắng và vươn lên nắm giữ vị thế bá chủ toàn cầu.
Làn sóng toàn cầu hóa thứ ba
Năm 1944, Mỹ thiết lập hệ thống Bretton Woods, neo đồng USD vào vàng và biến nó thành đồng tiền quốc tế. Khác với Anh trước đó, Mỹ không kiểm soát việc sản xuất vàng, điều này đồng nghĩa việc phát hành USD bị giới hạn bởi sản lượng vàng.
Đến năm 1971, do đồng USD mất giá khiến vàng dự trữ bị rút khỏi nước Mỹ hàng loạt, Tổng thống Nixon tuyên bố từ bỏ hệ thống Bretton Woods. Sau đó, đồng đô la Mỹ được gắn với dầu mỏ và hệ thống "Petrodollar" được thiết lập, chuyển từ chế độ bản vị vàng sang tiền tệ tín dụng. Để duy trì vị thế của đồng đô la Mỹ, Hoa Kỳ phải can thiệp sâu vào các vấn đề Trung Đông, đảm bảo quyền kiểm soát đối với các nước sản xuất dầu vùng Vịnh.
Cuối thập niên 1970, Trung Quốc công bố chính sách cải cách mở cửa. Với ưu thế về chi phí nhân công lao động Trung Quốc nhanh chóng trở thành "Công xưởng mới của thế giới". Kể từ đó, kinh tế toàn cầu hình thành mô hình “G2” giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ duy trì thâm hụt thương mại để cung cấp thanh khoản cho thương mại quốc tế, còn Trung Quốc dựa vào xuất khẩu quy mô lớn để kiềm chế lạm phát toàn cầu – hình thành nên mô hình “Trung Quốc sản xuất – Mỹ tiêu dùng”, mở ra làn sóng toàn cầu hóa thứ ba.
Theo mô hình này, các công ty xuất khẩu của Trung Quốc và các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ đã trở thành những bên hưởng lợi nhiều nhất, khi phía Trung Quốc tạo ra hàng trăm triệu việc làm, còn phía Mỹ thu về lợi nhuận khổng lồ từ nước ngoài, hỗ trợ giá cổ phiếu tăng liên tục.

Xưởng đóng tàu Newport, Mỹ
Tuy nhiên, trong mô hình này, tầng lớp công nhân Mỹ lại bị thời đại bỏ lại phía sau. Khi các đơn hàng được chuyển đi, hoạt động sản xuất trong nước tại Hoa Kỳ cũng chuyển sang khu Đông Á, Đông Nam Á. Trong Thế chiến II, lý do Hoa Kỳ có thể đánh bại Nhật Bản là nhờ khả năng đóng tàu vượt trội của nước này. Nhưng đến hiện tại, Trung Quốc sản xuất một nửa số tàu trên thế giới, trong khi Mỹ chỉ sản xuất 0,2%. Điều này đồng nghĩa với việc năng lực đóng tàu của Trung Quốc gấp hàng trăm lần Mỹ.
Trên thực tế, xưởng đóng tàu Newport – nơi duy nhất ở Mỹ có khả năng sản xuất tàu sân bay cỡ lớn – thường xuyên thiếu công nhân lành nghề, dẫn đến tình trạng không thể vận hành hết công suất.
Trump và sự kết thúc của toàn cầu hóa 3.0
Do khoảng cách công nghiệp, Hoa Kỳ hy vọng có thể dựa vào công nghệ cao để duy trì vị thế thống lĩnh của mình, nhưng điều này không hề dễ dàng. Vào thế kỷ 19, ngành điện từ học do các nhà khoa học người Anh là Faraday và Maxwell phát hiện ra, nhưng cuộc cách mạng điện lại phát triển mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và Đức.
Ngày nay, cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đã ra đời tại Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc đã cho thấy xu hướng bắt kịp bằng cách dựa vào cải tiến thuật toán.
Lấy ví dụ về DeepSeek, nó đã trở thành ỨNG DỤNG nhanh nhất trong lịch sử đạt tới 100 triệu người dùng. Với ba lợi thế không ngờ là chi phí thấp, hiệu suất cao và mã nguồn mở, nó đã trở thành biểu tượng của việc "phá vỡ thế độc quyền công nghệ phương Tây", thúc đẩy bình đẳng công nghệ và cung cấp bản dùng thử sản phẩm miễn phí để giúp cá nhân và công ty giảm chi phí và tăng hiệu quả. Trung Quốc cũng đang dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế về AI tạo ra. Ngoài ra những thành tựu về chuyển đổi xanh, hay đột phá trong chuỗi ngành công nghiệp điện thoại thông minh, xe năng lượng mới đều dễ thấy.
Nguyên nhân căn bản là vì đổi mới khoa học cần có không gian ứng dụng công nghiệp rộng lớn – thiên tài chịu trách nhiệm từ 0 đến 1, còn công nhân thực hiện từ 1 đến 100.
Đối với Hoa Kỳ, toàn cầu hóa và thậm chí cả hệ thống đô la vừa là công cụ để kiếm tiền vừa là cái giá của sự chia rẽ xã hội. Mô hình này rất khó có thể duy trì trong thời gian dài.
Việc Trump lựa chọn kết thúc sớm làn sóng toàn cầu hóa 3.0 là một nỗ lực tự cứu lấy nước Mỹ. Ông đang cố gắng định hình lại bối cảnh thương mại toàn cầu, tái công nghiệp hóa Hoa Kỳ, thay đổi số phận của người lao động Mỹ và loại bỏ mô hình kinh tế dựa quá nhiều vào tài chính của nước này.
Với tư cách là quốc gia phát hành tiền tệ, Hoa Kỳ có thể hưởng chi phí tài chính cực kỳ thấp và sử dụng các công cụ tài chính để áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quốc gia thù địch, đây có vẻ là một tương lai đầy hứa hẹn. Nhưng như câu nói "Muốn đội vương miện thì phải chịu sức nặng", quốc gia phát hành tiền tệ cũng phải trả giá không nhỏ, bao gồm:
1. Chịu thâm hụt thương mại khổng lồ để cung cấp thanh khoản cho toàn cầu. Vì đồng tiền bản vị có chức năng lưu trữ giá trị nên không thể dễ dàng dùng biện pháp phá giá để thúc đẩy xuất khẩu. Hậu quả là ngành sản xuất trong nước dần dần bị chuyển ra nước ngoài và ngày càng phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài giá rẻ, gây ra các vấn đề như mất việc làm và an ninh chuỗi cung ứng.
2. Để duy trì sức mua lớn, Mỹ buộc phải vay nợ, cả chính phủ lẫn người dân. Trước năm 2008, Mỹ chủ yếu dựa vào bất động sản để thúc đẩy vay tiêu dùng. Sau 2008, chuyển sang vay công, khiến trần nợ công liên tục bị phá vỡ. Sự “thịnh vượng” dưới thời Đảng Dân chủ trong bốn năm qua chủ yếu dựa vào vay nợ – là kiểu “truyền tay quả bom”, không thể kéo dài mãi.
3. Để đảm bảo toàn cầu hóa vận hành, Mỹ phải gánh trách nhiệm duy trì trật tự thế giới, đảm bảo tuyến đường biển thông suốt. Trong lịch sử, các đế quốc bá quyền đều bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh vì điều này: Tây Ban Nha phải can thiệp khắp nơi, từ Đức đến Ý, kẻ thù ngày càng nhiều. Anh phải đấu Pháp ở châu Phi, đối đầu Nga ở Viễn Đông, khiến tài chính ngày càng kiệt quệ. Cuối cùng, để kiềm chế sự bành trướng của Đức ở châu Âu, Anh buộc phải thu hẹp chiến lược, hòa hoãn với Pháp và Nga. Ngày nay, Mỹ cũng tương tự: vì duy trì trật tự cũ mà bị cuốn vào chiến sự liên tục, tiêu tốn lượng lớn tài nguyên và khiến dân Mỹ bất mãn.
Nếu chúng ta so sánh các quá trình toàn cầu hóa trước đây, chúng ta có thể tìm thấy một số quy luật.
- Trong làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất, Tây Ban Nha là quốc gia phát hành tiền tệ và trở thành bá chủ thế giới nhờ vào quyền đúc tiền mà bạc mang lại. Tuy nhiên, khi thâm hụt thương mại gia tăng, trung tâm sản xuất của châu Âu dần chuyển sang Vương quốc Anh. Quyền bá chủ của Tây Ban Nha chỉ kéo dài hơn 40 năm ( 1545-1588 ).
- Trong làn sóng toàn cầu hóa thứ hai, Anh là quốc gia phát hành tiền tệ và trở thành bá chủ thế giới nhờ vào sức mạnh đúc tiền mà vàng mang lại. Tuy nhiên, trong khi gặt hái sự giàu có từ các thuộc địa, vị thế là công xưởng của thế giới của Anh dần dần nhường chỗ cho Hoa Kỳ. Làn sóng toàn cầu hóa thứ hai chỉ kéo dài hơn 40 năm ( 1871-1914 ).
- Trong làn sóng toàn cầu hóa thứ ba, Hoa Kỳ là quốc gia phát hành tiền tệ. Dựa vào sức mạnh tiền tệ do dầu mỏ mang lại, nước này đã trở thành bá chủ thế giới và nới rộng khoảng cách với Liên Xô. Tuy nhiên, với sự gia tăng thâm hụt thương mại, Trung Quốc đã thay thế Hoa Kỳ trở thành công xưởng thế giới mới và làn sóng toàn cầu hóa thứ ba chỉ kéo dài hơn 40 năm ( 1980-2024 ).
Tại sao chúng ta nói rằng làn sóng toàn cầu hóa thứ ba đã kết thúc?
Bởi vì hiện tại, không có loại tiền tệ nào có thể dễ dàng thay thế vị thế của đồng đô la Mỹ. Việc không có đồng tiền nào có thể tự phát và bền vững thay thế đồng USD cho thấy rằng hệ thống tài chính toàn cầu vẫn phụ thuộc quá nhiều vào mô hình cũ, vốn dựa vào thâm hụt thương mại và khả năng phát hành tiền của Mỹ.
Đây không chỉ là câu hỏi liệu bạn có thể làm được hay không mà còn là câu hỏi liệu bạn có sẵn lòng làm hay không. Lấy đồng Nhân dân tệ làm ví dụ, nếu Trung Quốc muốn đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền thế giới, họ sẽ phải chuyển đổi từ quốc gia sản xuất sang quốc gia tiêu dùng và dựa vào thâm hụt thương mại để cung cấp thanh khoản cho thế giới.
Tuy nhiên, động thái này sẽ dẫn đến việc mất cân đối sản xuất và đẩy ngành sản xuất ra ngoài, điều này đi ngược với chiến lược hiện tại của Trung Quốc. Mặt khác, nếu thế giới quay trở lại chế độ bản vị vàng, vấn đề giảm phát sẽ dễ dàng phát sinh một cách tự phát do hạn chế về sản lượng vàng.
Do đó, mặc dù hệ thống đô la Mỹ có nhiều nhược điểm nhưng hầu hết các quốc gia vẫn sẵn sàng sử dụng đô la Mỹ để thanh toán thương mại. Đây cũng là lý do vì sao Trump dám áp thuế lên thế giới.
Mặc dù chúng ta cảm thấy tiếc nuối vì kỷ nguyên toàn cầu hóa đã kết thúc, nhưng hệ thống này rất khó có thể duy trì trong thời gian dài. Thâm hụt thương mại dài hạn chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy yếu của ngành công nghiệp ở quốc gia phát hành đồng tiền đó và cuối cùng gây ra chủ nghĩa dân túy và tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự.
Mặt khác, chính sách mới của Trump có thể được tóm tắt thành ba điểm: làm sạch nội bộ (drain the swamp); liên kết với các đối tác nhằm đối trọng Trung Quốc; dùng thuế quan thay thế thuế tiêu dùng, khuyến khích hoạt động sản xuất quay trở lại Hoa Kỳ và bảo vệ ngành công nghiệp chủ lực.
Chỉ số cốt lõi để đánh giá thành bại chính là liệu sau bốn năm, tỷ lệ nợ công của Mỹ có giảm được hay không. Liệu Hoa Kỳ có thể vượt qua được chu kỳ suy thoái này hay không phụ thuộc vào việc Trump có thể tăng doanh thu và giảm chi tiêu hay không.
Trước áp lực cực hạn từ phía Mỹ, nếu lựa chọn phương án phá giá tiền tệ và cắt giảm lợi nhuận doanh nghiệp, tức là bên sản xuất chủ động gánh chịu phần lớn tổn thất để duy trì lợi thế cạnh tranh – đây chính là kết quả mà phía Mỹ mong muốn (tăng thu ngân sách từ thuế quan trong khi vẫn khiến chuỗi cung ứng toàn cầu chịu tổn thất). Đây cũng là lý do tại sao Trung Quốc lại lựa chọn đối sách trả đũa thuế tương xứng. Thái độ của Trung Quốc rất rõ ràng, dù có xảy ra "tách rời" (decoupling), thì họ cũng không thể để Mỹ độc chiếm toàn bộ nguồn thu từ thuế quan.
Đối với Việt Nam chúng ta là một "nước nhỏ", điển hình cho nền kinh tế hướng tới xuất khẩu. Năm 2024, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 142 tỷ đô la Mỹ, chiếm 30% GDP và thặng dư thương mại vượt quá 123 tỷ đô la Mỹ. Nếu mức thuế 46% của Mỹ được áp dụng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam có thể giảm một nửa xuống còn 15%-20%, chi phí của các ngành như may mặc, đồ nội thất có thể sẽ tăng hơn 3 lần. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng và rủi do dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Ngày 4/4 Tổng bí thư Tô Lâm đã điện đàm với tổng thông Trump đề xuất điều kiện đàm phán giảm thuế quan đối với Hoa Kỳ xuống 0% nhằm tránh việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế trừng phạt 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Chính sách thuế quan bằng 0 của Việt Nam về cơ bản là chiến lược sinh tồn của các nước nhỏ trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất