cogito ergo sum
cogito ergo sum
Đã bao giờ bạn hoài nghi về những điều bạn đã biết và tin tưởng ? Những điều tưởng chừng là sự thật hiển nhiên không thể bàn cãi để rồi sau thời gian những điều đó không còn đúng nữa. Hay bạn đã bao hoài nghi về bản thân mình và mọi thứ xung quanh ? Liệu tôi có đang thực tồn tại hay chỉ là một nhân vật trong một câu chuyện đang được kể, thế giới xung quanh tôi có thật không hay chỉ là một simulation do một siêu máy tính tạo nên giống trong bộ phim Matrix. Nếu bạn nghĩ rằng " Tại sao tôi phải hoài nghi mấy điều hiển nhiên làm gì cơ chứ " , cũng có lý nhưng giống như mở đầu, nhiều điều bạn tưởng như đúng nhưng hoá ra lại sai, những điều bạn tin tưởng bấy lâu hoá ra chỉ toàn là dối trá. Những ai ưa thích khoa học cũng biết " không cái gì thực sự đúng " , hai cộng hai bằng bốn sẽ không còn đúng nữa cho đến khi một ông giáo sư toán học nào đó chứng minh được rằng hai cộng hai ra bằng năm.
Đấy trong khoa học, còn triết học lại là một câu chuyện khác. Cá nhân tôi khi học về triết thấy được một điều rằng số đông triết gia luôn tìm kiếm hoặc xây dựng một chân lý toàn mỹ. Một sự thật của sự thật, một chân lý đẹp đẽ, chói sáng đứng trên vật. Đường đến chân lý không phải dễ, có triết gia xây con đường từ những phần đường được xây dựng sẵn, có triết gia thì đập bỏ hết hết tất cả để xây lại từ những phần đường đầu tiên và Descartes là triết gia đã làm điều táo bạo đó.

1. Sự Hoài Nghi

Điểm xuất phát Descartes lựa chọn cho mình chính là sự hoài nghi tuyệt đối. Ta có thể giả định điều gì là chắc chắn? Liệu đó có phải là những niềm tin thông thường trong đời sống hằng ngày hay không?Ông cho thấy rằng căn cứ, hay lý lẽ của ông đối với bất kỳ kiến thức nào cũng có thể là sai. Kinh nghiệm cảm tính, lối kiến thức sơ đẳng thường sai lầm và đáng để nghi ngờ.
" Tôi cũng nhận ra rằng cùng một người, với cũng tâm trí của người đó, có thể trở nên khác biệt như thế nào theo cách người đó được nuôi dưỡng từ thuở thơ ấu giữa những người Pháp hay người Đức, với khi người đó trải qua cả cuộc đời mình giữa những người Trung Quốc hay những kẻ ăn thịt người. Cũng tương tự như vậy, tôi cũng lưu ý trong cách ăn mặc của một người, cái đã làm ta hài lòng mười năm về trước, và có lẽ cũng sẽ khiến ta hài lòng một lần nữa vào mười năm sau này, thì bây giờ đây lại trông có vẻ kỳ quái và lố bịch như thế nào. Vì thế, tôi cho rằng chính phong tục, thói quen và hình mẫu mới là cái đã thuyết phục ta chứ không phải một tri thức chắc chắn nào cả "( Luận văn về Phương pháp/ và Những Suy niệm về Đệ nhất Triết học: H-R, I, 147 ).
Liệu sự không chắc chắn này có xuất hiện cả trong các học thuyết triết học hay không? “Ở trường học, tôi đã học được rằng hoàn toàn không thể hình dung được có điều gì đó khó tin hay trái với lẽ thường mà lại không được một triết gia nào dự đoán trước ”. Ngay cả cảm giác và nhận thức của giác quan cũng không hề chắc chắn. Rõ ràng là chúng thường xuyên đánh lừa ta. Nếu là vậy thì sự thận trọng sẽ cảnh báo ta đừng bao giờ đặt niềm tin hoàn toàn nơi chúng, ngay cả khi chúng đánh lừa ta chỉ một lần duy nhất.
Descartes đặt tất cả niềm tin, ý tưởng, tư tưởng và vật chất vào trong mối nghi ngờ. Ngay cả hiện thực của thế giới bên ngoài cũng không hoàn toàn chắc chắn. Vì ngay chính sự tươi mới và sống động của trí tưởng tượng mà nhờ đó ta nhận ra dấu hiệu rằng mình đang tri giác hiện thực một cách chân thật đôi khi cũng có thể chỉ là giấc mơ của ta, khiến ta không thể phân biệt được đâu là trạng thái mơ và đâu là trạng thái tỉnh bằng bất kỳ tiêu chuẩn xác định nào. Vì lẽ đó, ta phải thừa nhận rằng toàn bộ thế giới tri giác cảm tính này có thể chỉ là thế giới của những mộng tưởng mà thôi. Trong bức thư gửi cho bạn mình Descartes đã giải thích phương pháp nghi ngờ bằng một ví dụ sống động. Bạn hãy tưởng tượng rằng bạn có cả một đống những quả táo cần phải cất giữ cẩn thật. Nếu bạn là người khôn ngoan thì bạn sẽ biết rằng tất cả các quả táo bạn định cất giữ phải thật sự tốt, vì nếu có một quả bị hỏng, bị thối thì nó sẽ “lây nhiễm” sang những quả còn lại. Vì vậy, bạn phải thẳng tay bỏ đi một cách không thương tiếc dù nó chỉ là một sự trầy xướt nhỏ, nó đã không còn thích hợp.Từ đó ông đi đến luận điểm: “Bạn hãy khảo sát mọi nhận thức của con người để xem nó có thể bị nghi ngờ không. Nếu là nó đáng  ngờ, tức là bị lây nhiễm thì vứt bỏ ngay không thương tiếc vì đã hỏng. Quả táo còn lại thật sự trong cái giỏ mà Descartes lựa chọn phải là quả táo thật đặc biệt, nó thật hoàn hảo, là nhận thức mà không thể nghi ngờ. Nếu như vậy thì không tài nào có thể nghi ngờ được hết tất cả sự nhận thức của con người, mọi thành quả của khoa học sẽ tốn quá nhiều thời gian để xem xét lại. Để tránh được vấn đề khó khăn ấy, ông bắt đầu tìm đến câu hỏi: "Mọi nhận thức của con người là từ đâu đến? Tôi thấy có hai nguồn gốc của nhận thức: Các giác quan của ta và lý trí của ta". Sự nhận thức về thế giới, về cuộc sống xung quanh sẽ đến từ năm giác quan, còn nhận thức về toán học, logic học sẽ đến từ lý trí. Nhưng liệu bản thân hai nguồn nhận thức này có đáng nghi ngờ hay không?  Ông bắt đầu nghi ngờ những giác quan của mình, các giác quan của chúng ta không thể nào tin cậy được, nó đã bị "con quỷ vô hình" khống chế, đánh lừa, không thể tin cậy như nguồn gốc của nhận thức đúng đắn được. Chúng ta không thể chấp nhận trong sương mờ của buổi sáng sớm, trước mặt ta là hình tượng một con người, ta cố gọi họ đợi ta đi cùng nhưng thật sự không phải như vậy, nó chỉ là một tảng đá khi ta đến gần và nhận ra điều đó! Thật sự đôi mắt đã lừa dối chính bản thân chúng ta, ngay cả bây giờ ta vẫn không thể tin rằng trước mặt ta là một tảng đá! Không có cách nào đáng tin cậy để biết chắc rằng cái nào là chân thực, đúng sự thật và cái nào là giả dối cả. Nhưng chính ông cũng bao biện một điều là không phải bao giờ các giác quan của chúng ta cũng sai lầm, nó đã lừa dối nhưng cũng chính nó đã cho chúng ta biết đó là tảng đá chứ không phải là con người như chúng ta nghĩ, nếu nó bao giờ cũng luôn không chân thực và đúng đắn thì bấy lâu người ta không thể tồn tại. Nhưng các thông tin đến từ giác quan thật đáng nghi ngờ cần phải loại bỏ ra khỏi “giỏ táo. Làm sao mà chúng ta có thể dể dàng tin rằng trên tay bạn đang cầm một cây bút mà không phải là một cái thước hay chỉ là một cái chổi? nếu thật đúng như vậy bạn lấy gì để chứng minh điều đó? Descartes đã cảnh báo rằng bạn sẽ không bao giờ có thể chững minh được điều đó trong  "luận cứ nằm mơ của mình" . Nhận thức thật sự đáng tin cậy phải đến từ lý tính, từ suy nghĩ chứ không phải đến từ các giác quan đáng nghi ngờ của mình, cũng chính điều này đã giúp ông trở thành một nhà triết học duy lý.

2. Phương pháp hoài nghi

Descartes đã xây dựng phương pháp hoài nghi của mình có tên là hyperbol gồm :
1. Chỉ thừa nhận thông tin mà bạn biết là đúng sự thật
2. Chia nhỏ những sự thật này thành nhiều bộ phận nhỏ hơn
3. Giải quyết những vấn đề đơn giản trước
4. Liệt kê đầy đủ những vấn đề có thể thêm vào Sự nghi ngờ hyperbol đồng nghĩa với việc là có khuynh hướng nghi ngờ, bởi lẽ nó là một dạng nghi ngờ tới tận cùng hoặc quá mức. Theo cảm nhận của Descartes thì kiến thức có nghĩa là biết điều gì đó không chỉ đơn thuần là tất cả những nghi ngờ có lý, mà còn là tất cả những nghi ngờ có thể xảy ra. Trong cuốn sách Meditationes de Prima Philosophia (Suy ngẫm về triết học tiên khởi), Descartes kiên quyết nghi ngờ một cách có hệ thống rằng bất kỳ niềm tin gì của ông , để ông có thể xây từ gốc một hệ thống niềm tin chỉ bao gồm những niềm tin mà ông biết chắc chắn là đúng. Mục tiêu cuối cùng, hoặc ít nhất là mục tiêu chủ yếu — là tìm ra một cơ sở không còn nghi ngờ gì cho các ngành khoa học. Hãy xem dòng đầu tiên của cuốn sách Meditationes de Prima Philosophia:
" Đã vài năm trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi nhận ra rằng ngay từ thời trai trẻ, tôi đã chấp nhận rất nhiều ý kiến sai lầm là đúng, và do đó, những nguyên tắc mà sau này tôi dựa vào có gì đó rất đáng để nghi ngờ; và từ lúc đó, tôi đã tin về sự cần thiết của việc phải làm một điều mà cả đời tôi chưa bao giờ làm, đó là giũ bỏ tất cả những quan điểm mà tôi từng chấp nhận, và bắt đầu công việc xây dựng [kiến thức] nền tảng "

3. Luận cứ về giấc mơ

Descartes biết rằng giấc mơ của con người mặc dù có thể khó tin nhưng thường trông giống như thật, các giấc mơ thường đánh lừa chúng ta rằng chúng ta đang mơ cho nên chúng ta không có đủ căn cứ để phân biệt trải nghiệm giấc mơ với trải nghiệm thức giấc. Ví dụ như bạn thức và đang đọc bài viết này nhưng thực ra bạn đang mơ. Có rất nhiều bằng chứng rằng bạn đang thức để đọc nhưng cũng có nhiều bằng chứng chứng minh điều ngược lại. Descartes thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà có thể tạo ra ý tưởng giống như giấc mơ giống với simulation hypothesis. Tuy nhiên, ở phần cuối của Meditationes, ông kết luận rằng chí ít chúng ta vẫn có thể phân biệt giấc mơ với thực tế bằng cách hồi tưởng:
"Nhưng khi tôi thấy rõ ràng mọi thứ đến từ đâu, ở đâu và khi nào chúng đến với tôi, và khi tôi kết nối tri giác của mình về chúng với cả cuộc đời mình mà không có sự gián đoạn thì tôi có thể chắc chắn rằng khi tôi trải qua những điều này thì hóa ra tôi không nằm mơ mà là đang tỉnh táo."

4. Evil genius

Descartes lý luận rằng trải nghiệm của chính chúng ta rất có thể đang bị một con evil genius điều khiển. Khá giống với Satan trong Công Giáo, con evil genius này không chỉ láu cá, lừa lọc mà còn có uy quyền nữa. Nó có thể tạo ra một thế giới với vẻ bề ngoài khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang sống ở đó. Kết quả của sự nghi ngờ này cho thấy rằng Descartes không thể tin tưởng ngay cả những tri giác đơn giản nhất của mình. Trong Meditationes I, Descartes tuyên bố rằng nếu một người nào đó nổi điên, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thì sự điên rồ này có thể khiến người đó tin rằng những gì chúng ta nghĩ là đúng có thể chỉ là tâm trí đang lời dối chúng ta. Ông cũng nói rằng có thể có 'vài con quỷ xảo quyệt, uy quyền, hiểm độc' nào đó đã lừa dối chúng ta, ngăn cản chúng ta phán đoán một cách chính xác. Descartes lập luận rằng tất cả giác quan của ông đều có thể nói dối, và bởi lẽ giác quan của bạn có thể dễ dàng lừa phỉnh bạn nên Descartes nảy ra ý tưởng rằng sự tồn tại của một đấng quyền năng vô hạn phải là sự thật — cũng có khả năng là chính đấng quyền năng đã cấy cho Descartes ý tưởng này khi ngài không có lý do gì để lừa dối.

5. Kết

Cá nhân người viết khi đọc về sự hoài nghi của Descartes đã học được rằng điều ta biết không phải lúc nào cũng đúng đắn, việc hoài nghi là việc cần thiết trong một thế giới khi lượng thông tin rác gây sai lệch tư tưởng đang tăng lên rất nhiều. Nhưng có những thứ ta không thể hoài nghi được như Descartes, ông hoài nghi về tất cả mọi thứ nhưng ông không thể hoài nghi được việc ông đang hoài nghi.
_______________________________
source:
Triết học Descartes - Trần Thái Đinh 2005.