Trước đây mình có viết một bài viết về chủ đề này có tên "Sự thích nghi và làm thế nào để tối ưu hoá cảm xúc khi trải nghiệm ?", trong bài viết đó, mình có đề cập tới tính thích nghi tồn tại trong bản thân mỗi con người. Tính thích nghi này được chia làm hai loại là thích nghi về thể xác, và thích nghi về mặt cảm xúc. Bài viết trước mình tập trung đi vào các khái niệm và phương pháp tổng quát để tối ưu hoá cảm xúc, bài viết này mình muốn đề cập đến nhiều hơn những ứng dụng thực tiễn trong đời sống hàng ngày của tính thích nghi với nhiệm vụ tối ưu hoá cảm xúc khi thực hiện một công việc dài hơi.
Đầu tiên mình  muốn tổng hợp lại ba kết luận quan trọng mà bài đăng trước mình có chia sẻ:
1. Trong việc đánh giá một quá trình thực hiện nhiệm vụ nào đó, chúng ta có xu hướng chỉ chú ý vào phần cuối của quá trình để đánh giá cho toàn bộ quá trình mình đã trải qua
2. Nếu một quá trình thực hiện một công việc nào đó kéo dài đủ lâu, cảm xúc mà quá trình đó đem lại sẽ "nhạt" đi theo thời gian.
3. Sự ngắt quãng trong quá trình thực hiện một công việc sẽ làm mất đi tính thích nghi trong công việc đó.
Dưới đây là những trường hợp cụ thể về việc áp dụng sự thích nghi vào trong các công việc hàng ngày.

1. Về việc đánh giá năng suất làm việc của nhân viên

Việc đánh giá năng suất làm việc là một việc làm rất thường xuyên của mỗi nhân viên, đặc biệt là những người làm ở cấp lãnh đạo. Hãy cùng xem biểu đồ mô tả năng suất làm việc của hai nhân viên sau:
Biểu đồ thể hiện năng suất của hai nhân viên A và B trong cùng một giai đoạn
Biểu đồ trên mô tả năng suất làm việc của hai nhân viên A và B tính đến thời điểm đánh giá năng suất làm việc để xét tăng lương. Như có thể thấy năng suất làm việc của A đều đặn từ đầu tới cuối, còn của nhân viên B thì ngày càng tăng cho đến ngày đánh giá năng suất. Câu hỏi đặt ra là người làm quản lý sẽ đánh giá năng suất hai nhân viên này như thế nào ?
Dám chắc rằng với những người quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm đánh giá nhân viên, họ rất dễ rơi vào cái bẫy tâm lý thứ nhất. Họ có xu hướng chỉ nhìn vào năng suất của nhân viên ở giai đoạn gần đây ( phần phía bên phải của đồ thị ) để đánh giá, như vậy nhân viên B hẳn sẽ được đánh giá cao hơn nhân viên A ( mặc dù tổng khối lượng công việc làm được của nhân viên A lớn hơn nhân viên B ). Việc này không hiếm gặp, và chính vì thế tạo nên cảm giác bất công cho những nhân viên như nhân viên A, từ đó có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc như nhân viên đó có thể sẽ xin nghỉ việc. Do một điều quan trọng trong công việc mà bắt buộc các nhà lãnh đạo phải làm được là tạo cho nhân viên cảm giác mình được đánh giá đúng năng lực thực sự của mình. Không làm được điều này, dễ gây ra cảm giác bức xúc và chán nản cho nhân viên.
Bên cạnh đó, không chỉ có những người đánh giá năng lực người khác bị mắc phải, chính những người phải xem xét lại năng suất của mình cũng sẽ theo lối mòn của tâm lý này tạo nên. Những người như nhân viên B rất dễ bị ảo tưởng rằng trong toàn bộ quá trình vừa qua mình làm việc rất năng suất, để rồi khi bị đánh giá năng suất kém hơn những người như nhân viên A ( thực tế là kém hơn thật ) thì họ lại sinh ra cảm giác bất công do không được đánh giá đúng ( trên thực tế chính họ là người tự đánh giá bản thân mình sai chứ không phải trưởng nhóm đánh giá sai ). Như vậy thì cảm xúc bất công trong nhân viên lại bị sinh ra, dù trong trường hợp này là nhân viên đánh giá sai.
Như vậy, việc làm thế nào để tránh gặp tình trạng này là một bài toán khó cho các nhà quản lý. Có một phương pháp giúp xác định chính xác hơn năng lực nhân viên, đó chính là hãy chia ra các giai đoạn nhỏ trong một giai đoạn lớn như vậy, sau đó kết thúc mỗi giai đoạn nhỏ thì sẽ đánh giá một lần, như vậy sau một giai đoạn lớn, việc tổng kết các đánh giá từ các giai đoạn nhỏ sẽ được chính xác hơn. 
Phương pháp chia khoảng để đánh giá năng suất
Điểm khó ở giải pháp này là làm thế nào để xác định được giai đoạn nhỏ đó là bao lâu ? Liệu nó có quá dài để lại bị hiệu ứng tâm lý 1 ảnh hưởng hay không ? Đó là nhiệm vụ của mỗi người quản lý.
Còn đối với mỗi nhân viên thì việc xác định đúng năng suất sẽ giúp tránh phải những suy nghĩ ảo tưởng về năng lực của mình. Và trong trường hợp sắp đến kì đánh giá năng suất, hãy cố gắng làm nhiều hơn để có thể tận dụng lợi thế của hiệu ứng tâm lý này.

2. Về việc sắp xếp công việc

Giả sử mình có các công việc như hình dưới đây. Công việc có chiều cao càng lớn, chứng tỏ càng cần bỏ nhiều công sức ra để hoàn thành công việc đó.
Mình sẽ đặt ra giả thiết, công việc nào đặt càng nhiều công sức vào đó thì nó sẽ làm người thực hiện công việc suy nghĩ nhiều đẫn đến căng thẳng, do đó sẽ gia tăng cảm xúc tiêu cực nảy sinh. ( Sẽ có một vài công việc càng khó khăn sẽ khiến cho những người thực hiện càng hứng thú, nhưng mình sẽ không xét trường hợp đó vào trong ví dụ này ). Nếu là bạn thì bạn sẽ xắp xếp theo thứ tự thế nào ?
Vẫn dựa vào hiệu ứng tâm lý thứ 1, có lẽ chúng ta nên đặt các công việc tốn ít công sức ở cuối giai đoạn, để sau khi đánh giá quá trình thực hiện các công việc trên, chúng ta sẽ thấy vui vẻ và thoải mái hơn. Và theo hiệu ứng tâm lý thứ 2, nên đặt các công việc tốn nhiều công sức gần nhau, để cảm xúc tiêu cực do sự căng thẳng của công việc gây nên sẽ giảm dần, như vậy chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Tóm lại sự sắp xếp hợp lý nhất theo lý thuyết đưa ra sẽ là như sau.
Cách sắp xếp công việc 1
Cách sắp xếp công việc 2



 
Chú ý rằng việc sắp xếp E và B xen kẽ giữa các task yêu cầu công sức lớn như A, C, D sẽ là một trong những phương án tồi tệ, do nó đã rơi vào hiệu ứng thứ 3, khi đặt các task "nhẹ" xen kẽ các task "nặng" như vậy, nó sẽ phá huỷ tính thích nghi của bản thân chúng ta đối với những task "nặng" đó, vì vậy việc chuyển từ task nhẹ sang task nặng sẽ tạo cảm giác tiêu cực rất lớn.
Một trong những cách sắp xếp công việc ảnh hưởng xấu tới cảm xúc khi trải nghiệm

Ứng dụng trong cách giao việc cho nhân viên

Từ hai mục đã nói ở trên, mình muốn mở rộng thêm một vấn đề cho các anh chị làm quản lý: Vậy sắp xếp công việc để giao cho nhân viên làm như thế nào là hợp lý, trong trường hợp nhân viên không thể tự sắp xếp công việc để tối ưu hoá cảm xúc cho mình.
Tại sao phải làm việc này ? Vì một nhiệm vụ khá quan trọng nữa của quản lý là làm cho nhân viên cảm thấy thoải mái khi làm các công việc được giao, đặc biệt là lúc tan làm hoặc cuối tháng, nếu sắp xếp công việc không hợp lý, cảm giác tiêu cực ở cuối ngày do công việc sinh ra sẽ quá lớn, làm cho nhân viên lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, dễ dẫn đến cảm giác chán nản đối với công việc hiện tại. Nhưng chỉ cần sắp xếp lại một chút, thì nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, mặc dù tổng công sức họ bỏ ra vẫn như vậy. Mình sẽ có một vài gợi ý sau:
- Sắp xếp công việc khó liên tiếp nhau để tận dụng sự thích nghi ( nhưng điều này cần phải xem xét nếu có quá nhiều công việc khó đặt ra cho người đó )
- Công việc giao cho nhân viên trong một ngày nên có 3 công việc, 2 cái yêu cầu ít công sức, và 1 cái yêu cầu nhiều. 2 task "nhẹ" sẽ yêu cầu nhân viên làm đầu ngày và cuối ngày, và cái khó khăn nhất sẽ đặt ở giữa, như vậy đến cuối ngày nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái mỗi khi kết thúc ngày làm việc, sẵn sàng đến công ty vào ngày hôm sau với cảm xúc tích cực hơn.
- Tránh để những công việc khó nhất xuống cuối ngày hoặc cuối dự án. Gây cảm xúc tiêu cực cho toàn bộ ngày/dự án đó.

3. Về việc chuẩn bị các bản trình bày trước tập thể/cá nhân

Qua phần phân tích về việc đánh giá công việc cũng như việc sắp xếp công việc sao cho tối ưu nhất thì có lẽ mọi người có thể tự rút ra được mình nên chuẩn bị thế nào về bản thuyết trình của riêng mình.
Trong các bài thuyết trình, phần cuối luôn là phần cần hay và chuẩn bị kĩ càng nhất nếu mong muốn được đánh giá cao. Bên cạnh đó, phần này nên là phần mang lại cảm xúc tích cực cho người nghe, tránh gây gây cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người nghe về toàn bộ bài thuyết trình.

4. Về tình yêu

Phần này mình đã đề cập một chút ở bài viết trước, nhưng mình muốn phân tích kĩ hơn ở bài viết này.
Hãy xem xét việc hôn giữa hai người.
Hôn là một hành động tạo ra khoái cảm lớn khi hai người có tình cảm cho nhau. Nhưng việc hôn nhau một lúc lâu liền mạch có phải một ý tưởng tốt hay không ?
Khoái cảm trong một lần hôn kéo dài
Như hình ở trên mô tả, hôn sẽ mang lại khoái cảm cao nhất sau một khoảng thời gian nhất định, sau đó, tính thích nghi sẽ bắt đầu chen chân vào, từ đó làm khoái cảm do việc hôn tạo ra giảm dần theo thời gian, hậu quả là làm cho lần hôn đó ít ấn tượng hơn so với thực tế ( đáng lẽ ra nó phải tốt hơn ). Và thật may là có một cách để cải thiện tình trạng này. 
Bạn hãy chia một lần hôn lâu thành những lần hôn ngắn và ngắt quãng nhau một lúc, khi sự thích nghi bắt đầu chen chân vào, chúng ta sẽ ngăn cản nó bằng cách tạm dừng nụ hôn đó, như vậy sự ngắt quãng xảy ra, tính thích nghi không còn ảnh hưởng mạnh mẽ nữa, như vậy chúng ta sẽ duy trì được khoái cảm khi hôn lâu hơn, và việc đánh giá về lần hôn này cũng cao hơn đấy :D Cách này chúng ta đang sử dụng hiệu ứng tâm lý thứ 3 để tránh làm quá trình hôn trở nên nhàm chán.
Khoái cảm của việc hôn theo giai đoạn
Vấn đề khó ở việc áp dụng phương pháp này, cũng giống như phần đánh giá công việc, làm sao để chúng ta xác định gần đúng nhất các khoảng thời gian hôn để chúng ta ngắt quãng, và chúng ta ngắt quãng trong bao lâu để tránh tụt mất cảm xúc quá nhiều. Điều này không dễ đàng để có thể trả lời được.

5. Tổng kết

Như vậy, sau các tình huống được đặt ra bên trên thì có một vài quy tắc để tối hưu hoá cảm xúc như sau
1. Các công việc đem lại cảm xúc tiêu cực ( làm việc quá sức, làm điều bản thân không thích, ... ) nên được làm cùng nhau liền mạch, để cảm xúc có thể làm quen với trạng thái tiêu cực này, từ đó tính thích nghi sẽ được phát huy và càng về giai đoạn cuối, sự khó chịu sẽ càng được giảm dần
2. Các công việc đem lại cảm xúc tích cực thì nên được tách ra thành cách khoảng nhỏ, vì tính nghích nghi của chúng ta sẽ làm cho cảm xúc tích cực đó giảm dần theo thời gian. Bằng cách chia nhỏ giai đoạn, chúng ta sẽ duy trì cảm xúc đó lâu hơn.
3. Con ngờời thường có xu hướng chỉ nhìn vào giai đoạn cuối của quá trình để đánh giá, chính vì vậy hãy lợi dụng đặc điểm này để có thể đem lại lợi ích cho bản thân, ví dụ như việc đánh giá công việc, hay giảm sự căng thẳng như đã đề cập trong bài
Trên đây là những phần mình đã ứng dụng tính nghi vào trong cuộc sống hàng ngày cũng như công việc, nó mang tính chủ quan khá cao do một phần dựa vào lý thuyết trên sách và một phần dựa vào kinh nghiệm bản thân. Rất mong rằng các bạn đọc được bài này sẽ có thể tự ứng dụng vào cuộc sống của các bạn, tuỳ thuộc vào tính chất công việc của mỗi người.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của mình
Dưới đây là link bài viết trước mình có nhắc tới nếu các bạn muốn đọc lại: