TIENTALA.COM Làm việc gì cũng cần nhìn nhận 2 chữ "thực tế" trước tiên, xác định các ưu tiên cần phải giải quyết, những thứ gì thiết thực cho công việc, dự án bạn muốn triển khai.
Là một người từng làm trong ngành công nghệ thông tin, trải qua cái thời sinh viên công nghệ, thích tò mò và tìm hiểu. Khi biết cái gì mới, hay ho là bắt đầu quá trình "giải phẫu" và thử nghiệm trên cái máy tính laptop. Mỗi cài đặt thành công hệ điều hành nào mới, tìm được cái gì đó hay ho từ nó như đạt được cảm giác chiến thắng, tìm ra chân lý.
Nhưng đến lúc đi làm, tôi bắt đầu nhận ra thế nào là "sở thích" và thế nào là "thực tế" khi lựa chọn hệ điều hành để phục vụ cho công việc của mình.
Cái ý tưởng sử dụng song song hai hệ điều hành Ubuntu và Windows nhằm giúp tôi có một lúc cả 2 loại môi trường để làm việc, cũng như có một ám ảnh cái sở thích công nghệ khi ngồi gõ các dòng lệnh cảm giác vô cùng "cool ngầu" và "ngầu lòi" ra.
Cảm giác như mình là một nhà nghiên cứu tài ba, khi nói về Ubuntu (Hệ điều hành mã nguồn mở) thì thao thao bất tuyệt với sự ngưỡng mộ từ mọi người. Tuy nhiên, thực tế thì phũ phàng lắm. Đó chỉ là bề nổi mang lại thôi. Chẳng chứng tỏ được gì cả.
Sau một thời gian dài sử dụng. Tôi thực hiện cài đặt, rồi gỡ ra, rồi lại cài đặt, tiếp tục gỡ ra. Đã giúp tôi nhận ra sở thích và thực tế trong cuộc sống khác nhau.
Chỉ tốn thời gian và thêm rắc rối.
Quá trình cài đặt hệ điều hành Ubuntu vô cùng tốn thời gian và đầy giang nan. 

Cài đặt HĐH Ubuntu

Với Windows, tôi mất khoản 30 phút đến 60 phút là có thể hoàn thành quá trình cài đặt, cập nhật đầy đủ driver (trình quản lý thiết bị, kết nối phần cứng với phần mềm và hệ điều hành - Google thêm nhé) và sử dụng liền tay. Quá trình cài đặt Windows khá đơn giản, chỉ cần lựa chọn phân vùng ổ cứng cần cài Win, rồi next cho đến khi finish. Vào hệ điều hành, tải phần mềm cập nhật driver hoặc để Windows tự cập nhật. Thế là bạn đã có thể sử dụng rồi.

Cài đặt HĐH Windows

Nhưng với Ubuntu, tôi phải dành thời gian tìm hiểu các phân vùng, cách thức chia phân vùng trước cài đặt. Quá trình cài đặt có thể là một thảm họa nếu chẳng may bị mất kết nối wifi hay gặp trục trắc gì đấy. Việc cài đặt Ubuntu còn tiêu tốn của tôi hàng giờ đồng hồ, bởi vì trong quá trình cài đặt nó sẽ yêu cầu kết nối internet để có thể tải thêm các tệp tin bổ sung, may mắn mĩm cười hay bất hạnh gõ cửa sẽ tùy thuộc vào tốc độ internet của bạn và gói tin cần tải. Cài đặt chỉ mới là khởi đầu. Để có thể sử dụng được, tôi cần thêm một quá trình cài driver, thiết lập các thư viện phần mềm hỗ trợ để tự động cập nhật. Chẳng may, nếu không có, thì cần phải lên google tìm kiếm. 
Thứ tôi vẫn luôn gặp phải chính là cài bộ gõ tiếng Việt. Đúng là bộ gõ có thật, nhiều là đằng khác, nhưng nó chẳng tốt hơn bộ gõ Unikey trên Windows là mấy. Nếu tôi coding thì không sao, nhưng mỗi lần gõ tiếng Việt là một cái gì vô cùng khó khăn.
Nếu tôi coding một phần mềm chạy trên Windows thì Ubuntu sẽ chào thua. Bởi vì nó không thể cài đặt được Visual Studio code. Bắt buộc tôi phải chuyển sang hệ điều hành Windows. Lúc này tôi chợt nhận ra, Ubuntu chỉ là sở thích của tôi thôi, chứ nó không phải là thực tế mà tôi cần.
Môi trường làm việc "Cool ngầu"???

Cập nhật phần mềm trên Ubuntu

Khi khởi động máy lên, nhìn vào màn hình thì "ngầu" thật. Xung quanh đâu có ai giống mình đâu. Ubuntu mang lại một trải nghiệm khá tuyệt vời cho người dùng. Bởi vì tính tùy biến cao, giao diện cũng bắt mắt nữa. Tôi có thể thêm nhiều gói giả lập giao diện, để mỗi lần chuyển vùng làm việc nhìn rất đẹp. Nó hỗ trợ Workspace rất tốt với nhiều không gian, giúp tôi phân loại các trình ứng dụng thuận tiên. Nhưng đi kèm đó là một mớ tổ hợp phím cần phải nhớ. Mỗi lần cài đặt hay cập nhật phần mềm, nhìn cái cửa sổ terminal chạy từng dòng lệnh thật ngầu

Sử dụng terminal

Nhưng thực tế lại chẳng ngầu tí nào. Mà nó lại thêm rắc rối thôi. Sử dụng Ubuntu chỉ để lướt web, nghe nhạc, xem phim và làm vài ba việc lặt vặt thì quả là rảnh rổi, điên khung ấy chứ. Việc mở terminal để cài đặt hay cập nhật đối với tôi mệt mỏi lắm, bỏi vì phải ngồi gõ lệnh, tốn thêm thời gian và rắc rối nếu chẳng may gõ sai. 
Với Windows thì mọi việc dễ dàng hơn nhiều, tôi không phải tốn quá nhiều thời gian cho mấy việc như trên. Đơn giản chỉ cần next và finish là xong, không cần phải là một dân công nghệ để làm những việc cao siêu. 



Cài đặt Photoshop trên Windows

Nếu bạn vẫn muốn "cool ngầu", trên Windows vẫn có rất nhiều phần mềm giả lập các môi trường như Mac, Ubuntu hay các hiệu ứng.
Thực tế trước đi đã!
Tôi nhận thấy phải cảm ơn Bill Gate, cảm đơn đội ngũ phát triển Windows. Họ đã tạo ra một thứ mang tính đại chúng, để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận cộng nghệ, sử dụng máy tính một cách dễ dàng để học tập và làm việc. 
Qua những trải nghiệm sử dụng hai hệ điều hành trên, quan sát trong cuộc sống đã giúp tôi nhìn nhận ra một điều quan trọng. Làm việc gì cũng cần nhìn nhận 2 chữ "thực tế" trước tiên, xác định các ưu tiên cần phải giải quyết, những thứ gì thiết thực cho công việc, dự án bạn muốn triển khai. Nếu bạn nhận một dự án phát triển App mobile đơn giản, khách hàng yêu cần bàn giao trong 3 tháng và chạy ổn định. Lúc này, đừng vội ứng dụng các công nghệ mới vào như React Native nếu chưa hiểu sâu. Mà hãy chọn ngôn ngữ bạn mạnh để phát triển, đảm bảo deadline. Bởi vì chỉ tốn thời gian đi fix bug và đền bù hợp đồng. Nếu bạn muốn chứng mình bắt kịp xu thế công nghệ thì cứ sử dụng.
Có một câu nói tôi cảm thấy vô cùng đúng. "Bạn giúp người khác tiết kiệm thời gian, họ sẽ trả tiền cho bạn". Bill Gate trở thành tỷ phú có lẻ cũng nhờ áp dụng nguyên lý trên.
Nguồn: Tientala blog