Sự diệt vong của ngành thời trang hậu Covid-19
Có thể nói, thời trang sau mùa dịch là một nghĩa địa lạnh lẽo, hoang tàn với những cái thây dặt dẹo đội mồ trong bộ đồ từ quá khứ....
Có thể nói, thời trang sau mùa dịch là một nghĩa địa lạnh lẽo, hoang tàn với những cái thây dặt dẹo đội mồ trong bộ đồ từ quá khứ. Lần đầu tiên trong lịch sử thời trang, các kế hoạch liên quan đến show diễn, BST và mùa thời trang đều tan biến, gây ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Trước mùa dịch, phương ngôn vận hành của thời trang toàn cầu dùng chung slogan với dầu gội Sunsilk: “Sống là không chờ đợi” – một slogan không thể đúng hơn miêu tả những lịch trình dồn dập, khốc liệt, căng thẳng và đầy mệt mỏi trong ngành công nghiệp kinh doanh ảo ảnh này. Bất kỳ sự chậm chạp nào dù là nhỏ nhất trong ngành đều tương đương với sự thụt lùi hoặc thậm chí là tự đào thải chính mình.
Mặc dù vậy, dưới tác động của Covid-19, các show diễn Resort, Menswear hay Couture vào những tháng sắp tới đều bị hủy bỏ, tuần lễ thời trang London đã phản ứng nhanh bằng cách chuyển đổi sang hình thức kỹ thuật số vào tháng 6, còn thương hiệu Saint Laurent quyết định từ bỏ trình diễn theo lịch thời trang truyền thống. Cấu trúc ngành đang dần thay đổi khỏi nếp cũ. Doanh số thời trang sụt giảm thảm hại, bởi 80% giao dịch thời trang vẫn chủ yếu được thực hiện trong các cửa hàng vật lý.
Để đảm bảo duy trì đế chế thời trang “nhanh”, mọi ông vua của ngành đều phải đánh đổi bằng sự thiếu ổn định. Covid-19 minh chứng cho sự thật tàn khốc này bằng việc xô đổ những ngai vàng tưởng chừng sẽ mãi trường tồn: giãn cách xã hội buộc người tiêu dùng phải chi trả cho những mặt hàng thiết yếu nhiều hơn một sản phẩm may mặc. 2020 có lẽ là năm đầu tiên trong lịch sử thời trang các thương hiệu sẽ không xuất hiện các BST Thu/Đông sớm mà người tiêu dùng buộc phải mua quần áo đúng mùa. Sự ảm đạm xâm lấn đến mức một số nhãn hàng còn quyết định bán BST được trình diễn tại tuần lễ thời trang Xuân/Hè 2020 vào năm 2021.
Có thể thấy rằng, trong một khoảng thời gian quá dài, các hãng thời trang cao cấp đang triển khai theo phong cách nhanh hơn nhưng không hề rẻ, đẹp hay bền hơn. Một làn sóng phát triển các sản phẩm collab kích cầu tiêu dùng nói thẳng ra không đóng góp gì cho sự phát triển chung của thời trang thế giới mà chỉ tạo ra một loạt nhu cầu ngắn hạn cần được thỏa mãn. Hệ quả là, rất nhiều nhóm các nhà bán lẻ, người trong ngành và nhà mốt danh tiếng như Burberry, Thom Browne, Dries Van Noten, Acne Studios, Nordstrom, Selfridge,… đã ký vào văn bản đề xuất định dạng lại cách tiếp cận của ngành đối với sản phẩm giảm giá, một vài đề xuất trong số đó bao gồm: điều chỉnh mùa thời trang Xuân/Hè và Thu/Đông gần với các tháng nóng/lạnh tương ứng hơn, và trì hoãn việc giảm giá cho đến khi kết thúc hai mùa chính nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm nguyên giá. Liệu có tác dụng không hay tác dụng đến đâu thì chỉ có Chúa mới biết được.
Anna Wintour, tổng biên tập tạp chí Vogue, cho rằng Covid-19 là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại ngành thời trang, để ngành công nghiệp này có thể trở nên chậm lại, có trách nhiệm và bền vững hơn. Nhưng bền vững kiểu gì khi có đến vài thế hệ bị tha hóa bởi kiểu tư duy thời trang ngắn hạn và cả thèm chóng chán? Nhất là khi các con số hé lộ về khoản lợi nhuận khổng lồ cho thấy những tư duy hướng đến sự trường tồn như “bảo vệ môi trường, yêu thương nhiều hơn, nghĩ theo cách khác” chắc chắn sẽ không có đất diễn trong tương lai gần?
Thời trang nhanh trước mùa Covid có thể là 1 cái thây, 1 con zombie, 1 tên cương thi thoi thóp dưới ánh sáng mặt trời, nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian để cái thây này chết hẳn, và để tái sinh thành điều gì đó tốt đẹp hơn thì ngoài thời gian ra còn cần cả phép màu nữa.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất