Có rất nhiều người khuyên là nên đọc sách, vì sách giúp chúng ta mở rộng kiến thức, góc nhìn về cuộc sống này.
Mình chưa phải là người đọc nhiều nhưng thông qua việc ghi chú lại các cuốn sách mình đọc thì đa số sẽ dẫn tới những kiến thức nền tảng.
Thường thì các lời khuyên trong sách sẽ hướng đến câu chuyện lý tưởng. Tức là khi hội tụ đầy đủ các yếu tố nào đó chúng ta sẽ độc lập, hạnh phúc hay đạt tự do tài chính,...
Đúng. Tuy nhiên phần lớn mọi người thường sẽ không đọc sách. Ở đây mình không đánh giá những người không đọc sách.
Mình đánh giá chính những người đọc sách, trong đó có cả mình :))
Mình thấy bản thân dễ rơi vào các trạng thái lý tưởng. Kể cả lý tưởng ở đây chỉ là theo quan điểm của mình.
Mình nhìn thấy xung quanh đều là những thứ không nên xảy ra như vậy. Từ công việc, mối quan hệ cho đến sức khỏe.
Nếu chỉ có mình tồn tại trên trái đất này thì mình có thể có được một cuộc sống mình cho là lý tưởng.
Nhưng thực tế là bất kể lúc nào mình cũng tương tác với những người xung quanh.
Điều này gây nên những trạng thái cảm xúc lên xuống thất thường.
Một bên thì không muốn những thứ bên ngoài như vậy, một bên thì luôn phải tự nhắc bản thân chuyện của mình thì mình làm.
Và những cảm xúc đó dần dần hình thành nên những mâu thuẫn. Khiến bản thân mình tự đặt những câu hỏi như:
+ Làm thế nào để giàu có? Không giàu có được không?
+ Làm thế nào để hạnh phúc? Giúp mọi người xung quanh luôn có được không?
+ Làm thế nào để bình an? Ham muốn bình an thì liệu có được không?
+ Làm thế nào để kết thân với người khác? Không làm có được không?
Tuy câu trả lời sẽ có nhưng nó sẽ luôn mâu thuẫn với thực tại. Cho nên gần như các câu trả lời đều khó thỏa đáng được. Trừ khi mình có 100 tỷ để mình tự do đưa ra lựa chọn.
Đây là lý do tại sao có câu “thà không biết còn hơn” :)) Biết rồi tự nhiên lại overthinking.
-
Mình thấy các mâu thuẫn của mình đều đến từ việc mình cố gắng điều chỉnh môi trường xung quanh cho đúng với lý tưởng của mình.
Kết quả là nó không xảy ra.
Có lần mình hỏi vu vơ bạn mình 1 câu rằng: “Ở đâu là nơi mày cảm thấy là nhà?”
Bạn mình trả lời rằng: “Bất kỳ nơi đâu, miễn là tao ở 1 mình”
Nếu cho mình chọn lại thì mình có chọn biết những điều mình đang biết không?
Mình có.
Kinh tế, xã hội, môi trường, cách đối xử của người khác,... đều là những yếu tố mình hoàn toàn không có tác động được.
Tuy bản thân mình nhiều lúc sẽ bị mâu thuẫn giữa thực tại và lý tưởng.
Nhưng mình hiểu tại sao nó lại như vậy, hiểu tại sao cuộc sống lại vận hành như thế, tại sao người này người kia lại hành xử vậy.
Rồi từ đó mình sẽ lựa chọn cách để phản ứng lại phù hợp với những sự kiện diễn ra để có thể tránh mâu thuẫn nhiều nhất có thể.
Và đó là điều mà mình có toàn quyền kiểm soát được.
-
Giống như câu chuyện làm trong ngành sáng tạo.
Người ngoài nhìn vào thì được làm sáng tạo tức là nghệ sĩ lắm, tự do lắm, được sống vì đam mê lắm.
Một đứa trẻ vẽ một bức tranh với mình đó mới gọi là sáng tạo theo cách mọi người đang nhìn.
Nhưng câu chuyện thực tế của những người làm trong ngành là đưa ra phương án an toàn, hiệu quả, ra lợi nhuận và hợp với ý của người trả tiền. Còn ý tưởng sáng tạo hay không bàn sau.
Bây giờ có lẽ chúng ta không phải là cân bằng giữa công việc và cuộc sống nữa. Mà chúng ta còn suy nghĩ việc cân bằng cảm xúc, lý trí, suy nghĩ, kỳ vọng,...
Tới lúc chúng ta cân bằng được rồi lại muốn phá nó đi vì … chán :)) Hoặc đơn giản là muốn phát triển hơn, muốn mạo hiểm hơn để cuộc sống nó thú vị.
“Sự phát triển” hay “Mạo hiểm” hay “Cân bằng” cũng đều là cuộc sống lý tưởng của chúng ta đang tạo ra.
Lúc chúng ta đạt được thì lại có mục tiêu mới, lúc không đạt được thì … đổi mục tiêu.
Nó dễ dàng xoay vòng bản thân ta cho tới cuối đời.
Đây cũng chính là cuộc chiến của chúng ta với bản thân.
Mỗi giờ, mỗi ngày không phải chúng ta đấu tranh với thị trường lao động, với sếp, với các mối quan hệ,... mà là với chính chúng ta.
Kể cả người không hay đọc sách thì họ cũng có cuộc sống lý tưởng của riêng mình.
Do tất cả mọi người đều cố gắng vẽ nên cuộc sống ấy, cho nên sự tương tác giữa người với người mới nhiều mâu thuẫn như vậy.
Người kia tốt, người này xấu. Thực ra nếu nhìn xa hơn thì chúng ta chỉ là các phân tử, nó không được gán ý nghĩa mà chỉ đơn thuần là vật chất. Nhìn xa hơn nữa thì 100 năm cuộc đời chưa bằng một lần nháy mắt của thiên hà.
Mình nghĩ cuộc đời người chỉ đơn giản là: Sống, Cho đi, Để lại.
Sẽ vui hơn nếu ai cũng nghĩ vậy nhưng thực tế sẽ không bao giờ xảy ra được :))
Nên có lẽ mình vẫn cứ vui vì những điều mình làm. Dần dần học cách để điều chỉnh cảm xúc, thay đổi hành vi sao cho phù hợp với cả trong lẫn ngoài.
Có lẽ không cần đi tìm kiếm nữa vì những thứ mình cần đã có đủ ở đây rồi.
Chúc bạn sẽ cười nhiều hơn nha.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.
Bạn đọc thêm bài viết tại đây nha: