Sự chuyển dịch trong xu hướng thành lập nhóm nhạc tại Việt Nam
Trong một khoảng thời gian kéo dài trên dưới 10 năm, nhóm nhạc tại V-pop bị cho là khó tồn tại và không phải hình thức có thể đem lại...
Trong một khoảng thời gian kéo dài trên dưới 10 năm, nhóm nhạc tại V-pop bị cho là khó tồn tại và không phải hình thức có thể đem lại hiệu quả cao. Trên thực tế, các nhóm nhạc vẫn luôn hiện diện trên thị trường âm nhạc Việt Nam, với đại diện là các nhóm nhạc, ban nhạc indie hoặc pop rock. Song, ở lãnh địa pop và cụ thể hơn là đối với các nhóm nhạc theo mô hình thần tượng, thì khả năng thành công và triển vọng phát triển là không cao. Không ít các công ty giải trí ở Việt Nam học tập theo K-pop vẫn phải ngậm ngùi “dừng bước”, hoặc thay thế nhóm nhạc bằng các kế hoạch dành cho ca sĩ solo.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian hẩm hiu, thời điểm mà hình thức nhóm nhạc thần tượng “trỗi dậy” ở Việt Nam bắt đầu được nhen nhóm. Thông qua một mô hình mới, với cách thức thành lập mới và mục tiêu hoạt động cũng hoàn toàn khác so với trước đây, các nhóm nhạc pop thần tượng đã xuất hiện trở lại kéo theo một xu hướng đang làm sôi sục giới giải trí ở Việt Nam.
Sự định hướng của các show giải trí
Sự kiện Chi Pu tham gia chương trình truyền hình thực tế Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng tại thị trường tỉ dân Trung Quốc là một bước ngoặt đối với góc nhìn của giới giải trí Việt Nam. Ban đầu, nhiều cặp mắt nghi ngại Chi Pu sẽ khó làm nên chuyện ở một xứ sở có nền giải trí phát triển hàng đầu châu Á. Số khác thì chưa nghĩ đến chuyện Chi Pu sẽ tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến nền giải trí Việt Nam, thông qua việc tham gia một show giải trí ở nước ngoài. Nhất là khi, việc “Trung tiến” còn có ý nghĩa “cứu vớt” danh tiếng của Chi Pu đang tụt dốc do bị chỉ trích tại quê nhà. Song, cả 2 khuynh hướng về quan điểm đó đều đã ít nhiều bị thay đổi sau những gì mà Chi Pu đạt được trong và sau cuộc thi.
Kết thúc show với vị trí thứ 6, Chi Pu giành một suất debut trong nhóm nhạc thành đoàn sau chương trình. Mặc dù đợi-mãi-chả-thấy-nhóm-nhạc-Tỉ-tỉ-đạp-gió-debut, nhưng sự nghiệp của Chi Pu đã thực sự bước sang trang mới. Ra mắt trong một chương trình giải trí quy tụ nhiều tên tuổi nghệ sĩ đa năng tại châu Á, nữ nghệ sĩ sinh năm 1993 của Việt Nam đã có được tấm vé thông hành để bước vào thị trường giải trí xứ Trung. Cuộc thi đem đến cho Chi Pu nhiều cơ hội nghề nghiệp - những hoạt động mà tại Việt Nam, cô chưa thực sự có “đất” để phát huy sở trường.
Việc Chi Pu theo đuổi hình tượng nghệ sĩ giải trí là điều mà giới quan sát và khán giả đã nhận ra khi cô hoạt động tại Việt Nam. Nhưng, trong một nền giải trí còn có những quy chuẩn nghệ thuật khuôn mẫu như nước ta, Chi Pu đã không có khoảng trống để đạt được hiệu quả cao trong quá trình hoạt động. Vì lẽ đó, show Tỷ tỷ đạp gió thực sự là chiếc phao cứu sinh đối với cô.
Sau màn dự thi và xâm nhập thị trường Trung Quốc của Chi Pu, đã có ông lớn trong ngành truyền thông giải trí ở Việt Nam không thể đứng yên. Yeah1 trước đây từng là đơn vị đầu tư vào dự án SGO48 - nhóm nhạc theo mô hình thần tượng Nhật Bản. SGO48 được biết đến là nhóm nhạc “chị em” với huyền thoại AKB48 ở “xứ sở hoa anh đào”. Song, sự khác biệt về quy chuẩn đánh giá và gu nghe nhạc của khán giả Việt Nam so với Nhật Bản đã khiến dự án của Yeah1 khi đó đi vào ngõ cụt. SGO48 được thông báo tan rã sau 3 năm hoạt động không hiệu quả.
Sự xuất hiện của show Tỷ tỷ đạp gió và sự mở đường của Chi Pu đã đưa đến cho Yeah1 nói riêng, và các công ty truyền thông giải trí ở Việt Nam nói chung một khuôn mẫu mới. Sự kết hợp giữa show giải trí và dự án nhóm nhạc lúc này trở thành lời giải tạm thời cho “bài toán nhóm nhạc” đã bị bế tắc trong thời gian khá lâu ở Việt Nam.
Với việc mua bản quyền và Việt hoá, giống như con đường của các show truyền hình thực tế khác đã thành công tại Việt Nam, show Chị đẹp đạp gió rẽ sóng ra đời mang theo kỳ vọng về một luồng gió mới thổi vào nền giải trí nước ta. Bên cạnh đó, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng còn đánh dấu sự tấn công của Yeah1 vào lĩnh vực chương trình giải trí vốn đang có những đơn vị khác thống trị phần lớn thị phần.
Sau khi Chị đẹp đạp gió rẽ sóng khép lại với nhiều dư âm, thì Anh trai vượt ngàn chông gai với format tương tự cũng chính thức được trình làng. Đến lúc này, cuộc chơi không còn là của riêng Yeah1 khi đã xuất hiện sự cạnh tranh trực diện đến từ đối thủ đang “bá chủ” ở mảng show giải trí - Đất Việt VAC.
Anh trai say hi từ Đất Việt ra đời như một con át chủ bài đánh thẳng vào tham vọng bành trướng của Yeah1. Mặc dù không cùng tiêu chí “trên 30 tuổi” với Anh trai vượt ngàn chông gai nhưng Anh trai say hi cũng cho thấy mục đích lựa chọn ra những gương mặt toàn diện về biểu diễn để tập hợp thành một nhóm nhạc. Như vậy, có thể thấy, từ một bước đi đón đầu, thì nay việc thành lập nhóm nhạc qua các show giải trí đã trở thành một trào lưu mới.
Thời điểm nhóm nhạc thành đoàn từ “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” tung ra dự án âm nhạc đầu tiên, thì cũng là lúc cả 2 show về “Anh trai” liên tục tung ra các thông tin nhá hàng và chiến nhau chan chát trên các phương tiện truyền thông. Dẫu chưa biết kết quả cuối cùng sẽ như thế nào nhưng có thể thấy trào lưu về show giải trí kết hợp dự án nhóm nhạc đã và đang khuấy động showbiz Việt. Cuộc chiến chắn hẳn sẽ còn tiếp tục khi show chính thức diễn ra, và sau khi các show lựa chọn ra “chiến đoàn” để nuôi tham vọng “càn quét” nền giải trí Việt Nam.
Với diễn biến nền giải trí Việt Nam trong 2 năm trở lại đây, có thể thấy showbiz Việt đang cởi mở hơn và dần đón nhận nhiều hơn các xu hướng giải trí trong khu vực. Các nhà kinh doanh giải trí ở Việt Nam lúc này dường như đã tìm ra một cách thức mới để tạo dựng nhóm nhạc, khác với cách xây dựng nhóm nhạc truyền thống như những gì vẫn làm từ những năm 2000.
Mô hình nhóm nhạc từ show giải trí
Ưu điểm
Một đặc điểm dễ nhận ra nhất, đó là các nhóm nhạc thành đoàn từ các show giải trí đều là tập hợp của những cái tên đã có tên tuổi, có chỗ đứng nhất định đối với công chúng. Họ đã hoạt động trong giới giải trí, hoặc đã thành danh trong một lĩnh vực phổ biến đối với khán giả, đó là thể thao. Nhiều nghệ sĩ tham gia show đã có sự nghiệp nhất định, thậm chí đang là cái tên hot trên thị trường giải trí. Vì lẽ đó, không khó để thu hút được lượng khán giả, người hâm mộ của cá nhân mỗi thành viên ngay từ khi họ tham gia chương trình.
Một ưu điểm rất lớn nữa của hình thức kết hợp show giải trí và dự án nhóm nhạc, đó là có thể thông qua quá trình diễn ra của chương trình để lăng xê hiệu quả cho các thành viên. Trải qua quá trình tập luyện và thể hiện năng lực, các thành viên đã có tên tuổi sẽ khẳng định được vị trí, đồng thời các thành viên chưa có nhiều thành tựu nghệ thuật cũng có cơ hội để thể hiện khả năng. Do đó, trường hợp cá nhân nào đó, từ xuất phát điểm là cái tên mờ nhạt nhưng đến cuối show lại thu về lượng khán giả mới đáng kể, là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chính sự trải nghiệm và chứng kiến năng lực của các thí sinh trong cuộc thi đã tạo ra sự thuyết phục hiệu quả đối với khán giả. So với việc một nhóm nhạc mới với các thành viên “lạ hoắc” cố chứng minh tài năng qua các sản phẩm chính thức đã được nhào nặn, thì việc thể hiện năng lực giải trí qua quá trình thi thố, cạnh tranh sẽ giúp các thành viên còn ít tên tuổi có một bàn đạp chắc chắn hơn.
Một ưu điểm khá dễ nhận ra của nhóm nhạc dạng này: Do là tập hợp của nhiều nghệ sĩ/người nổi tiếng, nên nhóm cũng đồng thời tập hợp được khán giả, người hâm mộ của mỗi thành viên. Khi này, fans sẵn có từ trước, và fans có thêm trong quá trình diễn ra show cũng được tập hợp lại với nhau. Sự “chung sức” của nhiều tập thể người hâm mộ hướng tới nghệ sĩ yêu thích riêng, sự tập-hợp-cái-chung-từ-cái-riêng có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cả nhóm nhạc.
Tất nhiên, sự tập hợp này sẽ bổ sung cho nhau, hay phần nào triệt tiêu lẫn nhau, sẽ còn phải quan sát thêm từ thực tế. Song, những gì mà nhóm nhạc với hình thức này đạt được ngay từ khi debut cũng phần nào vượt lên khỏi những gì mà nhóm nhạc được thành lập theo kế hoạch truyền thống có thể đạt được. Đây cũng là một ví dụ của trường hợp nhóm nhạc có-fans-từ-trước-khi-debut.
Nhược điểm
Mặt trái của ưu điểm chính là nhược điểm sinh ra từ đó. Việc nhiều nghệ sĩ đã có tên tuổi ở các lĩnh vực tham gia vào show và nhóm nhạc thành đoàn, có thể tạo ra những hiệu ứng giúp thúc đẩy độ phổ biến của cá nhân. Nhưng, ở một số khía cạnh, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ có định hướng khác biệt và độc bản, thì sự xuất hiện bên cạnh nhiều cái tên khác, với những tài nguyên dùng chung hướng đến sự dung hoà, thì sẽ vô tình làm tiêu biến những đặc trưng mà nghệ sĩ đó vốn đang sở hữu.
Trải qua quá trình quan sát và theo dõi sự tập luyện, biểu diễn của các thành viên, khán giả sẽ có xu hướng dành sự quan tâm cho các cá nhân tham gia chương trình. Song, sự quan tâm đó có phải chỉ là nhất thời, chỉ tồn tại ở thời điểm diễn ra show, hay chỉ ở thời điểm nhóm nhạc debut thôi hay không, còn phải quan sát thêm về lâu dài. Sự mới mẻ, tạo cảm hứng là điều mà khán giả có thể tìm thấy từ các cá nhân tham gia show và cả tập thể nhóm. Nhưng không có gì chắc chắn sự hào hứng đó có thể kéo dài. Đó cũng là lý do mà nhiều nghệ sĩ sau khi tham gia các show giải trí thành công, nhưng đến khi ra sản phẩm cá nhân thì vẫn không nhận được sự quan tâm đủ lớn từ khán giả.
Sự tập hợp nhiều nhóm fans của nhiều nghệ sĩ về một mối cũng không phải không tiềm tàng những nguy cơ tiêu cực. Một lẽ dĩ nhiên, khi có quá nhiều nghệ sĩ cùng được xếp vào một nội dung, thì việc ai sẽ “chiếm sóng”, ai bị “lướt qua” luôn là một vấn đề nan giải không của riêng một cộng đồng fans nào. Nếu nhà sản xuất có cố tình tạo drama từ việc sắp xếp chênh lệch thời lượng giữa các thành viên, thì điều đó dễ khiến nảy sinh những ý kiến, tranh cãi.
Nếu không quá nghiêm trọng, thì việc “đấu đá” giữa các cộng đồng người hâm mộ cũng “giúp” tạo dư luận cho show cũng như cho dự án nhóm nhạc. Nhưng, sự lặp lại các “chiêu trò” câu kéo dư luận cũng có thể khiến khán giả chán ngán khi phải chứng kiến quá nhiều drama. Chiêu trò tạo xung đột có thể tạo ra dư luận giúp đẩy truyền thông đi lên, nhưng đó cũng sẽ là con dao 2 lưỡi nếu sử dụng quá nhiều và quá liều.
Tình thế của nhóm nhạc tại V-pop có được xoay chuyển?
Quan sát Lunas – nhóm nhạc thành đoàn sau show Chị đẹp, có thể thấy những gì mà nhóm nhạc này đạt được đã ít nhiều vượt lên khỏi thành tích của nhiều nhóm nhạc khán-giả-chưa-biết-đến-đã-tan-rã ở V-pop trong nhiều năm qua.
Tuy thành tích của Lunas chỉ tập trung ở mảng Youtube, trong khi trên các nền tảng nhạc số thì bài hát không có nhiều thành tích nổi bật, nhưng dù sao đội ngũ sản xuất chương trình cũng đã đạt được KPI. Không chỉ có âm nhạc, hợp đồng quảng cáo cho nhóm cũng đã được ekip thực hiện nhanh chóng và đón đầu. Về lâu dài sẽ là một câu chuyện khác, nhưng trước mắt, Lunas ít nhất cũng đã debut và xuất hiện trên thị trường âm nhạc Việt Nam.
Nhìn về nhiều chương trình giải trí đi kèm nhóm nhạc dự án ở các thị trường trong khu vực, có thể nhận ra các đặc điểm: Các dự án này không phải là một kế hoạch lâu dài, và sự thành công của các thành viên sau dự án vẫn là những trường hợp không dễ đoán trước.
Các chương trình tuyển chọn nhóm nhạc dự án tại Hàn Quốc cũng được chia ra với nhiều tiêu chí về thí sinh tham gia. Có những cuộc thi dành cho các thực tập sinh từ nhiều công ty giải trí khác nhau. Cũng có những cuộc thi dành riêng cho các thần tượng đã debut nhưng cần một cú bật trở lại giới giải trí. Kết quả của các show sống còn là sự ra đời của một số nhóm nhạc dự án thành công, kéo theo sự thăng tiến của một số cá nhân, thậm chí là nhóm nhạc gốc của các thành viên khi trở về hoạt động. Tuy nhiên, số lượng các nhóm nhạc dự án không thành công, hoặc các cá nhân không thành công khi trở về công ty chủ quản, là hoàn toàn không phải số ít. Sau một vài năm nở rộ hình thức show sống còn nhằm mục đích tuyển chọn nhóm nhạc dự án, phong trào này cũng dần lắng xuống tại K-pop. Thay vào đó, các show sống còn khi này trở lại với mục đích ban đầu là tuyển chọn thành viên để thành lập nhóm nhạc chính thức trực thuộc một công ty cố định.
Quay trở lại Việt Nam, đa số các nghệ sĩ tham gia các chương trình kể trên đều đang hoạt động với tư cách cá nhân từ trước đó. Đối với các nghệ sĩ đã có tên tuổi, có sự nghiệp nhất định, việc tạm ngưng sự nghiệp trong thời gian dài để “hoà” vào một nhóm nhạc là điều không nhiều khả năng xảy ra. Do đó, các nhóm nhạc thành đoàn sau chương trình, nếu không phải một tập thể được cứu-vớt-khỏi-sự-nghiệp-solo-mờ-nhạt, thì đa phần sẽ không tồn tại lâu dài, vì các nghệ sĩ tên tuổi luôn có những mục đích cho sự nghiệp riêng của họ.
Ngay cả ở bản gốc Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng tại Trung Quốc, nhóm nhạc thành đoàn của mùa 1 bao gồm 7 thành viên cũng chỉ hoạt động vỏn vẹn 4 tháng trước khi tan rã. Ở các mùa sau đó, nhóm nhạc thành đoàn chỉ được công bố “cho có lệ”. Trên thực tế, các thí sinh được lựa chọn ở chung kết chủ yếu hoạt động cá nhân mà không có hoạt động chung với tư cách nhóm nhạc.
Kết
Nhóm nhạc, là một hình thức khác so với nghệ sĩ solo. Trên thế giới, cũng có nhiều trường hợp các nhóm nhạc tan đàn xẻ nghé sau những năm hoạt động thành công. Do đó, việc nhóm nhạc tại Việt Nam “không sống lâu” cũng là một thực tế không lấy gì làm lạ. Nhưng bên cạnh đó, nhiều nhóm nhạc trên thế giới và ở Việt Nam vẫn duy trì hoạt động và các thành viên vẫn gắn bó với nhau sau nhiều năm, thậm chí trong suốt cả sự nghiệp. Đó là trường hợp các cá nhân có chung mục đích hoạt động nhóm ngay từ đầu, và cùng chung chí hướng trong việc duy trì nhóm nhạc.
Sự chuyển dịch trong xu hướng thành lập nhóm nhạc tại Việt Nam hiện nay, đang tạo ra một mô hình nhóm nhạc mới - nhóm nhạc dự án. Nhưng hình thức nhóm nhạc tại Việt Nam có được thúc đẩy và có bước phát triển mới hay không, cũng sẽ không được quyết định hoàn toàn bởi các nhóm nhạc dự án này.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất