“Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”, vậy có phải ai cũng sẽ có cho mình những cơn giông rất riêng? Những “cơn giông” khiến cho lòng mỗi người thêm lung lay, xao động. Những “con giông” ùa về tới tấp và kèo theo những “cơn mưa” nặng trĩu, như triệu triệu ngòn tay đang ấn chặt và bóp nghẹt ta đến khó thở. Nhưng điều gì giúp ta vững vàng hơn để chống chọi lại những “cơn bão” lòng đang ập tới, để ta có thể thanh lọc những “êm ả” giữa hàng ngàn “dữ dội”, đó là sự cân bằng của cảm xúc, sự ổn định của tinh thần. 
Trạng thái tự nhiên luôn là trạng thái cân bằng và vững chãi nhất nên cảm xúc không phải là ngoại lệ. Cân bằng cảm xúc là điều chỉnh suy nghĩ của bản thân để tinh thần được ổn định trước những tác động từ bên ngoài và những biến động từ bên trong. Nói cách khác, cân bằng cảm xúc là ta bớt chút tiêu cực, và thêm chút tích cực để bản thân ta hài hoà, “thăng bằng” trên cán cân tinh thần. 
Vậy nếu ta thiếu sự cân bằng ấy trong cảm xúc thì điều gì sẽ đến? Là sự đổ vỡ, sự mất mát hay nặng nề hơn là sự gục ngã, từ bỏ. Cảm xúc vốn là cột trụ lớn chống đỡ “ngôi nhà tinh thần” của mỗi người. Nếu cột trụ này nghiêng về bên nào quá thì chỉ cần cơn gió đủ mạnh sẽ đẩy đổ nó khiến cho ngôi nhà ấy liêu xiêu, có thể bị sụp xuống bất cứ lúc nào. Vậy nên nếu ta cân bằng được cảm xúc thì cột trụ này sẽ đứng thẳng hiên ngang mặc cho giông tố ngoài kia có dữ dội thế nào. 
Và khi ta vững vàng hơn về cảm xúc, tìm được về trạng thái cân bằng của tinh thần thì cũng chính là lúc mắt ta có thể nhìn rõ biến động trong ngoài và tâm ta thu về cho mình sự yên ả. Khi tâm ta tĩnh, mắt ta sáng thì cơn bão nào rồi cũng sẽ qua và cơn mưa nào rồi cũng sẽ tạnh. Vì khi ta cân bằng là ta tình táo, khi đó ta biết mình nhìn về đâu, giống như đèn pha chiếu rọi trong sương và như cần gạt để đẩy đi những cảm xúc tiêu cực cản trở mỗi người. Cũng như việc, ngay bây giờ tôi cần phải cân bằng cảm xúc của mình để hoàn thành bài tập này một cách trọn vẹn nhất.
Cần thiết thì rất cần thiết đấy nhưng liệu có dễ không để làm được điều này? Đương nhiên nó không hề dễ, nhưng nó cũng không phải quá khó, quan trọng là bản thân mình có dám thành thật với cảm xúc để hiểu mình cần thêm và bớt cái gì để cảm xúc được tròn trịa, cân bằng. 
Nói được điều này nhưng thực hành được nó vẫn là cả một hành trình trải nghiệm cảm xúc. Có đau mới biết quý trọng khi lành, có buồn mới thấy được niềm vui giá trị. Cảm xúc được bộc lộ tự nhiên thì tự khắc sẽ có cách cân bằng vì vạn vật đều tìm về trạng thái ổn định nhất. Vậy bạn đã tìm được cân bằng của cảm xúc chưa?