Hãy tưởng tượng kiến thức như là một cái bể nước vô hạn mà bạn có thể thêm vào hoặc lấy ra sử dụng, đó là bạn đang thực hiện một việc hết sức là bình thường trong việc thu nhận và đóng góp kiến thức vào sự phát triển của nhân loại. Thế nhưng, bằng cách này hay cách nọ, nếu như có một việc làm ngăn chặn chúng ta tiếp cận hoặc sử dụng những kiến thức trên, chúng ta đang bị vướng vào một thứ gọi là, xin tạm dịch, Sự bất công về mặt tri thức- Epistemic Injustice.

*Bài viết có dựa vào một clip của Philosophy Tube, kênh góp phần giúp tôi tìm đọc được về định nghĩa trên và đưa ra một ví dụ trong 1984.*
Tôi chỉ xin bàn về một khía cạnh của việc này thôi, đó là về mặt thông diễn học.
Thông diễn học, theo định nghĩa từ wikipedia luôn cho tiện:

 "Thông diễn học là lý thuyết và phương pháp giải thích, đặc biệt là giải thích các bản văn Thánh kinh, Ngụ ngôn, và văn bản triết học... Thông diễn học là một môn học rộng hơn trong đó bao gồm văn bản, lời nói, và phi ngôn ngữ truyền thông. Chú giải tập trung chủ yếu vào văn bản...Thông diễn học hiện đại bao gồm cả giao tiếp bằng lời và không lời cũng như ký hiệu học, giả định, và sự tiền hiểu biết.Thông diễn học đã được áp dụng rộng rãi trong các bộ môn khoa học nhân văn, đặc biệt là trong luật pháp, lịch sử và thần học."

Tức là nói nôm na, thông diễn học là một bộ môn khoa học về việc sử dụng những phương pháp giao tiếp để có thể diễn giải ý nghĩa của sự vật sự việc gì đó. Thế nên, có thể nói rằng sự liên hệ giữa ngôn ngữ và kiến thức về một sự việc hay sự vật cụ thể là vô cùng quan trọng trong việc thông hiểu lẫn truyền đạt kiến thức về nó. 
Vậy thì từ đâu mà lại có việc ngược lại? Tức là tại sao chúng ta lại có khả năng không thể nào diễn giải một điều gì đó? Nữ triết gia người Anh Miranda Fricker gọi cụ thể phương pháp "giới hạn sự tiếp cận" vào nguồn kiến thức là Hermeneutical Injustice- Mà tôi chỉ xin tạm dịch sát nghĩa là sự bất công về mặt thông diễn.
 Fricker miêu tả Sự bất công về mặt thông diễn thế này:

"The injustice of having some significant area of one's social experience obsecured from collective understanding owing to a structural identity prejudice in the collective hermeneutic resource."

 "Collective hermeneutic resource" ở đây có thể hiểu là sự giới hạn của ngôn ngữ, của cả trải nghiệm và cả định kiến xã hội để có thể nói về một tính chất của việc gì đó. Hãy tưởng tượng thế này cho dễ hiểu, nó giống như bạn học tiếng Anh nhưng không thuần thục ấy, bạn muốn nói với một người nước ngoài về cái gì đó nhưng bạn lại không biết từ để tả cái đó, ví dụ trái cầu lông (a shuttlecock) chẳng hạn, và bạn sẽ vô cùng chật vật tìm từ hay cách diễn đạt, rồi có khi bạn chả nói về cái đó luôn. Dĩ nhiên đó là ví dụ cho vui thôi, hệ quả của việc này mở rộng ra nguy hiểm hơn nhiều.
Trường hợp được Fricker đưa ra về sự "thiếu hụt" này ở mặt nghiêm trọng hơn là sự việc Carmita Wood vào năm 1975 đã bị quấy rối tình dục bởi một đồng nghiệp nam. Vào thời điểm đó cái cụm từ "quấy rối tình dục"/ "sexual harassment" thậm chí còn không hề thật sự có mặt, thế nên Wood không thể nào "miêu tả" được cảm giác của bản thân lẫn về sự việc đã xảy ra mà cô là nạn nhân. Tiến sĩ Laura Beeby còn nhấn mạnh thêm rằng, chính cái giây phút Wood không thể nào hiểu và tả về việc mình bị quấy rối khi đang muốn bàn về việc mình bị quấy rối mới là lúc Sự bất công về thông diễn xảy ra. Ở chiều ngược lại, Beeby cho rằng vì thời đó là một xã hội khá phân biệt giới tính- nam nắm quyền cao hơn nữ nên có sự lấn át về nhiều mặt, và người nam kia cũng có khả năng không "cho rằng" mình "quấy rối tình dục" vì vốn dĩ còn chẳng có định nghĩa về việc đó. Đó chính là hệ quả của Sự bất công về thông diễn, cả nạn nhân lẫn thủ phạm đều có một sự "không hiểu biết" như nhau.

 Phải đến khi các nhà hoạt động xã hội tụ lại với nhau, nổi bật là Lin Farley, Wood cùng họ và những nạn nhân nữ khác cùng nhau bàn bạc thì họ mới có thể tìm ra một từ để miêu tả việc này là "sexual harassment", họ hoạt động để "công bố" định nghĩa về việc đó lẫn từ để miêu tả nó, và từ đó hành động trên mới được đưa vào pháp luật. Hãy tưởng tượng về việc trước khi chưa có từ này, trong lịch sử bao lâu nay của con người, có bao nhiêu người vì "không biết" cách miêu tả khi cần lên tiếng đã phải câm lặng và chịu đựng?
Một trường hợp về việc thực hành khái niệm trên chính là ngôn ngữ Newspeak. Theo Philosophy Tube, cũng như trong chính quyển sách 1984, ngôn ngữ Newspeak trong đấy hay bị hiểu là việc thay đổi ý nghĩa của từ ngữ để dẫn dụ người khác. Mọi thứ không chỉ có vậy. Theo lời cán bộ Syme- một người viết nên từ điển Newspeak trong sách, mục đích chính của Newspeak được sử dụng cho việc áp đặt và tẩy não bằng cách "làm hẹp đi tầm suy nghĩ", và họ làm điều đó bằng cách... cắt bớt đi từ ngữ, hay như Syme dùng là "hủy diệt từ".

 Việc cắt bớt từ ngữ- cắt theo kiểu sẽ chỉ có đúng 1 từ để miêu tả cho 1 tính chất hay vật dụng hay thậm chí sự trái nghĩa của nó. Ví dụ như “tốt”/“good” là chỉ nên có một chữ “good” để tả thôi, không có “great”, “excellent” gì cả, nếu muốn nhấn mạnh thì là “plusgood” hoặc “doubleplusgood”, và để chỉ tính trái ngược thì không dùng từ “tệ”/”bad” nữa mà chỉ là “không tốt”/”ungood”- Vì nếu đã biết được tốt rồi thì chỉ cần biết không tốt thôi chứ biết tệ làm gì, vì "không tốt" mới trái nghĩa nhau hoàn toàn của "tốt", trong khi "tệ" thì không- trích lời Syme. (Đó là cách Orwell miêu tả việc này chứ tôi thì không đồng tình là mấy đâu... Mà quyển này viết ra có phải để ai đồng tình cái gì đâu nhỉ?)

"Don't you see that the whole aim of Newspeak is to narrow the range of thought? In the end we shall make thoughtcrime literally impossible, because there will be no words in which to express it. Every concept that can ever be needed will be expressed by exactly one word, with its meaning rigidly defined and all its subsidiary meanings rubbed out and forgotten."

Đại khái theo lời Syme, tất cả những nghĩa thừa thãi đều bị quẳng đi hết và chỉ còn một nghĩa đen nhất của nó còn tồn tại. Điều này sẽ làm cho sự suy nghĩ, cách thể hiện suy nghĩ thông qua ngôn từ trở nên hạn hẹp và bó buộc hơn, khiến cho người ta chẳng thể nào có suy nghĩ tự do, hay nói đúng hơn là có suy nghĩ nào đó nằm ngoài sự kiểm soát về ngôn từ và tư tưởng của Ingsoc để mà vi phạm Thoughtcrime- tội tư tưởng (định nghĩa về nó là có suy nghĩ gì đó trái với sự tuyên truyền của Ingsoc). "Làm gì sẽ còn một câu khẩu hiệu 'Tự do là nô lệ' khi mà khái niệm về tự do bị xóa sổ hoàn toàn kia chứ." Đó chính là cách mà Ingsoc dùng để củng cố quyền lực tối thượng với những kẻ dưới mình.
Sức mạnh của ngôn ngữ thật sự vô cùng đáng sợ. Một tựa game là Bioshock cũng đã từng khai thác về việc ngôn từ có  khả năng ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của nhà cầm quyền trong việc sai khiến người khác thế nào. Nói như thế để bạn có thể biết rằng có thể sử dụng ngôn từ điêu luyện để điều khiển suy nghĩ người khác đã là một việc kinh khủng, nhưng hủy diệt ngôn từ một cách có hệ thống để giới hạn khả năng diễn dịch và hiểu biết của người khác để điều khiển họ- tạo ra Sự bất công về thông diễn mới là cách thật sự khiến cho con người ta ngu muội hoàn toàn.
Và từ đây, chúng ta hãy mở rộng hơn những phạm vi kiến thức nằm ngoài ngôn ngữ, vì dù gì Fricker còn có cả một định nghĩa bao hàm cho cả Sự bất công về mặt thông diễn là Sự bất công về tri thức- Epistemic Injustice. Như đã nói ở trên, đây là những hành động có tính chất gạt bỏ quyền được tiếp nhận lẫn đóng góp kiến thức, thông tin của một người (Khi không có quyền đóng góp kiến thức, đó là Testimonial injustice nhưng xin không bàn về nó ở đây). Có những sự vật hay sự việc, dù ta có biết về nó hay không, nó vẫn đã/ đang tồn tại và nó vẫn xảy ra. Trước khi Marie Curie tìm ra Radium, thì Radium vẫn tồn tại. Nếu chúng ta mất đi khả năng tìm hiểu hay phát hiện những thông tin nằm ngoài tầm hiểu biết hiện hữu, hoặc chỉ bị giới hạn được đọc chỉ những thông tin cụ thể mà người hành động muốn, đó có thể được xem là sự bác bỏ quyền được học hỏi và phát triển của con người lẫn xã hội. Và đó là một bước lùi không hề đáng có.

 Thời gian gần đây đang có khá nhiều những sự việc xảy ra khiến chúng ta hoang mang. Điều đã xảy ra kia có thể sẽ giới hạn khả năng tìm kiếm thông tin của chúng ta trong thời gian tới. Tôi cũng hiểu rằng việc này có những lợi ích thế nào, nhưng tôi lo sợ về cách thức được áp dụng nhiều hơn, và tôi vẫn tin tưởng rằng vẫn còn nhiều người vẫn có sự chọn lọc thông tin để tải vào não bộ chứ không hoàn toàn bừa bãi để mà cần sự siết chặt. Có thể như lời của gã đại tá Jessup trong A Few Good Men, "You can't handle the truth", chúng ta khó có thể chấp nhận nhiều sự thật trong các thông tin mà ta có thể tìm ra ở những vấn đề nhạy cảm, nhưng thà rằng chúng ta thấy được những thứ đó vẫn còn hơn là tự cố chấp nhìn cái miệng giếng do ta tự nhảy xuống hay có người đào và bỏ chúng ta vào đấy. Thà để chúng ta có thể tìm hiểu thông tin tự do để phản biện lẫn hỗ trợ, còn hơn là cứ phải bị nói gì nghe đó, vì suy cho cùng việc làm trên vẫn là tạo nên một sự bất công hoặc thiếu hụt về mặt tri thức- mà tri thức lại là thứ vô cùng cần thiết để chúng ta có thể đứng vững trong xã hội hiện đại và là một vấn đề cần được vun đắp từ lâu.

Fricker, M., 2007. Epistemic injustice: Power and the ethics of knowing. Oxford University Press.
Beeby, L., 2011. A Critique of Hermeneutical Injustice. Proceedings of the Aristotelian Society, 111, pp.479–486.