Câu hỏi gốc: Chiến tranh thời cổ đại tàn bạo đến nhường nào?
Trả lời bởi Adam Johnson, nhân viên tư vấn sản phẩm.

Tôi sẽ đưa ra ý kiến trái ngược ở đây và chỉ trích luôn phim ảnh vì sự ảnh hưởng của nó tới tất cả những câu trả lời này.
Giai đoạn lịch sử đó thật ra lặng lẽ và điềm tĩnh hơn những gì ta tưởng tượng dựa vào phim ảnh và tiểu thuyết được kịch tính hóa lên. Thẳng thắn luôn, miêu tả chiến tranh mà thực tế quá thì sẽ cực kỳ nhàm chán. Chẳng ai muốn chết cả, và sẽ luôn hành động thật thận trọng. Hiếm khi nào có một đội quân thương vong hơn 5% lượng binh sĩ của mình trong giao tranh, và những kẻ chết rồi ấy thì thường là chết trong lúc bỏ chạy.
Thực tế, những chỉ huy thông minh rất hiểu điều này. Họ còn biết rõ hơn là đi hỏi chính những người lính của họ. Hầu hết các trận chiến binh sĩ xếp đội hình, họ chỉ đứng yên ở đó vì vị chỉ huy thấy chẳng đáng để mạo hiểm mà tấn công. Saladin [ND: quốc vương Ai Cập và Syria giai đoạn 1174-1193, là người chiếm lại Jerusalem từ tay người Thiên Chúa giáo năm 1187], khi đang áp đảo những hiệp sĩ Thập Tự chinh về quân số, lại thường lui quân trong vài tháng để đợi đến thời điểm thích hợp hơn là nhảy vào giao tranh. Mục đích chính là để ép quân địch phải rút chạy mà không phải đặt lính của mình vào tình thế để chính họ rút chạy.
Trong nội chiến La Mã, Ceasar thường hành quân và lui quân một cách đáng chú ý quân đoàn của mình ở Tây Ban Nha trong vài tháng trước khi ngài thực sự đã ép đối phương đầu hàng. Khoảng 100000 binh sĩ La Mã dựng trại ngay cạnh nhau, và sau hàng tháng trời di chuyển đầy thận trong thực ra chỉ có vài tá binh sĩ tử trận trong giao tranh. Bạn chỉ cần làm cho kẻ địch tin rằng hoặc chúng sẽ bị tiêu diệt hoặc là chạy và đầu hàng, và thường thì chúng chọn chạy và đầu hàng. Giống như Ceasar đã miêu tả không biết bao lần, rằng bạn chẳng cần phải lao vào một trận đánh để thắng một trận chiến.
Tại Alesia, đội quân của Ceasar đã đẩy người Gaul với quân số đông hơn vào tình thế “chết dưới chân thành lũy của ta” hoặc là đầu hàng, và họ chọn đầu hàng. Thậm chí Ceasar còn chẳng nghĩ rằng đội quân của ngài có thể cầm cự trước người Gaul nếu họ thật sự vùng lên để mở đường máu. Ai cũng biết là sẽ có rất nhiều người chết trong viễn cảnh đó, và ngài chọn cách cố gắng gieo rắc nỗi sợ hãi lớn đến mức người Gaul chẳng dám quyết tử để thoát thân. Ceasar đã thành công, và phe địch với quân số lớn hơn rất nhiều kia đầu hàng trong khi hoàn toàn có thể thắng nếu chiến đấu lúc ấy.

Bài dịch khác từ QuoraVN:
Mặt cắt ngang của chiến thuật gieo rắc sợ hãi
Thông thường, binh sĩ sẽ vỡ trận vì 3 tình huống xúc tác sau ngoài việc bị nghiền nát trong giao tranh. Đó là bị thọc sườn, nhìn thấy chỉ huy mình bỏ chạy hoặc là một tác động đột ngột nào đó.
Đầu tiên là bị thọc sườn, chẳng có hoàn cảnh nào ngặt nghèo hơn là phải đối mặt với hàng giáo đâm tới từ hai hướng khác nhau. Bạn sẽ nghe thấy cụm từ “bị thọc sườn” trong phim ảnh để nói về những đợt tấn công lén lút từ đằng sau, nhưng thật ra đó đơn giản nghĩa là chỉ đạo một phần đội quân của mình đánh từ góc khác nhằm ép quân địch tháo chạy. Chẳng có ai trong lúc đang đánh nhau khốc liệt lại ra lệnh rằng “lẻn ra đằng sau kẻ thù và tấn công” nó thực ra có nghĩa là đi lui về bên trái một chút và đứng đấy mà bắn. Nhưng tất nhiên, nếu có Arnold Schwarzenegger đột ngột xuất hiện ngay bên cạnh và xử lý đội súng máy của địch chỉ bằng con dao trên tay sẽ ngầu hơn rất nhiều trong một bộ phim, hơn là xả đạn từ 2 phía khác nhau và ép kẻ địch rời vị trí.
Trong khi mà thọc sườn như vậy thực sự có những lợi thế trực tiếp trong chiến đấu, thì mục tiêu chính lại là ép kẻ địch rút chạy, và chính điều này làm cho nó trở nên chết chóc hơn. Thử nghĩ về khoảnh khắc bạn bị những con cá mập dọa, bạn sẽ chẳng nhìn thấy gì đang tới và điều này làm bạn hoảng lên. Lúc này “bị chọc sườn” sẽ ám chỉ việc bạn chỉ có thể nhìn được 1 lần tấn công một lúc. Đã bao nhiêu lần bạn không dám bơi sâu hơn chỉ vì nỗi sợ đó, mặc dù bạn biết chắc nó rất vô lý? Giờ thì tưởng tượng ngoài đó có cá mập thật đi, thì những gì binh lính đối mặt trên chiến trường còn nguy hiểm hơn là con cá bự đấy.
Lý do thứ 2 để khiến kẻ địch tán loạn sẽ là lúc chúng thấy một đơn vị quan trọng thiệt mạng. Điều này bình thường tới mức đáng ngạc nhiên khi một phần rất nhỏ của cả đội quân bị đánh cho tan tác phải bỏ chạy và cả đội quân ấy (dù lớn hơn rất nhiều) cũng bỏ chạy nốt.
Khi mà những người lính Thập Tự chinh đầu tiên chiếm được Antioch, chỉ hai ngày sau đã có một đạo quân đông hơn đến từ Mosul tới tái chiếm thành phố. Hết lương thực và hết luôn cả cơ hội rút lui, họ ở lại nỗ lực chống cự trong tuyệt vọng. Dù vậy, đúng như những dự đoán của quân Thập Tự chinh, họ nhanh chóng có thể cô lập những đội hộ vệ quan trọng đến gần cổng thành do thám, và chuẩn bị để đối đầu với phần còn lại của kẻ địch đang dựng trại gần đó. Họ không ăn gì trong một tuần, và vừa mới thoát khỏi đợt công thành kéo dài gần 1 năm. Đó ắt hẳn phải là thảm cảnh. Trong khi đó, liên minh người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang sẵn sàng cho trận đánh bất ngờ của mình tại trại thì một toán quân hộ vệ với số lượng không đáng kể chạy qua, phần còn lại của đội quân bắt đầu rối loạn và nó lan truyền rất nhanh. Vài đơn vị trong liên minh bắt đầu theo chân những người lính hộ vệ kia, và cuối cùng thì cả đội quân cũng nhanh chóng làm như vậy nốt. Thay vi suy nghĩ, tính toán thật logic để hiểu rằng thiệt hại này chẳng là cái gì cả và họ vẫn có thể thắng dễ dàng, người Hồi giáo bị nhấn chìm trong nỗi sợ hãi và phải rút lui.
Điều này cũng đúng luôn khi người chỉ huy hy sinh. Nếu mà kẻ mà bạn đang chiến đấu vì, hoặc kẻ trả tiền cho bạn để chiến đấu lại mất hút sau trận chiến, thì đấy.
Trong cuộc Thập Tự chinh lần 3, Hoàng đế Đế chế La Mã Thần Thánh dẫn đầu đoàn quân khổng lồ đi qua Anatolia. Phải mất nhiều tháng để đi qua lãnh thổ thù địch cùng với việc bị quấy rối bởi cung kỵ Seljuk, đúng lúc tất cả đã vượt qua tình huống khó khăn nhất ấy và đã gần như tới được khu vực đồng minh, thì Hoàng đế bỗng chết đuối dưới sông. Con trai của Hoàng đế thay thế vị trí chỉ huy lúc đó, dù vậy cuối cùng cũng chỉ được 5000 binh sĩ tiếp tục cuộc hành trình. Đám còn lại quay đầu chỉ để đối mặt với quân Seljuk thêm lần nữa. Đến giờ vẫn không rõ số lượng binh lính nằm lại ở đó là bao nhiêu, nhưng người ta ước tính khởi đầu của đội quân ấy là khoảng 100000 người [ND: con số thực tế đã được phóng đại lên. Chỉ có xấp xỉ 15000 binh sĩ với 3000 hiệp sĩ]. Ngay cả một cái chết kín đáo nhất của người lãnh đạo cũng có thể kết thúc luôn trận đánh trước khi nó bắt đầu.
Khi mà Alexander Đại đế đưa quân vào Ba Tư, ngài thường chỉ đạo những kỵ binh tinh nhuệ của mình đánh vào vị trí có tướng hoặc vua của kẻ địch. Ngài không dùng cách này để có được chiến thắng vẻ vang, khi mà thực tế ngài thường bị áp đảo về quân số. Alexander Đại đế biết rằng đánh bại cả đội quân của kẻ địch là không thể, nhưng nếu tiêu diệt trước hoặc dọa cho chỉ huy của kẻ thù chạy sớm, họ sẽ chẳng phải đánh với cả phần đông kia nữa. Và, hầu hết những chiến thắng hào hùng của những đội quân nhỏ hơn thắng tuyệt đối kẻ địch đông hơn nhiều lần, thường là do chỉ huy hay đơn vị quan trọng của địch chết trong giao tranh, và đám còn lại cứ thế bỏ chạy thôi.
Lý do cuối cùng để làm kẻ địch hoảng loạn là một khoảnh khắc đột ngột gây ra lo sợ. Điều này, có thể đến từ một đợt chạy đà của kị binh, hay thậm chí là chỉ 1 con ngựa. Đó cũng có thể là pháo binh được đặt ở vị trí thuận lợi hay là một cơn mưa tên. Hoặc chăng, cũng có thể là một toán bộ binh tới được gần đến cung thủ của đối phương. Đó là lý do tại sao bạn thường đọc được về những chiến thăng vang dội nhờ vào những đơn vị được bố trí sau đồi hay trong rừng mà tấn công lại chẳng hề lén lút. Thực tế, kẻ địch luôn luôn nhìn thấy được trước khi những đơn vị này đang tiến được tới gần mình. Yếu tố bất ngờ, chứ không phải vật lý. Chết mẹ! Thêm một đám nữa xông ra từ phía đồi! Chạy ngay thôi, chúng sẽ đuổi được đến đây trong khoảng 20 phút nữa!
Sự xuất hiện đột ngột của một lượng quân dù ít ỏi ở cuối các trận đánh có thể làm cho kẻ địch mất bình tĩnh và dây chuyền luôn cho cả đội quân còn lại hoảng loạn. Rất nhiều thành lũy bị chọc thủng chỉ vì một toán quân nhỏ nhưng ngoài dự kiến bỗng dưng hiện lên đằng xa. Nội chiến La Mã đạt được chiến thắng quyết định khi mà binh lính đến từ phe phía Đông xếp hàng làm nghi lễ chào mừng mặt trời mọc vào một buổi sang nào đó. Lính tráng phe bên kia, không biết gì về nghi thức này, cho rằng bên kia đang chào đón quân tiếp viện đến từ xa. Họ hoảng lên vì rằng họ chẳng hề có chuẩn bị gì để đương đầu với thêm 1 đạo quân nữa. Và thế là, trận đánh kết thúc khi mà chẳng có bên nào kịp đưa ra lời chào hỏi.
Tại Waterloo, lính Pháp bị chỉ huy lừa rằng quân Phổ là đồng minh của mình, và phải mặc kệ bọn chúng tiến tới. Lý do là quân Pháp hoàn toàn có thể đánh bại quân Anh trước khi người Phổ tới được đến gần. Mặt khác, nếu biết được đám mây bụi đằng xa chân trời kia là kẻ địch, chắc chắn quân Pháp sẽ chạy ngay tức khắc. Thực ra tất cả cũng vô ích thôi, nhưng đấy sẽ là một thất bại nhục nhã nếu như vị chỉ huy lúc đó không nói dối binh sĩ của mình. Một sự phản bội, nhưng nói dối lúc đó lại là một lựa chọn hợp lý. Hầu hết các mô phỏng đều cho thấy rằng quân Pháp hoàn toàn có thể thắng lúc đó.
Thường thì, bỏ chạy như vậy sẽ chỉ dẫn đến khoảng 5 đến 10% thương vong. Tâm lý của con người dễ bị dao động, hay bị thôi thúc quẳng hết vũ khí và khiên xuống để tháo chạy khi thấy đồng đội mình ngã xuống. Một vài người bắt đầu bỏ chạy là đủ, nó sẽ dây chuyền sang cả đơn vị và thường là cả đội quân luôn. Nếu ai cũng chỉ mong chóng rút lui, thì bạn biết là họ sẽ chẳng có tâm trí nào cho việc đánh nhau nữa. Hiếm khi nào những hàng đầu của đội quân ấy thực sự giao tranh, và nếu có thì thường sẽ là hai đội hình vững chắc gầm gè tiến gần tới nhau, ở giữa sẽ là khu vực trống (ND: no man’s land: vùng đất nằm giữa hai đầu chiến tuyến của hai đội quân trước khi xảy ra giáp lá cà). Những người lính sẽ đâm giáo vào kẻ địch cực kỳ cẩn thận và cố gắng không để mình xây xước. Giao tranh kiểu này cực kì hiếm, khi mà hầu hết các đội quân đều chạy trước khi kịp đánh nhau ở tầm gần một cách nửa vời với đầy do dự.
Vì thế, hầu hết sẽ là cung thủ đảm nhiệm nhiệm vụ giết chóc. Thật dễ dàng hơn để một binh sĩ cầm cung hoặc nỏ đứng sau lớp tường khiên dày đặc và xả tên vào kẻ địch đang xa tít, hơn là cho một đội hình lính cầm thương đối đầu mới một đội lính cầm thương khác. Nhiệm vụ của bộ binh chủ yếu là bảo vệ cung thủ, còn kỵ binh thường tập trung vào do thám hoặc là xông vào càn quét khi kẻ địch vỡ trận.
Kỵ binh chạy thẳng vào đội hình kẻ địch đang đứng ở đấy trên phim ảnh thực ra chẳng bao giờ xảy ra đâu. Đầu tiên, bất cứ kỵ sĩ nào cũng biết đó là hành trình một-đi-không-trở-lại. Hai là, lính cầm thương cũng biết rằng nếu họ làm tròn trọng trách, giữ chặt cây thương trong tay và tiêu diệt được đám kỵ sĩ/ngựa phi nước đại tới, chúng cũng sẽ đâm sâu vào được bên trong và họ cũng bỏ mạng luôn. Vì thế, kỵ binh thường giả vờ như sắp sửa lao tới, cố gắng dọa đám lính cầm thương bỏ chạy rồi mới bắt đầu cuộc săn những con mồi lẻ loi đang hoảng loạn. Và, nếu thực sự có một lần kỵ binh dám lao vào đội hình lính cầm thương đã chuẩn bị sẵn sàng, thì đấy gần như là thảm họa.
Quân Mông Cổ là những bậc thầy của việc gieo rắc những nỗi sợ chẳng lý giải được. Một trong những chiến lược cơ bản của họ là luôn luôn chừa ra một lối thoát. Nhờ vào độ cơ động, kẻ địch thực ra không quá khó để chạy được được, nhưng lại chẳng bao giờ có thể tới gần được lối ra. Tốt hơn hết là cứ để kẻ thù từ bỏ ý định thoát thân và yếu dần đi để có thể dễ dàng đuổi được tới hơn.

Chỉ có những dịp hiếm hoi nhất, bộ binh mới trực tiếp tấn công nhau, và nó có cái tên mỹ miều là “push of pike” [ND: hai đội lính cầm giáo/thương đâm thẳng vào nhau và gần như bị giữ chân lại ở tình thế giằng co]. Bằng cách nào đó, đội hình tản ra đủ thưa để có thể rút ngắn khoảng trống giữa 2 chiến tuyến và lính có thế rút kiếm ra mà vung lên, thì mọi chuyện biến thành “thảm kịch” vì lúc này hậu quả của cuộc chiến sẽ cực kỳ tệ hại. Sự kết hợp này cần hội tụ đủ các yếu tố như là cả hai bên đều không quá nhát gan và chỉ mong mong ù té đi. Thực tế, có khá nhiều thuật ngữ để chỉ riêng những trường hợp như này, cho thấy đây là điều chẳng hề bình thường.
Một binh sĩ La Mã trong khoảng thời gian 200 – 168 TCN của nền Cộng hòa, chỉ có khoảng 5.6% sẽ tử trận trên chiến trường. Những chiến thắng hoặc những trận đánh không phân thắng bại thì ít hơn chút, vào khoảng 4.2%, còn những trận thua thì là 16%. Lý do vì sao khả năng tử trận lại cao hơn ở bên thua đơn giản rằng hầu hết mọi người đều chết lúc tháo chạy. Sự khác biệt của từ bỏ hay là cố gắng giữ vững vị trí nằm ở chỗ một bên là 1/6 khả năng vong mạng, còn bên kia là 1/20. Một khi đã quyết định quay đầu, bạn sẽ không còn ở thế phòng ngự nữa. Giáp và khiên bị vứt lại một cách dễ dàng, và thanh kiếm thì lại là thứ đầu tiên bị quẳng xuống bùn. Trông thì có vẻ không được phù hợp với trực giác cho lắm, vì ở lại và chiến đấu sẽ cho bạn kết quả cao hơn, nhưng khi ai cũng chạy thì sao bạn lại không chạy cơ chứ? Giống như là câu đùa nhạt nhẽo về việc chạy thoát khỏi con gấu đói. Bạn chẳng cần phải chạy nhanh hơn con gấu làm gì, bạn chỉ cần chạy nhanh hơn thằng chậm nhất trong cả đám. Lúc này thì việc bạn được trang bị tốt hơn, giáp khiên cứng hơn cũng đồng nghĩa với việc đeo nặng hơn, và giờ thì tính mạng của bạn đang ngàn cân treo sợi tóc khi bạn lại nằm trong nhóm 5% tụt lại phía sau lúc cả đội quân bỏ chạy. Cảm ơn hiệu ứng Dunning-Kruger, mặc dù một lượng lớn binh sĩ (kể cả những người vẫn đang cố gắng cầm cự) nằm lại trong nhóm 20% người bị bỏ lại trên chiến trường, thì chẳng có ai nhận ra cả. Tất cả mọi người đều nghĩ mình làm gì tụt lại đâu, đám bị bắt sẽ đầu hàng thôi và chắc chúng hy vọng sẽ được chuộc về hay ít nhất cũng trở thành nô lệ.
Vì vậy, những chỉ huy tốt sẽ luôn tập trung vào việc khích lệ tinh thần và ý chí của cả đội quân. Mục tiêu không phải là giết nhiều hơn, mục tiêu là mình cố gắng không ù té trong khi ép cho đối phương phải ù té. Điều này cũng giải thích vì sao những cựu binh – binh sĩ dày dạn kinh nghiệm luôn luôn làm tốt hơn trên chiến trường. Họ thực ra chẳng chém đau hơn đâu, họ cũng chỉ vừa mới sống sót khỏi một trận chiến sinh tử trước đó, họ không dễ để bỏ chạy và vì thế họ mới có thể đánh bại những tên tân binh trong cuộc đối đầu trực diện.
Tất nhiên cũng có ngoại lệ, và vì thế tôi mong bạn đừng có liệt kê thêm ra mấy ngoại lệ mâu thuẫn với những gì tôi viết trên này. Tôi hoàn toàn có thể sai, nhưng việc chỉ ra một vài trận chiến nổi tiếng nào đó ở đây cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Phần lớn thời gian, chiến tranh là sự thận trọng, chậm rãi và phụ thuộc phương pháp. Các bạn có thể giải thích được tại sao đánh nhau cả ngày mà cũng chỉ lèo tèo vài mống chết không? Nhìn vào số liệu lịch sử, chứ không phải cách họ quay Braveheart.
Một giai thoại khá hay, bạn hãy nhìn vào cuộc chiến của 30 người trong Chiến tranh Giành quyền kế nhiệm Breton. 60 kị sĩ lao vào trận chiến toàn diện cả ngày, chẳng ai thoát ra mà không có vết thương nào trên người nhưng cũng chỉ có một vài kỵ sĩ hy sinh hoặc bị thương rất nặng, đó là vì họ rất cẩn trọng. Thực tế, trận chiến kết thúc khi một bên vỡ trận và ngay lập tức đầu hàng luôn. Giờ thì tưởng tượng bạn đang ở trong 1 thành phố bị vây hãm. Tính mạng của bạn rơi vào tình trạng báo động, nhưng bạn hoàn toàn có thể cống tiền để toàn thây. Lịch sử có vô vàn những thành phố tường cao hào sâu khí giới đủ đầy nhưng chấp nhận nộp tiền để đầu hàng, vì hậu quả khi bị đánh bại là rất khủng khiếp.
Thương vong giờ đây lớn hơn rất nhiều, vì rất khó để có thể chạy thoát ra khỏi trận địa pháo hay thoát khỏi cuộc không kích. Chúng ta bây giờ có thể tiêu diệt được nhiều kẻ thù hơn là đứng trong một đội quân chỉ toàn những thằng chạy chậm.

Bài dịch của Duy Hà tại group Quora Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm: