Một thập kỉ, 10 năm, nghe thì có vẻ rất dài đấy, nhưng thực tế thì chúng đã trôi qua rồi, mà dường như lại còn hơi nhanh thì phải.
Một thập kỉ, 10 năm, đối với nhiều người, nó chẳng có gì thay đổi. Vẫn công việc cũ, vẫn gia đình nhỏ, hay có những người vẫn đi học, vẫn đang tìm kiếm một tương lai, chẳng có gì khác cả.
Một thập kỉ, 10 năm, từ một cô bé 10 tuổi, năm nay tôi đã bước qua tuổi 20 và đang ở ngưỡng cửa tuổi 21.
Có thể nói, lứa 99 chúng tôi là một lứa tuổi may mắn. May mắn bởi chúng tôi được sinh ra vào cuối thế hệ 9x. Được biết hầu hết những thú vui ngày xưa mà bây giờ hiếm có đứa trẻ nào lại biết được. Bắn bi, ăn kẹo bỏng, đá lon, trốn tìm, ô ăn quan… những trò chơi dân gian ấy cứ khắc sâu vào trí não của lứa 9x này.
Những chú “tiểu” hổ, những chú mèo “lười” 99 may mắn bởi chúng tôi có một thập kỉ ý nghĩa hơn rất nhiều những lứa tuổi khác. Mỗi một thập kỉ của chúng tôi gắn liền với một giai đoạn tuổi tròn trịa, gian đoạn phát triển vượt bậc, có những thành tựu đáng nhớ của một con người.


10 năm - 1 chặng đường dài
1. 2010 – 2014 – Sự cuồng ngạo của bản thân
Tôi gọi đây là giai đoạn cuồng ngạo của bản thân mình. Vì sao tôi lại nói vậy? Đây chính là 4 năm tôi theo học mái trường trung học cơ sở. Cái tuổi dở dở ương ương mà người ta vẫn hay gọi là tuổi xì-tin hay tuổi teen ấy, trẻ con có nhiều cái ẩm ương và buồn cười đến lạ. Cái dở dở ương ương của tôi khiến tôi chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy có thể ngã lăn ra sàn mà cười bò.
Cuồng ngạo. Đúng như vậy. Trong suốt 4 năm cấp hai, tôi chưa bao giờ trượt khỏi top 3 của lớp. Lớp tôi cũng là lớp chọn hàng đầu của khối lúc ấy, dựa vào điểm thi đầu vào hồi lớp 6. Sự kiêu ngạo của tôi được hình thành ngay từ lúc biết kết quả thi, bởi tôi đứng top 10 trên bảng điểm, trong khi tôi lại chẳng ôn tập gì cả. Cùng với những lời khen ngợi của bố mẹ, của các bác, các cô chú họ hàng, sự tự tin đến kiêu ngạo ấy cứ lớn dần lên trong tôi theo tháng ngày.
Danh sách đội tuyển học sinh giỏi, danh sách tham dự cuộc thi này cuộc thi kia, danh sách được cử đi đại diện cho lớp, cho trường,.. chưa bao giờ thiếu vắng tên tôi. Với tôi lúc đó, nó như là một điều nghiễm nhiên phải có vậy. Thành tích thì tôi cũng có đôi chút, cũng giải Nhì, giải Ba từng cuộc thi từ kiến thức đến hoạt động ngoại khóa. Tôi như chú ếch ngồi đáy giếng, quá tự tin vào bản thân mình mà chẳng hề nghĩ rằng, ngoài kia, còn rất nhiều người giỏi hơn mình.
Kiêu ngạo chắc chắn là một tính xấu. Tôi không thể phủ nhận tôi của quá khứ xấu xa độc ác như thế nào. Hồi ấy, tôi chẳng quan tâm đến cảm nhận của các bạn bị học chậm hơn mình hồi đó. Mỗi khi các bạn hỏi bài, tôi thường hay thở dài và buông lời chê trách rằng: “Dễ vậy mà cậu không nghĩ ra à?”. Lúc ấy, tôi chẳng hiểu thế nào là cảm xúc của người khác. Tôi chỉ đơn giản mà nghĩ rằng, nghĩ nhiều thì sẽ ra thôi, chẳng qua tôi chỉ được trời phú cho trí thông minh hơn nhiều người khác, nghĩ nhanh hơn họ, không có nghĩa là họ lại cứ nhờ vả tôi nhiều như thế.
Tôi chẳng khác nào chú Dế Mèn mới lớn trong câu chuyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Kiêu ngạo, tự tin đến xấu tính mà chẳng biết suy nghĩ, hành động của tôi đã gây tổn thương đến người khác như thế nào.
Thật may mắn, tôi nhận ra điều ấy khá sớm và đã kịp sửa sai. Những người bạn từng chạnh lòng vì tôi, tôi đã kịp nói lời xin lỗi với họ. Tôi may mắn hơn Dế Mèn vì đã biết lỗi sai của mình mà không cần sự hi sinh của bất kì một Dế Choắt nào cả. Chính cuộc đời đã dạy cho tôi điều đó.


Lời nói giống như con dao, dù vô tình nhưng bởi nó sắc bén, bạn sẽ chẳng biết lúc nào mình "lỡ" làm đau người khác, mà lúc nhận ra điều đó thì họ đã chảy máu rất nhiều.
2. 2014 – 2016 – “Ẩn” mình
Vẫn là sự kiêu ngạo của năm 2014, tôi dễ dàng bước chân vào lớp chuyên Toán của một ngôi trường chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Và đây chính là bài học đầu tiên của tôi, bài học đầu tiên trên con đường trưởng thành, đó là khi bạn nhận ra mình không còn là “cái rốn của vũ trụ”.
Đúng là như vậy. Ngay từ khi mới vào lớp, tôi đã nhận thấy khả năng của bản thân “đuối” hơn so với hơn nửa lớp chuyên này. Điều này cũng phải thôi. Tôi cứ mãi làm chú ếch nhìn ngó trong cái giếng nhỏ, ngôi trường làng bé, mà chẳng biết ở ngoài kia có biết bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa tài năng hơn tôi rất nhiều. Tôi từng tự hào trước những thành tích mà mình có, nhưng khi bước chân vào căn phòng học này, nó chẳng là gì so với thành tích của những con người đang ngồi đây cả.
Điều đầu tiên làm tôi shock nhất là tôi chỉ nhận danh hiệu học sinh Tiên tiến vào học kì I của lớp 10. Điểm môn chuyên của tôi chỉ thiếu 0,1 là đạt điều kiện được học sinh giỏi. Mặc dù điểm trung bình văn của tôi gần 9,0 và điểm trung bình các môn cũng đạt 8,7 nhưng chỉ vì môn Toán, môn học tôi yêu thích và luôn kiêu ngạo, đã dìm chết tôi vào khoảnh khắc ấy.
Đó là lúc tôi nhận ra, cái thời kì “hoàng kim” của tôi đã kết thúc. Tôi không còn là người luôn đứng top 3 lớp như trước. Cái kiêu ngạo của tôi đã bị danh hiệu học sinh Tiên tiến đập vỡ vụn.
Cùng với việc bị bạn bè chế giễu vì ngoại hình quá cỡ, ăn mặc quê mùa, tôi như chìm vào sự tuyệt vọng. Mặc dù hồi cấp 2 tôi vẫn béo, nhưng chẳng ai dám cười tôi vì tôi thuộc top học giỏi của lớp. Còn bây giờ, tôi chẳng có gì cả, nên những đứa trẻ khác có quyền chê cười tôi ra mặt chứ, tôi nghĩ vậy. Trầm tính, ít nói là những gì mà các bạn học cấp 3 nhớ về tôi. Điều duy nhất tôi muốn lúc ấy là gỡ gạc lại việc học tập của mình. Nhưng áp lực và stress khiến tôi có học bao nhiêu cũng không vào. Mặc dù sau đó tôi đều được danh hiệu học sinh giỏi, nhưng thứ hạng về các môn học chính để thi đại học của tôi chỉ dừng ở top 18 của lớp.


Tôi từng nghĩ đến cái chết, vì cho rằng mình là một đứa trẻ vô dụng
Tôi lúc bấy giờ, thất vọng về bản thân rất nhiều. Nhưng nếu như tôi biết cách kiềm chế nó vừa phải thì thật tốt biết mấy. Nhưng đáng tiếc là không. Tôi như chìm vào sự thất bại và sự thất vọng về bản thân mình.
Tôi phát hiện ra, mình chẳng là gì cả. Chính điều ấy đã tạo cho tôi một tâm lý tiêu cực khác. Tôi từ chối làm mọi thứ, vì tôi cho rằng, “Mày sẽ không bao giờ làm được tốt đâu. Mà nếu làm không tốt thì làm làm gì?”. Một cô gái ba không – không câu lạc bộ, không hoạt động lớp, không hoạt động ngoại khóa.
3. 2016 – 2018 – Tự tin hơn, nhưng vẫn lạc lối
Cuối năm lớp 10, tôi thật sự muốn thay đổi bản thân mình. Trước hết là ngoại hình. Và tôi đã làm được điều đó. Tôi giảm được 14 cân trong 3 tháng hè năm ấy. Tôi cắt mái, bắt đầu tự mua sắm quần áo và chăm chút hơn cho bản thân một chút. Lần đầu tôi mua một thỏi son cho bản thân mình. Bạn bè tôi bắt đầu nhìn tôi với những ánh mắt khác hơn một chút.
Bạn bè bắt đầu nhìn tôi với ánh mắt khác. Tôi trở nên vui vẻ và hòa đồng hơn đôi chút. Tôi bắt đầu ấp ủ dự định vào các câu lạc bộ, các hội nhóm thanh niên của trường. Nhưng các câu lạc bộ và các hội nhóm thanh niên ở trường đều là những người hoạt động từ năm lớp 10, và họ cũng sẽ ưu tiên tuyển những người trẻ hơn. Một lần nữa, nỗi sợ thất bại và sự tự ti lại đánh gục tôi. Và cứ thế, tôi trải qua những năm tháng cuối cấp như một học sinh bình thường, và bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học.
Hãy tìm cho mình những trải nghiệm mới ngay khi mới đặt chân vào một môi trường khác. Thời gian không chờ đợi ai.
4. 2018 – 2020 – Biết ơn quá khứ
Đây là quãng thời gian tôi học đại học. Tự nhủ rằng mình không nên bỏ qua cơ hội nào hết, nhưng cuối cùng tôi vẫn bỏ lỡ nó. Tôi lựa chọn học tiếng anh và chuẩn bị cho một kì thi nhỏ trong trường đại học của mình. Thời gian ấy cũng trùng với đợt tuyển gen duy nhất của các câu lạc bộ ở trường tôi. Tôi tự an ủi mình rằng: “Năm hai làm cũng được”. Đúng vậy, năm hai làm cũng được. Nhưng chỉ đáng tiếc là tôi đã thất bại. Tôi chỉ nộp đơn duy nhất vào một câu lạc bộ, và tôi đã quá chủ quan để rồi vụt mất một cơ hội.
Đừng sợ hãi. Có làm mới biết đâu là giới hạn của mình.
Một cô gái có sức học vừa tầm ở trường đại học. Không câu lạc bộ. Không làm trong chi hội sinh viên. Công việc làm thêm cũng hết sức bình thường. Nhiều lúc tôi đã ngẫm nghĩ rằng, mình sẽ tốt nghiệp như vậy sao?
Không!
Đó là câu trả lời tôi dành cho mình. Điều đầu tiên tôi thay đổi, là tôi chạy ra khỏi vùng an toàn của mình. Tôi đăng kí đơn dự thi một cuộc thi hùng biện dành cho sinh viên. Một người luôn nhút nhát, sợ thất bại như tôi, cuối cùng tôi cũng đã gạt bỏ và đứng lên một chút.
1 tháng cùng áp lực và sự trưởng thành, gặp gỡ những người bạn mới, những người bạn tài năng. Từ vòng sơ loại gồm 90 người đến top 16, và top 6, tôi bước vào vòng chung kết. Đứng trước một hội trường lớn với hơn 800 khán giả, chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại chẳng hề sợ hãi. Một “tôi” vấp váp trong vòng sơ khảo, dường như chẳng phải là “tôi” đang đứng trên sân khấu này nữa. Tôi tự tin, và nói những quan điểm của bản thân.


Có thất bại mới có thành công. Có phá vỡ mới không có rào cản.
Tôi kết thúc hành trình 1 tháng của mình với danh hiệu Quý Quân. Đó là một điều mà tôi chẳng thể nghĩ tới khi bắt đầu đăng ký dự thi. Nó như tiếp thêm sự tự tin cho tôi trên những cuộc hành trình tiếp theo.
Bạn bè hỏi tôi sao tôi “khác” thế? Tôi bảo, đây vẫn là tôi. Trước giờ vẫn là tôi.
Cô bạn thân của tôi hỏi, tôi có tiếc không khi không bùng nổ sớm hơn. Nếu tôi làm sớm hơn, tôi đã có nhiều thành công hơn bây giờ, chứ không chỉ đơn giản là một danh hiệu nhỏ bé này.
Không hề. tôi chưa bao giờ hối hận. Trái lại, tôi biết ơn quá khứ. Tôi biết ơn “tôi”. Bởi có tự ti, có bài học xương máu, có nỗi sợ thì mới có niềm vui sướng đến nhường nào khi tôi bứt phá, vượt qua rào cản của mình.
Nếu bạn đang bước trên hành trình phát triển bản thân thuận lợi cùng vô vàn thành công, xin chúc mừng bạn, bạn là người cực kì giỏi đấy! Hãy cố gắng phát huy nhé.
Nếu bạn đang trong giai đoạn khủng hoảng bản thân và tự ti với mình rất nhiều, hãy dành thời gian cho bản thân nhiều hơn nhé. Hãy tìm ra niềm đam mê của bạn, nó luôn ở sẵn trong bạn rồi, chỉ đợi bạn tìm ra nó và cho nó cơ hội để tỏa sáng thôi.
Chấp nhận quá khứ, chấp nhận bản thân - Bài học tiếp theo tôi nhận ra trên con đường trở thành người lớn.
Và một thập kỉ mới đã tới. Một thập kỉ hứa hẹn chúng với nhiều cơ hội mới, nhiều dấu ấn mới. Tôi mong rằng, 10 năm tới, tôi có thể đọc được quá trình trưởng thành của các bạn, và cả của bản thân tôi.
10 năm, nhiều dấu ấn, một trái tim, một con người.
Lần đầu tiên là khi phát hiện ra mình không phải trung tâm của thế giới
Tuổi trẻ có cái tôi xốc nổi và thích thể hiện, xem mình là rốn của vũ trụ. Ngày ngày tuổi trẻ xây thêm cho mình tự hào bằng cách tự tôn nhiều khi vượt ngưỡng cần thiết. Đó là động lực để phát triển đấy nhưng cũng là con dao hai lưỡi đẩy người trẻ vào chủ nghĩa ích kỷ cá nhân, bó mình trong cái tôi chật hẹp.
Tôi đã từng lạnh lùng và thiếu tôn trọng người khác nghĩ rằng "còn xa lắm" đám người đó mới đạt đến đẳng cấp của mình.Tôi luôn cho mình tài giỏi có quyền gạt phăng ý kiến của người khác mà chưa một lần thực sự lắng nghe tất cả. Tôi nghĩ bản thân không cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai, tự tạo dựng mọi thứ, một mình đi đến thành công hạnh phúc.
Lúc ấy tôi chính là một kẻ bất kham và đã sớm ngã ngựa. Ngạo nghễ như thế không kéo dài được bao lâu khi chạm ngõ bước trưởng thành đầu tiên: thất bại liên tiếp ngay trong lĩnh vực tôi tự hào nhất. Tôi không kiểm soát được sự tức giận cho lần thất bại đầu tiên và dần nhận ra mình không phải là trung tâm của thế giới. Tôi đã từng là con ếch dưới đáy, xem miệng giếng nhỏ bé là cả bầu trời.
Cuộc đời mỗi người sẽ trải qua 3 lần trưởng thành: Những người trẻ không sinh ra ở vạch đích cần tỉnh ngộ và khẩn trương thay đổi - Ảnh 1.


Lần thứ hai là khi nhận ra có một số việc, dù bạn cố gắng như thế nào bạn vẫn không thể thay đổi.
Có lẽ bạn sẽ đồng cảm với tôi và "những đứa trẻ không sinh ra ở vạch đích" khi chúng ta có xuất thân nghèo khó. Tôi không than vãn nhưng đã từng một chút bận tâm về chuyện mình không phải là đứa trẻ lớn lên trong gia đình khá giả.
Thời gian đầu mới kinh doanh, 5 lần khởi nghiệp tôi đều thất bại. Mỗi lần như vậy tôi lại ngồi gặm nhấm thời hoàng kim của mình khi sở hữu hệ thống bán hàng với hàng chục ngàn con người ở dưới, tôi đã từng "ăn mày quá khứ" và ước hiện tại chỉ là giấc mơ tồi tệ, ngủ một giấc mọi chuyện sẽ kết thúc.
Tôi đã nhiều lần nói với bản thân từ"giá như" sau mỗi chuyện xảy ra không mong đợi. Tôi đã từng cố gắng tìm mọi cách thay đổi người khác: bố mẹ và vợ, cộng sự thậm chí là đối tác, khách hàng. Tôi dần nhận ra điều đó là ngu ngốc. Tôi tự nói với mình cuộc sống chẳng bao giờ dễ dàng, những thứ không nằm trong con người mình, đừng mơ thay đổi chúng. Cuộc đời chỉ thực sự thay đổi khi chúng ta đổi thay!
Cuộc đời mỗi người sẽ trải qua 3 lần trưởng thành: Những người trẻ không sinh ra ở vạch đích cần tỉnh ngộ và khẩn trương thay đổi - Ảnh 2.



Lần thứ ba là khi gặp biến cố, bạn chọn đối diện thay vì né tránh, chọn mạnh mẽ thay vì hèn nhát chạy trốn
Cuộc sống không cấp cho bạn những nguồn lực đầy đủ trước khi gieo xuống bạn những biến cố nghiệt ngã. Cuộc sống cũng không định lượng tuổi tác bạn già hay trẻ, kinh nghiệm ít hay nhiều mỗi khi đẩy khó khăn đến bạn. Cuộc sống là chuỗi bất ngờ, khó khăn là chuỗi thử thách liên tiếp nhiều khi bạn không được quyền chọn phần dễ hơn.
Có những giai đoạn tôi ngỡ cuộc đời mình là "nạn nhân" của một gã tay chơi boxing hăng máu và chuyên nghiệp, hắn ta "tưởng thưởng" cho tôi những cú đấm trời giáng làm tôi tối tăm mặt mũi. Nhiều lần tôi toan bỏ trốn hay gục xuống mong sớm kết thúc hiệp đấu đẫm máu, nhưng rồi biết rằng cuộc đời không đơn giản là vòng đo ván trên sàn đấu, tôi không có cơ hội chiến đấu thêm nữa nếu tôi chấp nhận thua cuộc. Ngay lúc đó tôi phải phải mạnh mẽ vì đó là lưa chọn cuối cùng.
Luôn là như vậy, khi gặp biến cố nếu bạn không có năng lực giải quyết, cuộc sống sẽ đánh ngã bạn còn đạp thêm một cái. Nhưng nếu mỗi ngày bạn đều nỗ lực đi về phía trước, bạn sẽ cảm thấy bước chân của mình ngày càng nhẹ nhàng, thẳng đến một ngày, có cảm giác bay bổng. Lúc đó vận mệnh sẽ giống như một người bạn cũ, nắm lấy tay bạn bước lên từng bậc thang trong cuộc sống.