Khoảng thời gian này “ở nhà là yêu nước”, đứa bạn thân giới thiệu bộ phim “nhất định phải xem”, tôi đã sống chậm, ngồi xem “Little Women”. Josephine March, thường được gọi là Jo, là cô gái thứ hai trong gia đình March có bốn chị em gái, trọng cuốn tiểu thuyết “Những người phụ nữ nhỏ bé” được viết bởi Lousia Alcott. Câu chuyện nổi tiếng này được yến mến trên khắp thế giới, được chuyển thể thành phim với nhiều phiên bản, mới nhất là phiên bản năm 2019.
Trong bốn chị em, Jo là cô gái có tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh, thích làm theo những gì bản thân muốn và đam mê trở thành nhà vă tài năng như William Shakespeare. Khi xem bộ phim, tôi nhớ nhiều đến khoảnh khắc Jo cắt phăng mái tóc dài để bán lấy tiền giúp đỡ gia đình… Câu hội thoại giữa Jo với mẹ rất ấn tượng: “Con không muốn lấy chồng, con muốn chứng tỏ người phụ nữ không chỉ mỗi xinh đẹp mà còn độc lập, tài năng…”
Sự trỗi dậy của phái đẹp: Đừng để chiếc que diêm vụt tắt
Xem xong bộ phim, thiết nghĩ rằng, có rất ít những cô nàng Jo ngoài đời thực có tính cách mạnh mẽ, độc lập… dám ước mơ, dám sống theo những lựa chọn đời mình. Thực tế ngược lại rằng, nhiều cô nàng rụt rè, yên vị trong những sự sắp đặt và lẩn quẩn trong cái vòng khuôn khổ xã hội… Ai cũng có những lựa chọn riêng đời mình, nhưng chúng ta vẫn hy vọng bất kỳ ai cũng sẽ đốt chiếc que diêm bùng cháy lan ra thành ngọn lửa lớn trong bếp lò, còn hơn là loe lói rồi chợt tắt!
Những hình ảnh đẹp trên phim về nàng Jo mang tôi về với những ký ức, với những Jo đã từng hiện diện trong đời mình, theo câu chuyện riêng tôi.
Hồi còn học cấp 1, đầu học kỳ, giáo viên chủ nhiệm thông báo sẽ có một bài kiểm tra chất lượng đầu năm, ai điểm cao nhất sẽ làm lớp trưởng. Nếu là lớp trưởng, bạn sẽ ghi tên các bạn làm ồn trong giờ học, được đi lấy sổ đầu bài cho giáo viên ký… Trong đầu của đứa cấp 1, ao ước trở thành lớp trưởng là một điều gì đó rất “oai”… Và rồi tôi được điểm cao nhất thật. Nhưng sau đó, giáo viên lại bảo, lớp trưởng phải là con trai vì bạn ấy mạnh mẽ, sẽ quản lý được lớp tốt hơn các bạn nữ. Tôi cảm thấy hụt hẫng vì cô giáo quên không nói rõ thể lệ này từ đầu. Thế là, một bạn trai có bài kiểm tra thứ nhì lớp, hiền lành, rụt rè… không hề thích quản lớp mỗi khi ồn ào, lại làm lớp trưởng. Trong khi tôi thì khát khao được làm vậy. Mà tôi là con gái, còn bạn ấy là con trai. Và bạn ấy được làm lớp trưởng. Còn tôi thì mãi không quên câu chuyện đó…
Khi lên cấp 3, nhà tôi ở tỉnh lụy và ba mẹ tôi cũng có mảnh vườn trồng các loại cây ăn trái và rau củ, quả… Mảnh vườn cung cấp thực phẩm cho cả nhà, đủ ăn, dư dả ra thì mang ra chợ bán… Tôi thích cảm giác ngồi sau chiếc xe đạp cùng ba chạy bon bon trên con đường làng, đem mớ rau, trái cây… ra chợ bán cho các cô chú bạn hàng ở chợ quê. Đợi ba tôi nhẩm tính tiền bán, các cô bạn hàng hỏi thăm tôi chuyện học hành. Nhưng đôi lúc, các cô còn chiêm vào những câu hỏi khiến tôi phải ngượng ngùng: “Con học lớp 12 rồi hén! Có bồ chưa? Chừng nào lấy chồng?”, “Con gái học nhiều quá, ế chồng đó!”… Tôi chỉ biết cười cười, sượng người và níu tay áo ba mau mau về nhà! Trên đường về, ba tôi thủ thỉ với tôi đừng nghe theo những lời chọc ghẹo đó. Con gái hay con trai, ba đều lo ăn học tới nơi tới chốn… Chính đều đó, mỗi anh em tôi đến tuổi vào đại học là mảnh vườn của ba má lại dần co hẹp lại…
Khi lớn lên và đi làm, tôi thầm cảm ơn ba mẹ đã không ép thúc tôi phải lấy chồng sớm. Chính nhờ tình yêu thương từ ba má, tôi có cơ hội thực hiện những điều mình thích và có thời gian thực hiện những tham vọng cuộc đời mình.
Nhưng trong xã hội với những khuôn khổ, những người phụ nữ thành công, nổi tiếng như nàng Jo thường bị chỉ trích là “quá tham vọng”. Người ta khuyên phái đẹp không nên học cao quá bởi trở thành giám đốc, thạc sĩ, tiến sĩ sẽ dễ... ế chồng hơn. Nhưng những điều này chỉ là những phán xét, không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy phụ nữ học cao nói chung dễ ế chồng cả…
Trong công việc hay cuộc sống, bất kỳ phụ nữ tự chủ, cầu toàn, độc lập đều e sợ khi gọi là người có “tham vọng”. Theo một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây với 3.000 phụ nữ do American Express và The New York women’s Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và đối xử công bằng cho phụ nữ thực hiện. Khoảng 59% phụ nữ tham gia cuộc thăm dò ý kiến cho rằng có tham vọng là một đặc điểm quan trọng để thành công trong sự nghiệp; và hơn 50% cho biết họ xác định là có tham vọng. Nhưng chưa đến 1/3 phụ nữ cho biết, họ không cảm thấy thoải mái với từ “tham vọng”, nên thay thế bằng từ “có động lực” thì sẽ tốt hơn.
Một nghiên cứu khác của bác sĩ tâm thần học Anna Fels (ở Mỹ) trong quyển sách “Necessary Dreams: Ambition in Women’s Changing Live” (tạm dịch: Những giấc mơ cần có: Tham vọng trong cuộc sống biến đông của phụ nữ). Vị bác sĩ chỉ ra rằng, khi nghĩ đến từ tham vọng, phái đẹp chúng ta ưa nghĩ đến những từ ngữ như: Quyền lực địa vị, tự mãn, ích kỷ, tham lam, tự đề cao bản thân, hung hãn…
Thiết nghĩ, đàn ông cũng thường được cho là tham vọng, nhưng họ hiếm khi bị chỉ trích và đánh giá là “quá tham vọng”. Nếu là một người đàn ông, anh ta nói “tôi muốn được tăng lương, thăng chức”, hoặc “5 năm nữa tôi muốn lên trưởng phòng” chẳng hạn, thì có ai chỉ trích anh ấy không? Và trong quá trình làm việc, phụ nữ thường e dè, khó nói ra những nguyện vọng mong muốn của họ hơn đàn ông. Phái đẹp thường hứng thú với trải nghiệm môi trường công việc chất lượng cao và họ cố gắng tạo được ảnh hưởng tại công ty, tổ chức. Họ ngần ngại với các thước đo trừu tượng về đia vị, đề bạt lên cấp bậc, vị trí mới từ sếp của mình.
Thế nhưng, xã hội ngày càng phát triển, “tham vọng” hay “động lực phấn lực” chỉ là những định nghĩa. Chúng ta dù là phái nữ, chúng ta được dạy phải biết dịu dàng, hành xử đúng mực. Nhưng đừng vì những định kiến xã hội mà bó buộc ta trong một góc tối. Phụ nữ tự hào rằng mình cũng có quyền được tham vọng. Quan trọng hơn, phụ nữ có quyền được ủng hộ để theo đuổi tham vọng của mình. Và tham vọng chẳng có gì là xấu xa, kiêu ngạo cả, tham vọng chỉ đơn giản là những mục tiêu cuộc đời, khát khao phát huy tối đa tài năng của bản thân để phục vụ công việc mà ta cảm thấy đáng giá và đáng làm.
Tham vọng thực chất gắn liền với sự tự tin. Đàn ông cũng có tham vọng thì đàn bà cũng có tự do tham vọng. Hãy tự cổ vũ chính mình với nhiều “tham vọng” tích cực. Chẳng hạn, trước khi đi ngủ, bạn có thể liệt kê một cách đầy hứng khởi những điều tốt đẹp đã làm được. Để ngày hôm sau, bạn cảm thấy vui vì một ngày mới đến, bạn tự do làm điều mình hạnh phúc.
Cách nghĩ khác đi sẽ khiến cuộc sống bạn thay đổi. Chúng ta là phụ nữ, chúng ta vẫn có quyền được khát khao, được hiện thực hóa ước mơ đời mình. Đừng tự thu nhỏ mình trong “cái bẫy” của thiên kiến mà quên mất cách phải trân trọng bản thân và làm điều mình muốn.
Nếu phải đợi chiếc que diêm vụt tắt mới nhận ra sự bản lĩnh của Jo, chẳng phải đã muộn màng mất rồi sao? Mà những điều muộn màng chỉ còn lại những hối tiếc, nỗi niềm day dắt.
 Và đó cũng chính là những điều mà tôi chiêm nghiệm được từ quyển sách “Sự trỗi dậy của phái đẹp”, được chắp bút bởi hai tác giả Marshall và Sally- những bậc thầy trong lĩnh vực huấn luyện những người thành đạt. Ngay tựa đề “Sự trỗi dậy của phái đẹp” như một câu nói thôi thúc phái nữ dám nước ra khỏi vòng tròn an toàn chính mình, dám thay đổi bản thân, phá vỡ những thói quen nhầm tưởng cản trở những “bóng hồng” khỏi lần tăng lương, thăng chức hay tiến lên nấc thang cấp bậc tiếp theo.
Sự trỗi dậy của phải đẹp: Nữ quyền là khi phái đẹp tự do làm điều mình hạnh phúc
 “Sự trỗi dậy của phái đẹp” sẽ hướng dẫn bạn từng bước xác định những thói quen nhầm tưởng, những thói quen lỗi thời… cảnh báo bạn tránh rơi vào cái bẫy do chính mình tạo ra. Từ việc thấu hiểu, bạn sẽ đi đến sự thay đổi để tạo ra giá trị tích cực cho tổ chức và gặt hái “quả ngọt” thành tích công việc mà bạn “dành cả thanh xuân” gắn bó.
Chúc các phái đẹp luôn “rực rỡ” theo cách riêng của mình!
Y Bình