Nếu phương Tây có Sử thi Iliad và Odyssey của Homer (dựa trên Thần thoại Hy Lạp – một nền tảng của văn hóa phương Tây), Trung Quốc thì có Phong Thần Diễn Nghĩa và Tây Du Ký, Việt Nam chúng ta có thể kể đến Trường Ca Đăm Săn và Đẻ Đất Đẻ Nước, thì Ấn Độ, quê hương của đạo Phật có hai bộ sử thi kỳ vĩ là Mahabharata và Ramayana. Hôm nay tôi vừa đóng lại trang cuối của bộ Sử thi Mahabharata và Chí tôn ca (Cao Huy Đỉnh). Có thể nói, phần Mahabharata là một thiên sử thi nhiều chương hùng vĩ và tráng lệ, có bi thương nhưng đẹp đẽ, thì phần Chí Tôn Ca lại cuộc nói chuyện mang tính chất siêu hình tư biện giữa một con người và một vị thần (cũng là câu chuyện giữa cái vô ngã và hữu ngã). Người Ấn Độ có một câu phương ngôn về hai sử thi nổi tiếng của họ: “Cái gì không có trong đó thì cũng không có ở bất cứ nơi nào trên đất Ấn Độ”.
Mhabrat nghĩa là cuộc chiến tranh lớn của dòng Bhrat.
Đây là tập sử thi vĩ đại của người Hindu (tên gọi người Ấn Độ), đồng thời cũng là một tập sách vào loại lớn nhất trong văn học thế giới. Mahabharata có 18 pơrvơ (hay sách), có cả thảy 220.000 dòng. Công trình sưu tập và biên soạn sử thi Mhabrat thuộc về tập thể nhiều người trong vòng ít nhất là vài ba thế kỷ cho đến năm, sáu thế kỷ trước công nguyên, đến đầu công nguyên mới hoàn thành. Sử thi Ấn Độ này là “hằng hà sa số” sáng tác dân gian truyền miệng, được kết lại thành hệ thống, tạo thành pho bách khoa toàn thư của người Ấn Độ. Chủ đề của tập thơ vĩ đại là cuộc chiến tranh lớn giữa hai dòng Kaurava và Pandava. Hai dòng bà con đánh lẫn nhau để cướp vương quốc mà kinh đô là Hastinapura (đô thành voi). Dấu tích của đô thành này vẫn còn lại đến ngày nay ở cách thành phố Delhi 92 cây số về phía đông bắc trên một dòng cũ của sông Hằng. Trong tập sử thi Mahabharata một loạt những mâu thuẫn xã hội được phản ánh rất rõ rệt. Chiến tranh Mahabharata, chiến tranh trong nội bộ một dòng họ chính là biểu hiện sự suy tàn của chế độ huyết thống trong thị tộc công xã và sự thịnh vượng của nhà nước và quốc gia nô lệ.
Trong kinh Pháp Cú, bộ kinh ghi lại những lời của Đức Phật, vào giây phút giác ngộ, Đức Phật đã nhận rằng mình từng sống qua vô số kiếp sống… Và đây đã trở thành tuyên ngôn giác ngộ của Ngài, được ghi lại ở vô số kinh điển Phật giáo. Cũng thế, ở Chí Tôn ca, Đấng Chí tôn dưới hình hài của Krishna cũng đã nói điều tương tự: “Ta đã trải qua vô số kiếp sống trong quá khứ, và ngươi cũng vậy, hỡi Arjuna; ta nhận biết hết các kiếp, còn ngươi thì không, hỡi Người đả bại mọi kẻ thù.” (Câu 5, khúc 4). Ở cuối Chí Tôn ca, khi Krishna nói rằng “kẻ nào học đến nhập tâm cuộc đối thoại này”, rồi đến kẻ “chỉ lắng nghe với lòng tin tưởng và không chế nhạo” thôi… đều đạt tới giải thoát, thì độc giả tưởng như đã gặp điều tương tự mà Đức Phật khuyến cáo các tín đồ ở cuối các kinh Phật (Chỉ cần tụng đọc, sinh lòng tín ngưỡng… kinh này là đã được vô vàn công quả). Có thể nói, khi đọc Chí Tôn ca, đôi khi ta có một cảm giác bối rối rằng ta dường như được đọc lại kinh Phật, vì lúc ấy, triết lý của nó, về dục vọng, về giác quan, về thiền định, về tinh thần Brahman… thật sự không mấy phân biệt. Dường như, kinh sách Phật giáo khi phát triển ở ngoài Ấn Độ cũng làm nhiệm vụ như là một đại biểu của tư tưởng Ấn, giới thiệu cho ta một truyền thống Hindu giáo giàu có, đa dạng, song vẫn khá thống nhất. Chính cái truyền thống giàu có ấy, có lẽ là nguyên do để Phật giáo, mặc dù sinh ra trên mặt đất ấy, lại không thực sự phát triển mà chỉ là một cành nhánh của tư tưởng Ấn (Hindu giáo), và chỉ thực sự đơm hoa kết trái ở ngoại quốc, rồi mặc dù đã phong phú thêm rất nhiều nhờ dưỡng chất từ các nền văn hóa khác, vẫn tiềm tàng hương vị của Ấn Độ giáo…
Chí Tôn ca, tức khúc ca về Đấng Chí tôn, cuộc đối thoại giữa Krishna và hoàng tử Arjuna, thực sự chỉ mượn cái cớ khuyên bảo chàng cung thủ xung trận để người triết gia bộc lộ những chủ đề triết lý căn bản và vĩnh cửu về cái chết và linh hồn, về giác quan và bản ngã, về vạn vật và Thượng Đế, về yoga và thiền định… Một bộ kinh trong lòng một sử thi! Sao lại có một kết cấu đến thế! Trong văn cảnh của Mahabharata, đặc biệt là trên chiến trường Kurukshetra, sự tồn tại của Chí Tôn ca chính là lời kêu gọi xóa bỏ lòng bất tín. Quả chẳng có cách nào khác hơn để chứng tỏ sự thật rằng hai đội quân đã chờ đợi để bắt đầu cuộc chiến trong khi mười tám thánh khúc được tuyên đọc. Chi tiết này có vẻ hơi thừa khi ở đây chính là ta phải đối diện với ý nghĩa xã hội học và triết lý của Chí Tôn ca. Dù là viết thêm vào hay thế nào đi nữa (chẳng có chứng cứ khoa học và lịch sử nào để chứng minh cái nào có trước hay sau), tín đồ Ấn độ giáo vẫn mặc nhiên chấp nhận sự có mặt của nó trong sử thi Mahabharata. Trong mắt họ, sử thi đã giàu có hơn với sự có mặt của Chí Tôn ca, trong khi đó , đến lượt mình, Chí Tôn ca đã tạo được sự hấp dẫn vĩnh cửu từ trong văn cảnh ấy.
Chí Tôn Ca nằm giữa sử thi Mahabharata như một hạt ngọc nằm giữa phần thịt của con trai. Tôi ngờ rằng tinh túy của bộ sử thi chính là Chí Tôn Ca và bộ sử thi được xây dựng xung quanh khúc ca này như một sự phát triển, suy diễn từ một nền tảng tư tưởng minh triết của Hindu Giáo. Nếu Krishna là Phạm (Brahman) thì Arjuna chính là Ngã (Àtman) và sau 18 khúc ca, thì cả hai đã không còn phân biệt, đã là nhất thể.Đọc Mahabharata và Chí Tôn Ca, tôi khuyên mọi người nên chuẩn bị tinh thần “Ngũ Thể Đầu Địa”, để vứt bỏ cái tôi và những kiến thức tôn giáo đến mức chấp niệm của mình. Khi đó, ta mới có thể mở rộng trái tim và khối óc, đặng tiếp cận với những tinh hoa nhân loại trong bộ sách này.
Minh Hiếu
24/11/2021.
Nguồn: