img_0
Nhân ngày 01/04, mình viết một bài chia sẻ các sự thật xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ. Nói chung chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt và chúng ta cũng nên hiểu nó như thế nào. Hi vọng sau bài viết này mọi người sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về những sự kiện lớn đang xảy ra trên toàn cầu.

Tổng quan về thuế quan thời Trump 2.0

Một trong những biểu tượng gắn liền với Tổng thống Donald Trump trong cả hai nhiệm kỳ là cụm từ "thuế quan" (tiếng Anh: tariff), và ngày 02/04/2025 (tức ngày mai so với thời điểm viết bài này) được ông gọi là ngày "Giải phóng thuế quan". Ngày này được ông Trump ấn định là thời điểm "tất tay", là đỉnh cao của chính sách thương mại "nước Mỹ trên hết" mà ông theo đuổi. Mục tiêu của ông rất rõ ràng: thúc đẩy sản xuất trong nước bằng cách bóp nghẹt hàng nhập khẩu, khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn. Cụ thể hơn, ông và các cố vấn tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa lên những quốc gia đang đánh thuế hàng xuất khẩu của Mỹ. Ông cam kết sẽ áp mức thuế tương đương với những gì các quốc gia đó đang áp bức hàng hóa Mỹ.
Trước đó một tuần Tổng thống đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên ô tô và các linh kiện ô tô nhập vào nước Mỹ, gây ra những sự hỗn loạn lớn trên thị trường ô tô toàn cầu, ảnh hưởng tới Canadad, Mexico và Liên Minh Châu Âu (EU). Trung Quốc bị ảnh hưởng nhẹ hơn do nhiều hãng xe ở quốc gia này đã bị cấm nhập khẩu vào Mỹ từ lâu.
Trước khi đi vào tác động cụ thể của chính sách này, hãy xem góc nhìn của Tổng thống Trump và nội các về vấn đề này. Nói chung có thể tóm gọn các lý do mà ông theo đuổi các chính sách thuế quan gắt gao bằng 3 ý như sau:
1. Thuế nhập khẩu sẽ giúp phục hồi nền công nghiệp sản xuất của Mỹ. Cụ thể Nhà Trắng thấy rằng Trung Quốc đang trỗi lên rất mạnh với nền tảng công nghiệp rất vững chắc, giúp họ dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực thiết yếu, từ năng lượng tái tạo, xe điện, robot cho đến suất xuất vật liệu xây dựng. Do đó chính quyền Trump tin rằng nước Mỹ muốn hùng mạnh và đánh bại Trung Quốc thì phải tái thiết lại nền công nghiệp của quốc gia bằng cách ép các công ty Mỹ và công ty nước ngoài phải sản xuất tại Mỹ thông qua việc đánh thuế cao hàng nhập khẩu.
img_1
2. Thuế nhập khẩu sẽ giúp thay thế được thuế thu nhập cá nhân. Vì một lý do bí ẩn nào đó, Trump, các cố vấn giàu có và tỷ phú Elon Musk rất tin rằng thuế thu nhập cá nhân là một thứ gây hại cho nước Mỹ và nó nên bị loại bỏ. Chính vì vậy họ đã không hề giấu ý định đóng cửa hoàn toàn Sở Thuế vụ Liên Bang (Internal Revenue Service), thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Tất nhiên thuế là một nguồn thu quan trọng để chính phủ Mỹ hoạt động bên cạnh phát hành nợ, dừng thu thuế thu nhập cá nhân thì phải có nguồn khác bù đắp. Chính phủ Trump tin rằng thuế nhập khẩu sẽ giúp bù đủ các nguồn bị hụt từ thuế thu nhập cá nhân. Thậm chí cố vấn Nhà Trắng, Peter Navarro tuyên bố thuế nhập khẩu sẽ giúp Bộ Tài chính thu về hơn 6 nghìn tỷ đô la, dư sức bù đắp sự thiếu hụt từ thuế thu nhập cá nhân.
Trước khi đạt được mục đích giải thể IRS, chính quyền Tổng thống Trump đã thông qua một số đạo luật để giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
img_2
img_3
3. Thuế nhập khẩu là vũ khí để Mỹ ép các nước khác phải nhượng bộ theo ý mình. Cụ thể, với niềm tin sắt đá nhiều năm qua rằng các quốc gia khác đang lợi dụng Mỹ và đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào thương mại với Mỹ, Tổng thống Trump và các cố vấn tin rằng việc dùng thuế quan như một quân bài chiến lược để phá vỡ sự bất công này và ép các nước khác phải "chơi" theo ý mình, từ đó nâng cao vị thế của Hoa Kỳ trên chính trường quốc tế.
img_4
Cụ thể hơn dưới góc nhìn của ông Trump, nước nào có thặng dư thương mại lớn với Mỹ đều là đang trục lợi trên nước Mỹ. Hãy lấy ví dụ Việt Nam. Kết thúc năm 2024, quốc gia Đông Nam Á này có thặng dư thương mại khoảng 120 tỷ đô la với Mỹ. Điều đó có nghĩa là nếu lấy tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ, trừ đi tổng giá trị hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ, thì chúng ta có số dương 120 tỷ đô la. Hiểu đơn giản thì con số này cho thấy người Việt bán hàng cho người Mỹ nhiều, nhưng mua hàng từ người Mỹ rất ít.
Có hai góc nhìn để hiểu tại sao thương mại Việt - Mỹ lại ở tình trạng này. Góc nhìn của Tổng thống Trump là người Việt mua ít hàng của người Mỹ vì chính phủ Việt Nam đánh thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong khi chính phủ Mỹ lại có mức thuế rất thấp với đa số hàng hóa Việt Nam xuất qua Mỹ. Chính vì vậy người Mỹ đang chịu thiệt thòi vì chính sách thương mại không công bằng này.
Đây cũng là góc nhìn của ông Trump và các cố vấn kinh tế Mỹ về việc xe châu Âu bán ở Mỹ nhiều trong khi người châu Âu mua rất ít xe Mỹ. Họ cho rằng các chính sách thuế quan của châu Âu đang khiến các hãng xe Mỹ khó bán ở châu lục đó, tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng.
img_5
Tuy nhiên có một góc nhìn khác nói về việc một quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, đó là người tiêu dùng quốc gia đó ít có nhu cầu mua hàng từ nước Mỹ. Có thể là vì các công ty Mỹ không sản xuất được các mặt hàng mà người dân quốc gia đó cần, hoặc hàng hóa Mỹ không cạnh tranh được bằng hàng hóa của những quốc gia khác. Ví dụ ở Việt Nam, một mặt hàng nhập khẩu nhiều là thịt bò Mỹ, tuy nhiên mặt hàng này cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi thịt bò từ Úc. Nếu người Việt ưa chuộng thịt bò Úc hơn thịt bò Mỹ thì sẽ giảm tiêu thụ mặt hàng này của Mỹ.
Hoặc với người châu Âu, lý do họ không chuộng xe Mỹ là vì đa số các dòng xe Mỹ đều có kích thước lớn, không phù hợp với đường nhỏ ở đô thị của họ, và người châu Âu cho rằng xe của họ tốt hơn xe Mỹ, như xe Fiat, Volkswagen, Renault, Peugeot đều nổi trội hơn Ford, Chevrolet về vận hành cũng như tiết kiệm nhiên liệu. Ngược lại lý do người Mỹ mua nhiều xe châu Âu có thể suy đoán là vì người Mỹ rất thích xe châu Âu. Các dòng xe thể thao cao cấp như Porsche hay Ferrari đều rất được ưa chuộng bởi khả năng vận hành tuyệt đỉnh và không có công ty Mỹ nào có sản phẩm tương đương để cạnh tranh lại.
Ngoài ra sự phát triển của kinh tế số cũng khiến bức tranh thương mại hai nước trở nên phức tạp hơn. Một con số quan trọng không được hiển thị trong báo cáo thương mại của hai quốc gia là số tiền người tiêu dùng bỏ ra để chi tiêu cho các dịch vụ số. Ví dụ con số 125 tỷ thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bao gồm số tiền người Việt bỏ ra cho các dịch vụ số như Netflix, iCloud hay cho các hoạt động quảng cáo trên Facebook, Instagram.
Chính vì vậy để đánh giá chính xác một quốc gia đang có thâm hụt hay thặng dư thương mại với Hoa Kỳ như thế nào cũng như tại sao lại có tình trạng đó thì không đơn giản. Gạt qua góc những chi tiết quan trọng đó, hiện tại Tổng thống Trump cho rằng bất kỳ nước nào đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ cũng như có thặng dư thương mại lớn với Mỹ đều đang là "chơi xấu" nước Mỹ và phải bị xử lý.

So sánh thuế quan qua hai nhiệm kỳ

Tổng thống Trump đã dùng chính sách tăng thuế nhập khẩu trong nhiệm kỳ đầu tiên, vậy thì tại sao trong nhiệm kỳ thứ 2 này các chính sách của ông lại khiến thế giới chao đảo hơn?
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã sử dụng chính sách tăng thuế nhập khẩu như một công cụ bảo hộ kinh tế nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước và giảm thâm hụt thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai, các chính sách của ông trở nên quyết liệt hơn và gây tác động sâu rộng hơn đến kinh tế toàn cầu vì những lý do sau:

1. Quy mô và phạm vi thuế quan lớn hơn

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump áp thuế lên khoảng 380 tỷ USD hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, và chỉ áp thuế rất hạn chế sang các quốc gia khác như Canada, Mexico, và khối EU. Đến nhiệm kỳ thứ hai, quy mô thuế quan đã tăng mạnh, với tổng giá trị hàng hóa bị áp thuế dự kiến vượt 1.4 nghìn tỷ USD vào tháng 4/2025. Các mức thuế mới bao gồm 25% đối với thép và nhôm trên toàn cầu, 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và lần này ông còn nhắm tới những quốc gia đã cố gắng làm ông hài lòng trong nhiệm kỳ trước cũng như các đồng minh thân cận, bao gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

2. Tác động lan rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Nối tiếp với ý 1, các chính sách thuế quan mới không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn mở rộng sang Canada, Mexico và nhiều đối tác thương mại khác. Điều này làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá nguyên liệu như thép và nhôm tăng cao, gây khó khăn cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu. Đồng thời, các biện pháp trả đũa từ các quốc gia bị ảnh hưởng khiến căng thẳng thương mại leo thang.

3. Chính sách không ổn định và khó dự đoán

Một đặc điểm nổi bật trong nhiệm kỳ thứ hai so với thời kỳ đầu là sự thiếu ổn định của các chính sách thương mại của Nhà Trắng. Thấy rõ nhất điều này là qua các đợt đàm phán thương mại giữa chính quyền Mỹ và Canada trong suốt tháng 2 và tháng 3. Việc áp thuế lên Canada và Mexico là một chủ trương rất bất ngờ vì hầu như hai quốc gia này không hề được nhắc đến trong chính sách tranh cử của ông. Chỉ từ tháng 1, Trump mới bất ngờ liên tục nói về ý định sát nhập Canada và Greenland của Đan Mạch. Chính việc Tổng thống hơn 80 tuổi này thường xuyên nảy ra ý tưởng mới, thường xuyên thay đổi quyết định về mức thuế hoặc thời gian thực thi mà không báo trước, khiến doanh nghiệp Mỹ và các nước khó lập kế hoạch dài hạn. Sự bất định này đã làm gia tăng rủi ro cho thị trường tài chính toàn cầu.

Tác động lên nước Mỹ

Về vấn đề giá cả

Bây giờ chúng ta sẽ đi vào tác động của việc áp thuế nhập quy mô lớn này lên nền kinh tế Mỹ. Thật ra rất khó để nói được chính xác ảnh hưởng của thuế quan lên từng ngành nghề, tuy nhiên chúng ta có thể đánh giá được các tình huống nào có khả năng xảy ra nhất.
Có một điều bạn phải hiểu rằng: khi thuế nhập khẩu tăng, bên trả thuế là bên nhập khẩu, ở đây là các công ty Mỹ. Và vì thuế tăng nên khả năng rất cao các công ty này sẽ phải tăng giá bán để cho khách hàng san sẻ bớt gánh nặng chi phí. Tất cả những bạn đọc nào từng phải nhập hàng từ Trung Quốc hoặc các nước khác về Việt Nam bán sẽ hiểu điều này: thuế tăng là người mua trong nước gánh. Bản thân mình từng nhận hàng từ nước ngoài về và đã phải làm tờ khai hải quan, đóng thuế cho hải quan, người bán cho mình ở nước ngoài không phải chịu một đồng thuế nào bởi hải quan Việt Nam cả. Như vậy khi Tổng thống Trump nói rằng thuế quan sẽ được chi trả bởi doanh nghiệp nước ngoài, điều đó là sai hoàn toàn.
img_6
Hiểu được những điều trên, câu hỏi đầu tiên thường được các chuyên gia phân tích đặt ra là là liệu thuế quan có làm tăng giá hàng hóa bán ở Mỹ hay không, hay chính xác hơn là có làm tăng lạm phát hay không. Để trả lời câu hỏi này nó phụ thuộc chủ yếu vào ba yếu tố chính: nhu cầu với món hàng đó, khả năng thay thế món hàng đó và sức mạnh của đồng đô la Mỹ. Hãy lấy ví dụ cụ thể về mặt hàng dầu thô.
Có thể bạn chưa biết nhưng Hoa Kỳ là quốc gia khai thác dầu thô nhiều hàng đầu thế giới với công suất trung bình năm 2024 là 21.19 triệu thùng dầu mỗi ngày, bỏ xa nước đứng thứ hai là Arab Saudi với công suất 11.13 triệu thùng và nước đứng thứ ba là Nga với 10.75 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên điều thú vị là Mỹ lại nhập khẩu rất nhiều dầu thô từ Canada với mức nhập khẩu rơi vào khoảng trung bình gần 4 triệu thùng/ngày. Các lý do tạo ra sự khác biệt này bao gồm:
1. Khác biệt về loại dầu thô. Dầu thô của Mỹ chủ yếu là light sweet crude (nhẹ và ít lưu huỳnh), phù hợp để sản xuất xăng. Trong khi đó, Canada cung cấp heavy sour crude (nặng và nhiều lưu huỳnh), vốn được sử dụng để sản xuất diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm hóa dầu khác.
2. Lợi ích kinh tế. Canada bán dầu thô với giá chiết khấu so với giá thị trường quốc tế do hạn chế về cơ sở hạ tầng xuất khẩu. Điều này giúp người Mỹ mua dầu từ Canada với giá rẻ hơn, tạo ra lợi ích kinh tế trực tiếp cho ngành lọc dầu. Sau khi nhập về, nhiều công ty Mỹ xuất khẩu ngược lại một phần dầu nhẹ ra thị trường quốc tế với giá cao hơn tạo ra lợi nhuận đáng kể.
Trong tháng 3 vừa rồi, mặt hàng dầu thô này của Canada bị áp thuế 10%, thay vì 25% như các mặt hàng khác, phản ánh một phần sự phụ thuộc của nước Mỹ vào loại dầu nặng này. Trong thời gian ngắn, tức khoảng 6 tháng tới, ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ phải đối diện với việc tăng chí phí nhập khẩu. Lý do là vì:
1. Nhiều nhà máy lọc dầu ở Mỹ, đặc biệt ở vùng Trung Tây (PADD 2) và Rocky Mountains (PADD 4), được thiết kế để xử lý dầu thô nặng từ Canada. Việc thay thế nguồn cung này sẽ rất khó khăn và tốn kém. Các nhà máy này sẽ phải chịu chi phí cao hơn để nhập khẩu hoặc tìm nguồn thay thế, làm giảm lợi nhuận và tăng giá thành sản phẩm. Nên nhớ rằng ưu thế từ việc nhập khẩu dầu từ Canada còn đến từ việc chi phí nhập khẩu thấp.
2. Người Mỹ có thể mở rộng nhập khẩu dầu từ các quốc gia như Venezuela, Saudi Arabia, và Iraq. Tuy nhiên các nước này chỉ thể cung cấp một phần dầu nặng, không đủ để bù đắp lượng nhập khẩu lớn từ Canada và chi phí chưa chắc rẻ hơn.
Như vậy việc áp thuế lên dầu thô nhập khẩu trong thời gian ngắn sẽ khiến chi phí sản xuất cho một số mặt hàng tăng cao lên bởi vì: khả năng tìm kiếm mặt hàng thay thế thấp, trong khi nhu cầu sử dụng cao. Tuy nhiên còn một yếu tố khác có thể khiến cho chi phí này giảm, đó là sức mạnh của đồng đô la Mỹ.
Nếu đồng đô la Mỹ mạnh lên so với đô la Canada, chẳng hạn mạnh lên 3%, thì theo lý thuyết chi phí nhập khẩu dầu thô sẽ tăng chưa tới 10%. Tuy nhiên vấn đề là các hợp đồng mua bán này đã được ký kết từ trước đó với tỷ giá cố định, ví dụ hợp đồng đã được ký từ tháng 12/2024. Chính vì vậy trong ngắn hạn yếu tố tỷ giá cũng không giúp giảm được thuế nhiều.
Áp dụng logic tương tự, chúng ta có thể nhanh chóng phân loại các mặt hàng dễ chịu tác động tăng giá của thuế quan. Ví dụ như rượu vang Pháp, các vi mạch điện tử, xe hơi và linh kiện liên quan. Trong đó đặc biệt thuế đối với linh kiện xe hơi là một trường hợp thú vị.
Những người ủng hộ Trump thường dẫn giải việc Hyundai sẽ xây lắp nhà máy cung ứng linh kiện thép sản xuất xe hơi ở Mỹ để làm minh chứng cho thấy thuế quan nhập khẩu có tác động tích cực lên ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ. Tuy nhiên có một sự thật là ngay cả với các hãng xe hơi đang sản xuất tại Mỹ, họ vẫn cần xuất nhập linh kiện liên tục, mặt hàng cũng bị chịu thuế 25%. Một số ví dụ cụ thể bao gồm:
Nhôm khai thác từ Quebec (Canada) được gửi đến Mexico để đúc các bộ phận như trục khuỷu và đầu xi-lanh. Sau đó, các bộ phận này được chuyển đến Indiana (Mỹ) để gia công cuối cùng, rồi quay lại Ontario (Canada) để lắp ráp động cơ hoàn chỉnh. Cuối cùng, động cơ này có thể được chuyển đến nhà máy ở New York (Mỹ) để lắp vào xe bán tải Silverado của hãng Chevrolet trước khi đưa ra cho các đại lý bán hàng.
Một linh kiện hộp số của Linamar Corp., nhà sản xuất phụ tùng ô tô tại Ontario, Canada, có thể qua lại biên giới giữa Mỹ, Canada và Mexico tới 7 lần trước khi trở thành một bộ phận hoàn chỉnh để lắp vào xe. Quá trình này bao gồm việc chế tạo từ phế liệu kim loại tại Canada, sau đó gửi sang Mỹ hoặc Mexico để gia công thêm, rồi quay lại Canada để hoàn thiện trước khi được lắp ráp vào xe tại Mỹ hoặc Mexico. Với quyết định của Trump, mỗi lần đi vào nước Mỹ thì linh kiện này sẽ bị đánh thuế, nếu vào Mỹ 3 lần thì sẽ bị đánh thuế 3 lần.
img_7
Như vậy ngay cả khi một công ty mở nhà máy sản xuất xe hơi tại Mỹ thì công ty đó vẫn cần liên tục xuất nhập linh kiện ra khỏi nước Mỹ để gia công trước khi nhập khẩu lần cuối về Mỹ để lắp ráp giai đoạn cuối. Do đó nhà máy Hyundai vận hành tại Mỹ chưa chắc đã bán xe rẻ nếu linh kiện cần thiết cho việc sản xuất phải liên tục được đưa ra biên giới qua Canada và Mexico.
Tất cả các vấn đề về đánh thuế mặt hàng nhập khẩu kể trên đều rơi vào ba nhóm: có mặt hàng thay thế ngay lập tức (nhóm 1), mất rất nhiều thời gian để tìm mặt hàng thay thế (nhóm 2) và không thể thay thế (nhóm 3). Có thể nói ở tình hình hiện tại, số lượng mặt hàng mà các công ty Mỹ có thể sản xuất thay thế hàng nhập khẩu ngay lúc này trong tháng 4 ít hơn rất nhiều so với hàng nhóm 2 và nhóm 3, đồng nghĩa với việc trong 6 tới 12 tháng tới giá cả hàng hóa sẽ khả năng cao tăng lên đáng kể.

Về vấn đề việc làm

Tuy nhiên chúng ta cần nhớ một lý do lớn không kém dẫn tới việc áp thuế quan này, đó là niềm tin vào sự hồi phục của ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ và kèm theo đó là tăng số lượng việc làm cho người lao động Mỹ. Về vế một, đó là sự hồi phục của ngành công nghiệp Mỹ, thì thật ra sự hồi phục này đã bắt đầu từ thời Tổng thống Biden chứ không phải dưới thời Trump.
Trong giai đoạn nắm quyền của Tổng thống Joe Biden 2021 - 2024, rất nhiều công ty nước ngoài đã đến Mỹ xây dựng nhà máy, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, bán dẫn, và sản xuất pin. Điều này được thúc đẩy bởi các chính sách kinh tế lớn của chính quyền Biden như Đạo luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act), Đạo luật CHIPS và Khoa học (CHIPS and Science Act), cũng như Luật Cơ sở Hạ tầng Lưỡng đảng (Bipartisan Infrastructure Law).
Các chính sách này đã tạo ra các ưu đãi tài chính và môi trường đầu tư hấp dẫn cho các công ty nước ngoài. Các ví dụ tiêu biểu bao gồm tập đoàn Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) với các nhà máy hàng tỷ đô la ở bang Arizona, đã hoàn thiện và đi vào vận hành từ cuối năm 2024. Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng đã đầu tư hàng tỷ đô cho một nhà máy mới ở bang Texas. Hay là tập đoàn Element 25 (Úc) đã đầu tư 290 triệu USD để xây dựng một nhà máy ở Louisiana nhằm sản xuất mangan sulfate, nguyên liệu quan trọng cho pin xe điện, hỗ trợ sản xuất hơn 1 triệu xe điện mỗi năm tại Bắc Mỹ. Một điều thú vị là nhà máy sản xuất ô tô của Hyundai cũng đã được khởi công xây dựng dưới thời của Tổng thống Biden vào năm 2022.
Như vậy mặc dù không cần áp thuế gắt gao, Tổng thống Joe Biden vẫn kéo được các tập đoàn lớn nước ngoài đến Mỹ sản xuất.
Còn về vấn đề việc làm, chúng ta có thể xem xét cụ thể chi tiết sau. Nhà máy TSMC sau khi đi vào vận hành tại Mỹ được ghi nhận chi phí sản xuất chỉ cao hơn ở Đài Loan khoảng 10%, trong khi chi phí nhân công tay nghề cao ở Mỹ cao hơn ở Đài Loan từ 30% tới 50%. Vậy thì nguyên nhân đến từ đâu? Lãnh đạo tập đoàn TSMC giải thích như sau:
"Một phần đáng kể chi phí sản xuất tấm wafer được quyết định bởi các thiết bị, vốn chiếm hơn hai phần ba tổng chi phí. Các nhà cung cấp thiết bị hàng đầu như ASML, Applied Materials và Lam Research đưa đã ra mức giá tương tự trên toàn cầu (tức giá ở Đài Loan giống ở Mỹ - chú thích ND), điều này làm trung hòa sự chênh lệch địa lý. Mặc dù chi phí lao động ở Mỹ cao hơn so với Đài Loan, nhưng sự tự động hóa mạnh mẽ trong các nhà máy hiện đại khiến lao động chỉ chiếm dưới 2% tổng chi phí."
img_8
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà máy được tự động hóa rất cao này tạo ra ít việc làm hơn kỳ vọng. Công việc trước đây cần 50 người giờ chỉ cần chưa tới 5 người và rất nhiều cánh tay robot.
Việc tự động hóa này gần như là bắt buộc với các công ty muốn sản xuất quy mô lớn ở Mỹ do chi phí nhân công quá lớn. Như vậy trong thời gian tới có thể có nhiều công ty sẽ đưa dây chuyền sản xuất về Mỹ, nhưng điều đó không đảm bảo sẽ có thêm rất nhiều việc làm được tạo ra ở Mỹ.
Về thuế nhập khẩu thay thế thuế thu nhập cá nhân và tác động lên nền tài chính Mỹ
Vậy còn kỳ vọng thuế nhập khẩu sẽ thay thế cho thuế thu nhập cá nhân thì sao?
Một lần nữa chúng ta cần nhớ rằng người phải gánh chịu thuế nhập khẩu chính là các doanh nghiệp hoạt động ở Mỹ và về lâu dài thì thuế này sẽ được chuyển qua cho người tiêu dùng gánh. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là nguồn thuế này có đủ bù đắp cho sự thiếu hụt do giảm thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp hay không?
Nói một chút kiến thức cơ bản về tài chính Mỹ. Chính phủ Mỹ cần nguồn thu từ thuế và trái phiếu (tức đi vay nợ) để duy trì hoạt động. Đây là hai trụ cột chính trong việc tài trợ cho các chi tiêu liên bang, bao gồm quốc phòng, y tế, an sinh xã hội, và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong nhóm thuế thì thuế thu nhập cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu thuế của chính phủ Mỹ, với mức đóng góp khoảng 49% tổng nguồn thu thuế liên bang vào năm 2024, tương đương khoảng 2,4 nghìn tỷ. Đây là nguồn thu lớn nhất của chính phủ, vượt xa các loại thuế khác như thuế tiền lương (35%) và thuế thu nhập doanh nghiệp (11%).
Khi nguồn thu từ thuế không đủ cho nhu cầu chi tiêu, chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu kho bạc để bù đắp thâm hụt ngân sách. Trái phiếu chính phủ Mỹ được xem là đáng tin cậy vì được bảo chứng bởi khả năng đánh thuế của chính phủ. Tính đến cuối năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 8,5 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, tương đương 25% tổng số trái phiếu phát hành. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn vào khẩu vị của nhà đầu tư quốc tế
Thâm hụt ngân sách Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2024, đạt khoảng 6,4% GDP, tương đương hàng nghìn tỷ USD. Điều này làm gia tăng nhu cầu phát hành trái phiếu để tài trợ cho chi tiêu chính phủ. Chi phí trả lãi vay của chính phủ cũng tăng lên, tương đương 3,2% GDP, gây áp lực lớn lên ngân sách quốc gia.
img_9
Việc Tổng thống Trump liên tục gia hạn các đạo luật giảm thuế được ước tính sẽ khiến ngân sách liên bang bị hụt thu con số lên đến hàng nghìn tỷ trong nhiều 10 năm tới, như vậy càng làm nặng thêm trách nhiệm trả lãi vay. Câu hỏi rằng thuế nhập khẩu liệu có giúp bù đắp được phần nào sự thất thu từ thuế thu nhập cá nhân hay không, và thậm chí liệu nó có giúp giảm tải cho gánh nặng nợ công hay không?
Câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào việc: người Mỹ sẽ chi tiêu như thế nào sau ngày "Giải phóng thuế quan" 02/04/2025.
Chúng ta đều biết rằng ở Mỹ văn hóa tiêu dùng rất mạnh, và việc một người dùng 3,4 thẻ tín dụng để chi tiêu sinh hoạt là điều bình thường. Người Mỹ mua mọi thứ bằng vay nợ và trả góp: từ đóng tiền điện, nước, mua McDonald cho tới mua nhà, mua xe hơi. Nền kinh tế Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào chi tiêu của người dân, với chi tiêu mua sắm đóng góp khoảng 70% vào tổng GDP.
Xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cũng như trên toàn cầu phụ thuộc vào ba thứ: giá cả hàng hóa, sự lạc quan của họ về tương lai và lãi vay, trong đó sự lạc quan về tương lai và lãi vay là yếu tố quan trọng nhất. Để dễ hình dung, gia đình bạn quyết định vay tiền để mua nhà. Cùng thời gian vay là 20 năm, nếu bạn vay 2 tỷ với lãi suất cố định 11%/năm, số tiền bạn phải trả cả gốc và lãi mỗi tháng là 20,640,000đ. Còn nếu bạn vay 3 tỷ với lãi suất cố định 6%/năm thì số tiền cả gốc và lãi bạn phải trả mỗi tháng là 21,492,000đ. Rõ ràng nếu có thể chọn, gia đình bạn sẽ chọn vay 3 tỷ với lãi 6%/năm để mua nhà to hơn, đẹp hơn.
Như vậy sự lạc quan và tin tưởng vào dòng tiền thu nhập ổn định sẽ giúp bạn đưa ra quyết định mua nhà, trong khi đó lãi suất thấp sẽ giúp bạn sẵn lòng chi tiêu mạnh tay hơn.
Hiện tại có thể nói tình hình không được sáng sủa với người tiêu dùng Mỹ vì:
1. Lãi suất đang vẫn ở mức cao trong nhiều năm qua. Lãi vay mua nhà ở Mỹ vẫn ở trên mức 6.5% từ năm 2023 đến nay, lãi vay tiêu dùng cũng ở mức cao, điều đó làm tăng áp lực tài chính lên người tiêu dùng Mỹ.
2. Người Mỹ đang không lạc quan về triển vọng kinh tế sau khi trải qua nhiều đợt sa thải, các tin tức bi quan xoay quanh thuế quan, từ đó cảm thấy bất an về thu nhập. Các doanh nghiệp do lo ngại về thuế quan cũng dừng mở rộng sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tuyển dụng.
3. Lãi vay cao cùng chi phí tăng cao trong nhiều năm qua trong khi tiền lương không tăng tương xứng đã bào mòn sức mua của người tiêu dùng Mỹ. Tỷ lệ nợ xấu tiêu dùng cũng đang tăng cao, số lượng người không thể kịp trả lãi vay mua nhà cũng đang tăng dần.
img_10
Với tâm lý như thế, khả năng rất cao người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu với hàng hóa nhập khẩu, vốn chiếm tỷ trọng rất lớn trong hàng tiêu dùng ở Mỹ. Do tiền đã được dùng gần hết để chi tiêu cho hàng thiết yếu, người tiêu dùng sẽ khó còn dư dả để nghĩ đến những nhu cầu xa xỉ hơn như mua xe, mua nhà, đi du lịch xa. Sự suy giảm tiêu dùng sẽ dẫn đến suy giảm sản xuất (vì đầu ra giảm nên sản xuất phải giảm). Sản xuất giảm thì nhu cầu tuyển dụng lao động giảm, các đợt sa thải lại tăng lên, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lại khiến tâm lý bi quan lan truyền trong xã hội, khiến cho người tiêu dùng lại càng không muốn chi tiêu. Nó là một vòng luẩn quẩn.
Nói rộng ra đây cũng là tâm lý chung của người tiêu dùng ở nhiều nước trên toàn cầu chứ không chỉ Mỹ. Với tốc độ áp chính sách nhanh chóng mặt, Tổng thống Trump khiến lãnh đạo các nước bị áp thuế và các tập đoàn toàn cầu bị bất ngờ cũng như cảm thấy tức tối vì họ cảm thấy sự vô lý trong đó. Nó dẫn đến rất nhiều sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng vì chi phí bị đội lên nhiều lần, từ đó ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như các chính sách tài khóa của chính phủ.

Sự hỗn loạn này sẽ đi đến đâu?

Những ý trên hi vọng đã giải thích rõ cho bạn đọc hiểu tại sao lần này Tổng thống Trump nắm quyền lại mang đến một bầu không khí căng thẳng và bi quan lan rộng vậy. Chúng ta hiểu được tại sao chứng khoán Mỹ đang trải qua một trận giông tố lớn (và may phước là chứng khoán Việt Nam còn trụ vững ở hiện tại), tại sao các nhà đầu tư đổ xô đi ôm vàng khiến giá vàng cao ngất ngưỡng, cũng như tại sao các quốc gia thù địch với nhau qua nhiều thế hệ lại liên kết lại để cùng đối phó với thuế quan của Mỹ.
img_11
Điều quan trọng nhất khiến thị trường lo lắng đó là mọi người không biết được chuyện này sẽ đi đến đâu và sẽ kết thúc lúc nào. Một thế giới được bao bọc quanh nỗi sợ và bi quan chưa bao giờ có những kết thúc tốt đẹp.