Sự Công Bằng
Là bài học mà mình đã được học từ rất sớm. Hồi cấp 1, mẹ về vùng sâu vùng xa dạy học và dắt cả mình theo. Mình hiểu cái cảm giác cả đội dành cả mấy tháng tập luyện quần quật, khi lên sân khấu biểu diễn xong khán phòng vỗ tay vang dội, nhưng giấy khen là Giải Khuyến Khích. Và bạn biết sao không, hội thi của Huyện diễn ra trong 1 ngày, ngay khi đoàn cuối biểu diễn thì trao giải ngay và thật lạ kì: cả xấp giấy khen đã được in đẹp đẽ sẵn sàng và trao tận tay từng người ở trên sân khấu!
Rồi mình vẫn còn tham gia rất nhiều cuộc thi “giấy khen in sẵn” nữa, trong suốt những năm tháng tuổi thơ của mình, kể cả khi mình rời sang một Thị xã khác, thì cách làm của mọi người hầu như cũng tương tự. Buồn chứ. Nhưng mình biết người lớn còn buồn hơn, đến giờ lớn lên mình cảm thấy rất may mắn khi dù vậy, những người lớn xung quanh mình vẫn luôn cho bọn nhóc tụi mình quyền cố-gắng-hết-sức và được-đầu-tư-tốt-nhất. Chứ chưa một lần ai đó nói ra là các con cứ làm cho có phong trào thôi, đằng nào cũng vậy mà.
Thật may. Vì vẫn nhiệt tình tham gia những cuộc thi như thế, mình cũng có cơ hội được tham gia những cuộc thi mà cơ cấu giải thưởng bất ngờ hơn, những cuộc thi mà khi mình nhận bằng khen giải nhì giải nhất hay đôi lúc khuyến khích cũng đều rất vui, tâm phục khẩu phục và chỉ khóc vì quá hạnh phúc chứ không phải vì ấm ức.
Những chuyện không công bằng hay không như ý đã, đang và sẽ luôn xảy ra. Ta không thể nào kiểm soát được. Cũng chưa chắc đã là không công bằng, đôi khi khả năng của chúng ta chỉ tới đó. Nhưng mà mình vẫn mong, mỗi con người nhỏ bé chúng ta đừng vì thất vọng mà khép lại cánh cửa bước ra thế giới. Không thể thay đổi tất cả, thì hãy đảm bảo để những người được tiếp xúc với chúng ta đều sẽ cảm nhận được sự công bằng, cảm nhận được giá trị của sự nỗ lực hết sức.
Cố gắng hết mình rồi, thực ra phần thưởng là trải nghiệm của cả hành trình, còn giải thưởng ở bước cuối chỉ là một món thặng dư, được tặng thêm. Hãy để nó làm bạn vui, đừng cho nó được phép khiến bạn buồn.
Cố lên!