Ý tưởng về một tựa Game được nhập vai mèo chưa phải là một điều quá mới mẻ. Nhưng thực sự thể hiện nó một cách trọn vẹn thì chỉ có “Stray” mới làm được. Không chỉ mô tả việc nhập vai và điều khiển một con mèo sẽ thú vị như thế nào, “Stray” còn truyền tải được một câu chuyện nhân văn về một xã hội hậu tận thế. 
Tôi vẫn nhớ lần đầu được thấy những hình ảnh đầu tiên của “Stray” tại kì “State of Play” của Sony vào khoảng giữa năm 2020. Nó ngay lập tức để lại ấn tượng mạnh vì phần nào phác hoạ một xã hội người máy hậu tận thế chân thực và thú vị. Sự phấn khích được đẩy lên cao hơn nữa khi tôi dần nhận ra chú mèo là nhân vật chính của tựa Game này. Cũng phải thừa nhận tôi là một người rất yêu mèo. Và tôi nghĩ phần đông mọi người cũng đều như vậy, vì “Stray” ngay lập tức trở thành điểm sáng trong cả kỳ sự kiện ấy. Không lâu sau, Gameplay Trailer được công bố, xác nhận Game sẽ được khai thác theo thể loại Phiêu Lưu - Giải Đố, một quyết định mà theo tôi là khá hợp lý để triển khai. Cho tới ngày 17/07/2022 vừa rồi, Stray được chính thức ra mắt toàn thế giới. Và BlueTwelve Studio đã làm khá tốt công việc của mình, khiến tựa Game vượt ngoài mong đợi ban đầu của tôi.

Thông tin cơ bản

“Stray” là một tựa Game nhập vai phiêu lưu góc nhìn thứ 3 được phát triển bởi BlueTwelve Studio và phát hành bởi Annapurna Interactive. Đây cũng là sản phẩm đầu tay của BlueTwelve, một studio nhỏ từ phía nam nước Pháp. Trò chơi được phát hành trên các nền tảng PS4, PS5 và Steam. 
Để tóm lược ngắn gọn cốt truyện của Stray trong vòng một câu, thì Stray là cuộc hành trình của một chú mèo bị lạc tìm đường về với đàn của mình. Bối cảnh được đặt ở một tương lai xa, nơi mà con người đã bị tận diệt. Trong một lần không may, nhân vật chính nhảy trượt và bị rơi xuống một thành phố ngầm, vốn là nơi trú ẩn của con người trong quá khứ nhưng nay chỉ còn Robot và một loại sinh vật nguy hiểm Zurks là đủ khả năng để tiếp tục tồn tại. Trong quá trình tìm đường trở lại mặt đất, qua điểm nhìn là chú mèo, người chơi sẽ được câu trả lời cho rất nhiều bí ẩn liên quan tới thế giới của Stray. 
Cũng vì nhân vật chính là một con mèo, nên bản thân tuyến cốt truyện chính cũng không quá phức tạp. Chỉ là nhà phát triển đã tận dụng khá tốt việc đặt điểm nhìn của người chơi vào nhân vật để tạo dựng một thế giới với những nhân vật đầy thú vị để khiến người chơi có hứng thú khám phá. Các nhân vật dù là chính hay phụ cũng có câu chuyện của riêng mình, khiến các nhân vật trở nên đáng tin hơn, góp phần tạo nên bầu không khí sống động ngay cả trong bối cảnh hậu thế tăm tối. 
Hoàn thành hết cốt truyện chính của Stray, người chơi sẽ chỉ cần từ 5-7 tiếng, nhưng để khám phá hết tất cả mọi thứ thì sẽ cần 8-10 tiếng. Mặc dù không phải là thời lượng ngắn đối với một Game Indie, nhưng Stray vẫn khiến tôi cảm thấy mình chơi chưa đã và cần nhiều hơn. Để đạt được thành công này, nó là thành quả của một Gameplay sáng tạo và không bị trùng lặp. 

Triển khai nhịp Game hợp lý

“Stray” được chia thành nhiều Chapter khác nhau theo diễn biến của cốt truyện. Trải nghiệm của Game sẽ liên tục được đổi mới, bởi lẽ nhà phát triển rất biết cách để đem lại nhiều sự mới mẻ và không lạm dụng quá nhiều một gameplay quen thuộc. Vẫn có thể chia “Stray” ra thành 2 phân đoạn chính đan xen lẫn nhau. Một phần phục vụ mục đích chính là khám phá, và một phần để thúc đẩy tiến độ của câu chuyện.
Ở trong phần khám phá, người chơi thường sẽ được đặt trong những khu vực dân cư hay thành phố, có thể đi bất cứ đâu mình muốn như là một tựa Game thế giới mở trá hình. Và ở những phân đoạn này, người chơi sẽ được tiếp cận với lối chơi giải đố thường thấy ở các tựa Game Click n’ Point truyền thống. Tìm và thu thập các vật phẩm cần thiết, sử dụng vật phẩm đã tìm được vào một điểm tương ứng để mở khóa các khu vực mới, tương tác với các NPC, … Game cũng vẫn có vô số các ngóc ngách để cho người chơi tìm tòi, và khá nhiều nhiệm vụ phụ của NPC nhằm hiểu rõ hơn về thế giới mà chúng ta đang khám phá. Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của người máy đồng hành B-12, người chơi có thể tìm hiểu thêm về lore bằng cách thu thập các Memories được giấu ở khắp nơi. 
Sau khi người chơi cảm thấy mình thực sự sẵn sàng, chúng ta sẽ được đưa tới các phân đoạn mới nhằm mục đích thúc đẩy cốt truyện tiến lên phía trước. Đây thường sẽ là những màn chơi tuyến tính được triển khai theo nhiều hướng khác nhau. Chủ yếu là Platform giải đố, hành động lén lút, đuổi bắt, hay thậm chí là chiến đấu. Thế lực phản diện chính của Game là một loài sinh vật tên là Zurks, vốn là một loại vi khuẩn cũ từ thời của con người tiến hoá lên thành một loại bọ có thể ăn được tất cả mọi thứ kể cả kim loại. Với sự hoành hành của Zurks ở khắp nơi, chú mèo là yếu tố chính để dẫn dắt các cư dân ở thành phố ngầm tìm thấy sự giải thoát sau hàng trăm năm cố gắng sinh sống và tồn tại trong bóng tối. Điều này được phản ánh ngay trong các phân đoạn Gameplay, khi chú mèo cố gắng di chuyển đến một nơi mà các Robot khác không thể mạo hiểm tính mạng để tới, trong khi phải trốn tránh và chống trả trước hàng vạn con Zurks đói ăn. 
Để làm được điều này thì chú mèo phải tận dụng tối đa được khả năng của bản thân, bao gồm cả từ việc di chuyển nhanh lẹ, cho đến cả khả năng leo trèo nữa. Đây là yếu tố chính để làm nên các phân đoạn Platform của Game. Những màn Platform thường khá dễ và đơn giản, cả về kỹ năng phản xạ cũng như khả năng suy nghĩ giải đố. Các màn chơi được thiết kế tuyến tính nên người chơi không cần hướng dẫn cũng sẽ biết mình cần đi đâu và làm những gì. Game không có sát thương khi bị ngã hay rơi từ trên cao xuống, những chỗ có thể nhảy được đến cũng sẽ được thông báo bởi Game nên gần như việc thất bại trong những màn Platform là không thể. Tuy nhiên, bị giới hạn ở những nơi mà mình có thể tới cũng là một điểm trừ với một số người, vì nó phần nào sẽ dẫn tới sự gò bó trong khám phá. Thứ duy nhất dẫn tới Game Over là con mồn lèo bị Zerks ăn, hoặc bị các Sentinels (thế lực phản diện về cuối Game) bắn trúng. Tuy nhiên, cách để chống lại các thế lực này cũng khá đơn giản. Khiến Game có thể tiếp cận được với bất cứ ai. 
Đan xen liên tục 2 phân đoạn chính này cho đến khi Game kết thúc, về lý thuyết thì rõ ràng đây là một sự trùng lặp dễ gây nhàm chán và mệt mỏi cho người chơi. Tuy nhiên, “Stray” chọn nhiều cách triển khai khác nhau khiến nhịp Game luôn giữ được sự tươi mới. Tới mức khi tôi đang chơi một phân đoạn nào đó và bắt đầu chuẩn bị cảm thấy mệt mỏi, thì Game kết thúc Chapter ở ngay đấy để chuẩn bị một điều hoàn toàn mới phía trước để người chơi trải nghiệm. 

Twist - Bạn là mèo

Bản thân việc điều khiển một chú mèo cũng mang tới sự thú vị cho Game. “Cat doing cat things”. Bạn là một chú mèo, nên bạn sẽ làm những gì mà một con mèo sẽ làm. Và Stray có đủ các loại tương tác khác nhau để phục vụ mục đích đó. Bạn có thể làm một con mèo ngoan ngoãn và dễ thương, nhảy lên người một con robot đang nằm trên chiếc sofa để cuộn tròn người lại và đánh một giấc, quấn và dụi đầu vào chân của các nhân vật,… Hoặc bạn có thể trở thành một con mồn lèo đúng nghĩa bằng cách gạt đồ vật từ trên cao xuống, phá rối 2 anh robot đang chuyển những lọ sơn từ mái nhà này sang mái nhà khác khiến lọ sơn rơi thẳng xuống đường, phá hỏng một bàn poker sát phạt căng thẳng, ngước mắt lên nhìn 2 robot khổ sở dọn lại bàn để chơi tiếp, rồi lại làm thế thêm một lần nữa, hay là ngáng chân một robot đang mệt mỏi di chuyển trên đường khiến anh ta vấp ngã. 
Cũng bởi bạn là mèo nên bạn sẽ được cào móng, làm những trò ngu ngốc như tự trùm túi giấy lên đầu, hay kêu bất cứ lúc nào bạn muốn thì chỉ cần bấm nút, nó hoạt động kể cả trong các đoạn cutscene. Nút bấm để meow là một trong phát kiến vĩ đại và gây nghiện nhất trong thế giới Game vào khoảng thời gian gần đây, chỉ sau nút inspect vũ khí của CS:GO. Các NPC cũng biểu lộ phản ứng với tiếng kêu của bạn thông qua màn hình đặt trên khuôn mặt. Có NPC sẽ rất thích thú khi có một chú mèo lảng vảng xung quanh, nhưng vẫn sẽ có các NPC tỏ ra không ưa bạn cho lắm. Nhưng tôi vẫn khá chắc rằng bạn sẽ chẳng quan tâm lắm đâu, vẫn cứ spam nút meow như một con mèo đích thực vậy thôi.

Hình ảnh và âm thanh

Thể hiện yếu tố hình ảnh theo hướng 3D tả thực có lẽ chưa bao giờ là thế mạnh của các tựa Game Indie. Hầu hết các tựa Game Indie sẽ chọn cho mình phong cách 2D truyền thống hoặc theo phong cách Pixel Graphic. Nhưng các nhà phát triển của “Stray” bảo là “ở đây chúng tôi không làm thế”, và họ đã hoàn toàn đúng khi quyết tâm đưa đồ họa của “Stray” theo hướng tả thực. Chất lượng hình ảnh không phải ở hàng top tier trên thị trường Game, nhưng nó vẫn hoàn toàn đủ để có thể thỏa mãn thị giác của đại đa số người chơi. 
Có 2 thứ tôi thấy Game hoàn thành xuất sắc nhất về khoản hình ảnh. Thứ nhất là cách sử dụng màu sắc và ánh sáng. Vì Game được lấy bối cảnh ở một thành phố ngầm, sự tăm tối là thứ bao phủ toàn bộ nơi này. Bởi vậy, điểm nhấn chắc chắn sẽ là ánh sáng, nhưng sử dụng bao nhiêu, màu sắc ra sao, hoàn toàn sẽ phụ thuộc vào địa điểm mà chúng ta đi qua. Ở trong khu cống ngầm chắc chắn sẽ phải là tăm tối và ẩm ướt, ở những khu ổ chuột thì phải là khung cảnh đổ nát với ánh sáng mập mờ, và ở thành phố thì phải là ánh sáng rực trời và tràn ngập màu sắc. Điểm mạnh thứ 2 về mặt hình ảnh chính là ở hoạt ảnh của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính. Thực ra tôi cũng không thể chê được với các diễn viên mocap không chuyên, chính là những chú mèo, vì chúng chỉ đơn giản là “cat being cat” thôi. Cũng bởi vậy mà hoạt ảnh di chuyển rất mượt và không bị giả trân như thực hiện toàn bộ trên máy tính. Tuy vậy, vẫn có một điểm trừ khá lấn cấn là hoạt ảnh khuôn mặt khi nhân vật chính của chúng ta kêu. Nhìn khá máy móc, chắc chắn là do lỗi của người thực hiện animation vì đã chưa thể làm chúng trở nên mềm mại và tự nhiên hơn. 
Về âm thanh, thực sự thì âm nhạc trong “Stray” có chất lượng khá tốt, vì bất cứ bản nhạc nào được chơi trong quá trình tôi hoàn thành Game để diễn tả được đúng tâm trạng mà người chơi đang hướng tới khi đi qua những khoảnh khắc ấy. Nhưng nếu để nói, mặt âm nhạc của “Stray” thuộc hàng tuyệt phẩm thì tôi nghĩ là không. Chúng không tạo ấn tượng đủ tốt để tôi phải tìm nghe cả Album OST của “Stray” như cái cách mà tôi đã làm với Transistor, Celeste, hay là Hades. Nếu bạn muốn tìm xem đâu là bản nhạc hay nhất của Game, thì tôi xin được mạnh dạn đề xuất bản nhạc “Secret Lab”. Dù sao thì đây cũng chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi. Ngoài ra, điểm cộng là âm thanh hiệu ứng, khi tôi vẫn được nghe 50 kiểu Meow khác nhau trong suốt quãng thời gian hoàn thành “Stray” mà không cảm thấy chán. 

Tổng kết

“Stray” không phải là một tựa Game đột phá về bất cứ gì nó chạm tới. Nhưng nó cũng không làm tệ ở bất cứ một yếu tố nào cả. Trò chơi áp dụng hoàn hảo những quy luật cơ bản của Game Design, mặt khác thì nó cũng không mạo hiểm để tạo nên sự đột phá. Theo tôi thì đây vẫn là một sản phẩm rất chỉn chu và hoàn toàn xứng đáng với cái giá hơn 10$ của Game. Tôi đánh giá “Stray” 8/10 điểm, và Game hoàn toàn có khả năng để ẵm về cho mình giải “Best Indie game of the Year” của “The Game Awards” tổ chức vào tháng 12 sắp tới.