Bố của em điện thoại đến tôi lúc hơn nửa đêm, hẳn là một cuộc gọi rất đột ngột. Do tuần đó tôi làm ca chiều tối nên vào giấc này vẫn còn thức. Sau khi tắm rửa xong xuôi, tôi nhâm nhi chút nước lọc và lắng nghe chương trình tâm sự đêm khuya trên Radio. Đèn ngủ trong phòng để ở mức riu riu như đang thắp nến. Vừa lúc chương trình kết thúc thì điện thoại đổ chuông, tôi thấy số lạ bèn đắn đo trong phút chốc trước khi nhấc máy lên và nghe. Dạo ấy mới bắt đầu đổi đầu số tùm lum, cộng với việc nở rộ nhiều chiêu thức lừa đảo qua điện thoại nên tôi phải dụi mắt nhìn đi nhìn lại số máy của đối phương. Không có gã Sales đần độn nào đi chào mở thẻ tín dụng vào cái giờ linh thế đâu nhỉ, tôi tin vậy. Rốt cuộc thì sự tò mò đã chiến thắng trước những suy tính dè chừng kia.
Nội dung cú điện thoại sau đó càng đột ngột hơn thế nữa, theo từng lời của chú. Những lời rất nhỏ như đang thì thào giữa cơn gió nghiêng đêm, và tôi cũng hiểu được, cảm xúc trong đó bị đặc quánh bởi nỗi bối rối không thể cắt nghĩa được.
Chú báo tin rằng em đã qua đời vào rạng sáng hôm qua, và chú muốn mời tôi lên thăm viếng tư gia trên Đà Lạt.
Tiễn đưa và chia buồn cùng gia quyến là một chuyện, bản thân chú còn có vài điều muốn hỏi riêng tôi nữa.
Một cách khờ trân, tôi nhận lời ngay, tiện thể trao đổi thêm thông tin về việc đi lại cùng một số vấn đề lặt vặt khác. Hoàn toàn không hề có sự trì hoãn hay những câu hỏi tại sao trước lời đề nghị kỳ lạ này, khi mà tôi chợt có niềm tin rõ ràng rằng tất cả khúc mắt sẽ được chú giải thích tường tận nếu gặp trực tiếp. Hẳn là chú đã phải cố gắng lắm mới tìm đến mình nên thiết nghĩ tôi cần phản hồi theo hướng tích cực, một cơ hội chẳng hạn. Tôi nói cảm ơn bằng một giọng bao dung trước khi cúp máy rồi thao thức đến tận sáng hôm sau. Tôi chẳng nhớ mình đã uống thêm bao nhiêu ly nước lọc nữa, nhưng đảm bảo là tôi đã uống rất nhiều đấy. Hết nằm lăn lộn trên giường, đi vệ sinh, tu sạch ly nước, quay về giường rồi lặp lại cái vòng trăn trở khốn kiếp đó.         
Không dễ để có được hai ngày nghỉ đột xuất vào ngay giữa tuần. Tay quản công của bộ phận sản xuất cầm đơn xin nghỉ phép của tôi tỏ vẻ hết sức dè chừng, săm soi từng con chữ trên đó như một viên thẩm định hắc ám. Gương mặt rỗ của hắn suốt từ nãy giờ vẫn chưa dãn ra được chút nào. Hắn đề nghị với tôi về việc đi làm bù vào ngày nghỉ, tất nhiên là không được nhân hệ số lương. Nghỉ bao nhiêu ngày thì sẽ phải bù bấy nhiêu ngày, hắn dõng dạc tuyên bố. Chỉ hai ngày thôi, tôi đáp vậy.Hắn coi như đây là sự đồng ý bèn điện thoại lên cấp trên để thông qua. Trong xưởng, tiếng máy dập đùng đùng bên tai khiến tôi không nghe được những gì hắn trao đổi. Là gì nhỉ? Về khoản thưởng cuối tháng này sẽ bị cắt xén bớt vì mất chuyên cần, hay về thứ gì đó sẽ đón lõng mình sau khi trở lại từ chuyến đi vội vào tối nay?
Nghĩ rằng bản thân sẽ không tìm được lời giải đáp, tôi đành tự cam kết với lòng mình sẽ không lăn tăn về nó nữa.
Ngoài trời đêm đặc quánh, chiếc xe khách lầm lũi chao lượn trên những cung đường đèo. Sự chênh lệch về độ cao so với mực nước biển ngày một rõ rệt, và sương ẩm phà vào bên hông xe làm phủ mờ ô kính. Trên xe, tôi cứ chập chờn, thoáng mơ thấy mình được cầm đàn trở lại, ngồi một mình tại nơi đâu đó không xác định được và nghêu ngao hát. Là bản “Strawberry Fields Forever” của The Beatles. Những giai điệu, khi ấy, cũ kỹ và chân thực hệt cứ như vừa được sao chép nguyên vẹn từ đĩa than của nhóm phát hành cách đây khoảng 50 năm về trước. Tại sao mình có thể hát một cách tài tình đến thế, tôi không hiểu được. Bản thân khi nghe ca khúc này lần đầu, tôi cũng cảm thấy khó hiểu với những tầng nghĩa được ẩn dụ sâu bên trong. Ấy thế mà trong mơ, tôi vẫn hát như chưa từng hề hấn gì về nó cả.
“Let me take you down…”
“Cause I’m going to, Strawberry Fields…”
“Nothing is real….”
“But nothing to hung about…”
“Strawberry Fields Forever…”      
Giấc mơ đã lặp lại ít nhất là hai lần trên chặng đường, vào những lúc mà tôi tưởng mình đã đạt được trạng thái sâu nhất của giấc ngủ sau đêm trắng trước đó cùng một ngày làm việc quần quật. Tuy nhiên, ngữ cảnh vẫn cứ đến rồi đi theo một sự dẫn dắt nào đó. Nói một cách sách vở thì khi chúng ta ý thức được những gì mình đã mơ được thì đồng nghĩa rằng chúng ta chưa thực sự đi vào giấc ngủ. Cơ thể tôi vẫn chưa thả lỏng được, cứ như đang cố níu kéo một thôi thúc vô định hình nào đó vậy. Sự giằng xé giữa hai yếu tố bắt đầu sôi sùng sục trong lồng ngực, rồi đều đặn lắng xuống theo từng nhịp thở.
 Xe đến nơi thì trời cũng vừa tờ mờ sáng. Tôi bước đi như người mộng du giữa bãi đất trống của bến xe. Tôi rẽ trái, đi xuống một con dốc dài, sau đó lại rẽ phải và cứ thế đi tiếp cho đến khi đôi chân dẫm lên thềm cỏ xanh của bờ Hồ Xuân Hương. Tìm một băng ghế gần đó và ngồi xuống, tôi gật gù như đang ngủ vùi với tư thế sụp hẳn phần thân về phía trước. Tôi ngồi rất lâu tại đó, có lẽ vậy. Mặt trời chậm chạp ló dạng ở phía bên kia hồ từ khi nào không hay. Có tiếng xì xào bên tai, càng lúc càng to, sự tỉnh táo cũng theo đó mà kịp thời trở về. Dòng người nô nức ùa ra hồ để thưởng ngoạn. Đà Lạt đây à, sao lại đông đúc thế nhỉ, giờ trông chẳng giống với Đà Lạt chút nào.
Tôi lại tiếp tục độc bộ lên khu chợ Đà Lạt, vòng ra sau, tiến bước lên bậc thang dài và con đường hẹp chênh vênh để tìm một khách sạn phù hợp với túi tiền mình. Ngoại trừ cửa sổ mở ra chẳng thấy gì ngoài bức vách của một khách sạn khác kế bên, mọi thứ đều vừa ý tôi. Sàn nhà và ga giường sạch tinh tươm, tường sơn màu tím nhạt với rèm cửa xanh biếc tạo cảm giác khá dễ chịu. Cô bé lễ tân cũng rất thân thiện, sẵn sàng giữ phòng khi nghe tôi đánh tiếng rằng có thể sẽ đi qua đêm, thậm chí còn tận tình hướng dẫn đường đi đến những khu vùng ven và gọi giúp tôi một chiếc xe máy đi đường núi rất ổn.
Tôi bắt đầu lên đường tầm khoảng đầu giờ chiều, sau khi ăn trưa và chợp mắt được thêm một lúc. Giờ này trời vẫn còn nắng, trông lên những vầng mây cũng không thay đổi là mấy. Đừng để đến tận chiều mới đi, người ta nói vậy, vì mùa này Đà Lạt hay có mưa rừng và sương giá. Mưa dai rả rích kết hợp với sương dày đặc, kèm theo cái lạnh thấu xương sẽ gây giảm tập trung và làm hạn chế tầm nhìn khi di chuyển.
Bỏ lại thành phố sau lưng và đi về phía những sườn núi, tôi càng tin rằng lời cảnh báo không sai vào đâu được. Đôi ba lần tôi buộc phải dừng xe bên vệ đường chỉ để chà xát hai tay mình cho đỡ cóng, đoạn nhìn lơ đãng về phía xa và trông thấy từng luồng sương mờ bắt đầu bốc lên từ những miệng vực. Những làn khói trắng mềm mại hệt như tỏa ra từ một tách cà phê nóng hổi, nhưng kỳ thực thì nó lại mang đến cái lạnh trái ngang. Đồi thông thì vẫn xanh thẫm một màu nhưng có vẻ như nhiều cây to đã bị chặt bớt. Không khó để tôi cảm nhận được cảnh quan nơi đây đang ngày một trống trải hơn.
Nơi tôi đến, đó là một vùng thung lũng hẹp nằm ở ngoại ô phía Bắc thành phố. Tại đây được phân chia thành những trang trại lớn nhỏ khác nhau với những vườn ươm và nhà kính mọc san sát như thể đang tranh thủ từng chút dinh dưỡng của đất vậy. Tôi tiếp tục dò hỏi một số người sống tại đó và được chỉ đến một khu chuyên canh nằm sát chân núi, cách tầm một cây số nếu đâm thẳng từ đường chính vào. Chắc là nơi này rồi, tôi đoán vậy khi thấy những xác vàng mã vẫn còn nằm hỗn độn trên nền đất đỏ au ở hai bên đường. Không khí ẩm xộc thẳng vào mũi tôi, khơi dậy nên cảm giác vương vẩn ngột ngạt như đang đi giữa một căn hầm tối.
Tôi đứng trước cổng trang trại lúc trời dần nhập nhoạng, thấp thoáng nhìn thấy bóng một người đàn ông trạc ngũ tuần đang lúi cúi đốt đống cỏ dại bên ụ rơm. Cầm tấm ván gỗ bị ngấm nước lâu ngày, ông vội vã cho ngay vào đốm lửa vừa mới nhóm. Ngọn lửa theo đó cũng chập choạng mà không tài nào đượm lên được. Tôi cất tiếng gọi, chú vội vã chong đèn lên và soi thấy có bóng người đang đứng tần ngần phía cổng. Nét mặt ông thoạt đầu phảng phất sự hoài nghi trong lúc chạy về phía tôi, rồi nhanh chóng quay về sự bình tĩnh như chưa hề ý thức được cảm xúc trước đó. Không biết đâu mới là phần thực của ông nhỉ. Không nói nên lời, ông dùng cái chỉ tay ra hiệu tôi đẩy xe vào trong nhà kho khuất sau khoảnh sân trước. Cánh cổng nặng trịch đóng lại, cảm tưởng về việc bị nhốt vào buồng kín nơi cuối căn hầm ngày một hiện hữu.
Vào nhà, tôi treo áo khoác và găng tay lên giá mắc đồ cạnh cửa, nhìn về phía bàn thờ lung linh ánh nến nằm hơi chếch hướng chính diện phòng khách. Không khí trong nhà thoang thoảng mùi nhang đèn chưa kịp phôi phai. Tất cả số vòng hoa gửi đến đã được dọn đi gọn gẽ. Người chú tỏ vẻ không muốn tôi mãi nhìn về hướng đó bèn cố tình bước mạnh chân lên trên nền gỗ để tạo ra tiếng kêu khô rang. Ông chậm rãi rót chút trà nóng, lấy một ít mứt dẻo từ một cái hũ tròn đặt dưới chân bàn và tăng thêm chút ánh sáng từ chiếc đèn bàn đặt gần đó. Ngoài trời gió đã bắt đầu thổi mạnh, mưa và cây lá quật lả tả vào bức vách nhưng tôi chẳng nghe được gì cả. Hoặc là căn nhà này xây tường quá dày, hoặc là nơi đây đúng thực là một cõi biệt lập kỳ lạ.
Người chú bắt đầu bằng việc đưa ra một số thông tin về bối cảnh hiện tại. Lễ di quan đã kết thúc vào hôm qua. Hiện tại vợ, con trai cả cùng một số người trong họ hàng ông đang lên chùa để thực hiện nốt thủ tục gửi tro cốt, tầm chiều mai mới về. Riêng một mình ông ở lại để coi ngó nương dâu – nguồn thu nhập chính của nhà, sẵn tiện gom trước lứa dâu đầu mùa đem bán cho thương lái để kịp gỡ lại vốn vay hồi đầu vụ. Công việc có vẻ như không bị trì hoãn cho lắm. Người chú nói với vẻ hơi bông đùa rằng người thì có thể chờ, nhưng chuyện nông vụ thì phải tranh thủ được chừng nào hay chừng ấy. Cá nhân tôi không thể hào hứng với cách nói này. Tôi cảm thấy ông là người trọng nguyên tắc riêng đến mức duy ý chí, nên nếu có giả lả đi mà vớt vát chút chuyện bông đùa thì nghe cũng rất sượng. Loại người này cần phải phản hồi khéo léo một tý để tránh những sự bất đồngkhông đáng có. Tôi tỏ vẻ chăm chú lắng nghe và khá dè dặt trong việc đặt câu hỏi, nhất là những câu dùng để làm rõ mục đích cho chuyến đi của mình.
Câu hỏi khơi mào là việc tại sao chú lại liên lạc với tôi, một người đã không còn là gì với em, mà không phải là một ai khác. Ban đầu tôi định bụng chỉ cần phán đoán thông qua cuộc nói chuyện này là đủ, nhưng khi chú xác nhận chính tôi là người duy nhất mà ông đã liên hệ thì tôi buộc phải thay đổi chiến thuật, trong sự phẫn nộ âm ỉ như có ai đó vừa lén ghim hàng tá chiếc đinh tán lên người mình vậy. Thực sự mà nói, trông tôi cứ như là một sự lựa chọn cẩu thả mà ông đã vồ vập lấy trong lúc tang gia bối rối. Lòng bàn tay phải của tôi đã siết chặt đến mức run bần bật từ lúc nào không hay.
Câu trả lời từ người chú khá đơn giản. Trong danh bạ của em, tại mục “Khác” chỉ để duy nhất một địa chỉ của tôi. Ông giải thích rằng ngoài những thành viên trong gia đình và nhóm bạn nữ chơi thân (khoảng năm sáu người, ông còn nhớ mặt và tên họ đầy đủ khi cả nhóm từng rủ nhau lên nhà em chơi) thì không có dấu hiệu nào cho thấy em còn duy trì một mối quan hệ ngoài luồng nào khác. Đêm hôm đó, khi gọi thử và nghe giọng nam ở bên kia đầu máy, ông đã rất sững sốt rồi sau đó thì cố gắng bình tĩnh đưa ra lời đề nghị mời tôi lên đây. Để xác thực, hay để biết thêm ý kiến từ những người ít có liên quan? Và bây giờ thì ai là người sẽ đóng vai trò thẩm tra?  Câu chuyện càng lúc càng trở nên mù mịt khi cầm trịch nó đều là những kẻ ngoài cuộc.
Tôi buộc phải đổi sang ý tiếp theo, cũng khó nói không kém, nhưng tôi thực sự muốn làm rõ những suy nghĩ của mình đằng sau sự việc ấy.
Là cái chết của em. Đó là vào một buổi sáng lạnh giá, trời vừa sáng nhập nhoạng. Lo sợ bệnh suyễn cấp tính của em tái phát, người chú lặng lẽ ra ruộng trước để xới đất và dẫn nước tưới tiêu. Kéo vòi phun ra đến giữa nương thì ông phát hiện luồng nước yếu hơn so với mọi khi, có lẽ đường ống đã bị rò rỉ ở đâu đó. Ông vội vã quay về phía sau nhà để bịt lỗ thủng cách vòi nước khoảng vài bước chân, cũng mất không ít thời gian để khắc phục nên ông cảm thấy khá bực bội. Lúc quay lại thì ông chết lặng khi thấy con gái mình tự dưng nằm bất động trên nền đất. Kể đến đây, người chú nghẹn lời, giọng lạc hẳn đi. Chòm râu mỏng của ông phất phơ theo từng tiếng nấc. Thấy vậy tôi kêu chú đừng kể nữa. Quệt nước mắt, chú tự nhận rằng từ trước giờ chưa bao giờ phải rơi lệ vì điều gì cả; nhưng khi ôm đứa con gái, khi ấy đã rơi vào hôn mê sâu, chú cứ khóc mãi. Cảm giác như bản tính cứng rắn quen thuộc ấy rốt cuộc chỉ là chiếc van kìm nén cho đến một lúc nào đó. Chú thấy giận bản thân mình ghê gớm khi không thể cứu vãn được gì nữa. Trong khi nói ra vài lời an ủi chú, tôi có thể tự hình dung ra mọi chuyện sau đó đã tiếp diễn như thế nào. Lúc này đây, có vẻ như chỉ còn lại tôi là kẻ ngoài cuộc duy nhất.
Để bày tỏ sự đồng cảm chân thành, tôi cũng tự kể ra một chút về mối quan hệ giữa tôi và em, tất nhiên là chi tiết gì cần giấu cũng đã ém nhẹm tài tình nên câu chuyện đối ứng bỗng trở nên ôn hòa hơn bao giờ hết. Người chú tin hết thảy những lời tôi nói, xem như đó là một mảnh ghép chân thật ngoài mong đợi về quãng thời gian em lập nghiệp trên thành phố, nơi còn đang lấp liếm nhiều điều mà có lẽ em chưa buồn kể lại bao giờ. Một chút vớt vát cho thực tại tăm tối, và một chút chiêu trò để kích thích sự kết nối cho cuộc đối thoại. Trong đầu tôi đang lởn vởn những thứ suy nghĩ tiêu cực kiểu vậy, dẫu cho ngoài miệng vẫn điềm tĩnh khoan thai. Cảm giác giả tạo dâng đầy trong thanh quản tôi suốt từ đó cho đến tận hôm sau.
Người chú đã chuẩn bị sẵn chỗ ngủ cho khách tại chính phòng riêng của mình. Ông sợ tôi không quen với bóng tối nên đã thắp thêm một chiếc đèn bão cỡ nhỏ, khiến không gian trong đây khẽ khàng sáng bừng lên. Căn phòng được bài trí khá đơn giản, chỉ có tủ quần áo và một giá sách treo đặt kế bên. Trên giá sách bày những tư liệu cũ kỹ về hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, gáy và rìa giấy đã ngả nâu, bên trong thì chèn dày đặc những ghi chép của riêng người chú. Ngoài ra thì có 1 con búp bê Matrovska chạm khắc bằng gỗ và được sơn mài khá tỉ mỉ. Chiếc giường thấp được kê ngay sát góc tường, hướng thẳng ra cửa sổ để tiện dõi ra bên ngoài phòng khi có động. Người chú chuyển ra ngủ bên ngoài băng ghế dài ở phòng khách, nói là để trông nhà và coi ngó chiếc xe máy của tôi. Sáng mai đích thân chú sẽ tiễn tôi một đoạn về lại thành phố, coi như là chút thành tâm sau cùng mà chú muốn dành riêng cho vị khách đặc biệt duy nhất này. Ông còn ngỏ ý mời tôi quay lại đây nếu có dịp nhưng tôi không nhận lời, vì nhiều lý do.
Đã sang canh sáng, nhưng tôi cứ nhìn mơ màng vào nguồn sáng leo loét phát ra từ chiếc đèn bão. Phía xa xa, người chú cũng đang lôi xấp album từ tủ kính ra, ngắm những bức hình kỷ niệm trong lặng lẽ. Cả hai đều đã không thể tìm được đường vào giấc ngủ vào đêm hôm ấy.
Trước khi trở về thành phố, tôi có tranh thủ đi tham quan nương dâu của người chú. Những nương dâu trập trùng ngút ngàn, lấm tấm sắc đỏ của đầu vụ, nối tiếp nhau thành từng dãy kéo dài thẳng đến tận chân núi. Ở phía đó, những nhóm người dân địa phương đang chống gậy men theo con đường mòn lên những rẻo cao để canh tác. Bóng dáng liêu xiêu của họ chẳng mấy chốc đã mất hút sau những bụi cây, để lại một màu thấm đẫm tĩnh lặng của rừng thông xanh, đất mùn và sương ẩm. Từ nơi tôi đứng, sự sống chỉ nhỏ gọn như những chấm đen nằm trơ trọi giữa đồng vắng, trên những làn gió lạnh thổi cắt mặt liên tục và ẩn dưới những bụi dâu nặng trĩu nghiêng ngả một cách dè dặt. Khí quyển luân chuyển một cách vội vã như thể muốn rút cạn hơi thở của những cá thể cố ngán đường chúng.
Tôi chọn một khoảnh đất tương đối khô ráo, nằm xuống tại đó và thử ngước lên trên bầu trời trống hoác. Một màu xám xịt không có hồi kết, nhưng không hiểu sao tôi lại cảm thấy thoải mái với nó. Giống như vai trò của tôi tại đây vậy, không can dự vào những nỗi mất mát, cũng không thoát ly hoàn toàn với ngữ cảnh; tôi đang nằm ngay lằn ranh giao tranh giữa hai thái cực trái ngược. Nơi thường được cho là nguy hiểm nhất, mà cũng có thể hiểu là nơi an toàn nhất. Có lẽ, vào khoảnh khắc trước lúc lìa xa thế giới này, em cũng có chút tàn niệm chông chênh kiểu vậy. Đó có thể là vì mạch sống bị ngắt quá đột ngột, nhưng những nếp suy nghĩ đầy bất chợt của em cũng là một phần khiến cho mọi suy đoán rơi dần về một nút thắt hỗn loạn. Tại sao em lại tự ý ra ngoài nương dâu khi không được bố mình cho phép? Điều gì đã thôi thúc em làm vậy? Tôi cảm giác rằng, nút thắt hỗn loạn ấy đang nằm rất sâu dưới mặt đất lạnh giá này, âm ỉ trở mình như càng muốn vùi sâu hơn nữa. Nó cũng rất nóng nảy và dễ bị kích ứng, nhưng sẽ không một ai có thể cảm nhận được nhiệt lượng của nó cả, mãi mãi là vậy.
“Let me take you down…”
“Cause I’m going to, Strawberry Fields…”
“Nothing is real….”
“But nothing to hung about…”
“Strawberry Fields Forever…”     
Tôi về lại thành phố ngay sau đó, đánh xe làm một chặng vòng quanh các dãy nhà trập trùng rồi mới trở về khách sạn. Cô bé lễ tân trông thấy khách quen liền đon đả cúi chào, nở môi cười. Nụ cười và ánh mắt y hệt như sáng hôm qua, điều đó khiến tôi cảm thấy như đây chỉ là biểu hiện cho tác phong dịch vụ khôn khéo hơn là sự thật tâm của một con người. Mọi thứ sẽ vẫn thân thiện và nhã nhặn nếu như tôi thanh toán đủ tiền phòng, kèm theo chút tiền tips kẹp dưới lẵng hoa để dành cho nhân viên dọn phòng. Thả mình lên giường, tôi cảm thấy nơi đây không còn vẻ thoải mái thân thuộc nữa. Bản thân mình như đang dần cạn kiệt bởi mọi thứ, cảm giác sâu trong lòng mình như bị nén thành một khối đặc quánh lại như một đồng xu nhỏ đắm chìm dưới đài phun nước.
Có thể tôi sẽ không ở lại đây lâu. Nghĩ đến đây, tôi liền bật dậy, mở toang chiếc balô du lịch và cho hết những vật dụng cá nhân của mình vào. Trong lúc sắp xếp lại các ngăn đồ, tôi chợt phát hiện một chiếc áo sơmi màu xanh cánh gián nhăn nhúm nằm ở phía dưới cùng. Đó là chiếc áo tôi từng mặc vào ngày đầu tiên gặp em; và bằng một cách nào đó, tôi đã vô tình cho nó vào trong balô mà không hề suy tính gì cả. Tôi đã bật cười giòn tan chỉ vì sự trùng hợp ngẫu nhiên này.