Stockholm - Thành Phố Của Sự Cân Bằng Giữa Công Việc Và Cuộc Sống
Nhiều thời gian cho gia đình hơn. Thành phố luôn tích cực trong việc quảng bá hình ảnh Stockholm, như một điểm đến để vừa có thể lập...
3 giờ 30 phút chiều, những nhân viên đầu tiên bắt đầu rời khỏi trụ sở chính của Ericsson - một trong những công ty công nghệ lớn nhất tại Stockholm.
John Langared, một lập trình viên năm nay đã 30 tuổi, vội vã đi đón con. Cô bé sẽ ở nhà trong vài tuần tới, nên anh quyết định sẽ làm việc ít giờ hơn trong tuần này, và làm bù trong những tuần tiếp theo.
Sai Kumar, một người gốc Ấn, chuẩn bị rời văn phòng để đi đón con gái, vì vợ anh đang học một lớp tiếng Thuỵ Điển. Ylva thì chuẩn bị đến phòng tập gym để giữ cho cơ thể lành mạnh. Sumeia Assenai, 30 tuổi, đến văn phòng vào lúc 7 giờ sáng, cũng được phép về sớm như mọi người, nhờ vào chính sách làm việc linh hoạt của công ty.
Vài phút sau khi đồng hồ điểm 4 giờ chiều, những đám người thưa thớt ban đầu đã biến thành một dòng người di chuyển xuyên qua đường hầm nằm dưới đường E4, hướng ra khỏi khu công nghệ Stockholm. Cơ quan quản lý giao thông nước này quy định giờ cao điểm bắt đầu từ 3 giờ chiều, thời điểm những phụ huynh đầu tiên rời văn phòng để đi đón con mình ở các trường mẫu giáo hay trung học, và kết thúc lúc 6 giờ.
Cách tiếp cận linh hoạt trong vấn đề giờ giấc làm việc là một trong những lý do giúp cho Thuỵ Điển được xếp hạng cao nhất về cân bằng công việc - cuộc sống, theo một khảo sát mới đây của HSBC. Chỉ có khoảng 1,1% nhân viên trong cả nước phải làm việc trong khoảng thời gian dài, theo khảo sát của OECD. Đây là tỉ lệ thấp thứ nhì trong tổng số 38 quốc gia được khảo sát.
Trên tất cả, Thuỵ Điển đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi đã làm đau đầu rất nhiều bậc phụ huynh trên khắp thế giới trong nhiều năm qua: Bạn sẽ làm gì nếu giờ tan trường của con mình là 3 giờ chiều, và giờ làm việc lại kết thúc lúc 5 giờ chiều?
Langared nói rằng anh ấy chưa từng nghe bất cứ lời phàn nàn nào từ đồng nghiệp cũng như quản lý của mình, về việc anh rời văn phòng sớm: "Họ hoàn toàn cảm thấy ổn về chuyện đó. Về cơ bản, tôi có toàn quyền kiểm soát thời gian của mình. Họ [công ty] chỉ thuê tôi để làm việc, còn chuyện làm việc vào giờ nào hoàn toàn do tôi quyết định."
Nếu con gái mình bị ốm, anh ấy sẽ gửi email cho quản lý vào buổi sáng, và báo rằng anh ấy cần phải "vab", một từ trong tiếng Thuỵ Điển chỉ hành động nghỉ làm việc trong một ngày để chăm sóc đứa con bị ốm, mặc dù con anh ấy cũng đã khá lớn rồi.
Như lời của Fredrik Lindstål, cục trưởng cục Lao động Stockholm, sự linh hoạt trong chính sách của các công ty đối với nhân viên của mình giúp cho thành phố thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ. "Thành phố luôn tích cực trong việc quảng bá hình ảnh Stockholm, như một điểm đến để vừa có thể lập gia đình, vừa tiếp tục làm việc ở trình độ cũng như những vị trí cao."
Robin Bagger-Sjöbäck, hiện đang làm việc tại Carnegie, ngân hàng đầu tư lớn nhất Thuỵ Điển, là một trong những nguời đã bị thu hút bởi điều đó.
Anh ấy quay trở lại Stockholm vào năm 2014, sau ba năm làm việc với cường độ từ 12 đến 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày ở ngân hàng Crédit Agricole tại London. "Quay trở về cũng là xu hướng chung của các nhân viên ngân hàng gốc Scandinavie.", anh nói.
"Rất nhiều người Na Uy rời khỏi London khi họ chạm ngưỡng 30 tuổi, độ tuổi bắt đầu lập gia đình và có con cái.", anh nói. "Nhiều người mà tôi quen đã rời London và hiện tại đã lập gia đình, kể cả ở đây - Stockholm, hay ở Copenhagen hoặc Oslo."
Hiện tại anh ấy không có nhiều thời gian với con trai của mình. Và mặc dù đôi lúc anh vẫn phải dành nhiều giờ đồng hồ làm việc để hoàn thành các giao dịch, anh ấy vẫn luôn hoài nghi về khoảng thời gian tương tự ở London hoặc New York.
"Tôi nghĩ rằng nếu bạn làm việc 18 tiếng một ngày, 80 đến 90 tiếng một tuần, trong khoảng thời gian dài bạn sẽ không nhận được những thành quả tương xứng," anh nói. "5 đến 6 giờ còn lại trong một ngày, tôi nghĩ rằng nó rất ngắn ngủi. Tôi không nghĩ rằng não bộ sẽ còn có thể hoạt động tốt nếu cứ làm việc quá mức trong một khoảng thời gian dài như vậy."
Johanna Lundin, giám đốc điều hành của Equalate, một tổ chức nâng cao bình đẳng giới trong các doanh nghiệp, nói rằng vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống là gốc rễ của kế hoạch 50 năm thúc đẩy đối xử bình đẳng giữa nam và nữ tại Stockholm. "Tạo ra một chuẩn mực xã hội, nơi mà cả nam và nữ đều có vai trò như nhau trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái là một điều hết sức quan trọng.", cô nói. "Điều đó mở ra cơ hội cho phụ nữ có thể lập sự nghiệp, và cũng cho phép nam giới có thời gian quan tâm đến con mình nhiều hơn."
Hầu hết công ty ở Stockholm cho phép nhân việc được linh hoạt trong giờ giấc làm việc, chỉ yêu cầu họ phải có mặt ở văn phòng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, hoặc đôi khi từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Theo luật pháp Thuỵ Điển, nhân viên được quyền nghỉ làm để chăm sóc con cái khi chúng bị ốm, trong khi vẫn được hưởng 80% lương từ chính quyền.
Nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất là hệ thống "kỳ nghỉ phụ huynh", với 480 ngày nghỉ có lương cho mỗi người con - tương đương với gần hai năm làm việc. Nhằm khuyến khích nam giới dành nhiều thời gian hơn cho con cái, có ba tháng được gọi là tháng của cha, và sẽ mất nếu không được sử dụng.
Bagger-Sjöbäck dành hai tháng ở nhà để chăm sóc cho con gái của mình, và anh cũng nói rằng một đồng nghiệp nam ở Carnegie đã nghỉ làm từ năm đến sáu tháng mà không hề ảnh hưởng đến công việc của bản thân. "Một đồng nghiệp của tôi đã rời văn phòng trong suốt mùa thu, tôi nghĩ là khoảng năm tháng," anh nói. "Anh ấy được mọi người trong công ty tôn trọng, kể cả trước và sau khoảng nghỉ, và riêng bản thân tôi chưa bao giờ nghe bất cứ lời than phiền hay bình luận nào về điều đó."
Khoảng 100 nhân viên trên tổng cộng 300 nhân viên ngân hàng ở Stockholm đã sử dụng "kỳ nghỉ phụ huynh" trong ba năm gần đây, và 60 người trong số họ là nam giới. Điều này không có nghĩa là việc cân bằng giữa sự nghiệp và nuôi dạy con cái là một nhiệm vụ dễ dàng, ngay cả ở Stockholm.
"Thực sự khá khó khăn khi có một đứa con đã đến tuổi đi học, và một đứa vẫn còn ở nhà trẻ." Martin Vogel, quản lý Nhà hát Stockholm’s Royal Dramatic thừa nhận, khi anh đang dẫn hai đứa con của mình đến trường vào lúc 7 giờ 45 sáng.
"Nó như một cuộc chiến chẳng có hồi kết vậy." Jakob Lagander, COO của Pedab - một công ty công nghệ đến từ Na Uy - than phiền, khi anh đang chạy từ trường đến ga tàu điện ngầm gần nhất. Vợ của Lagander là một nhân viên ngân hàng, và anh nói rằng việc thuê bảo mẫu là một điều không được xã hội Stockholm chấp nhận một cách rộng rãi, như cách mà những cặp vợ chồng có thu nhập cao thường làm ở London.
Nhưng anh cũng nói rằng các nhà tuyển dụng ở Thuỵ Điển cũng thông cảm hơn nhiều trước những thách thức của việc làm cha làm mẹ, so với ở Dublin, nơi mà anh đã dành ba năm làm việc cho tập đoàn IBM. "Tôi không cảm thấy rằng phụ huynh ở Dublin có thể rời văn phòng trước 4 giờ chiều," anh nói. "Tôi cảm thấy ở đây dễ chịu hơn rất nhiều."
Nhưng anh ấy cũng bổ sung thêm, là những lãnh đạo công ty ở Thuỵ Điển có những cách khác nhau để đảm bảo nhân viên sẽ hoàn thành một khối lượng công việc nhất định, với ít thời gian để trò chuyện hay tán gẫu với đồng nghiệp hơn. Quả thực, một trong những điều phàn nàn chính của các nhân viên đến từ Anh quốc khi làm việc tại Thuỵ Điển, đó là sự thiếu thốn không khí vui vẻ tại văn phòng và các hoạt động xã hội sau giờ làm việc.
"Tôi nghĩ là chúng tôi đang làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày," Lagander nói. "Nhân viên ở những nơi khác có vẻ lười biếng hơn, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Họ dành rất nhiều thời gian để làm việc, nhưng lại làm việc rất thiếu hiệu quả."
Dịch từ bài viết: "How Stockholm became the city of work-life balance" của tác giả Richard Orange, đăng trên The Guardian.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất