"Tôi gửi một đoá hoa về những ngày tháng không bao giờ kết thúc ấy" - Dựa trên một câu hát trong ca khúc “Sắc xám và xanh biển/ 灰色と青”
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với nhà phê bình phim Peter Bradshaw, đạo diễn Koreeda có nói rằng: “Trong 15 năm qua, tôi đã mất cha, mất mẹ và tôi có một đứa con gái. Tôi đã trở thành một người cha. Khi ấy tôi nhận ra rằng chúng tôi luôn cố gắng để lấp đầy những khoảng trống. Từ thế hệ trước sang thế hệ sau.” Tinh thần này chạy dọc xuyên suốt trong các tác phẩm của Koreeda. Still Walking (Tạm dịch: "Vẫn mãi bước") được viết ngay sau khi mẹ ông qua đời, như một lời xin lỗi và tri ân của tác giả gửi về quá khứ.
Phim theo chân hai vợ chồng Ryota, Yukari và đứa con trai Atsushi trong chuyến viếng thăm nhà bố mẹ đẻ nhân ngày giỗ anh trai. Lấy bối cảnh trong một ngày mùa hè duy nhất - tiếp theo là một đoạn phim ngắn vài năm sau đó - trong cuộc sống của một gia đình nhiều thế hệ Nhật, tác giả cho ta thấy nỗi cay đắng nảy sinh từ sự khác biệt giữa mong muốn của cha mẹ và con cái. Trong phim, người con trai thứ của gia đình Yokoyama - Ryota - một nghệ sĩ phục chế tranh ở tuổi trung niên, luôn ôm nỗi oán giận người cha già của mình - một bác sĩ đã nghỉ hưu, vì ông chỉ dồn tình cảm cho mình Junpei, người anh trai đã chết. Mâu thuẫn càng âm ỉ trong gia đình khi người cha luôn không bằng lòng về quyết định của Ryota khi anh không nối nghiệp ông vào ngành y, đồng thời công khai phản đối cuộc hôn nhân của anh với Yukari, một bà mẹ đơn thân góa chồng. 
Kore-eda bắt đầu viết kịch bản cho Still Walking ngay sau khi mẹ ông qua đời. Hình bóng người mẹ phảng phất qua nhiều phân cảnh như cận cảnh bàn tay bà Toshiko, khi bà nấu ăn, đan móc - nhưng Koreeda không hề lãng mạn hóa bà. Trước cả gia đình, bà nhắc đến Yoshio, cậu bé được Junpei cứu thoát khỏi chết đuối, là một kẻ vô dụng, và khăng khăng bắt Yoshio phải tham gia ngày giỗ của Junpei mỗi năm, mặc dù điều này khiến mọi người (bao gồm cả Yoshio) đều không thoải mái. Bà dồn tất cả oán hận sang Yoshio, muốn cậu ta phải day dứt về cái chết của Junpei suốt quãng đời còn lại. 
Thế rồi bà chuẩn bị đồ ngủ cho con trai mình - Ryota, nhưng không hề chuẩn bị cho Atsushi - con riêng của anh. Không những vậy, bà khuyên Ryota không nên có bất kỳ đứa con nào với vợ mình - Yukari, để anh ta có thể ly hôn với cô ấy dễ dàng hơn. Ta có thể nhận thấy rõ sự hiện diện của quá khứ trong thế hệ cha mẹ của gia đình Yokoyama. 
Người bà Toshiko gọi Atsushi là “bozu” (cách gọi chú tiểu nhà Phật) với giọng điệu xa cách. Bản tình ca thập niên 60 Blue Light Yokohama do Ayumi Ishida thể hiện mà Toshiko hay ngân nga để chế nhạo chồng mình, là cảm hứng cho tựa đề tiếng Nhật của bộ phim và mối liên hệ giữa những cuộc ngoại tình trước đây và bây giờ của ông chồng. Một điểm thú vị rằng lời của bài hát (cũng chính là tên phim) “歩いても歩いても/aruite mo aruite mo” của người Nhật có thể có một cách dịch khác là “lê bước”, phần nào làm nổi bật chủ đề phim. 
Cha của Ryota, một bác sĩ đáng kính, đạo mạo, sống bám vào quá khứ, điều này thể hiện ở một văn phòng khám bệnh không có bệnh nhân và một quá khứ tưởng tượng trong vô vàn khả năng về người con trai đã chết. Tôi phải bật cười khi xem đến cảnh ông cằn nhằn: “Đây là nhà của ta nhưng chúng nó lúc nào cũng nói là về nhà bà ngoại", một chi tiết rất hài hước nói về sự nhỏ nhen, gia trưởng của người cha và nổi bật tính mẫu hệ mạnh mẽ trong gia đình Nhật, điều mà đạo diễn Koreeda hay nhân vật Ryota đều trải qua trong thời thơ ấu. 
Koreeda khắc hoạ một thế hệ có phần bảo thủ như vậy không nhằm mục đích tô đen hay chối bỏ. Hai vợ chồng ông Ryohei có thể nói là những người “sống sót” sau cái chết của con trai cả, bị bỏ lại với cảm giác tội lỗi, đau đớn, trong ngổn ngang những câu hỏi “nếu...thì”. Junpei là một nhân vật mà sự hiện diện vô cùng mong manh, chỉ thông qua một bức ảnh. Nhờ ký ức bền bỉ có phần cực đoan của cha mẹ, Junpei mới trở thành một nhân vật không bao giờ “chết”. Nhờ có thế hệ đi trước mà truyền thống vẫn luôn được gìn giữ, trong Still Walking ta có thể nhắc đến お墓参り/ohakamairi (lễ tảo mộ), khi người sống thực hiện một nghi thức mang nước đổ lên bia mộ của người thân yêu đã qua đời.
Still Walking được viết dựa trên cảm giác hối tiếc của bản thân vị đạo diễn sau cái chết của cả cha lẫn mẹ trong khoảng thời gian "năm hoặc sáu năm", như ông chia sẻ trên tạp chí Sight & Sound. Kore-eda đã xây dựng một lát cắt buồn vui lẫn lộn về cuộc sống gia đình và cũng ẩn chứa sự mỏng manh của chính bản thân ông - đó là nỗ lực chuộc lỗi của “một người con cả vô tâm, người luôn lấy cớ vì đặc thù công việc mà không về thăm nhà”.
Rõ ràng rằng các thành viên gia đình Yokoyama luôn có một khoảng trống trong hiểu biết về thói quen sống của nhau, thứ ngày càng lớn dần trong thời gian các nhân vật bị chia cắt. Như thể bị bỏ lại phía sau dòng thời gian, mẹ của Ryota trong Still Walking vẫn đối xử với anh như một đứa trẻ, bà công khai hỏi han tình trạng răng của anh trong khi Ryota - một người lớn đã trưởng thành, cảm thấy vô cùng xấu hổ trước mặt những đứa trẻ. Cha mẹ Ryota vẫn đinh ninh rằng con trai họ vẫn yêu bóng chày, một sở thích trên thực tế đã hao mòn từ thời niên thiếu. Đổi lại, trong cuộc nói chuyện ở bãi biển, Ryota không hay biết gì về mối quan tâm mới của cha với bóng đá. Sự kết nối giữa những người thân trong gia đình đã từng bền chặt bao nhiêu giờ đang dần phai nhạt. Koreeda không hề tập trung vào nỗi buồn khi một người thân qua đời, thay vì thế ông nhấn mạnh vào sự cấp bách trong việc nhận ra tầm quan trọng của người thân khi họ vẫn còn sống. 
Đó còn là những kỳ vọng không tương đồng mà các thành viên trong một gia đình đặt lên nhau, mà trong bộ phim là ngày sum họp gia đình. Vào những phân cảnh cuối trong Still Walking, mọi ảo tưởng về một ngày gia đình tụ họp nhanh chóng tan vỡ bằng hai cảnh phim liên tiếp: cảnh đầu tiên khi người cha già nói với vợ mong ước rằng những đứa con lớn của họ sẽ đến lần nữa vào dịp Năm mới, chỉ để tiếp theo đó ta thấy Ryota và vợ anh đã đồng ý với nhau, rằng họ sẽ lấy lý do để Năm mới này không phải đến thăm ông bà. 
3 năm sau, bố tôi qua đời. Tôi chưa từng đi xem bóng đá cùng bố. Bố mẹ vẫn cãi nhau vặt cho đến ngày bố mất. Không lâu sau mẹ cũng qua đời. Rốt cuộc thì tôi vẫn chưa từng chở mẹ đi chợ bằng ô tô. 
Đọc đến những câu thoại này tôi mới hiểu lý do vì sao khi Still Walking, một tác phẩm được viết bằng ký ức cá nhân của chính vị đạo diễn, lại trở thành một trong những phim đau lòng nhất của ông cho đến thời điểm hiện tại.
Gia đình là sợi dây tiếp nối không ngừng nghỉ
Trái ngược với thái độ bám vào quá khứ có phần hơi cực đoan của vợ chồng bà Toshiko là sự chấp nhận một cách chín chắn của hai mẹ con Yukari và Atsushi. Điều này trước tiên thể hiện qua cuộc hôn nhân với Ryota, rằng hai mẹ con đã bước qua được cái chết của người chồng, sự vắng bóng của người cha. Cha đẻ của Atsushi là một nghệ sĩ chỉnh đàn piano không may qua đời khi tuổi còn trẻ. Nhưng những ký ức của ông mãi luôn hiển hiện trong đứa con trai. Trong một buổi trò chuyện, Atsushi kể rằng cậu nhớ lại một lần cùng cha mình bắt một con bướm. Trong bóng đêm thăm thẳm cậu bé thì thầm ước nguyện trở thành một người chỉnh dây đàn như cha. 
Tương tự, một bài luận mà Ryota đã viết ở trường trung học tiết lộ ước mơ thời thơ ấu của anh là “trở thành một bác sĩ, giống như cha tôi”. Khi bị phát hiện anh lập tức xé tờ giấy vứt đi, nhưng sau đó lại lặng lẽ nhặt lại và dán lại chúng. Đằng sau mâu thuẫn trên bề mặt là sự day dứt của người con khi không thể hoàn thành ước nguyện của người cha. Bộ phim đồng thời đưa ra những chi tiết nhỏ chứng minh sự giống nhau không thể chối bỏ giữa Ryota và cha anh, bằng chứng là hai người đều có xu hướng giữ hình ảnh về nghề nghiệp của họ trước mặt gia đình - với người cha là hình tượng một vị bác sĩ đáng kính, và người con trai che giấu sự thật rằng anh hiện đang không có một công việc ổn định. 
Phân cảnh khi ba nhân vật nam - đại diện cho ba thế hệ - đứng trước đại dương, khi ấy họ đạt đến trạng thái cân bằng nhất định. Sự thay đổi tinh tế này một phần là do một Ryota bất an đột ngột nhận ra rằng cha mình giờ đã có tuổi và không còn oai phong như trước nữa. (Ryota đã chứng kiến tất cả sự bất lực của cha mình khi một người hàng xóm phải đi cấp cứu, ông cố gắng chạy với theo dặn dò tình trạng bệnh nhân với nhân viên y tế nhưng họ còn không đoái hoài gì đến ông). Tuy nhiên, việc người cha phủ nhận sự hiện diện đứa con trai còn sống (Ryota không thể thế chỗ được Junpei) dường như không thể thay đổi được như chính đại dương mênh mông trước mặt vậy. Trớ trêu thay, chính sức mạnh của nước đã dẫn đến cái chết của người con trai cả được yêu quý của gia đình Yokoyama. Quá khứ, hiện tại, tương lai và cả cái chết (biển, con tàu mắc cạn tượng trưng cho dòng nước nhấn chìm Junpei) đan cài trong phân cảnh ba người trước biển dường như đại diện cho một vết sẹo không thể xoá nhoà, một quá khứ mà họ phải sống cùng. Nhưng tôi cảm thấy trong mối dây tơ vò đó loé lên một điểm sáng, đó là sự hiện diện của Atsushi, một dòng chảy ngấm ngầm chữa lành tất cả. Tôi nghĩ rằng cuộc hội ngộ của hai gia đình cũng đem đến ý nghĩa như vậy, nó trở thành một lời mời để viếng thăm lại những tổn thương tột cùng nhưng cũng là khoảnh khắc vĩnh viễn thay đổi cuộc đời của mỗi thành viên. 
Trong buổi tảo mộ, khi đổ nước lên bia mộ người con trai đã khuất, bà Toshiko lẩm bẩm: 今日一日暑かったかな気持がいいでしょう/ “Cả ngày nay nóng quá, chút nước cho mát nào”). Đây là lời thoại được chính nhân vật Ryota vô thức lặp lại trong phần kết, khi thăm mộ cha mẹ, dù chính Ryota không hề nhớ mình đã nghe nó ở đâu. 
今日一日暑かったかな気持がいいでしょう/ “Cả ngày nay nóng quá, chút nước cho mát nào"
Cảnh gia đình Ryota cùng đi tảo mộ là một phân cảnh kết phim hoàn hảo. Đó là tổng hoà quá khứ, hiện tại và tương lai (đứa con gái). Koreeda đã cho chúng ta một gia đình không thể hoàn thiện hơn ở cuối phim. Ryota có một gia đình của riêng anh và Atsushi, khi ấy đã là cậu học sinh trung học, bước tiếp với gia đình mới nhưng không quên mang theo hình bóng của người cha đẻ. Người cư trú ở đó sẽ thay đổi, người ghé thăm mộ sẽ thay đổi, nhưng truyền thống dùng gáo đổ nước lên trụ đá vẫn tiếp tục. Cuộc đoàn tụ gia đình tại vùng quê miền biển trong phim liên hệ mật thiết với hai cảnh nghi lễ đổ nước lên bia mộ. Sự trùng lặp của các hành động này mang cho chúng ta một dấu hiệu rất tinh tế về sự chảy trôi không cách nào đổi khác của thời gian và các lớp thời gian xảy ra đồng thời. (Gia đình của Ryota giờ đây cũng có một cô con gái). Vẹn nguyên, tròn trịa đi theo năm tháng là những mảnh ký ức mơ hồ và những gáo nước để làm nguội những trụ đá. Những kỳ tích nhỏ đã từng bước thành hiện thực, và tôi tự hỏi liệu nước đã rửa trôi chút vị đắng nào đó chăng?
Thế hệ những đứa con tiếp tục bước đi, mang trong mình ký ức và giá trị của thế hệ đi trước. Trên thực tế, Koreeda sau cái chết của cha mình, nói rằng đã thực sự học chơi cờ vây từ ông, ngay cả khi hai người có "mối quan hệ khá xa cách". Koreeda nói thêm, "Khi tìm lại được ký ức đó, tôi nhận ra rằng ngay cả sau khi cha qua đời, mối quan hệ của tôi với ông vẫn có thể tiếp tục được nuôi dưỡng.” Tương tự như vậy, Still Walking cũng kết thúc với việc Ryota lặp lại câu chuyện mê tín của mẹ về loài bướm vàng - điều mà khi xưa anh bác bỏ, nhưng ký ức đó cứ tự nhiên mà tích hợp vào tiềm thức của anh và giờ đây được truyền lại một cách bản năng cho thế hệ tiếp theo. 

Người ta bảo những con bướm trắng sống sót qua mùa đông sẽ chuyển thành màu vàng. 

Máy quay ở cảnh cuối trong Still Walking di chuyển lên cao, xa rời khỏi những con người nhỏ bé, nhằm đưa cho khán giả chúng ta một tầm nhìn ra biển. Đó là một hình ảnh của sự liên tục, sự thừa nhận về một thế giới rộng lớn hơn, nơi những cuộc sống khác vẫn không ngừng tiếp diễn…
Dù câu chuyện là hư cấu, Koreeda nói rằng, khi xem Still Walking ông có cảm giác muốn cười lớn cùng mẹ. Đó cũng là cảm xúc của tôi khi xem phim của ông, các nhân vật như bước ra khỏi màn hình với những lời thoại tự nhiên như nước, chân thành giản dị. Với Koreeda các cảnh quay tĩnh luôn là lựa chọn hàng đầu, điều này cho tôi cảm giác mình có thể bước vào đó mà không một chút khó khăn. Có lẽ vì thế mà đôi khi tôi thấy mình trong hình bóng cô con gái út, cùng gọt củ cải và nói chuyện phiếm với mẹ; tôi thấy mình như trở lại thời thơ ấu cùng lũ trẻ nhà Yokoyama, tay lăm lăm miếng đậu phụ chiên giòn vừa đi khám phá khu vườn quanh nhà.
Thảo Nguyên - F13