Mình mong mọi người hãy trải nghiệm Starfish ít nhất một lần trước khi đọc bài viết. Bộ phim này sẽ xứng đáng với thời gian bạn bỏ ra.
Mất mát người thân là trải nghiệm mà không ai trong chúng ta muốn phải trải qua, thế nhưng ta lại chẳng thể nào biết trước để mà chuẩn bị. Cái chết luôn có thể đến bất ngờ, cướp đi người mà ta hết mực yêu thương, rồi bỏ đằng sau là những kẻ ở lại cô độc với vết thương lòng khó mà nguôi ngoai cùng một hành trình chữa lành đầy gian nan. Đã từng có một bộ phim khai thác chủ đề này, và đó là Starfish của đạo diễn A.T. White.
Ra mắt năm 2019, và phải cạnh tranh với sức nóng của các siêu phẩm như Avengers: Endgame, Parasite, Joker hay Once Upon A Time In Hollywood; như lẽ tất nhiên, Starfish hoàn toàn lép vế và trở lên vô danh với khán giả đại chúng. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa đây là một bộ phim không hay. Trái lại, bộ phim có một sức hút kì lạ khó cưỡng tạo nên bởi bầu không khí u ám nhưng ma mị cùng cốt truyện mơ hồ, khó hiểu ở lần đầu tiên xem phim.
Bộ phim bắt đầu khi Aubrey Parker đến dự đám tang của người bạn thân Grace Ross. Dường như bị nhấn chìm bởi nỗi đau và sự cô độc, sau tang lễ, Aubrey đã đột nhập rồi ở qua đêm tại nhà của người bạn quá cố. Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau, cả thị trấn bị bao phủ bởi tuyết, những sinh vật khát máu và những con quái vật khổng lồ phát quang đầy mê hoặc. Phần còn lại của bộ phim đưa ta theo chân Aubrey trên con đường tìm kiếm những cuộn băng cassette dưới sự chỉ dẫn của Grace nhằm cứu thế giới, song song với đó là những lát cắt về cuộc sống trước kia của cô cùng một người đàn ông tên Edward.
Một list nhạc biết kể chuyện
Nếu chỉ đọc phần tóm tắt ở trên, hẳn mọi người sẽ cảm thấy Starfish đang kể rất nhiều câu chuyện đơn lẻ, từ hành trình giới cứu thế giới của Aubrey, tới nỗi đau và sự cô đơn của nhân vật chính sau cái chết của người bạn thân, rồi cả những uẩn khúc trong quá khứ của chính cô. Tuy nhiên, A.T. White đã thành công chắp nối những câu chuyện trên thành một thể thống nhất, và chất keo dán ở đây chính là âm nhạc.
Nếu chỉ đọc phần tóm tắt ở trên, hẳn mọi người sẽ cảm thấy Starfish đang kể rất nhiều câu chuyện đơn lẻ, từ hành trình giới cứu thế giới của Aubrey, tới nỗi đau và sự cô đơn của nhân vật chính sau cái chết của người bạn thân, rồi cả những uẩn khúc trong quá khứ của chính cô. Tuy nhiên, A.T. White đã thành công chắp nối những câu chuyện trên thành một thể thống nhất, và chất keo dán ở đây chính là âm nhạc.
Giống như một list nhạc gồm nhiều bài hát khác nhau nhưng chúng đều hướng ta đến một cảm xúc nhất định, Starfish là một playlist dài 1 tiếng 40 phút kể cho ta nghe những câu chuyện tách biệt nhưng đều chung về ý nghĩa là sự nuối tiếc, lạc lõng và một hành trình chữa lành vết thương chẳng hề dễ dàng.
Trong phim, có rất nhiều lúc âm nhạc được sử dụng để thay nhân vật nói lên cảm xúc của mình. Tiêu biểu là bài These Few Presidents trong phân cảnh Aubrey trải qua một đêm trong căn nhà của bạn mình. Lời bài hát là tràng những lời trách cứ bản thân cùng sự luyến tiếc của chàng trai khi phải đối mặt với cái chết của người mình yêu. Câu chuyện trong bản nhạc và bối cảnh phim hoàn toàn ăn khớp với nhau qua từng câu hát của nhóm nhạc Why?:
“At your house the smell of our still living human bodies and oven gas…”
rõ ràng là đang miêu tả việc Aubrey đang đột nhập vào nhà của Grace - người cô hết mực quan tâm; hay câu:
“…Can persuade no god
To let me let you off”
đang khắc hoạ sự níu kéo trong vô vọng và ham muốn gần gũi với người bạn thân không còn trên dương thế của nhân vật chính.
Ngoài việc xây dựng bầu không khí và khắc hoạ nội tâm nhân vật, âm nhạc trong Starfish còn đóng một vai trò quan trọng trong cốt truyện.
Có một phân cảnh khi mà Aubrey bị tấn công bởi sinh vật ngoài hành tinh khát máu, nhưng may mắn được cứu thoát bởi đoạn nhạc phát qua bộ đàm. Nếu coi những sinh vật đáng sợ trong bộ phim là ẩn dụ cho tổn thương tâm lý của con người, trực chờ nuốt chửng những kẻ khổ đau, thì âm nhạc lại là thứ vũ khí để chống lại những cảm xúc tiêu cực. Về lý mà nói, Aubrey Parker đã được cứu mạng bởi âm nhạc.
Không chỉ vậy, trong Starfish, âm nhạc còn là công cụ để du hành giữa các thực tại khác nhau, khi ẩn chứa trong từng băng cassette mà Grace để lại là những đoạn tín hiệu, khi được sắp xếp đúng, sẽ mở ra cánh cửa xuyên không - thời gian. Minh chứng cho điều này đó là, mỗi lần Aubrey nghe đoạn băng cô tìm được, cô lại lạc đến những không gian khác nhau, và thời gian khác nhau: khi là hoang mạc khô hạn, khi thì khu rừng âm u, khi là thế giới anime với bản nhạc rock đầy hưng phấn, cũng có khi là thế giới thật và rồi gặp gỡ với diễn viên thủ vai chính mình: Virginia Gardner.
Thế nhưng, tiêu biểu nhất trong những lần du hành đó là khi cô trở lại bãi biển cùng nhân vật Edward. Chúng ta không hề có thông tin gì về chàng trai này, hay những gì đã xảy ra ở bãi biển ngày hôm đó. Thế nhưng, ta hoàn toàn chắc chắn rằng có gì đó diễn ra ở đây khiến nhân vật chính bị tổn thương và luôn ám ảnh về nó. Một lần nữa, âm nhạc lại là công cụ để giải quyết vấn đề. Những băng cassette gần như luôn đưa Aubrey trở lại khoảng thời gian này, đây như cách cô đối mặt với quá khứ của bản thân, nhìn nhận và chấp nhận. Để rồi nửa cuối bộ phim, Aubrey đã giết chết Edward (khi này mang hình dạng một cái xác khô, ẩn dụ cho nỗi đau) bằng cách dìm anh ta chết đuối, đây như thể hiện việc cô đã hoàn toàn rũ bỏ được những gì đã ám ảnh bản thân suốt thời gian dài qua.
Ở bộ phim đầu tay của A.T. White, có một thông điệp ngầm về sức mạnh của âm nhạc. Âm nhạc trong phim không chỉ còn là những bài ca vỏn vẹn đôi phút giúp định hướng cảm xúc con người, mà còn là công cụ để ngăn lại những xúc cảm tiêu cực, cho ta cơ hội được nhìn lại chính mình, đối mặt và học cách vượt qua những vết thương từng làm ta đau.
Nỗi đau và hành trình chữa lành
“Dựa trên một câu chuyện có thật” là những dòng đầu tiên ta thấy khi phim bắt đầu. Thật khó mà tin một bộ phim về cuộc xâm lăng của những sinh vật từ chiều không gian khác lại được dựa trên gì thực tế được, thế nhưng, có lẽ điều này đã thật sự xảy ra, chỉ là không phải ở thực tế ta vẫn biết.
Kịch bản Starfish được viết khi đạo diễn A.T. White đi chơi ở vùng núi Colorado, ngay sau cái chết của người bạn thân nhất, và khi cuộc hôn nhân đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Để rồi giữa những giọt nước mắt, những suy tư trăn trở và bầu không khí vùng Tây miền trung Hoa Kỳ, một thực tại mới đã được ra đời, được tạo nên bởi đau buồn và tiếc nuối. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy được sự tương đồng giữa thực tế với thế giới trong Starfish, chúng ta có một Aubrey Parker đau buồn cho cái chết của người bạn thân và ám ảnh với thương tổn trong quá khứ; chúng ta cũng có một A.T. White đang vật lộn với thực tế mất mát và một mối quan hệ đang dần đi đến hồi kết. Nỗi đau có một sức mạnh khủng khiếp, nó có thể huỷ hoại hoàn toàn một con người, nhưng cũng có thể xây lên một thực tại nhuốm màu kinh dị vũ trụ. Do vậy, cuộc tấn công của những sinh vật ngoại lai là có thật, hành trình cứu thế giới của Aubrey là có thật, toàn bộ những gì xảy ra trong Starfish là có thật, vì tất cả chính là hành trình vượt qua nỗi đau của vị đạo diễn trẻ.
Phải nói rằng Starfish có sử dụng yếu tố “đa vũ trụ” trong câu chuyện của mình, thậm chí là biến thực tại của ta thành một vũ trụ song song với nó. Thế nhưng khác biệt với các bộ phim du hành đa vũ trụ ngày nay ta biết, kể về những chuyến hành trình đầy Adrenaline trong Everything, Everywhere, All at once hay Dr Strange in the Multiverse of Madness, chuyến hành trình của Aubrey không điên, không nhanh, mà ngược lại là vô cùng chậm chạp, lộn xộn, khó hiểu và hoàn toàn thiếu kết nối; đây như là biểu tượng của căn bệnh trầm cảm, gây ra bởi việc mất đi người thân, theo lời nhà phê bình Terry Mesnard.
Starfish chậm, rất chậm, thậm chí chuyến hành trình giải cứu thế giới của Aubrey phải đến giữa phim mới bắt đầu. Thế nhưng điều đó không có nghĩa nửa đầu bộ phim bị lãng phí, vì nó đã thành công khắc hoạ được sự day dứt của những người ở lại.
Những ai đã trải qua việc mất đi người thân đều sẽ hiểu, ta không thể ngay lập tức bước vào hành trình chữa lành, chỉ sau một thời gian ngắn trải qua cú sốc lớn như thế được. Aubrey cũng vậy, cô không thể lên đường cứu thế giới dù vừa dự đám tang người bạn thân nhất ngày hôm qua. Lúc này đây, cô đang bị nhấn chìm bởi sự hối hận tột độ, cô chỉ biết nhốt mình trong nhà người bạn quá cố, tự bao quanh mình bằng những kỷ vật, những điều giúp cô nhớ về Grace, hoàn toàn bỏ mặc ngày tàn của nhân loại. Như cách đa phần mọi người đối mặt với mất mát, Aubrey lãng quên mọi thứ, chỉ tập trung cố gắng lưu giữ lại thật nhiều điều từ bạn mình, như thể cô sợ rằng nếu không làm thế, Grace sẽ biến mất mãi mãi. Nỗi lo sợ của cô thể hiện rõ qua lời bộc bạch:
“Điều đáng buồn khi một người mất đi, đó là câu chuyện của họ cũng vậy.”
Một số người có thể sống mãi trong tình trạng như vậy, nhưng cũng có người sẽ tìm cách để thay đổi. Và Grace, dù có chút ép buộc, ở giữa phim, cũng đã bắt đầu bước những bước đầu tiên trên con đường chữa lành. Chuyến hành trình của nhân vật chính là một chuyến hành trình cô độc, nhấn mạnh qua chiếc áo lông sói cô mặc và những góc quay toàn cảnh độc một màu trắng lạnh lẽo của tuyết. Thế nhưng, đây chưa bao giờ là một chuyến hành trình cô đơn, vì bên cạnh Aubrey, luôn có Grace.
Grace xuất hiện trong phim, khi thì ẩn mình trong những chiếc băng cassette, khi thì hiện nguyên hình để cảnh báo Aubrey về nguy hiểm cận kề. Dù Aubrey có đi bất cứ đâu, Grace vẫn luôn ở đó, dõi theo và sẵn sàng giúp đỡ. Có một phân cảnh vô cùng đắt giá của nhân vật này, đó là lúc cô xuất hiện trong một chiều không gian khác và an ủi người bạn của mình. Khi được Aubrey hỏi xem cô ấy nên làm gì, Grace chỉ trả lời vỏn vẹn: “Hãy hạnh phúc” và “Ngừng trốn chạy”. Grace luôn luôn quan tâm người bạn của mình, ngay cả khi cô đã rời xa dương thế, điều cô mong muốn chỉ là Aubrey hãy chấp nhận hiện thực, dừng đổ lỗi cho bản thân và tự tha thứ những sai lầm trong quá khứ. Ngay cả chuyến hành trình tìm kiếm những cuốn băng do Grace tạo ra, cùng là nhằm mục đích để Aubrey có thể tự chữa lành bản thân. Mọi điều Grace làm, mọi điều Grace nói đều hướng về người bạn thân nhất của cô, và để nhằm cho Aubrey tìm được hạnh phúc.
Sự tái sinh
Đối với những ai đã xem phim, kết của bộ phim là tương đối khó hiểu. Sẽ có hàng loạt câu hỏi được đặt ra như: “Việc thu thập các cuộn băng là để làm gì nếu khi kết hợp chúng lại, thế giới sẽ bị huỷ diệt?”, “Tại sao Aubrey lại bước vào cánh cổng nối giữa các thế giới?” và “Hành động của Aubrey ở cuối phim có ý nghĩa gì?”. Chúng ta hoàn toàn có thể trả lời các câu hỏi trên chỉ bằng một từ, đó là: “Tái sinh”.
Tái sinh là một khả năng đặc biệt có ở loài sao biển (Starfish), và giống như loài động vật không xương sống này, cả hành trình của Aubrey là để cô chuẩn bị cho việc tái sinh một lần nữa, tại thế giới thật của cô. Thế giới với những sinh vật ngoài hành tinh mà ta thấy xuyên suốt cả phim, vốn dĩ đã là một chiều không gian khác so với thực tại trước kia của Aubrey. Thế giới này cô độc, lạnh lẽo và chứa đầy những con quái vật, ẩn dụ cho chính thế giới của nhân vật chính sau cái chết của Grace: một thế giới đã chết.
Việc Aubrey mở thành công cánh cổng ở cuối phim và bước qua nó, cho thấy đã cô đã làm được điều Grace luôn muốn cô làm, đó là rũ bỏ quá khứ, tha thứ cho bản thân và học cách để không bị đau bởi vết thương cũ nữa.
Starfish là một bộ phim khó nắm bắt chỉ với một lần xem, phần là vì những chi tiết ẩn dụ xuất hiện dày đặc trên mọi khung hình. Thế nhưng, chuyến hành trình tuy không quá dài của Aubrey cũng sẽ để lại trong bất cứ ai đã nhẫn lại và thấu hiểu bộ phim một cảm xúc thật khó tả. Chỉ với thông điệp đơn giản rằng hãy THA THỨ VÀ QUÊN ĐI (Forgive and Forget), bộ phim sẽ trở thành một người bạn đồng hành với những ai đang vật lộn với nỗi đau mất người thân, để cùng họ san sẻ nỗi cô đơn, học cách để vượt qua tổn thương trong quá khứ và tái sinh sau những lần nứt vỡ. Cuối bài viết, mình xin phép trích một câu nói của đạo diễn A.T. White:
“I really love when films are communicating and helping you feel like other people are going through the things you’re going through and can be part of, hopefully, a healing process for yourself. That’s what means the most to me…”
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất