Star Wars Episode IX: The Rise of Skywalker đã công chiếu. Phần phim này là đoạn kết của sequel trilogy, cũng đồng thời đóng vai trò kết thúc câu chuyện về gia đình Skywalker trong vũ trụ Star Wars. Một câu chuyện mất 42 năm để hoàn thành. Có người sẽ thích sequel trilogy, có người cũng sẽ ghét. Bản thân tôi, thật khó để nói chính xác tôi thích hay ghét cái trilogy mới này. Bởi vậy cho nên tôi sẽ viết những đánh giá, cảm xúc, những lời khen và cả lời... chê với cái sequel trilogy này. Thế nhưng cho dù thích hay là ghét nó, khi chứng kiến những dòng credit cuối phim hiện lên, tôi vẫn có chút bùi ngùi. Star Wars dẫu sao vẫn là thứ tôi yêu thích, câu chuyện về các thành viên nhà Skywalker vẫn là thứ quen thuộc với đại đa số các fan của vũ trụ này. 
Chứng kiến một câu chuyện mình theo đuổi bao nhiêu năm trời kết thúc, hẳn ai cũng sẽ có chút tiếc nuối, đúng chứ?
CẢNH BÁO SPOILER: Bài viết sẽ chứa spoiler rất nặng từ Episode IX: The Rise of Skywalker, nên hãy cân nhắc nếu bạn chưa xem phim.

Trước khi đi vào phần chính của bài, tôi sẽ nói rõ một chút về hướng đi của bài viết này. Tôi sẽ không bàn đến những yếu tố như kỹ xảo - hình ảnh - âm nhạc vì chúng đều là điểm mạnh, nói thêm cũng thừa. Tôi cũng sẽ không bàn quá sâu về những yếu tố đậm tính chuyên môn như góc quay - phối màu các cảnh, vân vân. Bài viết này sẽ tập trung vào những yếu tố như sau: câu chuyện xuyên suốt của 3 phần phim, sự xây dựng và phát triển các nhân vật cũng như mối quan hệ giữa họ, và cuối cùng là cách kể chuyện của các phần phim. 

Đọc thêm:

THE FORCE AWAKENS - SỰ TRỞ LẠI AN TOÀN


Sau nhiều năm vắng bóng, nhất là từ dạo Disney mua lại thương hiệu Star Wars từ Lucasfilm, Star Wars - thương hiệu nổi tiếng bậc nhất trong văn hóa đại chúng quay trở lại với Episode VII - The Force Awakens. Tuy nhiên, thay vì khai thác những câu chuyện có sẵn đã được tạo ra trong vũ trụ mở rộng của nó (Expanded Universe, nay đã trở thành Legends), Disney quyết định tạo ra một câu chuyện hoàn toàn mới. Hướng đi này, có người thích kẻ chê, nhưng ta không thể phủ nhận rằng sau khi ra mắt, The Force Awakens đã đạt được những thành công to lớn về cả doanh thu lẫn phản hồi từ khán giả. 
Như vậy, Star Wars đã có một cú trở lại ngoạn mục và tạo hy vọng tràn trề cho người xem, cũng như thu hút thêm nhiều người hâm mộ mới.
Ấy vậy, ngay trong thành công không thể chối cãi được của The Force Awakens, rất nhiều người đã nhận ra những vấn đề mà bộ phim gặp phải. Phim đi theo hướng quá an toàn, không dám mạo hiểm. Câu chuyện mà The Force Awakens kể về bản chất chỉ như một phiên bản làm lại của A New Hope mà thôi. Các tuyến nhân vật mới cũng rất giống với tuyến nhân vật nguyên bản. Thậm chí ngay cả cái vũ khí tối thượng của The First Order là Starkiller Base cũng chỉ như một bản phóng to của Death Star ngày xưa. Có chăng là The Force Awakens mang nhiều hơi thở hiện đại hơn, cháy nổ nhiều hơn và dễ xem hơn mà thôi. Xào nấu lại từ những nền tảng đã có, thêm một vài yếu tố mới, đem các nhân vật cũ được yêu mến quay lại, và thế là ta có một bộ phim chiều lòng được mọi đối tượng: các nhà phê bình, khán giả cũ và mới.
Hướng đi như vậy thực chất không có gì sai. The Force Awakens vẫn là một phim tốt, xem được và vẫn trung thành với cốt lõi của Star Wars. Nhưng bên cạnh những cái giống, The Force Awakens vẫn thành công trong việc giới thiệu một vài yếu tố mới lạ rất thú vị. Đó đương nhiên là dàn nhân vật mới, mà nổi bật lên ở đây là Rey, Finn và Kylo Ren.

Đọc thêm:

Kết quả hình ảnh cho The Force Awakens wallpaper

Về phần Rey, ta thấy rằng phim giới thiệu cô cũng chả khác Luke ngày xưa là bao. Cả hai đều sinh sống trên những hành tinh cằn cỗi, bao phủ bởi những sa mạc rộng lớn (Tatooine và Jakku). Rey thậm chí còn bi đát hơn khi cô chỉ có một mình, không người thân thích và phải tự lập ngay từ lúc còn bé. Hơn nữa, thay vì khao khát rời bỏ cuộc sống thường ngày vô vị như Luke, Rey lại chỉ mong được tiếp tục sống như vậy. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nhân vật chính của hai trilogy khác nhau. Nếu như Luke muốn rời bỏ cuộc sống ảm đạm để lao vào những chuyến phiêu lưu thì Rey không như thế. Kể cả khi có phải bất đắc dĩ rời Jakku, Rey vẫn muốn quay về. Dĩ nhiên không phải vì cô yêu thương gì cái hành tinh cằn cỗi ấy, mà cô quay về là để tiếp tục chờ đợi, chờ bố mẹ của cô quay lại đón mình.
Đó là điểm mới mẻ đầu tiên của The Force Awakens. Ngay từ đầu, phim đã gieo vào trí óc khán giả một sự thắc mắc về thân phận của Rey. Cô là ai? Cha mẹ cô là ai? Có lẽ thân phận của cô gái này phải có gì đó đặc biệt lắm nên mới được set-up như vậy. Nhất là sau khi Rey bộc lộ khả năng mạnh mẽ với Thần Lực thì nghi vấn về thân phận của Rey càng lớn hơn nữa. Nhưng The Force Awakens không cho ta câu trả lời, hẳn nhiên rồi. Và tạm thời chúng ta không nói đến Rey nữa.
Kết quả hình ảnh cho The Force Awakens wallpaper Rey
Nhân vật tiếp theo tôi muốn nói tới là Finn - một tuyến nhân vật mới hoàn toàn so với các phần phim trước của Star Wars. Finn xuất thân là một lính stormtrooper của The First Order, đào ngũ để chuyển sang giúp đỡ Poe, Rey cùng quân Resistance. Anh chàng này có lẽ là cái mắt xích quan trọng nhất trong toàn bộ tuyến truyện của The Force Awakens. Finn giải thoát cho Poe, giúp Rey đem chú droid BB-8 chạy trốn, giúp quân Resistance tìm điểm yếu của Starkiller Base. Finn cũng chính là người dũng cảm đối mặt với Kylo Ren ở cuối phim để bảo vệ Rey. Nói chung, anh chàng này nhìn thì có vẻ ngốc ngốc dở hơi nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hơn thế nữa, Finn cũng không hề tầm thường. Nội việc có thể thoát khỏi sự kiểm soát của The First Order để làm theo ý muốn của chính mình đã là một điều phi thường rồi. Lính stormtrooper của The First Order tất nhiên không phải clone như hồi Clone Wars. Tuy vậy, chương trình đào tạo lính của The First Order cũng tàn khốc chả kém gì Đế Chế. Chúng bắt cóc hàng trăm ngàn, hàng triệu đứa trẻ khắp Thiên Hà từ lúc còn bé, nhồi nhét vào đầu những đứa bé này đủ loại tuyên truyền. Nào là sự vô dụng, yếu kém của Cộng Hòa Mới, nào là sự siêu việt của The First Order và sứ mạng của chúng là phục hồi vinh quang của Đế Chế. Những sự tuyên truyền này, cộng với cả chục năm huấn luyện đã biến đội quân stormtrooper của The First Order thành những cỗ máy giết chóc và chỉ biết nghe lệnh, không được phép cãi lại.
Ấy vậy mà Finn vẫn có thể thoát khỏi sự giam cầm về mặt tư tưởng này. Anh biết cái gì đúng, cái gì sai và nên làm gì. Ban đầu chỉ đơn giản là muốn chạy trốn, dần dần trở nên can đảm hơn và cuối cùng sẵn sàng liều mình vì Rey, vì quân Resistance. Finn là một nhân vật rất thú vị của The Force Awakens và là một điểm sáng của phim mà không cần dựa hơi một cái gì của những phim cũ. 
Kết quả hình ảnh cho The Force Awakens wallpaper Finn

Cuối cùng, nhân vật tôi muốn nói đến là Kylo Ren - phản diện chính của cả trilogy, đóng vai trò hệt như Darth Vader của trilogy gốc. Chính vì vai trò như vậy nên việc khán giả đem Kylo Ren lên bàn cân so sánh với Darth Vader là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi. Cũng chính vì thế nên khi chứng kiến Kylo Ren khác biệt quá mức với Vader, nhiều người đã không tiếc lời chỉ trích nhân vật này. Nào là "fanboi Vader", "Vader phiên bản trẻ trâu", "chẳng ra dáng người kế thừa Vader gì cả".
(Tôi sẽ không bàn đến những nhận xét sai bét khác như kiểu Kylo Ren không ra dáng một Sith, bởi vì đơn giản là thằng cha này có phải Sith quái đâu)
Khán giả chê Kylo Ren là vì sao? Bởi vì nhân vật này không đem lại sự sợ hãi đến nín thở như Darth Vader hồi xưa sao? Bởi vì Kylo Ren quá nóng nảy, quá phá hoại và hay la hét như một thằng thiếu niên mới dậy thì trong tuổi nổi loạn? Và trên hết, vì Kylo Ren không "ngầu" như Darth Vader?
Nếu như nhìn nhận Kylo Ren với cương vị một bản sao của Darth Vader thì chê trách như vậy là đúng. Khổ một nỗi, Kylo Ren đâu có được xây dựng theo hướng như vậy? Mặc dù có nét giống Vader, nhưng Kylo Ren là một mẫu phản diện được xây dựng theo một hướng hoàn toàn khác hẳn.

Đọc thêm:


Sự khác biệt giữa Kylo Ren và Darth Vader đến ngay từ cái cách hai nhân vật này sã ngã và về với Mặt Tối của Thần Lực. Với Darth Vader/Anakin Skywalker, lý do anh sa ngã là vì nỗi sợ đánh mất người thân cùng ham muốn cứu sống vợ con thì Kylo Ren khác hẳn. Ta biết từ rất sớm rằng Kylo Ren thực chất chính là Ben Solo, con trai của Han Solo và Leia Organa, cháu của Jedi huyền thoại Luke Skywalker. Vậy ta có thể nói rằng Ben chính là dạng con ông cháu cha điển hình, có người thân đều là những huyền thoại sống của Thiên Hà. Nhưng cái xuất thân này cũng có mặt trái của nó. Một khi anh đã có đầy đủ mọi thứ, thì bản thân anh sẽ cho rằng mình chẳng có gì cả. Đấy là một lối suy nghĩ khá thường thấy và Ben Solo cũng không ngoại lệ. Tôi cho rằng lý do Ben ám ảnh với hình tượng ông ngoại Darth Vader đến như vậy là vì anh ta cho rằng mình cũng có thể trở thành một người hùng mạnh như thế. Nhưng sự hùng mạnh của Vader đi liền với bóng tối, và bóng tối là thứ mà cả cha mẹ lẫn bác của Ben muốn tránh xa bằng mọi giá. Bởi vì thế nên Ben trở nên cô độc giữa chính gia đình mình. Anh ta cho rằng không ai hiểu tham vọng của mình, hoặc không thì cũng sợ hãi trước nó. Chính vậy nên Ben mới dần ngả về Mặt Tối, theo về với Snoke, người mà anh ta tin rằng hiểu được mong muốn, khát khao của anh ta và sẵn sàng giúp mình đạt được sự vĩ đại như Vader ngày nào. 
Bởi cách sa ngã khác nhau, cho nên hình tượng Kylo Ren và Darth Vader cũng khác nhau. Kylo Ren giống hệt như Vader lúc mới sa ngã theo Mặt Tối: nóng nảy, đầy giận dữ và bộp chộp. Nhưng nếu Vader sau này kiểm soát được những cái sự nóng nảy ấy và trở nên thâm trầm, lặng lẽ một cách đáng sợ thì Kylo Ren không làm như thế. Anh ta không bận tâm đến chuyện kiềm chế những cơn giận của mình mà cứ thế để nó phát tiết ra. Chính điều này đã biến Kylo Ren trở thành một kẻ đáng sợ. Anh ta khiến cả thuộc hạ lẫn đối phương khiếp sợ vì sự nóng nảy, khó đoán của mình. Đối mặt với một kẻ gần như điên loạn như thế, người ta hiểu ngay rằng tên này sẵn sàng làm mọi thứ, dù có là cực đoan nhất để đạt được mục đích. Đó chính là mục tiêu khi xây dựng Kylo Ren như vậy. Anh ta không phải Darth Vader và cũng không cần trở thành Darth Vader. Kylo Ren đáng sợ theo một kiểu rất khác, bởi vì bản chất của anh ta vốn vẫn là sự xung đột giữa hai phần ánh sáng - bóng tối không ngừng nghỉ rồi.
Như vậy, mặc dù câu chuyện cũng như cách kể chuyện của The Force Awakens không mới (thậm chí cách giải quyết vấn đề cũng không mới nốt) thì phim vẫn có những cái thú vị riêng. Ba nhân vật Rey, Finn và Kylo Ren chính là những điểm nhấn đáng chú ý của The Force Awakens và họ cho khán giả sự mong đợi được tiếp tục chứng kiến câu chuyện của mỗi người. Họ sẽ được phát triển ra sao, tương tác với nhau như thế nào và họ đóng góp vào câu chuyện chung kiểu gì? The Force Awakens đã đặt ra những câu hỏi như vậy và ta phải đồng ý rằng câu chuyện này rất có tiềm năng.
Và rồi chúng ta đến với phần phim thứ hai - The Last Jedi

THE LAST JEDI - NHỮNG THAY ĐỔI GÂY TRANH CÃI


The Last Jedi thì lại là một phiên bản trái ngược hoàn toàn với The Force Awakens. Nếu như phần phim trước bị chỉ trích là quá an toàn, thì The Last Jedi lại quá phá cách, quá khác biệt đến mức bị ghét cay ghét đắng. Rất nhiều khán giả chỉ trích phần phim này không tiếc lời ở chỗ nó thay đổi các nhân vật cả mới lẫn cũ quá nhiều, nhất là hình ảnh Luke Skywalker. Người ta chờ đợi 2 năm để được chứng kiến màn tái xuất của Jedi huyền thoại, để được tiếp tục theo chân thế hệ mới và xem họ được phát triển thế nào. Nhưng cuối cùng, rất nhiều người tỏ ra chán nản trước những gì mà The Last Jedi đem lại. Ấy vậy mà giới phê bình lại đánh giá phim rất cao, trái ngược hoàn toàn với khán giả đại chúng.
Vậy thì tin ai bây giờ đây? 
Thực ra mà nói, giới phê bình khen The Last Jedi hết lời cũng không phải vô căn cứ và bên khán giả chê nát phim cũng không phải không có lý của họ. Vậy thì ta hãy xem phim có cái gì để chê, và có cái gì để khen?
The Last Jedi tồn tại khá nhiều vấn đề, đó là một sự thật. Mặc dù vai trò của phim là kể tiếp mạch truyện của The Force Awakens và đẩy nhanh dần nó lên nhưng đáng tiếc là gần như toàn bộ thời lượng của phim, câu chuyện không tiến triển được bao nhiêu. Mạch phim bỗng nhiên bị chững lại và đến tận những phân đoạn cuối cùng thì mới gấp gáp lên một chút. Phim dành khá nhiều thời gian vào trường đoạn phiêu lưu của Finn và Rose và cái trường đoạn đó có thể chỉ cần rút ngắn còn 1/3 là đã ổn rồi. 
Vấn đề của The Last Jedi chính là "quá nhiều scenes mà lại quá ít plot". Nhưng chưa hết, sự phát triển của đại đa số nhân vật cũng có vấn đề. Ở đây, tôi muốn nói đến Finn. Trong The Last Jedi, Finn gần như không được phát triển thêm một tí tẹo gì cả. Anh cũng không được bắt cặp cùng Rey, hay ít nhất là Poe mà với một nhân vật mới hoàn toàn - Rose. Toàn bộ cái tuyến truyện của Finn và Rose không làm được gì khác ngoài việc... nhắc lại những cái gì đã được truyền tải rất ổn ở The Force Awakens: sự tàn ác của The First Order, mặt tối của chiến tranh, cậu chiến đấu vì ai, vì cái gì,... The Last Jedi chỉ nhắc lại theo một cách dài dòng hơn mà thôi. Phân đoạn sáng giá nhất của Finn, ừ thì có lẽ là cảnh đấu tay đôi với Captain Phasma - một nhân vật cũng bị lãng phí rất đáng tiếc. Thậm chí ngay cả chi tiết Finn là một Force-sensitive, vốn đã được hint ngay từ The Force Awakens, cũng bị bỏ quên.
Kết quả hình ảnh cho The Last Jedi wallpaper Finn

Tiếp đến là Rey, sự phát triển nhân vật của cô trong The Last Jedi rất mơ hồ, có mà như không có. Tìm gặp Luke Skywalker, Rey tưởng đâu mình sẽ được huấn luyện và trở thành một Jedi thực thụ và có thể còn khám phá thêm về bản thân mình. Đó là điều mà khán giả mong chờ với phần phim này. Nhưng thay vì thế, ta lại được chứng kiến những màn đối đầu khá mùi mẫn giữa Rey với Kylo Ren. Và rồi khi biết một phần lý do Kylo Ren ngả sang Mặt Tối, biết thêm về bi kịch của nhà Skywalker, Rey quay sang cảm thông với kẻ mà ở ngay phần trước đã khủng bố tinh thần mình. Ừ thì điều này cũng không phải không có lý, bởi vì ta có thể coi rằng phim muốn xây dựng Rey theo mẫu người giàu lòng vị tha và đầy cảm tính như Luke ngày xưa. Cũng vì thế nên Rey mới mạo hiểm giao nộp bản thân cho The First Order, đối đầu với Snoke. Việc này suýt nữa gây họa (chẳng khác gì Luke ngày xưa) nếu không nhờ chính Kylo Ren thay đổi. Thế rồi sau khi nhận ra rốt cuộc Kylo Ren chỉ lợi dụng mình, cô quyết tâm dứt bỏ mơ tưởng kéo anh ta về với ánh sáng và quay về với Resistance, với Finn.
Nghe thì có vẻ có phát triển, nhưng kỳ thực Rey chẳng có được một sự tiến triển nào ra hồn về tính cách cả. Sự phát triển nhân vật mơ hồ này thực chất là để phục vụ cho một nhân vật khác - Kylo Ren. Chính xác thì trong The Last Jedi, nhân vật trung tâm lại là Kylo Ren và sự xung đột trong con người anh ta chứ không còn là Rey nữa. Đây vừa là điểm yếu, vừa là điểm tốt của phim. Điểm yếu là vì nó chẳng ăn nhập gì với mạch truyện chung được xây dựng từ The Force Awakens, nhưng nó cũng có mặt tốt là tiếp tục sự phát triển nhân vật của Kylo Ren rất tốt.

Trong The Last Jedi, ta được biết thêm về lý do tại sao Kylo Ren quyết tâm sa ngã vào Mặt Tối. Nó không còn đơn giản chỉ là chuyện bị Snoke dụ dỗ, lôi kéo hoặc bản thân anh ta thấy cần phải làm thế. Câu chuyện ẩn đằng sau phức tạp hơn thế và nó gắn liền với cả Luke và chính mối quan hệ thầy trò giữa Kylo Ren/Ben Solo và Luke Skywalker là điều khiến rất nhiều khán giả tỏ ra ghét bỏ The Last Jedi. Lý do ư? Vì phim "phá nát" hình tượng Luke - anh hùng chân chính của Thiên Hà. Đâu rồi hình ảnh một Jedi kiên định với niềm tin của mình dù phải đối mặt với cái chết? Đâu rồi hình ảnh một người anh hùng không sợ hãi bất cứ điều gì, cho dù có phải đối mặt với kẻ ác nhân của vũ trụ, chỉ để cứu lấy bạn bè? Luke Skywalker của ngày xưa đâu rồi? Khán giả tự hỏi như thế khi chứng kiến một ông già hèn nhát, sợ hãi, trốn tránh mọi thứ, bỏ mặc những người thân của mình, hành động cảm tính, để đến mức gián tiếp đưa Ben Solo trở thành Kylo Ren.
Nhưng trước khi buông ra những lời chỉ trích ông như vậy, hãy tự hỏi xem bạn đã thật sự hiểu Luke Skywalker hay chưa? Luke Skywalker này, ở tuổi ngoài 50, đã không còn là Luke Skywalker của tuổi 20 nữa rồi. Trong ba mươi năm, con người có thể thay đổi nhiều, rất rất nhiều. Bản thân Luke từ xưa, đã phải gánh vác những trọng trách quá nặng nề rồi, là niềm hy vọng để đánh bại Đế Chế, là niềm hy vọng gây dựng lại cả một thế hệ Jedi, là niềm hy vọng của Leia để nuôi dạy Ben Solo thành con người như Luke. Những trọng trách ấy, là quá nặng so với một chàng trai mới ngoài 20, cho dù chàng trai ấy có là một Jedi, nhưng chàng trai ấy vẫn học chưa đủ, chưa bao giờ đủ. Và hơn thế, chàng trai ấy lại là "Jedi cuối cùng". Mấy ai có thể hiểu được những áp lực mà Luke phải chịu? Người bên ngoài nhìn vào Luke, và họ thấy một Jedi, một người anh hùng, người đã đánh bại Darth Vader hùng mạnh và góp công tiêu diệt Đế Chế. Nhưng thực sự thì Luke đã sẵn sàng để gánh vác tất cả những thứ ấy chưa? Chắc chắn là chưa. Cứ cho rằng Luke đã ngộ được một vài triết lý của Jedi, thì cũng chưa đủ, chưa thể đủ để giúp Luke một mình gánh vác mọi thứ. Và bởi vì trọng trách gây dựng lại một thế hệ Jedi mới đè quá nặng trên vai Luke, mà khiến ông trở nên sợ hãi, Luke sợ rằng tất cả những gì mà ông gây dựng, tất cả những gì mà ông yêu thương, sẽ một lần nữa bị Mặt Tối hủy hoại.
Kết quả hình ảnh cho The Last Jedi wallpaper Luke Skywalker


Đọc thêm:

Nhiều người khó chịu với việc Luke ngày xưa sống chết tin rằng kẻ ác nhân khủng khiếp nhất Thiên Hà là Darth Vader còn có phần tốt mà nay lại đánh giá sai về Ben, để đến nỗi đêm hôm vác lightsaber ra suýt chém chết đứa cháu. Nhưng thử nghĩ lại xem, Luke chưa bao giờ thoát khỏi cái ám ảnh về bóng tối - ánh sáng trong con người của mỗi thành viên nhà Skywalker, ngay bản thân ông cũng có khác gì. Khoảnh khắc ông bật lightsaber lên định lấy mạng Ben chính là khoảnh khắc thoáng qua mà bóng tối làm chủ được Luke. Nhưng chỉ một khoảnh khắc nhỏ ấy là đủ để mọi thứ sụp đổ. Gánh vác quá nhiều trọng trách, để rồi chứng kiến tất cả sụp đổ vì sai lầm trong chốc lát, Luke suy sụp là điều quá dễ hiểu. 
Còn Ben Solo thì sao? Ta cứ coi như đánh giá của Luke về anh là sai lầm, nhưng còn đánh giá của chính Ben về Luke thì sao? Chỉ một khoảnh khắc như thế có đủ khiến Ben sa ngã? Chắc chắn là không. Đã từ lâu, Ben dần có xu hướng ngả về bóng tối, để được hùng mạnh như Vader và chắc chắn đó không phải chuyện một sớm một chiều. Cái hành động của Luke chỉ như giọt nước làm tràn ly, góp phần đẩy nhanh việc sa ngã của Ben mà thôi. 
Nhưng sau tất cả những gì đã làm: hủy hoại Hội Jedi Mới, theo về với Snoke và The First Order, thậm chí ra tay sát hại chính cha mình - Han Solo, Ben có thực sự trở thành một Kylo Ren đáng sợ? Anh ta liệu đã dập tắt hoàn toàn được ánh sáng bên trong con người mình chưa?
Câu trả lời là chưa, mà mọi chuyện còn ngược lại hoàn toàn. Kylo Ren ngày càng mâu thuẫn, hai mặt bóng tối - ánh sáng trong con người anh ta vẫn cứ tiếp tục đấu tranh với nhau, ngày càng mạnh hơn. Chính vì thế nên Rey mới tin rằng còn một cơ hội để Ben quay đầu. Và khán giả cũng đã suýt tin rằng Ben sẽ quay đầu, nhất là sau khi anh ta ra tay giết chết Snoke và trợ giúp Rey. Nhưng một lần nữa, Kylo Ren lại khiến chúng ta bất ngờ. Anh ta đã có cơ hội quay đầu, cơ hội để chuộc lỗi, nhưng anh ta từ chối nó, quyết tâm đi theo con đường của bóng tối. Thế nhưng ngay cả trong lúc Kylo Ren trở nên tàn nhẫn nhất, ta vẫn thấy được sự giằng xé tâm can trong con người này. Anh ta cố tin rằng mình đã hoàn toàn ngả về bóng tối mà lờ đi sự thật: càng ngày tiếng gọi về với ánh sáng trong tiềm thức anh ta càng mạnh. Và đó sẽ là vấn đề được giải quyết hoàn toàn ở Episode IX.

Tóm lại, The Last Jedi tuy đã phát triển được hai nhân vật Kylo Ren và Luke Skywalker rất tốt, nhưng phim lại gần như bỏ quên những người còn lại. Rey gần như không phát triển được gì, Finn và Poe thì coi như không có, mạch truyện tiến triển cũng chẳng được là bao. Câu chuyện được kể từ The Force Awakens đã bị gãy đoạn và tính nhất quán giữa các nhân vật đã bị đứt gãy phần nào. Vậy thì phần phim cuối sẽ làm thế nào để kết thúc được câu chuyện này?
Chúng ta đến với phần phim cuối cùng của trilogy - The Rise of Skywalker

THE RISE OF SKYWALKER - HỒI KẾT CHƯA TRỌN VẸN


The Rise of Skywalker đã ra mắt, và một lần nữa đánh giá về phim của giới phê bình lại trái ngược với bên khán giả. Lần này, giới phê bình chấm điểm phim tương đối thấp còn đa phần khán giả thì lại hài lòng với phim. Do đó, chúng ta một lần nữa phải tự hỏi: biết tin bên nào đây?
Cá nhân tôi mà nói, vốn không kỳ vọng quá nhiều vào phim và tôi chỉ mong là nó kết thúc câu chuyện của sequel trilogy một cách ổn thỏa thôi là được rồi. Và quả thật là với những cố gắng nhất định, The Rise of Skywalker đã kết thúc được câu chuyện một cách tương đối ổn, các nhân vật có một cái kết chấp nhận được và phim giải quyết các plot twist cũng gọi là ok. Thực ra thì trường đoạn cuối phim khi hai phe đánh tổng lực còn khá là tốt đấy, nhất là trường đoạn Rey và Ben đối mặt Palpatine trên Exegol. Nó thực sự tạo được ấn tượng với tôi. Xem xong thì tôi cũng hiểu được tại làm sao mà khán giả đại chúng hài lòng với phim, và đương nhiên là cũng hiểu vì sao giới phê bình chê phim tơi tả luôn.
Nếu bạn chưa xem The Rise of Skywalker, có lẽ nên ngưng đọc, còn nếu bạn đã xem? Hãy cứ coi những gì tôi viết là một ý kiến để chúng ta cùng bàn luận thêm.
Tôi sẽ nói về những ưu điểm của The Rise of Skywalker trước: đó chính là sự phát triển nhân vật muộn màng của Rey, đoạn kết cho câu chuyện của Kylo Ren, một số tuyến nhân vật phụ thú vị và cuối cùng là việc tri ân tới dàn nhân vật cũ của Leia, Luke và Lando.
Kết quả hình ảnh cho the rise of skywalker wallpaper

Đầu tiên là về nhân vật Rey. Như chúng ta đã biết, sự phát triển nhân vật của cô đã bị chững lại ở The Last Jedi. Rồi khi thân phận của cô được Kylo Ren nói huỵch toẹt ra là "chẳng ai cả" thì đa số coi là Rey chả còn đất phát triển nữa. Thế nhưng The Rise of Skywalker lại chơi lớn một phen khi vặn ngược lại những gì mà The Last Jedi muốn nói - Rey thực chất không phải một cô gái tầm thường mà cô chính là cháu gái của Hoàng Đế Palpatine/Darth Sidious. Vậy là cuối cùng phim vẫn phải để cho Rey là con ông cháu cha chứ không thể để cô chỉ là một kẻ vô danh. Điều này có lẽ ổn, nó làm đỡ đi phần nào những chỉ trích về việc Rey là Mary Sue - "À, hóa ra cô nàng mạnh như thế là vì mang dòng máu của Palpatine". Mặt khác, nửa sau của phim, khi Rey phát hiện ra thân phận thật của mình được làm khá tốt khi cô có được sự phát triển trong tính cách, nhận thức. Trong cô bắt đầu tồn tại những mâu thuẫn, những do dự. Cô không còn có được sự kiên định nữa mà trở nên dao động, mất phương hướng, thậm chí suýt từ bỏ mọi thứ. Điều này kết hợp với sự trở lại của Luke dưới dạng Force Ghost để chỉ dạy cho cô đã làm nên một tuyến truyện rất ổn và đến trường đoạn cuối cùng khi Rey đối mặt với Palpatine thì mọi thứ thực sự ăn khớp. 
Còn về phần Kylo Ren, giờ đây anh đã trở thành lãnh đạo của The First Order, cộng thêm việc dần nghe theo lời Palpatine để có được sức mạnh khổng lồ đến từ quân đoàn Sith của ông ta. Thế nhưng Kylo Ren vẫn không khác so với The Force Awakens và The Last Jedi là bao. Anh ta vẫn nóng nảy, vẫn hấp tấp và cứ cố gắng lôi kéo Rey về với bóng tối dù mới phần trước còn mạnh miệng tuyên bố sẽ giết cô. Đó là sự thiếu nhất quán trong suy nghĩ, và nó cho thấy Kylo Ren ngày càng dao động hơn bao giờ hết. Ngay cả khi chiến đấu với Rey, anh ta vẫn không đủ quyết tâm, đó là lý do Kylo ngừng tay ngay khi nghe thấy giọng nói của Leia. Tuy cố gắng che giấu, nhưng ta có thể thấy khao khát trở về với ánh sáng của Kylo đã dần lớn lên như thế nào ở The Last Jedi và giọng nói của Leia là một cú hích để đưa anh về đúng đường. Rồi phân cảnh sau đó đã chứng minh cho mọi phân tích về Kylo Ren: khi hình bóng của Han Solo xuất hiện và cho anh quyết tâm rời bỏ bóng tối hoàn toàn. Lúc ấy, Ben Solo đã thực sự quay trở lại. Sự hy sinh của anh ở cuối phim cũng coi như là một cái kết trọn vẹn cho nhân vật này, người mà theo tôi là được phát triển tốt nhất trong toàn bộ sequel trilogy.
Kết quả hình ảnh cho the rise of skywalker wallpaper

Bên cạnh Rey và Kylo Ren, The Rise of Skywalker còn đem đến hai tuyến nhân vật phụ khá ổn, đó là hai cô nàng Jannah và Zorii. Họ đại diện cho hai tuyến nhân vật rất ít được khai thác trong các phim chính của Star Wars. Jannah đại diện cho những stormtrooper có thể vượt qua được sự tẩy não của The First Order giống Finn, và cô là bằng chứng của việc Finn không cô độc. Zorii đại diện cho những kẻ ngoài vòng pháp luật, sống theo luật của chính họ, nhưng khi Thiên Hà nguy nan, họ vẫn sẵn sàng chiến đấu. Tuy vậy, phim không dành nhiều thời gian cho hai nhân vật này, thành ra có thể nhiều người sẽ thấy họ hơi thừa.
Cuối cùng là lý do khiến phim nhận được sự hài lòng lớn của khán giả: tri ân tới dàn nhân vật cũ. Chúng ta có sự trở lại của Luke dưới dạng Force Ghost và màn dùng Thần Lực kéo chiếc X-Wing dưới biển lên, gợi lại phân cảnh huyền thoại "There is no try" ở Empire Strikes Back. Chúng ta có sự trở lại khá bất ngờ của Han Solo và màn đối thoại rất cảm động với Ben Solo. Lando cũng trở lại, tuy không nhiều nhưng đủ để khiến mọi người hài lòng. Leia đương nhiên cũng xuất hiện và tuy bà không có nhiều thời lượng, nhưng mỗi lần công chúa của chúng ta lên hình là rất chất lượng. Chúng ta cũng có một phân cảnh ngắn cực kỳ thú vị với Luke và Leia hồi trẻ - lần đầu tiên ta thấy Leia tập luyện với một thanh lightsaber cùng Luke. Cảnh này khi kết hợp với cảnh cuối phim, lúc Rey và Ben hợp sức chống lại đám Knights of Ren cùng thuộc hạ của Palpatine lại càng có ý nghĩa hơn: Ben cầm thanh lightsaber của Luke và Rey cầm thanh lightsaber của Leia, họ chiến đấu bằng vũ khí của thầy mình.
Kết quả hình ảnh cho the rise of skywalker wallpaper

Nhìn qua thì phim rất nhiều điểm tốt, lại thêm một câu chuyện khá là ổn, vậy cớ gì giới phê bình chỉ trích phim tan nát như vậy? 
Tất nhiên là họ có lý do của họ.
Đầu tiên, thành thật mà nói, 2/3 đầu phim có cảm giác bị đẩy nhanh cực kỳ. Một phần là do phải làm thế sau sự chững lại của The Last Jedi, nhưng phần lớn là do phong cách làm phim đặc trưng của JJ Abrams.
"Quá ít scenes, toàn plot là plot"
Đại để câu chuyện là như thế này: hầu hết cảnh trong 2/3 thời lượng đầu phim chỉ nhằm mục đích kể câu chuyện tổng thể một cách trơn tuột đi. Các nhân vật hò hét với nhau về chuyện cần đi đâu, tìm cái gì - đó là câu chuyện tổng thể. Nhưng còn mối quan hệ giữa các nhân vật thì sao? Họ nghĩ gì về mọi thứ, họ nghĩ gì về nhau, về chính bản thân mình? Bộ ba nhân vật chính Rey, Poe và Finn dành nửa phim đi cùng nhau và cuối cùng mối quan hệ giữa họ gần như dậm chân tại chỗ. Phim không dành cho họ đủ khoảng lặng để phát triển mối quan hệ với nhau mà quá tập trung vào truyền tải plot. Một mặt, nó cũng có cái tốt là dẫn người xem vào plot một cách nhanh, trực tiếp, thế nhưng kiểu kể chuyện này khiến các nhân vật trên phim thiếu gắn kết với họ và với chính người xem. Đó là lý do chủ yếu cho việc vì sao 2/3 thời lượng phim với tôi cực kỳ mệt mỏi, nhàm chán vì cứ phải chuyển hết từ nơi này đến nơi khác, nghe họ cãi lộn liên tục, chạy trốn hoặc chiến đấu với kẻ địch, rồi lại lặp lại, liên tiếp như thế. Phim không có đủ những cảnh lặng để khán giả hiểu hơn về nhân vật. Bộ ba phim gốc đã làm điều này rất tốt khi cho Luke, Leia và Han những cảnh cần thiết để phát triển mối quan hệ với nhau. Đây là điều mà sequel trilogy khá yếu, nhất là The Rise of Skywalker. Trong phim, chỉ có một vài trường đoạn lắng đọng thật sự, ví dụ như hai cuộc đối thoại giữa Finn với Jannah, Poe với Zorii, cùng một vài đoạn ngắn của Rey sau khi nghĩ rằng mình đã hại chết Chewie. Những đoạn đó thực sự tốt, và phim nên khai thác nhiều hơn, thay vì lãng phí quá nhiều cảnh vào chỉ một việc duy nhất là kể plot.
Một điểm yếu của phim là dường như nó không muốn khán giả lắng cảm xúc lại. Ta có một phân đoạn khi Rey bùng phát khả năng sử dụng Force Lightning, phá hủy một tàu của The First Order và tưởng rằng mình đã hại chết Chewie. Nhưng chỉ vài phút sau, phim nói toạc ra là Chewie ở tàu khác, còn sống nhăn răng. Vấn đề ở chỗ: chỉ khán giả chúng ta biết, còn Rey thì không. Bởi vì đã yên tâm rằng Chewie còn sống, chúng ta không thể nào đồng cảm được với Rey và mặc cảm tội lỗi của cô, chúng ta cũng không cảm thấy lo lắng, buồn bã hay sốc, bởi vì phim không cho chúng ta đủ thời gian để ngấm cái cảm xúc đó. Trên màn ảnh, Rey buồn bã, suy sụp, mặc cảm tội lỗi và tôi thấy phim xử lý khá tốt, nhưng khán giả thì gần như thờ ơ. Chúng ta biết thừa Chewie còn sống, vậy thì làm sao mà có thể cảm nhận được những cảm xúc của Rey? 

Một vấn đề nữa mà The Rise of Skywalker vướng phải là fanservice bằng reference đến các phim cũ trong series. Đây là một con dao hai lưỡi thực sự. Nếu setup tốt và để cái fanservice đó trở thành một phần của câu chuyện thống nhất, nó sẽ phát huy tác dụng cực kỳ tốt, nhược bằng không, khán giả đại chúng hoặc bộ phận fan mới sẽ cảm thấy khá thừa. Và The Rise of Skywalker đã không làm tốt việc này. Fanservice từ trên trời rơi xuống, không hề setup, không thực sự đóng vai trò trong việc kể chuyện. Bộ phim đưa chi tiết này ra là để nói thẳng với khán giả rằng: đấy, fanservice đấy. Tính thống nhất và độ mạch lạc của câu chuyện bị phá vỡ một cách không cần thiết.
Để ví dụ một chi tiết fanservice thừa thãi, tôi sẽ nói đến chi tiết Maz Kanata đưa một cái huân chương cho Chewie lúc cuối phim. Nếu bạn không hiểu vì sao chi tiết này được đưa vào thì cũng đừng lo, bởi vì nó là thuần fanservice. Ở phần phim Star Wars gốc năm 1977, sau khi Death Star bị phá hủy, Leia đã trao huân chương cho Han và Luke, nhưng Chewie không được. Dần dà, chi tiết này đã trở thành một câu hỏi đau đáu trong lòng các fan Star Wars, rằng là bao giờ Chewie mới có cái huân chương đó. Vậy nên, phần cuối saga rồi, tại sao không nhỉ? Thế là chúng ta có cái chi tiết đó, không hề được setup, nó chỉ cứ xuất hiện như vậy thôi. Thay vì ném fanservice vào mặt khán giả như vậy, phim có lẽ chỉ cần thêm tầm vài chục giây để setup một buổi lễ vinh danh các anh hùng, và trao cho các nhân vật chính huân chương, thêm cả Chewie, như thế sẽ mạch lạc hơn nhiều.
Nhưng đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt, có một cái fanservice to đùng ở cuối phim nữa kia. Phải, chính là đoạn kết phim, khi Rey quay về ngôi nhà cũ của Luke ở Tatooine, chôn hai thanh lightsaber của Luke và Leia. Mọi thứ đến đây vẫn ổn, rất cảm xúc, nhưng cho đến khi một người dân bản địa hỏi tên tuổi Rey, cô nhìn về phía xa xa và thấy Force Ghost của Luke và Leia rồi trả lời rằng mình là "Rey Skywalker". Ở phân cảnh này, mọi thứ đều ổn, chỉ trừ đúng cái chi tiết "Rey Skywalker".
Câu hỏi đặt ra là, vì sao Rey chọn cái họ Skywalker? 
Ý nghĩa của việc này ở chỗ Rey muốn tự chọn cho mình một con đường, một con người mới mà không dính dáng gì đến Palpatine. Và bởi vì cô gắn bó với các thành viên nhà Skywalker nhiều đến như vậy, cho nên cô chọn trở thành một Skywalker, trở thành truyền nhân thực sự của họ.
Hợp lý không? Có vẻ hợp lý, bởi vì thực sự ý nghĩa của hành động này là như vậy. Hơn nữa, khán giả chúng ta hài lòng, có chút xúc động vì cái họ "Skywalker" chính là thứ gắn kết 9 phần phim lại với nhau. Và đó chính xác là lý do vì sao cái chi tiết này là một cú fanservice to đùng. Rey chọn họ Skywalker là vì khán giả chúng ta sẽ thích điều đó, nhưng dưới con mắt của Rey, việc này thực sự vô nghĩa.
Thứ nhất, người duy nhất ở hiện tại mang họ Skywalker là Luke, và mối quan hệ giữa Rey và Luke không gắn bó đến như vậy. Thứ hai, với đa phần người dân trong Thiên Hà, Skywalker tượng trưng cho anh hùng, bởi vì Luke là anh hùng, nhưng Rey biết nhiều hơn thế. Skywalker còn tượng trưng cho cái ác - vì Anakin Skywalker chính là Darth Vader chứ ai. Vậy thì cô còn có thể thoải mái nhận họ Skywalker khi chính bản thân cái họ này cũng tượng trưng cho bóng tối - điều cô đấu tranh chống lại? Và cuối cùng, nếu cho rằng hành động của Rey khi nhận họ Skywalker là để vinh danh những hy sinh, những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm giải phóng Thiên Hà thì cô đã chọn sai đối tượng. Biểu tượng của tự do, của đấu tranh, của người anh hùng thầm lặng là Leia, không phải Luke. Leia, cũng như cha nuôi của bà, là những người dành cả cuộc đời đấu tranh không ngừng nghỉ để chống lại Đế Chế, chống lại The First Order. Leia cũng là người gần gũi với Rey hơn cả và bà cũng là người chỉ dạy Rey nhiều hơn hết. Và nếu như Rey muốn vinh danh bà, trở thành truyền nhân của bà, thì cô nên trở thành Rey Organa, chứ không phải Rey Skywalker.
Nhưng sau cùng thì, khán giả thích Skywalker, vậy thì cô phải là Rey Skywalker thôi, dù điều đó không ý nghĩa bằng Rey Organa.

Ngoài ra, còn một số sạn nữa, ví dụ như việc cố tình bỏ quên Rose, dù cô thuộc dàn nhân vật chính trong The Last Jedi. Dường như phim hạ cô thành nhân vật siêu phụ và bỏ hết những xây dựng trong quan hệ giữa Rose và Finn vì phản ứng tiêu cực của khán giả. Kết quả là Rose như thành nhân vật thừa thãi, chẳng có vai trò gì cả. Ngoài Rose thì Hux cũng trở thành thừa thãi đến khó tin. Lộ mặt gián điệp rồi bị giết sau đó chỉ vài phút, cực kỳ chớp nhoáng và vô vị. Mối quan hệ giữa dàn nhân vật mới, như đã nói, chẳng tiến triển được là bao, và như vậy thì cực kỳ lãng phí. Đám chiến binh Knights of Ren tạo hình cực kỳ tốt, setup từ các phần trước cũng ổn mà cuối cùng gần như vô dụng, còn may là có đánh đấm được chút, không đến nỗi nhảm nhí như đám Golden Company như Game of Thrones ss8. Thêm nữa, sự quay lại của Palpatine, rồi hạm đội Sith khổng lồ cũng không được giải thích, dù chỉ là một hai câu nhỏ. Phim cũng đem khá nhiều khả năng của Thần Lực từ Legends ra như Force Heal, Force Tele-Transporting hay Force Drain, nhưng bởi vì làm chưa khéo nên thành ra nhiều khán giả thấy khó chịu vì tự nhiên lòi ra lắm năng lực thế. 
Nhìn chung, The Rise of Skywalker đã hoàn thành vai trò của mình trong việc kết thúc Sequel trilogy, nhưng xét trên cương vị một bộ phim, nó có quá nhiều lỗi. Tôi không hề ngạc nhiên khi phim bị giới phê bình chỉ trích đến như vậy, bởi vì quả thực là phim cũng chỉ đến tầm trung bình khá mà thôi.

KẾT


Thực lòng mà nói, ba phần phim của Sequel Trilogy rất thành công về mặt doanh thu và sự thật là nó đã lôi kéo thêm được một bộ phận fan không nhỏ. Xét trên góc nhìn từng phim lẻ một thì cả 3 phim đều khá là tốt, thế nhưng khi ghép chúng lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh thì thực sự Sequel trilogy rất thiếu nhất quán, mạch truyện không thống nhất, các nhân vật phát triển không đồng đều. The Force Awakens và The Rise of Skywalker thì có phong cách quá khác so với The Last Jedi, bởi vậy nên tổng thể Sequel trilogy này thực sự đứt gãy, không liền mạch. Nhưng dù sao, nó vẫn có những thành tựu đáng ghi nhận. Trong tương lai, nếu Disney tiếp tục thực hiện thêm các phim Star Wars nữa, dù không còn dính dáng gì đến nhà Skywalker thì họ vẫn nên nhìn vào những điểm yếu của Sequel trilogy mà khắc phục. Nhất là khi họ vừa canon một nhân vật được yêu thích bậc nhất trong Legends là Revan và cuộc chiến Mandalorian. Nếu Disney có ý định khai thác Revan trong tương lai xa, hoặc sắp tới là TV series về Obi-Wan Kenobi, thì họ cần phải có một cách làm việc khác so với Sequel trilogy. Bởi vì trong quá trình thực hiện Sequel, rất nhiều vấn đề phát sinh, từ khâu chọn đạo diễn đến thống nhất kịch bản, dẫn đến việc làm đứt gãy cả một cái trilogy.
Dù vậy, chúng ta vẫn có thể hy vọng chất lượng các phim cũng như TV series Star Wars trong tương lai, bởi vì chính Disney cũng đã khẳng định được họ hoàn toàn có thể tạo nên những sản phẩm chất lượng, ví dụ như The Mandalorian đấy thôi?
Bài viết xin được phép kết thúc ở đây. May the Force be with you all!