Stablecoin: Từ đồng đô la mã hóa đến nền móng cho hệ thống tài chính mới?
Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump đã mang theo không chỉ kỳ vọng chính trị, mà còn một cú hích tinh thần cho thị trường crypto....
Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump đã mang theo không chỉ kỳ vọng chính trị, mà còn một cú hích tinh thần cho thị trường crypto. Trong khi nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đang ráo riết thử nghiệm CBDC, đồng tiên pháp định số do ngân hàng trung ương kiểm soát, thì Trump lại chọn một hướng khác. Ông tuyên bố sẽ “không bao giờ cho phép” CBDC xuất hiện tại Hoa Kỳ, lo ngại về quyền riêng tư và sự can thiệp quá sâu của nhà nước. Nhưng điều đáng chú ý hơn là: ông không phản đối toàn bộ tiến trình số hóa tiền tệ. Ngược lại, Trump cho thấy một thái độ cởi mở với stablecoin, một loại tiền mã hóa đặc biệt, không ồn ào như Bitcoin, không cứng nhắc như CBDC, nhưng lại đang tiến từng bước vững chắc vào đời sống tài chính toàn cầu.
Stablecoin là thứ tiền kỳ lạ. Nó không có tiềm năng làm bạn giàu nứt vách một đêm, cũng không đe dọa hệ thống tài chính hiện hành bằng những tuyên ngôn mang tính “chống đối”. Nó đơn giản chỉ thay thế các phương tiện chuyển tiền chậm chạp, đắt đỏ và giới hạn, bằng thứ gì đó nhanh hơn, rẻ hơn, và dễ tiếp cận hơn.
Nếu bạn từng chuyển tiền từ Mỹ về châu Á, có thể bạn đã thấy rõ điều đó. Một giao dịch quốc tế qua hệ thống SWIFT, ra đời từ năm 1973, vẫn mất từ 1 đến 5 ngày làm việc, phí dịch vụ dao động từ 25 đến 50 USD, chưa kể những tầng lớp trung gian khó kiểm soát và tỷ giá không minh bạch. Chỉ riêng năm 2023, thế giới mất hàng chục tỷ USD chỉ để "gửi tiền".
Trong khi đó, stablecoin, USDC, USDT hay DAI, có thể thực hiện cùng một giao dịch trong vòng vài giây, bất kể múi giờ, bất kể quốc tịch, và gần như miễn phí. Không cần ngân hàng, không cần giờ hành chính, không cần ai phê duyệt. Chỉ cần một thiết bị được kết nối internet.
Giữa một thế giới đang quay cuồng với tốc độ phát triển của công nghệ, các chính phủ đã buộc phải thay đổi. Họ có thể không còn coi Bitcoin là kẻ thù số một, nhưng rõ ràng vẫn giữ thái độ dè chừng với một loại tài sản quá khó kiểm soát, không biên giới, không ai đứng sau, và cũng chẳng thể bị “tắt đi” chỉ bằng một sắc lệnh.
Trong bối cảnh đó, stablecoin nổi lên như một điểm cân bằng. Không quá hoang dại như crypto thuần túy, nhưng cũng không bị bó buộc như CBDC. Chúng nằm ở giao điểm giữa cái cũ và cái mới, giữa sự ổn định và đổi mới. Từ một giải pháp tiện dụng cho giao dịch, stablecoin giờ đây đang trở thành lớp nền cho một hệ thống tài chính toàn cầu mới, nơi đô la Mỹ không chỉ tồn tại dưới dạng giấy bạc hay tài khoản ngân hàng, mà còn dưới dạng token hoạt động 24/7, phi tập trung, không cần xin phép ai.
Có thể Trump đã nhìn thấy điều đó. Stablecoin không chỉ là nơi trú ẩn khỏi biến động, chúng có thể là cầu nối để cuộc cải tổ tài chính toàn diện bắt đầu. Một cú nhảy vọt mà không cần phải đập đi tất cả.
Vậy stablecoin đang được sử dụng ra sao? Có những loại stablecoin nào, và mô hình nào từng thất bại cay đắng? Câu chuyện về khối lượng giao dịch vượt Visa, về cú sập Terra, về những blockchain thế hệ mới không còn thu phí... tất cả đang mở ra một tương lai rất khác cho thứ gọi là "tiền".
Hãy cùng bắt đầu.
Bài viết này nằm trong chuỗi nội dung của group Xóa Mù Crypto – cộng đồng do MoveSpiders kết hợp cùng Aptos Foundation xây dựng. Mục tiêu của series là giúp bạn hiểu rõ thế giới crypto một cách dễ tiếp cận: không hô hào, không đánh đố, chỉ toàn những chia sẻ thực tế, dễ hiểu, và có chiều sâu.
Đến với group, bạn sẽ góp nhặt được những kiến thức và khái niệm nền tảng làm hành trang. Kèm theo đó là những chia sẻ chân thật, những case study người thật việc thật trong thế giới crypto & blockchain, của nhiều cá nhân với nhiều vị trí & vai trò khác nhau - từ những lập trình viên, các thành viên từ các tổ chức lớn, tới những người làm cộng đồng hay người dùng cá nhân.
Nếu quan tâm, các bạn có thể tìm hiểu ở phần mô tả video này và tham gia group ngay hôm nay để bắt đầu hành trình “xóa mù crypto” của chính mình!
I. Từ “đô la mã hóa” đến nền móng tài chính mới
Thông thường, stablecoin được biết đến như đồng “USD trên blockchain”. Dù phần lớn stablecoin hiện nay neo theo đô la Mỹ – phản ánh vai trò trung tâm của nó trong thương mại toàn cầu – nhưng thị trường đang mở rộng ra nhiều đơn vị định giá khác như Euro, Bảng Anh, Yên Nhật, vàng (PAXG, XAUT), thậm chí cả tài sản thực như carbon credit. Mỗi loại phản ánh một nhu cầu riêng: thanh toán bản địa, phòng hộ rủi ro tiền tệ, hay tạo lớp lưu trữ giá trị mới.
Tuy vậy, đô la Mỹ vẫn là trung tâm. Stablecoin đầu tiên – Tether (USDT) – ra đời năm 2014 bởi đội ngũ Bitfinex, với mô hình đơn giản: nạp 1 USD ở đời thực, để nhận 1 USDT trên blockchain. Dù nhiều năm bị nghi ngờ vì thiếu minh bạch, Tether vẫn sống tốt và đến tháng 4/2025 đã đạt hơn 142 tỷ USD nguồn cung, trở thành stablecoin lớn nhất thế giới.
Từ đó, stablecoin bắt đầu phân hóa, không chỉ về kỹ thuật mà cả triết lý. Có thể chia thành ba loại chính:
1. Fiat-backed stablecoin (Stablecoin gắn với tài sản truyền thống)
Đây là hình thức stablecoin phổ biến nhất, và cũng dễ được thế giới tài chính truyền thống chấp nhận nhất. Cấu trúc rất đơn giản: mỗi token stablecoin phát hành ra thị trường được “chống lưng” bằng đúng một đơn vị USD hoặc tài sản tương đương (thường là T-bills, trái phiếu ngắn hạn...) được lưu ký tại ngân hàng. Đó là lý do vì sao các tổ chức như Tether (với USDT), Circle (với USDC), hay trước đây là Binance (với BUSD) chọn mô hình này để xây dựng lòng tin.
Ưu điểm lớn nhất của fiat-backed stablecoin là dễ hiểu và dễ tích hợp. Chúng hoạt động gần như tương đương với tiền mặt trong các app ngân hàng: ổn định, ít biến động, và tương thích với hệ thống kế toán và ngân hàng hiện tại. Với doanh nghiệp, đây là giải pháp “cầu nối” an toàn giữa crypto và tài chính truyền thống.
Tuy nhiên, cái giá phải trả là tính tập trung. Vì phụ thuộc vào ngân hàng lưu ký, tài sản có thể bị đóng băng, tài khoản có thể bị kiểm soát, và quyền phát hành hoàn toàn thuộc về một tổ chức cụ thể. Với những ai đặt niềm tin vào chủ nghĩa phi tập trung, đây là một giới hạn đáng kể.
2. Crypto-backed stablecoin (Stablecoin thế chấp bằng tài sản mã hóa)
Khác với các stablecoin bảo chứng bằng tiền pháp định, crypto-backed stablecoin được thế chấp hoàn toàn bằng tài sản mã hóa như ETH và vận hành trực tiếp trên blockchain, không cần đến ngân hàng hay tổ chức lưu ký. Đây là lựa chọn ưa thích của những người tin vào một hệ thống tài chính tự chủ, nơi mọi thứ được điều phối bởi smart contract và người dùng kiểm soát tài sản của chính mình.
Ví dụ điển hình là đồng DAI của dự án MakerDAO. Người dùng thế chấp ETH vào một “vault”, hệ thống sẽ phát hành DAI theo tỷ lệ thế chấp cao hơn giá trị phát hành (thường 150%) để tạo biên an toàn. Khi muốn rút lại ETH, người dùng chỉ cần hoàn trả DAI cùng một khoản phí nhỏ. Nhưng nếu giá ETH giảm sâu, hệ thống sẽ tự động thanh lý tài sản thế chấp để duy trì tỷ lệ an toàn.
Crypto-backed stablecoin mang lại tính phi tập trung, nhưng tính ổn định của chúng chỉ vững vàng chừng nào thị trường còn giữ được sự cân bằng. Khi tài sản thế chấp bắt đầu lao dốc, niềm tin vào đồng stablecoin cũng đứng trước thử thách khắc nghiệt nhất.
3. Algorithmic stablecoin (Stablecoin thuật toán)
Nếu fiat-backed đặt niềm tin vào ngân hàng, crypto-backed đặt niềm tin vào tài sản thế chấp, thì algorithmic stablecoin đặt niềm tin vào thuật toán. Không cần tài sản bảo chứng, chúng giữ giá nhờ cơ chế điều tiết cung cầu: in thêm khi giá cao, đốt cung khi giá thấp. Một mô hình nghe có vẻ hoàn hảo…trên lý thuyết.
Nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác hoàn toàn.
Dự án TerraUSD (UST) là ví dụ nổi bật, và cũng là cú sập kinh điển. Stablecoin UST đi kèm với một token thứ hai là LUNA, đóng vai trò như “bộ đệm” để hấp thụ biến động. Khi UST mất định giá (ví dụ còn 0.98 USD), người dùng có thể đổi 1 UST lấy 1 USD giá trị LUNA tương đương, khoảng chênh lệch này nhằm khuyến khích người dùng mua vào UST để đổi lấy LUNA, giúp tăng cầu và kéo giá UST trở lại mốc 1 USD.
Ngược lại, nếu UST vượt khỏi giá neo (ví dụ lên 1.02 USD), người dùng có thể đổi 1 USD giá trị LUNA lấy 1 UST, rồi bán ra thị trường để kiếm lời. Về lý thuyết, đây là một cơ chế arbitrage giúp ổn định giá hoàn hảo.
Nhưng tất cả vốn dựa vào niềm tin rằng LUNA có giá trị thật sự. Khi UST bắt đầu mất peg vào tháng 5/2022, thị trường hoảng loạn, người người đua nhau đổi UST lấy LUNA để rút khỏi hệ thống. Hệ thống đáp lại bằng cách in LUNA không giới hạn để đáp ứng nhu cầu rút, với hy vọng sẽ hút đủ UST ra khỏi thị trường và kéo giá về lại.
Kết quả: cầu UST không phục hồi, trong khi nguồn cung LUNA càng bùng nổ, dẫn đến siêu lạm phát, giá LUNA gần như về 0. Cả hai token nắm tay nhau chìm xuống đáy trong vòng vài ngày, khiến hơn 40 tỷ USD giá trị thị trường bị bốc hơi.
Cú sập Terra không chỉ là tai nạn kỹ thuật, mà là bài học đắt giá cho cả ngành crypto: một mô hình dù hợp lý trên giấy, nếu thiếu cơ sở tài chính vững chắc và lòng tin người dùng, sẽ sụp đổ chỉ trong một cú trượt nhẹ.
Từ sau vụ việc, gần như toàn bộ những mô hình tương tự, như AMPL, Basis Cash, hay Neutrino của Waves, đều mờ nhạt dần, nhường chỗ cho các hướng tiếp cận thận trọng và thực tế hơn.
Đằng sau mỗi loại stablecoin là một hệ tư tưởng: bạn tin vào chính phủ, vào crypto, hay vào thuật toán? Nhưng bất kể mô hình nào, tất cả đều đang cố gắng giải quyết cùng một bài toán: tạo ra một đơn vị giá trị ổn định, có thể di chuyển toàn cầu, mà không cần dựa vào hệ thống tài chính truyền thống.
Và khi stablecoin ngày càng phổ biến, chính câu hỏi về “ai nên được quyền phát hành tiền” đang trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.
II. Sự bùng nổ thầm lặng
Chúng không ồn ào như Bitcoin phá đỉnh. Cũng chẳng kích thích như NFT bùng nổ. Nhưng trong khi cả thị trường crypto đi qua những chu kỳ cuồng loạn và sụp đổ, stablecoin lặng lẽ phát triển theo một hướng khác: âm thầm, đều đặn, và cực kỳ thực dụng.
Trong năm 2024, tổng khối lượng giao dịch bằng stablecoin đạt 32,8 nghìn tỷ USD, vượt cả Visa, và chiếm hơn 50% tổng hoạt động on-chain.Có gần 200 triệu địa chỉ ví đã từng sử dụng stablecoin.Nguồn cung toàn thị trường đạt 235 tỷ USD, tương đương 1,1% tổng lượng tiền M2 của Hoa Kỳ.Và phần lớn trong số đó, khoảng 142 tỷ, thuộc về một cái tên quen thuộc: Tether.
Đây không còn là một công cụ dành riêng cho tệp dân chơi DeFi. Stablecoin giờ đã trở thành “đồng đô la kỹ thuật số” thực sự, phục vụ từ các nhà giao dịch nhỏ lẻ, đến các doanh nghiệp xuyên biên giới, cho đến người dân ở các quốc gia đang phát triển.
Stablecoin không chỉ là một công nghệ. Nó là lời giải thực dụng cho hàng loạt vấn đề mà hệ thống tài chính truyền thống để lại, đặc biệt là với những người ở rìa biên của toàn cầu hóa.
Ở các nước phát triển, bạn có thể dùng thẻ Visa để thanh toán một tách cà phê. Nhưng ở Lagos hay Buenos Aires, chuyện giữ một tài khoản ngân hàng bằng đô la Mỹ lại là điều xa xỉ. Ở đó, người dân không “đầu tư vào crypto”. Họ đơn giản chỉ tìm cách giữ USD, và stablecoin là lựa chọn khả dĩ nhất. Không cần giấy tờ, không cần qua ngân hàng, chỉ cần một ví điện tử.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi lạm phát vượt 70% trong năm 2022, stablecoin trở thành cách phổ biến để bảo toàn giá trị. Ở Nigeria, người dân dùng USDT như đồng tiền chính trong các giao dịch online. Và ở Argentina, quốc gia có chính sách kiểm soát vốn gắt gao, stablecoin mở ra con đường thoát khỏi hệ thống ngân hàng bị giới hạn và đồng nội tệ lao dốc.
Nhưng stablecoin không chỉ dành cho cá nhân. Trong thương mại quốc tế, chúng đang được dùng như một lớp thanh toán mới. Hãy tưởng tượng một công ty dầu ở Trung Đông bán hàng cho khách ở châu Á, thay vì chờ ngân hàng xác nhận, đối mặt với rủi ro tỷ giá, phí trung gian và thủ tục rườm rà, họ có thể giao dịch ngay lập tức, xuyên biên giới, không cần qua ngân hàng trung ương. Năm 2024, Tether từng tài trợ cho một thương vụ dầu trị giá 45 triệu USD theo đúng cách đó, nhanh, gọn, không lằng nhằng.
Ở lĩnh vực DeFi, stablecoin là máu chảy trong tĩnh mạch hệ sinh thái. Chúng là đơn vị tính toán, là tài sản thế chấp, là phương tiện cho các hoạt động vay – mượn – thanh toán – staking – cung cấp thanh khoản – và cả farming. Việc bạn có thể tham gia vào một sản phẩm tài chính, nhận lợi tức, mà không cần ngân hàng hay hợp đồng giấy tờ, đó chính là điều kì diệu mà DeFi và stablecoin đã cùng nhau làm nên.
Và rồi, còn một lĩnh vực nữa ít được nhắc đến: kiều hối. Hơn 800 tỷ USD mỗi năm được gửi bởi những người lao động xa quê về cho gia đình họ. Với phí trung bình 6–8%, mỗi năm có hàng chục tỷ USD bị mất cho các trung gian như Western Union. Stablecoin, với thời gian chuyển tức thì và phí gần bằng 0, đang là giải pháp lý tưởng, không phải trên lý thuyết, mà đã thật sự xảy ra, đặc biệt tại châu Phi và Đông Nam Á.
Tóm lại, stablecoin đang đi vào đời sống không qua cửa chính sách hay tuyên truyền, mà bằng tính hữu dụng. Nếu phải chọn một lý do khiến stablecoin đáng chú ý, thì đó không chỉ là vì chúng làm được những việc mà tiền truyền thống đã làm, mà vì chúng làm tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, và phù hợp với nhịp sống hiện đại hơn.
Bạn có thể gửi một stablecoin qua Ethereum trong khoảng 12 giây, con số có thể chưa ấn tượng với người dùng web2, nhưng vẫn là một bước nhảy so với các hệ thống ngân hàng quốc tế. Còn nếu bạn chuyển qua Tron, tốc độ chỉ còn khoảng 3 giây. Và nếu bạn dùng Plasma, một blockchain mới được thiết kế riêng cho stablecoin, thì giao dịch hoàn tất trong dưới 1 giây, với phí bằng 0.
Ngoài ra, một cái tên khác cũng đang dần khẳng định vị thế trong mảng thanh toán là Aptos. Với tốc độ xử lý cực nhanh, độ trễ thấp, phí giao dịch gần như bằng không và trải nghiệm người dùng mượt mà, Aptos đang trở thành nơi lý tưởng cho các ứng dụng tài chính vận hành theo thời gian thực. Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu của họ là: “Money moves better on Aptos.”
So sánh điều đó với hệ thống tài chính truyền thống: SWIFT có thể mất đến 5 ngày làm việc để xử lý một giao dịch xuyên biên giới. Visa và PayPal vẫn dựa vào mô hình tính phí phần trăm, một mô hình không thân thiện với các giao dịch vi mô. Thậm chí Visa, trong năm 2023, đã xử lý 276 tỷ giao dịch, nhưng giá trị trung bình mỗi giao dịch chỉ là 54 USD.
Stablecoin thì khác. Trong năm 2023, số lượng giao dịch chỉ là 2,6 tỷ, một phần rất nhỏ so với Visa. Nhưng giá trị trung bình mỗi giao dịch lại là... 4.200 USD.
Điều đó cho thấy: stablecoin hiện đang hoạt động ở một tầng lớp khác, nơi người dùng không còn chỉ là người tiêu dùng cá nhân, mà là những người đang xử lý dòng tiền có ý nghĩa lớn hơn: thương mại, đầu tư, chuyển vốn. Chúng chưa được sử dụng đại trà cho những tô phở hay cốc cà phê buổi sáng, nhưng đã và đang định hình tiêu chuẩn cho các giao dịch cần tốc độ, ổn định, và chi phí thấp.
Và giống như mọi công nghệ dựa vào mạng lưới, internet, điện thoại, hay mạng xã hội, stablecoin càng có nhiều người dùng, thì hệ sinh thái xung quanh càng phát triển nhanh hơn. Khi ngày càng có nhiều người chuyển tiền bằng stablecoin:
Nhiều thương nhân bắt đầu chấp nhận chúng như một hình thức thanh toán.
Nhiều ví điện tử tích hợp sẵn stablecoin vào giao diện mặc định.
Nhiều ứng dụng DeFi, CEX, ví lạnh, ví nóng... xây dựng các sản phẩm xung quanh chúng.
Và mỗi bước đi đó, dù nhỏ, góp phần củng cố niềm tin.
Stablecoin không khiến ai trở thành tỷ phú sau một đêm. Chúng không hứa hẹn “x100”. Nhưng điều mà chúng đang lặng lẽ làm, là xây lại cơ sở hạ tầng của tiền, từng dòng lệnh, từng giao dịch, từng trường hợp sử dụng.
III. Những vết nứt đầu tiên: Khi stablecoin không còn “ổn định”
Mỗi công nghệ mới đều phải trải qua thời kỳ thử thách. Với stablecoin, cú sốc mang tính chấn động đến vào tháng 5 năm 2022, khi hệ sinh thái Terra sụp đổ.
Hậu quả không chỉ là một cú rút tiền khổng lồ. Đó là một vết rạn trong niềm tin: Stablecoin – thứ được xem là “an toàn” – giờ đây không còn bất khả xâm phạm. Câu hỏi được đặt ra: “Liệu có mô hình nào thực sự an toàn? Ai là người giám sát?”
Sau cú sập của Terra, thị trường stablecoin không còn giữ được sự ngây thơ ban đầu. Cảm giác rằng “mọi thứ rồi sẽ tự cân bằng nếu thiết kế đủ khéo” bỗng trở nên quá mong manh. Những gì từng được coi là đột phá, cơ chế co giãn cung tiền tự động, thuật toán điều tiết thị trường không cần tài sản thế chấp, giờ trở thành minh chứng sống cho một bài học đau đớn: niềm tin không thể được lập trình.
Một trong những cú xoay chiều rõ rệt nhất đến từ chính MakerDAO, hệ thống phát hành DAI, stablecoin phi tập trung hàng đầu lúc bấy giờ. DAI từng tự hào rằng nó được thế chấp hoàn toàn bằng tài sản crypto, không cần phải phụ thuộc vào đô la hay ngân hàng truyền thống. Nhưng sau cơn bão niềm tin năm 2022, DAI dần “ôn hòa hóa”: đầu tiên là thế chấp bằng USDC, sau đó tích hợp thêm trái phiếu Mỹ (T-bills), và hiện tại có đến một nửa nguồn cung DAI được hỗ trợ bởi tài sản truyền thống. Sự phi tập trung giờ đây trở thành một lý tưởng bị điều chỉnh theo thực tế.
Về phía các nhà lập pháp, cú sập Terra giống như một hồi chuông cảnh báo không thể làm ngơ. Ở Mỹ, các bản dự luật như Stablecoin Regulation Act được đưa ra nhằm kiểm soát chặt hơn cách các công ty phát hành stablecoin vận hành, yêu cầu minh bạch dự trữ, kiểm toán định kỳ, và trong một số trường hợp, giới hạn quy mô lưu hành. Châu Âu nhanh chóng thông qua MiCA, khung pháp lý toàn diện cho tài sản số, trong đó có cả stablecoin, với tiêu chuẩn rõ ràng về tính thanh khoản và sự ổn định.
Thị trường cũng tự điều chỉnh. Niềm tin vào các stablecoin "thuật toán" gần như tan rã hoàn toàn. Những cái tên như AMPL, Basis Cash, hay Neutrino của Waves, vốn từng được xem là “những cú chơi lớn” trong DeFi, nay chìm vào lãng quên. Không ai còn mặn mà với những mô hình chỉ dựa vào cơ chế kỹ thuật thuần túy mà thiếu cơ sở giá trị thực.
Nhưng điều kỳ lạ là: stablecoin không chết. Thay vì sụp đổ, chúng thích nghi. Và chính trong giai đoạn hỗn loạn đó, một thế hệ stablecoin mới bắt đầu định hình, thực tế hơn, linh hoạt hơn, và trưởng thành hơn.
Các stablecoin fiat-backed như USDT và USDC không còn né tránh câu chuyện kiểm toán. Họ chủ động công bố báo cáo dự trữ, hợp tác với các công ty kế toán lớn để đảm bảo rằng mỗi token đều được “chống lưng” bằng tài sản thật. Trong khi đó, các dự án crypto-backed cũng điều chỉnh chiến lược: MakerDAO không còn kỳ vọng xây dựng một hệ thống hoàn toàn tách rời khỏi tài chính truyền thống, mà hướng tới mô hình lai, tận dụng cả tính thanh khoản của tài sản thật lẫn tính tự động của DeFi.
Ngay cả những mô hình thuật toán mới, nếu còn tồn tại, cũng đi theo hướng khiêm tốn hơn, đặt trọng tâm vào giới hạn rủi ro thay vì hứa hẹn sự hoàn hảo. Không còn những whitepaper 50 trang đầy thuật toán kinh tế vĩ mô được vẽ ra bởi các lập trình viên thiếu kinh nghiệm tài chính. Giấc mơ về “đồng tiền phi tập trung hoàn toàn” không còn bị bỏ đi, nhưng nó được nhìn bằng con mắt tỉnh táo hơn.
Và như bất kỳ giai đoạn thanh lọc nào trong công nghệ, những gì bị thổi bay bởi cơn bão thường là những mô hình thiếu nội lực. Phần còn lại, những stablecoin hiểu rõ vị trí, rủi ro, và vai trò của mình, chính là nền tảng cho chương tiếp theo.
IV. Chặng cuối của tiền tệ: những nút thắt còn dang dở
Stablecoin có thể di chuyển tức thì trên blockchain, xuyên biên giới, không cần thông qua hệ thống ngân hàng, với phí giao dịch gần như bằng không. Nhưng khi stablecoin tìm đến đời hực, nôm na là lúc bạn muốn rút tiền, mua hàng, hoặc dùng chúng như tiền mặt, mọi sự phức tạp mới bắt đầu lộ diện.
Giới tài chính gọi đây là “last mile”, chặng cuối cùng, nơi giá trị kỹ thuật số cần được quy đổi thành giá trị sử dụng thực tế. Dù công nghệ đã sẵn sàng, thì trải nghiệm người dùng vẫn bị giới hạn bởi những nút thắt mang tính hạ tầng và pháp lý.
Ở nhiều quốc gia, việc rút stablecoin về tiền mặt vẫn là một hành trình nhiều bước: cần có tài khoản sàn, cần xác minh danh tính, cần đối tác ngân hàng trung gian — và tất cả những yếu tố đó chưa bao giờ được thiết kế để phục vụ cho trải nghiệm mượt mà. Đó là lý do vì sao dù USDT từ ví của bạn ở Hà Nội có thể chuyển đến ví của người yêu bạn ở TP Hồ Chí Minh trong vài giây, người nhận yêu bạn vẫn không thể dùng số tiền đó để mua một 100 cái chả giò, trừ khi có sàn giao dịch hỗ trợ, hoặc một dịch vụ chuyển đổi phù hợp hoạt động ở địa phương.
Khi quy mô giao dịch tăng lên, vấn đề càng rõ rệt. Một doanh nghiệp muốn rút hàng triệu đô stablecoin để trả lương hoặc thanh toán quốc tế có thể vướng phải các lớp thủ tục ngân hàng, giới hạn quốc gia, hoặc thậm chí bị từ chối giao dịch, chỉ vì liên quan đến “crypto.” Mạng lưới ngân hàng quốc tế vẫn là một hệ thống phân mảnh, mỗi nơi một luật chơi, mỗi tổ chức một mức độ “chịu chơi” với tài sản số. Stablecoin có thể di chuyển xuyên biên giới. Nhưng hệ thống tài chính thì không dễ thay đổi như vậy.
Thêm vào đó là yếu tố pháp lý. Ở nhiều nước, stablecoin không bị cấm, nhưng cũng không được chào đón. Các chính phủ lo ngại rằng stablecoin đang vô hiệu hóa các biện pháp kiểm soát vốn, vốn là công cụ quan trọng để điều tiết dòng tiền và giữ ổn định tỷ giá. Điều này dẫn đến các chính sách thắt chặt như hạn chế chuyển tiền quốc tế, khoá thẻ tín dụng dùng để mua USDT, hay không cấp phép cho các sàn hỗ trợ off-ramp bằng stablecoin. Mà Việt Nam là ví dụ điển hình khi các bác nhà ta vẫn chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng.
Kết quả là stablecoin tuy hoạt động mượt mà trong không gian kỹ thuật số, nhưng khi bước chân ra thế giới thực, chúng vẫn bị chặn lại bởi hàng rào pháp lý, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và khoảng cách niềm tin giữa hệ thống cũ và mới. Đó không phải là thất bại của công nghệ, mà là lời nhắc rằng: một cuộc cách mạng tiền tệ thực sự, muốn thành hình, không chỉ cần code, mà cần kết nối, với luật pháp, với hạ tầng, và quan trọng nhất là với con người.
V. Khi số đông gặp hạ tầng: nền móng thật sự cho đồng tiền mới
Dù còn nhiều nút thắt, stablecoin có trong tay một vũ khí mà rất ít công cụ tài chính từng có được: hiệu ứng mạng. Giống như WhatsApp trở nên không thể thiếu khi bạn bè, đồng nghiệp, gia đình đều dùng nó, stablecoin cũng ngày càng mạnh lên khi số lượng người dùng tăng lên. Mỗi người dùng mới không chỉ thêm một giao dịch, mà còn tăng tính hữu dụng cho toàn mạng lưới: thương nhân bắt đầu chấp nhận stablecoin, ví điện tử tích hợp sẵn stablecoin như một điều tất yếu, ứng dụng DeFi xây dựng các sản phẩm xoay quanh nó, và các nhà phát hành tài sản số bắt đầu định giá bằng stablecoin.
Tom Blomfield, đồng sáng lập ngân hàng số Monzo, từng nói: “Mỗi người dùng mới làm sản phẩm tốt hơn cho người dùng cũ.” Điều này còn được biết đến với cái tên Network Effect, và nó hoàn toàn đúng khi ta nói về bức tranh thị trường stablecoin.
Nhưng có một điều ít người nói đến: hiệu ứng mạng chỉ phát huy sức mạnh khi hạ tầng có thể chịu tải được nó.
Hãy tưởng tượng bạn sống trong một khu phố, và tất cả hàng xóm đều chuyển sang dùng một loại tiền mới, nhưng cây ATM gần nhất cách đó 50km, ví điện tử liên tục lỗi, và mỗi lần chuyển tiền lại mất phí cao. Mạng lưới có thể đang phát triển, nhưng nếu hạ tầng không kịp nâng cấp, sự tăng trưởng ấy sẽ trớ trêu lại trở thành gánh nặng.
Và đó chính là lý do tại sao, sau cú sốc Terra, những người thực sự hiểu tầm quan trọng của stablecoin không còn tập trung vào “sản phẩm tài chính” nữa, mà bắt đầu xây dựng lại nền móng hạ tầng, từ tầng cơ sở.
Ethereum, nơi khai sinh phần lớn stablecoin, dần bộc lộ giới hạn về chi phí và tốc độ. Tron bước lên như lựa chọn phổ thông, nhanh, rẻ, chiếm hơn 69% giao dịch USDT toàn cầu năm 2024, nhưng đánh đổi tính phi tập trung để lấy hiệu năng, khiến nhiều người e ngại.
Một số blockchain thế hệ mới như Aptos đang mang lại hướng đi khác. Với kiến trúc song song và công nghệ Move, Aptos cho phép xử lý hàng chục nghìn giao dịch mỗi giây, độ trễ gần bằng 0, chi phí chỉ vài xu. Trải nghiệm chuyển tiền liền mạch đến mức người dùng khó nhận ra sự khác biệt giữa việc gửi 5 đô hay 5 triệu. Không phải ngẫu nhiên mà cộng đồng Aptos chọn khẩu hiệu: “Money moves better on Aptos.”
Song song đó, một số hạ tầng mới được xây dựng riêng cho stablecoin. Plasma, sidechain của Bitcoin, là ví dụ điển hình: giao dịch dưới 1 giây, phí bằng 0, neo trạng thái vào Bitcoin để đảm bảo bảo mật, và tương thích EVM để hỗ trợ các ứng dụng DeFi.
Ngoài ra, còn có các rollup như Arbitrum, Optimism (trên Ethereum); Base (do Coinbase phát triển); hay Solana, nơi stablecoin đóng vai trò như “nhiên liệu” cho toàn bộ hệ sinh thái game, DePIN và mạng xã hội phi tập trung.
Tất cả điều này đang dẫn tới một điểm rõ ràng: stablecoin không còn là một token đơn lẻ. Chúng là một lớp hạ tầng dịch vụ (base layer service) đòi hỏi được phục vụ bởi hệ sinh thái riêng, thiết kế riêng, và tầm nhìn riêng.
Và nếu stablecoin thực sự là “đô la của internet”, thì nơi ở của chúng không thể là giải pháp vá víu. Chúng cần một mái nhà đủ vững chắc, đủ tối ưu, và đủ mở để đón nhận hàng trăm triệu người dùng tiếp theo.
Cuộc đua xây dựng hạ tầng stablecoin không rầm rộ như các đợt bull run. Nhưng đó mới là nơi đang âm thầm định hình trật tự tài chính số của thế hệ tiếp theo.
Payments are dead; long live payments.
Nếu stablecoin dạy chúng ta điều gì, thì đó không phải là tiền tệ cần được thay thế, mà là nó cần được vận hành tốt hơn.
Chúng ta không phủ nhận vai trò của hệ thống tài chính truyền thống, nó đã phục vụ thế giới suốt hàng thế kỷ. Nhưng thế giới đã thay đổi. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà dữ liệu di chuyển tức thì, con người kết nối xuyên biên giới, và nền kinh tế không còn chỉ giới hạn trong đường biên giới của một quốc gia. Trong bối cảnh đó, cách mà tiền di chuyển cũng cần được tái định hình.
Stablecoin xuất hiện không để lật đổ, mà để bổ sung. Chúng không phải giải pháp hoàn hảo, nhưng đang dần chứng minh rằng việc chuyển giá trị có thể diễn ra nhanh hơn, rẻ hơn và công bằng hơn. Và quan trọng hơn cả, chúng mở rộng quyền tiếp cận tài chính đến những nhóm người mà trước đây vốn bị loại trừ, không phải vì họ không cần, mà vì họ chưa từng được trao cơ hội.
Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận, về pháp lý, về tính ổn định, về an toàn hệ thống. Nhưng tranh luận là một phần của tiến hóa. Và điều chúng ta đang thấy, từng bước một, là sự hình thành của một lớp hạ tầng tài chính mới, nơi stablecoin không chỉ là công cụ tiện dụng, mà là nền móng cho một hệ giá trị số mang tính toàn cầu.
“Payments are dead; long live payments.” Không phải một tuyên ngôn, mà là một sự chuyển giao. Từ những gì đã cũ kỹ, sang những gì đang dần trở nên đúng với thời đại. Và stablecoin, rất có thể, là chiếc cầu nối trong quá trình chuyển giao đó.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất