Bạn có thể theo dõi video đầy đủ tại link:
Đăng ký nhận thông tin series Bookcast của Spiderum để không bỏ lỡ những cuộc nói chuyện thú vị: https://bit.ly/3w3Ej7e
Vào trưa 12.5, số bookcast thứ 2 của Spiderum đã lên sóng với sự tham gia đặc biệt của chị Ngô Hà Thu - giảng viên, biên - phiên dịch tự do xoay quanh những câu chuyện về nghề biên - phiên dịch. Hãy cùng Spiderum điểm lại những chia sẻ vô cùng thiết thực đền từ hai nhân vật host của chúng mình nhé!

Bức tranh nghề biên - phiên dịch có gì?

Có 4 hình thức phiên dịch phổ biến

Đầu tiên là phiên dịch song song hoặc đồng thời - ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích gần như được nói và dịch đồng thời, hoặc chênh lệch khoảng 5 giây. Đây là hình thức phiên dịch phổ biến tại các hội nghị, cuộc họp lớn, ... Các phiên dịch viên thường ngồi trong buồng nhỏ có vách cách âm với bên ngoài (giống cabin), đeo tai nghe và nói vào micro. Cái khó của dịch cabin là phải móc nối liền mạch là logic cả ý trước và sau của ngôn ngữ nguồn để không gây khó hiểu cho người nghe. 
Kế tiếp là phiên dịch nối tiếp. Điểm khác biệt lớn nhất so với dịch song song là ở sự nối tiếp - hết ngôn ngữ nguồn rồi dịch sang ngôn ngữ đích, liên tục lặp lại quá trình như thế. 
Hình thức tiếp theo là phiên dịch tháp tùng/hộ tống. Phiên dịch viên đi theo một đoàn (thường thấy trên truyền hình là đi bên cạnh các nguyên thủ quốc gia) hoặc khách hàng trong chuyến công tác/du lịch để đảm bảo tiến độ cập nhật xuyên suốt buổi thảo luận, hội đàm. 
Cuối cùng là dạng phiên dịch thầm. Cũng là một dạng dịch song song, nhưng phiên dịch viên thường ngồi gần người cần nghe dịch và thì thầm bên tai để truyền tải nội dung cho họ. 

Đâu là cơ hội dấn thân vào nghề?

Biên - phiên dịch - tên của nghề cũng đã chia khá rõ hai hướng công việc chính mà bạn có thể lựa chọn khi tham gia vào mảng dịch thuật. Trước khi đi sâu vào cơ hội làm việc, các bạn cũng nên phân biệt biên - phiên dịch dựa vào một số tiêu chí tiêu biểu. 
Biên dịch thường được biết tới là nghề dịch viết (translation), làm việc với văn bản dạng chữ, còn phiên dịch được gọi là nghề dịch nói (interpreting), làm việc với văn bản dạng lời nói. 
Có thể thấy qua 4 hình thức phiên dịch nêu trên, nghề phiên dịch đòi hỏi tốc độ nhanh hơn so với biên dịch - có nhiều thời gian hơn, chọn lựa câu chữ, tra cứu kỹ càng hơn, dẫn đến kiểm duyệt chặt chẽ hơn. 
Cơ hội nghề biên - phiên dịch tương đối mở rộng. Chỉ riêng 4 hình thức phiên dịch nêu trên cũng là 4 nhóm công việc mà bạn có thể lựa chọn. Biên dịch thì phổ biến nhất là dịch sách với nhiều thể loại khác nhau, nhiều thứ tiếng khác nhau… 

Liệu có một “lộ trình” chung cho các bạn đam mê biên - phiên dịch?

Sẽ không có một “role model” nào có thể áp dụng chung cho tất cả mọi người, nhưng có những tâm thế, kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm mà các bạn theo đuổi biên - phiên dịch nên tự trang bị cho mình để tăng sự cạnh tranh

Về thái độ 

3 “phẩm chất” tiêu biểu của một người làm biên - phiên dịch
- Trung thực - với khả năng của bản thân, không nên nhận những dự án quá sức với mình. 
- Tỉ mỉ - format chỉn chu, kể từ những thứ nhỏ nhất như dấu câu, viết hoa, cách trình bày, thẩm mỹ nói chung 
- Kỷ luật - cam kết đúng deadline, thẳng thắn trao đổi trong hợp tác, điều chỉnh thời hạn hợp lý để đảm bảo đầu ra đúng hạn.           

Về kĩ năng 

Dịch thuật là sự tương tác qua lại giữa hai ngôn ngữ là điều không thể thiếu, nên nếu chỉ thông tạo một chiều ngôn ngữ thì nó chỉ đơn thuần là word by word. Chính vì thế, việc thành thạo ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích là rất quan trọng và gắn bó mật thiết với nhau.
Với người dịch viết, khả năng đọc hiểu, viết lách, chau chuốt ngôn từ là chìa khóa thì với người dịch nói, sự hoạt ngôn, phản ứng nhanh nhạy và kỹ năng nghe – nói tốt mới là “bàn đạp” dịch tốt. 
Bên cạnh đó, bạn cần liên tục cập nhật những kiến thức chuyên môn thuộc nhiều ngành nghề khác nhau cho các dự án khác nhau. Điều đó có nghĩa là bạn cần có kỹ năng, khả năng tự học, tự nghiên cứu kiến thức nền cũng như xu hướng công nghệ, công cụ để sử dụng các thiết bị một cách hiệu quả. Tự học để liên tục đổi mới, nhưng cũng là liên tục trau dồi, mài sắc kỹ năng dịch cũng như khả năng sử dụng ngoại ngữ. 

Về kiến thức

“Kiềng ba chân” nhóm kiến thức rất quan trọng cho dân biên - phiên dịch bao gồm: 
- Thứ nhất là nhóm năng lực nền - kiến thức các chuyên ngành khác nhau. Không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội được dịch những dự án ngành mình đã rất quen thuộc như kinh tế mà còn  gặp thử thách ở những ngành khó nhằn như y học, luật, … Nếu không có background học từ các trường thuộc khối kinh tế, y, … thì bạn càng cần dành ra nhiều thời gian và công thức để học. 
- Tiếp theo là nhóm năng lực chuyên môn dịch. Đây có thể là lợi thế của những bạn theo học chuyên ngành biên - phiên dịch trong trường đại học từ trước. Nhưng năng lực dịch vẫn có thể hoàn toàn tự xây dựng và bồi đắp được. Bạn có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ như tự dịch một đoạn văn bản/video, và nhờ những người có chuyên môn cao trong cộng đồng dịch góp ý. Cũng có khá nhiều khóa học hay kênh youtube để bạn hiểu quy cách và kỹ thuật dịch - Spiderum sẽ để nguồn tham khảo được gợi ý từ chị Hà Thu ở phần dưới nhé. 
- Cuối cùng là nhóm kỹ năng sử dụng công nghệ phụ trợ. Hãy coi công nghệ là cơ hội, là người bạn đồng hành lớn chứ không phải một thứ gì đó có thể thay thế biên - phiên dịch viên. Người dịch hiệu quả không chỉ là dịch đúng mà còn là dịch tốc độ, luôn cần cải tiến cách làm để đạt hiệu suất cao hơn.  

Nhân sự trong ngành tự làm mới bản thân mình như thế nào? 

Chìa khóa để sống lâu, sống nhiệt với nghề bằng cách luôn luôn tự cải thiện, “upgrade” bản thân, bởi giỏi ngôn ngữ không phải là tất cả, nhất là khi việc thành thạo ngoại ngữ đang trở thành xu hướng phổ cập. 
Có kĩ năng, kiến thức, trải nghiệm rồi thì hãy cố gắng biết thêm cả cách “show you work” - những hoạt động, chứng chỉ, kinh nghiệm của bản thân trước khi được mời gọi. Bạn có thể tự xây dựng portfolio thông qua các nền tảng như wix, wordpress như một dạng CV online. 

Các nguồn học tập hữu ích cho các bạn tham khảo. 

4 cuốn sách “gối đầu giường” cho dân biên - phiên dịch 

- Hồ Đắc Túc - Dịch thuật và Tự do. Bạn có thể tìm mua sách tại nhà sách Phương Nam. 
- Peter Newmark - A Textbook for Translation Studies
- Daniel Gouadec - Translation as a Profession
- Andrew Gillies  - Conference Interpreting (bài tập luyện)

4 nguồn học vô tận và chất lượng

- Group: https://www.facebook.com/groups/bienphiendichtienganh/?ref=share
Fanpage: @dominhhoangpd - bạn có thể search nguyên cụm từ này trên Facebook và sẽ thấy trang facebook của thầy. Bạn có thể theo học lớp kỹ năng dịch của thầy để cải thiện trình độ nhé.
Youtube: 
https://www.youtube.com/c/EUInterpreters  - kênh youtube phiên dịch của mấy bác Tây dịch cho UN và EU
Web tự học:
Đây là trang web giúp phụ trợ cho các bạn chuyên về phiên dịch hội thảo (cả dịch nối đoạn và dịch song song).
Đừng quên đón xem series Bookcast của Spiderum vào thứ 5 hàng tuần để được gặp gỡ và trò chuyện với người trong muôn nghề với những chia sẻ hành trình sự nghiệp đầy thú vị!!! Đăng ký nhận thông tin series Bookcast của Spiderum để không bỏ lỡ những cuộc nói chuyện thú vị: https://bit.ly/3w3Ej7e