Space Squad: Gavan vs. Dekaranger và chuyện về một series bị "vắt sữa" quá mức.
Nhận xét nhẹ về movie Space Squad: Gavan vs. Dekaranger
Đây là chút góc nhìn của mình - một fan của Dekaranger về movie ra mắt năm 2017. Nếu các bạn chưa xem, hãy xem xong movie và quay lại sau. Hi vọng các bạn ném gạch nhẹ nhàng.
TỔNG QUAN
Space Squad: Gavan vs. Dekaranger (từ đây sẽ gọi là SGD) là movie cuối cùng của series Dekaranger sau: Deka vs Aba, Deka vs Magi và Deka 10 years after. Bối cảnh của phim diễn ra sau bộ movie 10 years after. Lần này, chiến đội Deka kết hợp với thành viên của Space Sheriff phá tan âm mưu của Mad Gallant và đồng bọn.
KỊCH BẢN - NỘI DUNG
Thứ nhất, nói về thời lượng phim, không biết vì lí do gì mà nhà sản xuất lại để phim kéo dài tới hơn 1h, cụ thể là 1h25ph, dài hơn quá nhiều so với những movie khác vốn chỉ khoảng 45ph của series.Dễ hiểu với một thời lượng dài quá mức như vậy, bộ phim có kịch bản khá cầu kỳ, chỉn chu nhưng cũng quá nhiều chi tiết thừa và cả nhân vật thừa.
Thứ hai, về cách kể chuyện, sắp xếp các tình huống, bộ phim vẫn làm khá tốt khi ngay từ đầu phim, khán giả đã nhìn thấy được phản diện chính mà 2 đội đặc nhiệm phải giải quyết: Mad Gallant!
Quá trình phá án cũng được trình bày khá ổn khi liên tục đẩy người xem vào thế hồi hộp, lo lắng. Nhưng khi phim lên cao trào thì đội ngũ sản xuất lại xử lý rất...dở. Ở cuối phim, khi Mad Gallant bị đánh bại, người xem không được biết tên này bị trừng phạt ra sao? Chỉ có con quái vật được hắn triệu hồi - Satan Gorth là bị tiêu diệt bởi phát bắn của Ban, chưa kể hành động cuối phim của nữ phản diện Benikiba cũng khiến người xem không khỏi thắc mắc, chẳng lẽ Toei vẫn còn muốn "vắt sữa" tiếp hay sao mà để cái kết như vậy?
Trong hầu hết các series super sentai, khản giả sẽ thấy phần nào đó "thỏa mãn" khi phản diện bị trừng trị ở cuối phim. Nhưng ở SDG, phản diện chỉ bị ăn vài nhát chém của nhân vật Geki và sau đó chẳng ai biết hắn có bị trừng trị không. Đây là lí do khiến mình thấy khá khó chịu khi xem phim.
Chưa kể, việc có quá nhiều nhân vật và chi tiết thừa khiến mạch phim bị kéo dài một cách quá mức, cũng không thiếu những tình huống mà biên kịch xử lý tương đối gượng gạo. Ví dụ đơn giản: Lars đâm vào sườn của Umeko ở phân cảnh nhà máy, nhưng lát sau Umeko lại bị đau ở...chân (ủa jztr?)
Ngoài ra, ở đầu phim, đám cưới của Sen và Umeko đã phải hoãn lại, sẽ là "nhân văn" hơn nếu cuối phim viewer được chứng kiến cặp đôi này trao nhẫn và hôn nhau.
Tất nhiên, không nên đòi hỏi quá nhiều về kịch bản cũng như tính logic ở 1 bộ super sentai với đối tượng người xem chủ yếu là trẻ em. Nhưng nếu Toei muốn "tri ân" những khán giả của series Deka thì cũng phải hiểu rằng ở thời điểm phim ra mắt, những cô cậu nhóc ngày nào đã ngấp nghé tuổi 20 rồi, đâu thể dùng bài "lừa trẻ con" được?
DÀN NHÂN VẬT
Cách xây dựng nhân vật là thứ yếu nhất ở movie SDG! Bộ phim dài gấp đôi những movie khác, nhưng những nhân vật cả thiện, cả tà; cả chính cả phụ trong phim đều xây dựng quá thiếu chiều sâu.
Những tên tội phạm chưa thể làm thỏa mãn khán giả. Nên nhớ, thứ làm nên sức hút của series Dekaranger chính là việc biên kịch đã dành tặng cho mỗi tên tội phạm một câu chuyện riêng trong một tập phim khoảng 30 phút, thứ không xuất hiện ở movie SDG dài tới 1h25 phút.
Về phản diện chính, Lars/Mad Gallant, nhân vật này được giới thiệu ngay từ đầu phim nhưng sau đó khán giả mới được biết Lars từ người bình thường, nhặt mặt nạ Mad Gallant xong hóa thú, trở nên mạnh mẽ, sẵn sàng solo với cả Deka Master.
Nhưng cụ thể Lars là ai? Sao lại quen Kuronen và Benikiba rồi động cơ của Lars là gì? Chẳng ai biết cả, thứ duy nhất nhân vật này làm tốt chính là khiến khán giả...căm ghét vì sự tàn ác để rồi háo hức chờ đợi màn xét xử vì những tội ác của mình (và ở cuối phim chuyện gì xảy ra chắc các bạn đã rõ).
Nữ phản diện Benikiba cũng được giới thiệu một cách khá...khó hiểu khi tự nhiên xuất hiện và combat với những Dekarangers trên phi thuyền, chẳng ai biết bả từ đâu tới. Vai trò của nữ ninja này làm mình nhớ tới vai trò của Cipher trong Fast 9 vừa qua - một...bình hoa di động. Nói vài câu epic, đánh đấm vài đường xong...thôi, chẳng có tí liên kết nào với những nhân vật khác. Ấn tượng duy nhất về nhân vật này có lẽ là lúc Benikiba tự...cắt tay mình để tháo còng sau khi bị Deka Yellow khống chế (ủa Deadpool hay gì).
Kuronen cũng vậy, Kuronen được giới thiệu với khá nhiều sức mạnh nhưng rồi bị tiêu diệt một cách lãng xẹt ở cuối phim.
Dàn nhân vật phản diện xây dựng hời hợt đã đành, những nhân vật chính diện cũng chưa thật ấn tượng, đặc biệt là Shelly. Shelly đóng vai trò nhân vật chìa khóa cho cả bộ phim nhưng tất cả những gì nhân vật này đóng góp được chỉ là...làm bao cát cho Lars đấm, khóc lóc và 1 cái vẫy tay rất...khó hiểu ở đoạn cuối.
Hãy nhìn sang phần movie 10 years after, nhân vật chìa khóa là Carrie cũng không có nhiều đất diễn nhưng nhân vật này có chiều sâu hơn rất nhiều và cũng có câu chuyện của riêng mình - thứ mà biên kịch không lặp lại ở Shelly.
Diễn viên gạo cội Ohba Kenji cũng có 1 vai trong movie này, nhưng ngoài việc nói vài câu ngầu ngầu, đấm vài thằng creep và trao kiếm cho Geki ra thì ông cũng...chẳng để lại gì đáng chú ý.
Điểm sáng hiếm hoi ở cách xây dựng nhân vật trong SDG là nhân vật Sophie - cấp trên của Geki, có thể coi đây là nhân vật được xây dựng tốt nhất trong phim. Nhân vật được xây dựng theo nguyên mẫu một "bông hồng thép" với kĩ năng lãnh đạo rất ấn tượng. Mình đặc biệt thích cảnh Sophie chỉnh lại tóc mái của mình khi đi qua tấm gương. Một hình ảnh cực kỳ "phụ nữ" và không quá khi nói Sophie đã cứu cả dàn nhân vật của phim!
DIỄN VIÊN -DIỄN XUẤT
Đây có lẽ là thứ duy nhất mình có thể khen ở bộ movie này. Mika Kikuchi sau bao nhiêu năm vẫn hóa thân hoàn hảo trong vai Deka Pink đáng yêu nhưng mạnh mẽ. Những nhân vật khác trong team Deka cũng có màn thể hiện tròn vai.
Phải nói rằng nếu không nhờ diễn xuất của Hiromi Sakimoto thì nhân vật Lars sẽ không để lại gì trong tâm trí khán giả ngoài bộ giáp đi mượn. Từng biểu cảm, từng nét mặt của Hiromi Sakimoto khiến khán giả không khỏi...ghét tên phản diện này, cứu cho kịch bản 1 bàn thua trông thấy.
Diễn viên Ryoko Yuui - người thủ vai Sophie cũng cho thấy diễn xuất rất ấn tượng của mình. Từng ánh mắt, từng cử chỉ của diễn viên sinh năm 1977 này cực kỳ ăn khớp với ý đồ xây dựng nhân vật Sophie của nhà sản xuất.
TỔNG KẾT
Dekaranger là một trong những series super sentai được yêu thích nhất và đó có lẽ là lí do khiến Toei cố "hút máu" series này nhiều nhất có thể.
Space Squad: Gavan vs. Dekaranger không và không nên bị coi là một tác phẩm thất bại, nhưng nó cho thấy sự đi xuống so với chính bản thân series này và đó cũng là dấu hiệu cho việc "out meta" của dòng phim super sentai cuối những năm 201x.
Trên đây là ý kiến của mình, còn các bạn thì sao?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất