Tôi bắt đầu nhận ra bản thân đang ngày càng sống xa rời mọi người xung quanh, đặc biệt là họ hàng người thân. Trước đây, tôi luôn tưởng tượng trong đầu mình về một bức tường vô hình ngăn cách giữa tôi và mọi người. Có một số chuyện bức tường cho phép các âm thanh lọt qua và đến được với những người phía bên kia, có những chuyện thì không. Và số chuyện mà không lọt qua được thì rất nhiều và ngày một lớn hơn.
Đúng là bản thân cá nhân vẫn luôn có những thứ rất riêng tư. Rất nhiều các cảm xúc và suy nghĩ không thể biểu đạt thành lời, ngôn từ lúc này là bất lực. Những dòng cảm xúc và suy nghĩ bức bối nằm ngoài thế giới ngôn ngữ, vậy nên chúng vô nghĩa, chúng không tồn tại bởi chả ai biết về chúng cả ngoài bản thân ta. Nó riêng tư, riêng tư đến nỗi bản thân ta chỉ biết về nó chứ không thể nói về nó được.
Nhưng đa phần sự xa rời của tôi với mọi người không đến từ những suy nghĩ, cảm xúc vô ngôn kia. Tôi bắt đầu dần mất đi kết nối với những người bạn cấp ba và những người bạn thân thuở nhỏ trong các cuộc trò chuyện. Thứ tôi quan tâm cao xa, khó cảm nhận, khó trải nghiệm, với nhiều người là không thực tế. Thứ những người bạn kia quan tâm là những điều gần gũi mà bất cứ thiếu niên nào cũng biết và có thể trải nghiệm, tình yêu, tình dục, các mối quan hệ, chuyện tương lai nghề nghiệp, chuyện gia đình ngăn cấm, chuyện drama trên mạng xã hội, chuyện về đầu cơ tài chính, những trò troll hài hước, những chương trình truyền hình, những bộ phim… Thứ tôi quan tâm đầy tiêu cực, buồn bã, đầy suy tư, trăn trở. Thứ họ quan tâm đầy tích cực, vui vẻ và giải trí. Tôi chẳng hề có ý phân biệt gì ở đây, chỉ là những sự khác biệt trong mối quan tâm của riêng tôi và của hội bạn. Tất nhiên việc gộp chung thành hai chữ “hội bạn” dễ khiến tôi đánh đồng và vơ đũa cả nắm, nhưng đó là những điều tôi cảm nhận được trong các cuộc đối thoại hay hội thoại với họ.
Tôi cũng hơi có phần xa rời gia đình. Ngay cái khoảnh khắc tôi nhận ra cha mẹ tôi là những con người bình thường với đầy khiếm khuyết, tôi vừa khoan dung với bản thân, vừa khoan dung với họ và cũng trở nên xa rời hơn. Tôi không còn nói chuyện với họ về các vấn đề tôi đang đọc được, những trăn trở của tôi với tương lai đầy bất định, những quan tâm của tôi cho vấn đề to lớn khác… Tôi không nói vì tôi biết họ nhiều thiên kiến và giới hạn nhưng tôi không trách họ vì lỗi đâu phải ở họ đâu.
Tôi có một người anh, hơn tôi 8 tuổi. Cuộc sống ổng rất khó khăn thời điểm hiện tại. Công việc của anh ý tôi không muốn nói ở đây, nhưng đại loại nó là một công việc mà với một số người rất bẩn thỉu và vô nhân đạo, hay như cách nói truyền thống là công việc mà dễ để lại nghiệp cho con cháu, nhưng lại là một công việc cần thiết và cung cấp thực phẩm cho người dân. Anh ý đang ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, rất cần tiền, công việc lại nặng nhọc, vợ thì bỏ đi được 3 năm nên mọi thứ cứ một thân một mình, bên cạnh chỉ còn mẹ già và con nhỏ. Mô típ quen thuộc đúng không? Thật buồn bã làm sao khi chính người thân mình giờ đây lại rơi vào một hoàn cảnh mà trước đây tôi chỉ có xem qua tivi. Chính vì vậy, tôi mong muốn thấu hiểu anh ý và mong muốn giúp phần nào san sẻ gánh nặng. Nhưng mọi thứ tôi đang làm đây thì không được như thế. Có lẽ xuất phát điểm hai anh em khác nhau mà giờ đây sự giao tiếp giữa chúng tôi luôn có khoảng cách vô hình. Anh ý học hành không xuất sắc, thường xuyên phải đi làm các công việc tay chân nặng nhọc, gặp nhiều biến cố kém may mắn trong đời… Tôi thì học hành thuộc dạng được, chưa phải đi làm, sống trong sự bao bọc của gia đình, chưa gặp biến cố khó khăn cùng cực nào, thường xuyên tách mình khỏi đời sống thường nhật và mong muốn đi vào lãnh địa của tháp ngà tri thức… Từ hoàn cảnh tới tư duy, có lẽ đủ mọi lý do để chúng tôi dần xa rời dù tình cảm dành cho nhau luôn còn đó. Có một hôm, anh nói với tôi: “Tao mong sau này, chú em học hành mà giàu có, đi xe sang xịn thế nào, về qua cổng nhà anh thì chào nhau một cái, chứ đừng có theo cái lối sống của bọn dân thành thị kiêu căng kia. Chú mà làm thế thì tình nghĩa anh em mình chán lắm…” Ừ, tôi sợ một ngày nào đó sự xa rời sẽ đến mức như thế.
Nguồn: Portjolio
Nguồn: Portjolio
Trước đây tôi luôn cảm thấy sự khác biệt, tách biệt như vậy khiến tôi đặc biệt. Nhưng thực sự giờ đây, tôi chẳng thấy có gì “biệt” cả, chỉ đơn giản là sự kiêu căng, ngạo mạn và sống xa rời mọi người ra sao. Nhất là khi tôi luôn bô bô nói đứng về phía tầng lớp yếu thế, về phía những con người cùng khổ, hiểu thấu được các kiếp người nhưng ngay giờ đây với những người thân quen xung quanh tôi còn chưa thể hiểu, chưa thể trải lòng về những lo lắng, suy nghĩ. Có lẽ tôi đã quá suy nghĩ cao xa, viển vông, tôi đã quá khép mình và giữ khư khư bản thân hoặc có lẽ tôi đã kì vọng về sự lắng nghe ở mọi người quá nhiều hoặc là cả hai.
Tôi thích cái đầu hơn, và tôi nghĩ nó đúng hơn. Tôi muốn tự nhận trách nhiệm đó về bản thân. Tôi đã được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi rồi, để tôi ngồi đây và viết những dòng này, để tôi được đi học đại học với mong muốn len lỏi vào trong tháp ngà tri thức, nơi tôi tự do tự tại đọc, nghĩ và suy luận về đủ thứ, nói thay cho những người mà tôi không hiểu, không quen cũng chẳng biết. Tôi biết tôi đã thiếu trải nghiệm, thiếu va chạm và non nớt. Từ lâu việc được bao bọc và tạo điều kiện học hành đã khiến tôi suy nghĩ đầy mộng mơ và lý tưởng. Tôi ngồi đây và viết, trong căn phòng có điều hòa và quạt, có ghế tựa. Tôi được hưởng những điều đó vậy thì ai phải hy sinh?
Sẽ luôn có những người chịu những phí tổn từ những đặc quyền ta được hưởng. Đó là cha mẹ tôi, mùa dịch Covid cả tỉnh bị phong tỏa nhưng họ vẫn phải lao ra đường, đến các công xưởng công ty, ở lại đó và làm việc. Đó là người anh phía trên, vì dịch mà không thể có được các mối làm ăn ngon, ngày đêm sống trong lo nghĩ và áp lực. Đó là một vài người bạn dù Hanoi đã lockdown nhưng vẫn quyết tâm bám trụ. Chưa kể đến những người lao động thầm lặng ngày đêm như các cô chú lao công vệ sinh đường phố, dọn rác, những công nhân trong các nhà xưởng, những shipper vẫn đương đầu nguy hiểm, những vị y bác sĩ chống dịch… Rồi còn những người dân nghèo, những người vô gia cư, những người lao động tự do… Mùa dịch đến là họ mất miếng cơm manh áo, sống trong túng quẫn, cùng cực.
Đúng, tôi muốn hiểu họ, muốn lắng nghe tất cả bọn họ, từ gia đình, anh em, bạn bè tới những nhân vật xa lạ trong kiếp người bao la. Tôi không muốn sống xa rời như thế nữa. Bản thân được hưởng quá nhiều quyền lợi, tôi cảm thấy tôi cần có trách nhiệm gì đó với cuộc đời này. Tôi muốn đọc, muốn biết nhiều hơn, trải nghiệm và lắng nghe đời nhiều hơn. Khi tôi biết nhiều hơn, tôi sẽ mở lòng, khiêm nhường hơn, tôi sẽ khoan dung hơn với lỗi lầm và khiếm khuyết của cha mẹ, sẽ dễ dàng trò chuyện với bạn bè, sẽ đồng cảm với khó khăn của người anh trai và có lẽ, cái này tôi không chắc nữa, thấu hiểu những người lạ.
Giờ đây, tôi thật sự do dự và chần chừ. Tôi lo lắng rằng liệu mỗi lời nói, mỗi phát biểu tôi đang động chạm đến ai hay không? Tôi có đang nói thay họ những điều mà họ chẳng hề muốn và cũng chẳng cần tôi phải lên tiếng? Khi tôi nói thì điều gì sẽ phải im lặng đây? Và ti tỉ những điều tôi cần tự chất vấn khi có ý định nói thay ai đó điều gì, hay ít nhất là lời mà mình tự nói ra. Nhưng tôi mong bản thân sẽ luôn trung thực, sẽ luôn nói ra những điều tôi biết và chỉ những điều tôi biết mà thôi. Tôi cũng mong người khác như vậy. Khi ta thành thật với nhau, phải chăng là đang chấp nhận sự khác biệt và khiếm khuyết của nhau, từ đó mà khoan dung hơn, cùng nhau ta sửa sai và chẳng còn xa rời.
Giờ đây tôi chẳng mong cầu mình sẽ được lên tiếng thay ai nữa. Điều tốt nhất mà tôi có thể làm cho mọi người chỉ có thể là lắng nghe trong im lặng, và giúp đỡ trong thầm lặng. Tôi mong là tôi có thể làm được như vậy, với tất cả những đặc quyền được hưởng của mình. Dù sao thì tôi mong muốn mình làm điều tốt không phải bởi có một hệ thống luân lý tối cao nào bảo tôi làm vậy. Tôi làm vậy vì tôi muốn cuộc đời trở nên dễ dàng hơn với mọi người và sự xa rời trong tôi sẽ không còn nữa.
Như Albert Schweitzer có nói: “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.”