Sống với bản lai diện mục trong Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp
Theo phật giáo dụng ngữ, bản lai diện mục là tâm tính cố hữu của người ta, là hình dạng gốc của sự vật. Trong Tuổi 20 yêu dấu, Nguyễn...
Theo phật giáo dụng ngữ, bản lai diện mục là tâm tính cố hữu của người ta, là hình dạng gốc của sự vật. Trong Tuổi 20 yêu dấu, Nguyễn Huy Thiệp trăn trở về một bản lai diện mục mà người ta chỉ tìm được qua những tội lỗi, mất mát, đau thương, thử thách.
Tuổi 20 yêu dấu - hành trình dấm dớ, ngông cuồng của một tuổi trẻ
Cầm trên tay cuốn sách Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp tôi thấy khá nhẹ tay. Ấy vậy mà nội dung của nó lại "nặng đô" khiến tôi phải nghĩ lung lắm.
Mở đầu cuốn sách Khuê - nhân vật chính đã làm cho tôi một phen hú vía. Cậu ta ngông nghênh và láo toét quá. Cậu ta phỉ báng, chê bôi mọi thứ bằng những ngôn từ vừa trần trụi lại táo bạo. Cậu ta chỉ trích từ bậc sinh thành ra mình cho đến cả một "nền giáo dục cao cấp vĩ đại". Cậu ta gọi các giáo sư là "bọn", coi cả nền giáo dục trung học và đại học đều đáng vứt đi. Đọc xong các trang đầu tôi giật mình thon thót. Vừa lo cho "cậu ta" vừa tự hỏi không biết thế quái nào mà cái bản thảo này trèo được qua mấy cái yêu cầu, quy định và cái đầu của mấy bộ rồi mấy ông làm trên bộ gì đó nữa* .
*: Thủ tục xuất bản sách phải qua Bộ thông tin và truyền thông
Lúc ấy tôi cũng cười khẩy nữa, "Khuê là ai vậy?" cậu ta là ai, làm được cái gì, tài giỏi gì mà cậu ta láo toét vậy, cậu ta dám nói huỵch toẹt ra mấy cái suy nghĩ ấy. Cậu ta lại đánh đồng tất cả vào để chê bôi nữa. Với suy nghĩ ấy tôi tiếp tục đọc để xem, cậu ta là ai, bản lai diện mục của cậu ta là thế nào. Hành trình tiếp theo tôi thất vọng toàn tập về Khuê. Tôi những tưởng cậu ta phải cá tính thế nào, ngông cuồng thế nào chứ ai dè cũng chỉ là một thằng nhóc tuổi 20 thiếu bản lĩnh, hay giận dỗi lại còn lừa thầy phản bạn. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng, trong nền văn học Việt Nam và thế giới các nhà văn thường xây dựng hình tượng những nhân vật chính luôn ở phe Chính diện, và đây là lần đầu tiên tôi được đọc một Tiểu thuyết mà ở đó nhân vật chính có nhân phẩm và tính tình như "shit". Quả là một trải nghiệm khác lạ.
Lấy đó làm động lực tôi tiếp tục theo dõi hành trình của cậu trẻ Khuê 20 tuổi. Tôi chứng kiến cậu bỏ học, bỏ nhà ra đi, chứng kiến cậu cắm xe đạp của bạn, xe máy của anh rồi sa đà vào "chơi đồ", "giao du" với mấy kẻ nghiện hút, đánh bạn đánh bồ với mấy cô cave, lừa lọc những người rẽ ngang vào đường đời của cậu ta. Cái hành trình ấy vừa ngớ ngẩn lại vừa đáng ghét. Nhưng rồi trong cái hành trình ấy, tôi lờ mờ nhìn được "bản lai diện mục" của cậu ta.
Cậu ta chỉ là một cậu trẻ 20 dấm dớ ẩm ương, thiếu trải nghiệm và kinh nghiệm sống. Cậu ta là đại đa số những cậu ấm cô chiêu được nuôi dưỡng trong nền giáo dục gia đình và nhà trường mang tính hiện đại nửa vời và lại sống trong một xã hội có quá nhiều cạm bẫy. Mẹ cậu ta thì chiều cậu ta hết nấc, cha cậu ta thì để cho cậu ta sống thuận theo tự nhiên. Anh trai cậu ta thì có tâm hồn nghệ sĩ. Bạn bè xung quanh cậu ta lại ít thú vị. Cậu ta còn ảo tưởng sức mạnh nữa. Nên mặc dù là con nhà gia giáo nhưng việc cậu ta mắc phải mấy cái "lỗi lầm xã hội" là chuyện đương nhiên thôi.
Nhưng sau rốt, sau cái hành trình ngông nghênh đầy tội lỗi xã hội đó, cậu ta đã tìm ra được Bản lai diện mục của mình. Mặc dù nó có một cái giá khá đắt, khi cậu ta phải tự mình đối mặt với thử thách sinh tồn trên đảo hoang, thử thách tự mình mưu sinh, thử thách bị đánh đập bị chửi rủa bởi người đời, mất mát người thân - nhưng sau rốt, cậu ta vẫn sở hữu một cái kết có hậu.
Nguyễn Huy Thiệp - chất ngông vừa khiến ta cười sảng khoái lại vừa khiến ta phải e dè sợ hãi
Cuốn sách mang đậm chất Nguyễn Huy Thiệp. Mặc dù tôi không biết chất của Nguyễn Huy Thiệp là gì nhưng tôi cảm thấy cái lối hành văn trong cuốn tiểu thuyết này nó sẽ không thể lẫn với bất cứ cuốn sách nào khác mà tôi đã và sẽ đọc. Cái chất mà tôi gán cho ông ấy là cái chất ngông. Sự ngông cuồng và táo bạo trong ngôn từ, trong cái cách xây dựng nhân vật của ông đi ngược với lối mòn văn chương khiến tôi thấy thích thú. Đọc cuốn sách đã dăm bẩy lần tôi phải úp mặt vào sách mà cười một cách vừa sảng khoái lại vừa bực tức. Nhưng như đã nói ở đầu của bài viết, cái chất đó cũng khiến tôi e dè và sợ hãi. Tôi e dè thay ông bởi sự táo bạo ấy nếu đặt trong chế độ bây giờ hay trong thời đại bây giờ nó có thể là một trò chơi mạo hiểm. Nhưng sách đã được xuất bản. Và tôi đã cầm trên tay cuốn sách của ông trong đợt in đầu tiên với con số 3000 cuốn.
Nền giáo dục trung học và đại học theo tôi là một nền giáo dục ngục tù và khủng bố. Nó làm cho toàn bộ thanh niên chúng tôi trở nên kiệt sức, ấm ớ, dở hơi hoặc đểu cáng lưu manh. Tất cả những thanh niên thành đạt của nền giáo dục đó là những tên lưu manh một trăm phần trăm. Tôi xin thề như vậy.
Táo bạo phải không? Tôi không biết nền giáo dục trung học và đại học mà "Khuê" nói này là nền giáo dục nào nữa.
Tôi có bố mẹ và một thằng anh trai ngu hết chỗ nói
Thậm chí cả nghĩ chúng ta cũng chưa bao giờ dám nghĩ và gán cho những người lớn hơn ta huống gì là bậc sinh thành nhưng từ ngữ như vậy. Vậy nên khi đọc trang đầu tiên của cuốn sách mình đã thấy rất chối tai, nhưng lại cũng thấy tò mò.
Hãy đọc Tuổi 20 yêu dấu khi còn 18, 20, 22 hoặc 30
Khi tôi đọc Tuổi 20 yêu dấu, tôi đã 30. Tôi không rõ giá trị nhân đạo được truyền tải trong cuốn sách là gì, cái giá trị tồn tại trước cả chức năng giải trí hay mua vui ấy. Nhưng tôi biết rằng có những người cần đọc nó. Những tâm hồn tuổi trẻ, để viết lên đó những dòng chữ ngay ngắn chứ đừng lệch lạc. Bạn có phải một tâm hồn tuổi trẻ không?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất