Những phận người sống và chết trong những hồi tưởng, những câu thoại của "Sông" sao chỉ lướt qua trước mắt mà vẫn để lại những nỗi mênh mang sầu muộn đến vậy.


Người đọc hay gọi cô là "Má Tư", chắc họ thấy sự thân thương trong từng câu chữ mà cô viết, sự gần gụi trong từng câu chuyện mà cô kể, y như má, như mẹ nói về cô ở đầu làng, hay kể về o ở làng bên.
Đã đọc qua tản văn, cùng rất nhiều câu chuyện Nguyễn Ngọc Tư viết, lần đọc nào cũng thấy lòng mênh mang, cảm giác rười rượi, chẳng phải buồn, cũng chẳng phải sầu, mà thấy như có một cái hố thăm thắm ngăn mình với những xôn xao và rộn rã ngoài kia, lòng cứ xuội xuống và ray rứt.
Lần này đọc "Sông" - tiểu thuyết đầu tay của cô và là một tiểu thuyết dài (dài so với những câu chuyện khác mà cô kể trong "Cánh đồng bất tận" hay "Đảo" hay "Khói trời lộng lẫy") - dài như con sông Di và những mảnh đời ngổn ngang nối tiếp suốt từ hạ nguồn lên thượng nguồn, suốt từ những quãng hẹp đến những quãng rộng của sông. Câu chuyện cuốn theo dòng chảy của sông Di, theo Ân, một chàng trai đồng tính với những tâm tình thầm kín. Qua mỗi khúc sông, và mỗi một hồi tưởng của Ân, một mảnh đời lại hiện ra nhấn chìm những suy tư của mình và xoáy nó theo cái cách thật nghiệt ngã.
Theo Ân, Ân kể về những nỗi buồn mà câu chữ cứ xơ rơ vậy, như nói về củ khoai, con kiến. Ân nói về những người đàn bà nhàu nhĩ nhưng không nát - mà như kể về một người nghệ sĩ cả đời chăm bẵm cho kệt tác "phận sống" của chính mình.
Những phận người sống và chết trong những hồi tưởng, những câu thoại của "Sông" sao chỉ lướt qua trước mắt mà vẫn để lại những nỗi mênh mang sầu muộn đến vậy.
Đọc "Sông" sẽ chẳng thể nào tin trên đời lại có một tộc người như tộc người Đào - phụ nữ sinh con để bán lấy tiền và đời này nối tiếp đời kia.
Và rồi lại thảng thốt lúc Ân đi qua cái thị trấn Lệ Kiều - thị trấn đẹp nhất nước nên ai sống ở đó cũng phải đẹp.
Chỉ cần mở bất kỳ trang sách nào trong "Sông", bạn cũng sẽ thấy những cách mà Nguyễn Ngọc Tư kể, tả, nói nó thân thương và sâu sắc:
"nhựng vụn nắng vàng cốm nằm lịm trên thảm lá"
hay cách chị San nói với cháu bà chủ nhà:
"nhìn anh tôi thấy giông giống con người, sao anh không cố tử tế thêm tí nữa để thành người"
Đọc "Sông" nhiều lúc thấy như đọc một cuộc sống ở một thế giới khác, hoặc đôi chỗ lại thấy như là tương lai của thế giới này, rồi có những phận người lại làm mình nghĩ có thể cuộc sống đó nó vẫn tồn tại ở đâu đây, trong những góc khuất mà con người chưa chịu nghe, chưa chịu hiểu và chưa chịu thấu.